Nguyễn Đình Cống
Đó là đoạn đầu của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng. Nó là Lời nói đầu hoặc Lời giới thiệu, nhưng không được đặt tên nên tôi tạm đặt cho nó là Khúc dạo đầu. Nguyên văn như sau:
Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII , gắn với đánh giá tổng quát quá trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Đại hội được tiến hành theo phương châm Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển với chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, đầu tháng 8/2020, Dự thảo báo cáo trình ĐH 13 còn là tài liệu mật, chỉ lưu hành nội bộ, nhưng do vô tình tôi có được một bộ. Đọc một lần thấy nó quá dài dòng. Nếu đọc qua, đọc từng câu, từng đoạn ngắn rời rạc thì thấy câu nào, đoạn nào cũng có ý hay. Nhưng khi đọc toàn bộ mới thấy có nhiều rơm rác.
– “ĐH XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.
Ý này thừa và có thể là lộng ngôn. Thừa vì ai chẳng biết ĐH Đảng lần nào mà chẳng quan trọng. Lần này “đặc biệt quan trọng”. Nó đặc biệt chỗ nào, có cái gì động trời sắp xảy ra chăng?
– “Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII”
Ý này hoặc là thừa hoặc là thiếu. Thừa vì ĐH nào mà chẳng kiểm điểm…, việc này mọi người đã biết rất rõ. Chỉ có ĐH nào không kiểm điềm mới nên viết ra. Nếu cho rằng người ta biết cả rồi nhưng cần phải viết ra cho rõ thì lại trở nên thiếu. Thế công tác nhân sự thì sao, nó không quan trọng bằng việc kiểm điểm à, sao không viết, cố tình hay vô ý bỏ qua?
– “gắn với đánh giá tổng quát quá trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045”
Ý này thể hiện giáo điều và ảo tưởng. Giáo điều ở chỗ vạch kế hoạch 5 năm. Đó là sản phầm của nền kinh tế kế hoạch hóa theo mô hình Liên Xô. Phải chăng kiểu đó đã quá lỗi thời và nhiều nước phát triển không làm kế hoạch và đặt chỉ tiêu như thế. Ảo tưởng ở chỗ vạch ra nhiệm vụ 10 năm và tầm nhìn đến năm 1945. Trong thời buổi có nhiều biến động thì vạch kế hoach những việc muốn làm và đặt ra các chỉ tiêu lâu dài là ít có giá trị thực tế. Đường lối và cách làm linh hoạt quan trọng hơn.
– Đoạn về phương châm của ĐH
Liệu có nhất thiết phải nêu phương châm? Nêu ra để làm gì? Xin kể ra phương châm của vài ĐH:
ĐH X: Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới, Phát triển
ĐH XI: Đổi mới, Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết
ĐH XII: Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới
ĐH XIII: Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển
Hình như nêu ra phương châm chỉ là hình thức. Liệu có ai dựa vào phương châm để tiến hành công việc? ĐH nào cũng nêu phương châm đoàn kết, nhưng sự đoàn kết thực sự diễn ra như thế nào thì nhiều người biết rõ. ĐH XIII nhắc lại phương châm Phát triển của ĐH X (ĐH XI và XII không có, phải chăng thời gian đó không cần phát triển?) và có thêm Sáng tạo. Đây chưa phải là sáng tạo trong khoa học mà là sáng tạo trong ĐH. Chờ xem ĐH XIII có những sáng tạo gì.
Hình minh hoạ.
– Có phương châm rồi còn có chủ đề
ĐH IX- Phát huy sức mạnh dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. (31 chữ)
ĐH X- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. (38 chữ)
ĐH XI- Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. (47 chữ)
ĐH XII- Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nhiệp theo hướng hiện đại. (67 chữ)
ĐH XIII- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. (87 chữ)
Phương châm càng ngày càng dài. Phải chăng trí tuệ càng tăng?
Đọc kỹ các chủ đề, bỗng hiện ra câu hỏi: Chủ đề của ĐH hay của cái gì khác? Cứ theo câu văn: “Đại hội được tiến hành theo phương châm xxxx với chủ đề xxxxx” thì phải hiểu chủ đề của ĐH. Nhưng theo nội dung thì có lẽ không phải.
Đi sâu phân tích từng ý trong Chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Có thể chấp nhận việc nói một câu như thế, nhưng viết văn kiện như vậy là chưa chính xác. Xây dựng là làm ra một vài cái gì đó mới, trước chưa có. Chỉnh đốn là sửa sang, sắp đặt lại thứ đã có. Đảng, hệ thống chính trị là thứ đã có. Việc xây dựng và chỉnh đốn là khác nhau, ghép chung lại là thiếu chặt chẽ.
Trong câu đó mấy từ “trong sạch, vững mạnh” đóng vai trò ngữ pháp nào? Phải chăng nó là tính từ, bổ nghĩa cho hệ thống chính trị? Mà hệ thống chính trị lại là bổ ngữ trực tiếp của vị ngữ xây dựng: Xây dựng cái gì? Xây dựng hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị nào? Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Vấn đề ở đây không phải là xây dựng hệ thống từ đầu mà hệ thống đã có sẵn, nhưng chưa được trong sạch, chưa được vững mạnh. Cần làm cho nó trong sạch, vững mạnh, như vậy cách viết “Xây dựng … hệ thống chính trị trong sạch”. có thể hiểu đó là một hệ thống khác với hệ thống đang tồn tại, không trong sạch. Hoặc hiểu “Chỉnh đốn hệ thống chính trị trong sạch…” có nghĩa hệ thống hiện tại là trong sạch, cần chỉnh đốn nó.
– “phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”
Ý này khá sáo rỗng. Liệu dân tộc đã có sức mạnh đại đoàn kết hay chưa? Ý chí, khát vọng của dân tộc là gì? Phải chăng là xây dựng chế độ XHCN? Sức mạnh thời đại, nó là “ba dòng thác cách mạng” hay công nghệ 4.0? Trước đây cho rằng “sức mạnh thời đại” là Phe XHCN. Ngày nay sức mạnh đó là gì? Là sự bành trướng của Trung cộng hay là sự liên kết chống lại nó?
– “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo”
Trong ý này, từ sáng tạo đóng vai trò ngữ pháp nào? Nó là danh từ làm bổ ngữ cho động từ đổi mới hay là làm trạng từ (trả lời câu hỏi đổi mới như thế nào)? Nếu cho là bổ ngữ thì quá vô lý, vì sáng tạo có cần gì đổi mới, đổi mới sáng tạo là đổi mới cái gì? Nếu định dùng làm trạng từ thì viết như vậy chưa đủ. Viết ra ý này chứng tỏ tư duy mơ hồ. Người ta nghiện từ đổi mới, dùng nó bừa bãi, thêm thắt nhiều màu mè vô nghĩa.
– “Phát triển nhanh và bền vững…”
Thế giới chủ yếu nhấn mạnh đến phát triển bền vững. Việt Nam thêm vào phát triển nhanh. Bền vững và nhanh có nhiều điểm mâu thuẩn nhau. Làm nhanh thì rất khó giữ bền vững. Nói phát triển bền vững trong mấy chục năm qua, nhưng càng phát triển thì tài nguyên và môi trường càng bị hủy hoại, đạo đức càng xuống cấp.
Xin hãy bỏ tham vọng phát triển nhanh để tăng GDP ảo, để tuyên truyền về ưu việt của chế độ và sáng suốt của lãnh đạo. Tôi cho rằng hiện nay mà đặt yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế là một sai lầm lớn trong đường lối. Hãy đặt việc bảo vệ môi trường, khôi phục văn hóa và đạo đức lên hàng đầu.
– “Giữ vững môi trường hòa bình”
Khái niệm “Môi trường hòa bình” không rõ. Hai ý: giữ vững hòa bình và giữ vững môi trường hòa bình có gì khác nhau? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa môi trường là: 1- Nơi xảy ra một hiện tượng, một quá trình; 2- Toàn bộ những điều kiện tự nhiên, xã hội. Hình như viết câu này người ta có một ẩn ý gì đó.
– “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
Dùng cụm từ “nước phát triển” ngắn hơn, hay hơn cụm từ “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã dùng trước đây. Tuy vậy ý này có ba điểm cần bàn. Thứ nhất là cái đuôi định hướng mà đã có nhiều người phân tích. Thứ hai là mốc hoặc chỉ tiêu về thời gian. Đây là một thói quen, một cái bệnh của nền kinh tế kế hoạch hóa chưa chữa được. Thứ ba là nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện.
Về lâu dài thì “nước phát triển” hoặc “dân giàu nước mạnh” chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Ngay cả độc lập, dân chủ, thống nhất là mục tiêu trong một giai đoạn, còn về lâu dài cũng chỉ là phương tiện. Hồ Chí Minh từng nói một câu rất chuẩn, đại ý là: Đất nước độc lập thống nhất mà dân không có tự do và hạnh phúc thì độc lập thống nhất chẳng có ý nghĩa gì.
Mục đích lâu dài của một đất nước là TỰ DO và HẠNH PHÚC của toàn dân và của mỗi người. Cứ chăm chăm nhắm vào một thứ mơ hồ mà không tập trung ngắm vào cái đích tự do hạnh phúc là vô minh.
Đọc kỹ có mấy câu thôi (165 chữ) mà đã phát hiện ra nhiều điều sáo rỗng và thiếu chính xác! Tôi đã phản biện từng ý, từng câu, phân tích xem nó đúng sai, hay dở chỗ nào. Chắc sẽ có ý kiến cho rằng tôi bới móc, bắt bẻ vô lối, xuy mao cầu tì (thổi lông tìm vết). Tôi công nhận có việc ấy thật, nhưng để làm gì cơ chứ? Nếu đây là bài viết của một học sinh trung học cơ sở thì ngoài thầy dạy văn ra chẳng mấy ai đếm xỉa làm gì. Nhưng đây là văn kiện được cho là quan trọng. Như vậy nó phải được viết thật chính xác. Nó là văn kiện chứ không phải văn nói. Có người còn muốn nó là Văn Bia.
Tôi cũng mong góp phần làm trong sáng tiếng Việt. chứ không dừng lại ở chỗ góp ý cho Dự thảo báo cáo. Kính mong các bậc cao minh, các nhà ngôn ngữ học, các bạn có quan tâm, nếu phát hiện tôi hiểu nhầm, viết sai chỗ nào thì xin vui lòng chỉ giáo, gọi cho số điện thoại 0389 578 620 hoặc viết cho email ndcong37@gmail.com.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN