Cuộc chiến công hàm

Nguyễn Nam

Từng có lo ngại Việt Nam ‘đứng một mình’ nếu Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không ở Hoàng Sa, giờ cũng tạm thời bớt lo rồi…

Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi

“Chính phủ Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”, Úc nhấn mạnh trong công hàm ngày 23-7(*)

Công hàm Úc cũng nhấn mạnh cái gọi là quyền lịch sử và quyền hàng hải “đã được thiết lập từ lâu” mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho Đường 9 đoạn là “trái với UNCLOS” và “vô giá trị”. Canberra khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đã làm rõ điều này. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay Trung Quốc vẫn phớt lờ, thậm chí gọi tòa án và phán quyết của tòa là “bất hợp pháp”.

“The world cannot be safe until China changes – Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi”, một nhận xét của Tổng thống Nixon ở năm 1967(**) xem ra vẫn còn thời sự đến hôm nay.

Học giả Trương Nhân Tuấn đưa ra dự báo là lập trường của Úc qua văn kiện nói trên là “có lợi” rất lớn cho Việt Nam. Từ nay Việt Nam không “cô đơn” trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Lo ngại Việt Nam “đứng một mình” nếu Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không ở Hoàng Sa cũng tạm thời bớt lo.

Qua sự tham gia của Úc, có lẽ các quốc gia khác như Nhật, Ấn Độ, Anh và có thể các quốc gia Châu Âu… sớm muộn rồi cũng sẽ tham gia ‘cuộc chiến các công hàm’ – ông Trương Nhân Tuấn, nhận định.

Tưởng rằng mượn gió bẻ măng…

Nhà báo Đào Danh Đức, một cây bút chuyên bình luận quốc tế, nói rằng Tôn Tử ở bên Trung Quốc, trong binh pháp của ông từng viết: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”. Thế nhưng những hậu duệ của Tôn Tử có vẻ đang quá háo hức, chỉ nhớ nửa ý đầu “trăm trận trăm thắng”, mà quên hai ý sau nên đã đánh giá sai tình hình.

“Có thể nào sau khi dập tắt ổ dịch Vũ Hán với thiệt hại có thể là ít hơn hẳn so với nhiều cường quốc khác nên Trung Quốc tin rằng thiên thời của họ đã đến? Đồng thời nhìn thấy nhiều nước vẫn phải bế quan tỏa cảng vì dịch bệnh mà tin rằng địa lợi đã sẵn sàng, đến mức quên để ý thiên hạ đang “nhìn” Trung Quốc ra sao, cả trước và trong cơn đại dịch?

Mới đây, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đặt câu hỏi trên CNN: “Hoa Kỳ đã sẵn sàng sống với một quốc gia khác có nền văn hóa rất khác, một hệ thống chính trị và kinh tế rất khác biệt… trong hòa bình và hợp tác về rất nhiều thách thức toàn cầu vẫn đang gia tăng hay chưa?”; và: “Mọi người phải nhận thức đầy đủ về các thực tế của thế giới ngày nay… Chúng tôi chắc chắn có quyền hợp pháp để xây dựng đất nước của chúng tôi thành một quốc gia hiện đại, mạnh mẽ, thịnh vượng như mọi quốc gia khác trên thế giới”.

Chuyện Trung Quốc không muốn các nước khác thân với Mỹ hơn là điều nay đã được bộc lộ công khai, và các nước này hầu hết đều là gần Trung Quốc hơn gần Mỹ về mặt địa lý, không ít nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phải chăng đó là địa lợi?” – Bình luận viên chính trị Đào Danh Đức, đặt vấn đề.

Lý giải của nhà báo Danh Đức, là: “Có lẽ do đã quá đà, nhất là trong thời buổi đại dịch mà nhà nhà đều rơi vào tâm trạng lo lắng, các nước lại càng ái ngại hơn những động thái quá mạnh bạo của Trung Quốc, đặc biệt là quanh Biển Đông. Trái lại, Mỹ được “một châu Á đang căng thẳng hoan nghênh trong tiếng thở phào nhẹ nhõm”, Asia Sentinel 16-7 chạy tít.

Tại sao châu Á thở phào? Lý giải của báo này: “Quyết định của Hoa Kỳ tuần trước triển khai chính sách với Biển Đông dựa trên phán quyết do Tòa án Trọng tài đưa ra năm 2016 căn cứ Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), trong vụ kiện của Philippines, phù hợp với các lập trường của các quốc gia ven biển không phải là Trung Quốc gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia”.

Cụm từ “các quốc gia ven biển không phải là Trung Quốc” (the non-Chinese littoral states) có vẻ dài dòng, rối rắm không cần thiết, nhưng nó có ý đồ rõ ràng là cho thấy có hai nhóm nước ven biển: Trung Quốc và không-phải-Trung-Quốc.

Lần theo ngày tháng, giữa cảnh bất đồng, nay Hoa Kỳ đưa ra thông báo về Biển Đông dựa theo phán quyết của tòa cách đây bốn năm từng tuyên “không có bất kỳ tảng đá, bãi cát và thực thể nào khác trên biển đủ tiêu chuẩn để thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và chỉ có thể yêu cầu lãnh thổ trong phạm vi 12 hải lý”.

Tòa cũng đã “bác các yêu sách Đường chín đoạn của Trung Quốc dựa trên giải thích lịch sử của chính họ trong khi thản nhiên không ngó ngàng đến lịch sử của người Malay và người Việt vốn từng sống ở phần lớn vùng bờ biển và cả trên biển trong ít nhất bốn thiên niên kỷ”.

Ai gieo gió, kẻ ấy ắt gặt bão

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompe nói rằng, “Cách duy nhất để thật sự làm Trung Quốc thay đổi là hành động không dựa theo những gì các nhà lãnh đạo của họ nói, mà dựa theo cách họ hành xử”. Mẫu câu này dường như được Việt hóa, qua nhắc nhở để đời của vị Tổng thống thời Đệ Nhị Cộng hòa: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!”.

Từ góc nhìn phân tích của Trương Nhân Tuấn và Đào Danh Đức ở trên, cho thấy nếu có ai đó cắc cớ nêu câu hỏi, hay chê trách việc “kết bè hiệp đảng” như vậy ở Biển Đông và Thái Bình Dương, xem ra chính là cố tình nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hệ quả. Câu hỏi thật ra đơn giản mà thôi: Ai làm Biển Đông dậy sóng?

Ông bà mình nói gọn hơn: Ai gieo gió, kẻ ấy ắt gặt bão. Đơn giản vậy thôi.

N.N.

_________

Chú thích:

(*) https://www.theaustralian.com.au/nation/australia-joins-us-in-declaring-beijings-south-china-sea-claims-illegal/news-story/11b18a4bf4e63764a871771ba033b458

(**) https://www.state.gov/communist-china-and-the-free-worlds-future/

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Mặt thật của Tàu Cộng. Bookmark the permalink.