Biển Đông: Trung Quốc gặp gió ngược nhưng Việt Nam vẫn dè dặt

Trọng Nghĩa

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc cùng diễn tập trên Biển Philippines ngày 21/07/2020. Commander, Task Force 70 / Carri – Petty Officer 2nd Class Codie So

Tháng 7/2020 đánh dấu một thay đổi quan trọng trong tình hình Biển Đông. Ngay sau khi chính quyền Donald Trump khẳng định trở lại, nhưng một cách mạnh mẽ hơn, lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, nhiều nước trong và ngoài vùng, bằng cách này hay cách khác đều có tuyên bố phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á. Dứt khoát khác thường là công hàm của Úc gởi lên Liên Hiệp Quốc.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là Việt Nam, nước hiện đang ở tuyến đầu trong mặt trận chống những hành vi áp đặt yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, sẽ phản ứng thế nào trước những chuyển biến trên đây, được cho là rất có lợi cho Hà Nội.

Trong bài phân tích “Phản ứng của Việt Nam trước những thay đổi trong cách Mỹ tiếp cận Biển Đông”, đăng ngày 03/08/2020 trên trang mạng của trung tâm tham vấn Mỹ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại CFR (Council on Foreign Relations), chuyên gia Lê Thu Hường, thuộc viện nghiên cứu Úc ASPI, đã ghi nhận thái độ khá thận trọng của Việt Nam trước các chuyển biến mới đây trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ: Từ trung lập sang cáo buộc các hành vi “phi pháp” của Trung Quốc

Đối với tác giả bài phân tích, yếu tố quan trọng nhất cần phải chú ý trong tình hình Biển Đông hiện nay là sự kiện Hoa Kỳ đã thay đổi thái độ, chuyển từ một quan điểm trung lập cứng nhắc, không đứng về bên tranh chấp nào, sang một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách biển của Bắc Kinh bị xem là quá đáng và bất hợp pháp.

Theo chuyên gia Lê Thu Hường, chính quyền Donald Trump đã phản bác các yêu sách của Trung Quốc, căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS năm 1982, cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 phủ nhận tính hợp pháp của các yêu sách trong “đường lưỡi bò” Trung Quốc.

Tác giả đặc biệt ghi nhận lời lẽ cứng rắn ngày 13/07 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong bản tuyên bố “Quan điểm của Mỹ về tranh chấp ở Biển Đông – U.S. Position on Maritime Claims in the South China Sea.” ghi nhận rằng Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý muốn lên vùng” và các đòi hỏi của Trung Quốc “không có bất kỳ cơ sở nào trong luật quốc tế”.

Thông cáo của ngoại trưởng Mỹ đã được trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, David Stillwell, cụ thể hóa thêm sau đó nhân hội nghị lần thứ 10 về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, đả kích các hành vi của Trung Quốc phớt lờ quyền của các láng giềng Đông Nam được tiếp cận với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Úc: Lập trường ủng hộ Mỹ một cách rõ rệt

Quan điểm mạnh bạo của Úc cũng được chuyên gia Lê Thu Hường nhấn mạnh, nhắc lại nội dung công hàm mà Canberra gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 23/07.

Ngoài các từ ngữ rất giống với thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ. thời điểm Úc gởi công hàm rất đáng chú ý vì diễn ra trước cuộc họp bộ trưởng Mỹ-Úc2+2 tại Washington, gồm ngoại trưởng  Mỹ Mike Pompeo, Úc Marise Payne, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và đồng nhiệm Úc Linda Reynolds.

Văn kiện Úc cũng được công bố ngay sau khi Canberra đưa ra một bản cập nhật chiến lược mới (Strategic Update 2020 and Force Structure Plan), nhắm điều chỉnh hướng đi cho tương ứng với mối đe dọa ngày càng cao đến từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia Lê Thu Hường chuyển biến lập trường gần đây tại Washington và Canberra không mới lạ mà cũng không đáng ngạc nhiên. Mỹ và Úc chỉ khẳng định lại quan điểm với ngôn từ dứt khoát hơn mà hai nước từng có liên quan đến phán quyết 2016.

Tuyên bố của Mỹ và Úc: Một cái mốc quan trọng trong vấn đề Biển Đông

Trong chiều hướng quan hệ đang xấu đi của hai nước này với Trung Quốc, những tuyên bố mới của Mỹ và Úc dù không có gì là đột ngột, nhưng đã đánh dấu một cái mốc quan trọng liên quan đến Biển Đông, bác bỏ một cách rõ ràng hơn yêu sách của Trung Quốc và hậu thuẫn công khai cho vai trò của luật quốc tế.

Tuy nhiên, chuyên gia Úc đã thấy rằng các nước Đông Nam Á đã có phản ứng khác nhau trước các thông báo của Mỹ và Úc, có một số ít công khai và trực tiếp nêu lên những thông cáo, và một vài nước khác thì lại cho rằng quan điểm có vẻ mới của Mỹ thật ra không phải là để đề cao luật quốc tế, mà là để leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Việt Nam: Hoan nghênh Mỹ-Úc, nhưng thận trọng trước Trung Quốc

Về phản ứng của Việt Nam, tiến sĩ Lê Thu Hường ghi nhận rằng những diễn biến kể trên đã được chính phủ Việt Nam hoan nghênh, mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn giữ thái độ thận trọng khi phản ứng trước các động thái của Hoa Kỳ và Úc.

Có nhiều lý do để Việt Nam phấn khởi trước việc Mỹ và Úc thay đổi giọng điệu về Biển Đông. Với việc các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines và Malaysia thường tránh chỉ trích công khai các hành động của Trung Quốc, Việt Nam ngày càng cảm thấy bị cô lập trong khu vực.

Ngoài ra, vào lúc toàn thế giới bị dịch Covid-19 chi phối, và các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề, những nỗ lực gần đây của Việt Nam nhằm đánh động quốc tế về những điều mà Việt Nam xem là hành vi sách nhiễu và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ như vô hiệu, ít ra là cho đến gần đây.

Trong bối cảnh không có gì có thể kìm hãm các hành vi của Bắc Kinh, Việt Nam đã bị thiệt hại cả về chiến lược và kinh tế. Một ví dụ cụ thể: Áp lực liên tục của Bắc Kinh và những hành vi của Trung Quốc nhằm giới hạn các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, theo một ước tính, đã khiến cho Việt Nam bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đô la.

Tuy nhiên, việc Hà Nội hoan nghênh các cách tiếp cận cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và Úc đối với Biển Đông không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội này để khởi động các vụ kiện đã được xem xét từ lâu nhằm chống lại Trung Quốc, hoặc thậm chí đẩy nhanh tiến độ hình thành một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện hiện có.

Hà Nội sẽ tránh đưa ra những quyết định lớn cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngã ngũ, thế nhưng, theo tác giả bài phân tích, Việt Nam vẫn hy vọng rằng các tuyên bố mới của Hoa Kỳ và Úc là dấu hiệu phản ánh một cam kết rõ ràng của hai cường quốc này sẽ dấn thân mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông.

T.N.

Nguồn: RFI

This entry was posted in Biển Đông, Việt - Trung. Bookmark the permalink.