Tín hiệu gì khi VTV chiếu phim về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979?

Diễm Thi

Tiếng súng đã vang lên trên bầu trời biên giới

https://scontent-sjc3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/117594221_1203674843303463_3138038632678453637_n.jpg?_nc_cat=105&_nc_sid=8bfeb9&_nc_ohc=n83MZc0HZpoAX9rZkiI&_nc_ht=scontent-sjc3-1.xx&oh=023093910d979283904e491cff70b0ea&oe=5F5B672D

Tiếng súng ấy không phải đang vang lên trên biên giới Việt Trung mà đang vang lên trên VTV.

Tiếng súng ấy đã từng vang lên kinh hồn bạt vía trên bầu trời biên giới chống lại cuộc xâm lăng tàn bạo của TC 41 năm trước.

Tiếng súng ấy đã hoàn toàn biến mất hơn 20 năm qua sau khi Việt Nam và TC ký hiệp định Thành Đô trở thành bạn 16 vàng 4 tốt.

Cho dù hàng vạn nấm mộ đã cổ kính rêu phong, hàng ngàn con người thương tật trong cuộc xâm lăng dã man ấy bị bụi thời gian làm mai một dần.

Cho dù ai đó cố tình lãng quên, ai đó lên án và đe dọa trừng trị nhân dân gây chia rẽ tình hữu nghị Việt Trung làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế to lớn của họ với TC …

Cho dù hai thập kỷ qua nhân dân bị ức chế trong việc tưởng niệm và vinh danh các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống trong cuộc chiến đó.

Thì nhân dân vẫn không bao giờ quên sự dã man của TC, ký ức không thể xóa nhòa. Vẫn kiên nhẫn chờ ngày mà sự lưu manh bịp bợm của TC bị bóc mẽ, tình hữu nghị 16 vàng 4 tốt bị lật tẩy, đại cục bị vỡ ối… Và hình như cái ngày ấy đã cận kề khi TC hung hăng lấn chiếm biển đảo.

Bởi VTV vừa bất ngờ công chiếu cuốn phim tư liệu, biên tập lại tương đối đầy đủ tư liệu vệ quốc anh dũng của quân và dân Việt Nam 41 năm trước, cho công luận nhìn lại sự dã man của TC.

Người xem ngỡ ngàng và vỡ òa cảm xúc, nhiều người xúc động, những người từng là một phần của cuộc chiến ấy rưng rưng.

Dẫu biết rằng, nếu quan hệ Việt Trung không quá xấu, thì có cho kẹo Việt Nam cũng không dám công chiếu cuốn phim này.

Dẫu biết rằng đã có cái gì đó khác lạ khi báo chí dám gọi tên cúng cơm Trung Quốc thay vì úp mở nước lạ như lâu nay.

Dẫu biết rằng không phải không có gì đó khi Việt Nam quyết liệt canh giữ biên giới, ngăn chặn và truy bắt dân TC nhập cảnh trái phép, dù Việt Nam có lý do chống dịch cúm Tàu để làm điều đó.

Song khi cuốn phim tư liệu về cuộc chiến 1979 được phát sóng, mọi người đều ngạc nhiên và đánh giá cao cuốn phim này.

Chắc là cơm không lành canh không ngọt trong quan hệ hai nước, nên Việt Nam cho công chiếu cuốn phim này như là một bước chạy đà dọn đường cho những ngày phức tạp khó nói phía trước, và rất có thể Việt Nam khó tránh một trận thượng cẳng tay hạ cẳng chân với TC?

Nguyen Khan

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 17 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2016.

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 17 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2016. Reuters

Ý đảng lòng dân hội tụ?

Tối 11 tháng 8 năm 2020, VTV1 chiếu bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020.

Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

Chuyện một đài truyền hình quốc gia chiếu một bộ phim nhắc lại việc tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng, “Dạy cho Việt Nam một bài học” khiến các nhà nghiên cứu nhận ra có một sự thay đổi trong cách đưa tin của ban tuyên giáo.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, ông dường như không coi phim trên VTV bao giờ, nhưng không hiểu sao ông lại mở VTV vào tối 11 tháng 8 năm 2020 và sững sờ với những gì diễn ra trước mắt mình. Ông chia sẻ:

“Khi VTV1 bắt đầu phát bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình: Năm 1979” thì tôi vẫn nghĩ đây là một bộ phim tuyên truyền. Nhưng khi xem, tất cả những thước phim tư liệu, tất cả những hình ảnh nó không mới nhưng tất cả những lời bình nó quá đanh thép. Nó làm cho chúng tôi khóc. Thời điểm 1979 chúng tôi là những người lính, những người bộ đội trực tiếp chiến đấu trên biên giới Tây Nam. Nó nhắc lại tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là do sự sắp xếp của các cường quốc trên thế giới và Trung Quốc lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, bộ phim cho thấy tiếng nói của đảng cộng sản Việt Nam, tiếng nói của chính phủ Việt Nam đang nói cho tiếng nói của nhân dân từ năm 1979 tới nay. Cái quyền lợi của đảng phái, của dân tộc, của đất nước hình như đang hội tụ vào trong thời điểm này. Cái thời điểm mà chúng ta phải giữ hòa bình nhưng cũng phải chuẩn bị chiến tranh dù Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979 dường như bị chính quyền Việt Nam cố tình quên lãng khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1990. Việc gọi tên Trung Quốc là kẻ xâm lược cũng không thấy xuất hiện trên mặt báo hay bất cứ chương trình truyền hình nào. Người dân tổ chức tưởng nhớ ngày 17 tháng 2 năm 1979 thì bị chính quyền ngăn cản, thậm chí đàn áp, đánh đập…

Tại sao chính phủ Việt Nam bất ngờ “chỉ mặt đặt tên” Trung Quốc trong bộ phim truyền hình được sản xuất năm 2020 này?

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Hà Hoàng Hợp nhận định:

“Cái chốt của vấn đề là từ trước đến nay thì các hế hệ lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam vẫn nhìn rõ bản chất của đảng cộng sản Trung Quốc. Tức là người ta không bao giờ đánh giá ngược lại chuyện đã xảy ra năm 1979 cả mà người ta chỉ nói nhẹ đi thôi.

Bây giờ đang lúc có nguy cơ Trung Quốc có thể gây chiến tranh ở đâu đó và có thể tấn công Việt Nam. Cái phim này người ta làm ra rất nhanh và công khai hóa để nói cho người dân cũng như nói cho Trung Quốc và các nước khác thấy được cái thái độ của đảng cộng sản Việt Nam đối với việc đảng cộng sản Trung Quốc đang làm gì, và để nói lên bản chất quan hệ hai nước bây giờ.”

Ông Hợp nói thêm rằng, chính quyền luôn dựa vào dân và họ dựa theo nhiều kiểu. Có kiểu mang tính chất áp đặt và áp bức. Nhưng rõ ràng nếu không có sự ủng hộ của người dân thì chính quyền không thể làm được gì nên phải làm điều thuận lòng dân trong tình hình hiện nay.

Thông điệp cho Trung Quốc

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 16 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2014.

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 16 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2014. Reuters.

Bộ phim nêu chi tiết, ngày 17 tháng 2 năm 1979, 60 vạn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.

Ngày 18 tháng 2 năm 1979, trang nhất Báo Nhân Dân đăng toàn văn tuyên bố của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lươc Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc và nêu cao quyết tâm bảo vệ tổ quốc.

Bộ phim này được truyền hình Báo Nhân Dân sản xuất năm 2020 nhưng tất cả những tư liệu sử dụng đều là những tư liệu trên 40 năm qua.

Là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ tổ quốc vào tháng Hai năm 1979, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:

“Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình. Dù còn một phút để đàm phán hòa bình, giữ vững sự ổn định để phát triển thì Việt Nam vẫn làm. Nhưng nếu kẻ thù buộc Việt Nam phải ôm súng thì Việt Nam vẫn chứng tỏ được truyền thống 4000 năm của dân tộc.

Ai cũng muốn hòa bình, không ai muốn chiến tranh nhưng nếu Bắc Kinh muốn xé toạc tất cả các công pháp quốc tế, xóa Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982, xé toạc tình hữu nghị Việt Trung và tất cả các quan hệ đồng chí, anh em thì Việt Nam phải có tiếng nói chính thức đối với cộng đồng quốc tế.”

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp đưa ra một đánh giá chung về quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, cũng như cách hành xử của chính phủ Việt Nam:

“Cái này mình thấy là nó có hai cái đường đi song song với nhau. Một đường là quan hệ hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Một đường là quan hệ hai đảng cộng sản cầm quyền. Cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều xử lý rất rõ rằng, lợi ích quốc gia đặt lên trên lợi ích đảng cầm quyền. Không thể có chuyện quan hệ giữa hai đảng mà làm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đặc biệt là từ phía Trung Quốc xâm hại lợi ích quốc gia Việt Nam như chiếm đất hay xâm lược hay phá hoại. Đó là điều họ nói với nhau từ rất lâu rồi.”

Ông cho biết, vừa rồi khi soạn thảo dự thảo báo cáo chính trị cho đại hội 13 của đảng cộng sản Việt Nam, người ta cũng nói đến một điểm chắc chắn là hiện nay vấn đề Biển Đông với quan hệ Trung Quốc là vấn đề khó khăn nhất và rủi ro nhất đối với Việt Nam, và còn kéo dài. Nhưng không ai đả động đến chuyện ‘hữu nghị’ hay ‘đại cục’ như trước nữa.

Ông Hợp dẫn lại câu nói của bậc tiền bối mà người dân Việt Nam thường xuyên nhắc lại, là câu nói của nhà chính trị Nguyễn Trãi: “phúc chu thủy tín dân do thủy”, tức “lật thuyền cũng do dân mà nâng thuyền cũng do dân”.

D.T.

Nguồn: RFA

This entry was posted in 40 năm Chiến tranh biên giới. Bookmark the permalink.