Hoài Nguyễn
Việt Nam vừa đưa ra thông điệp về Biển Đông: “Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh, nhưng để bảo vệ được lẽ phải, cần có sức mạnh”.
Trong những ngày gần đây, cục diện địa chính trị dồn dập những tuyên bố khẳng định về sức mạnh của cộng đồng trước những thách thức bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, có thể kể đến: Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo; Các quan chức ngoại giao làm rõ hơn chính sách của Hoa Kỳ; Các nghị sỹ Mỹ ủng hộ Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ và dự đoán đụng độ; Phản ứng từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc;
Điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Singapore; Điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Thái Lan; Bắc Kinh cố gắng xử lý căng thẳng với Việt Nam; Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Philippines;
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines; Lập trường của Đài Loan; Bình luận của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia; Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Malaysia. Báo cáo của chính phủ về việc hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Malaysia; Bình luận của Úc; Bình luận của Ấn Độ…
Với riêng người Việt Nam, vẫn là thắc mắc cũ: Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được khích lệ bởi sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, qua đó sẽ chấm dứt chính sách lâu nay vẫn được gọi là ‘đu dây’?
Câu trả lời mà nhiều người cảm nhận qua dồn dập tin tức về Mỹ – Việt, cho thấy có lẽ ở nhiệm kỳ mới của đảng chính trị – đây cũng là thời gian của đồn đoán về một Hiệp ước Thành Đô biến Việt Nam trở lại thời kỳ “Bắc thuộc” – những người cộng sản Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong khẳng định, “láng giềng vẫn là láng giềng, đối tác vẫn là đối tác, vẫn cứ hợp tác toàn diện, vẫn cứ hướng tới tương lai… Nhưng các quan hệ này phải trên một nền tảng minh bạch, không ngộ nhận, không mơ hồ”.
Có lẽ đã đến lúc cơ quan Tuyên giáo Trung ương Đảng cần mạnh dạn đặt hẳn vấn đề trên công luận cả ‘lề trái – lề phải’ rằng cần sòng phẳng với lịch sử. Theo đó, có thể vẫn giữ nguyên kết cấu lập luận kiểu đồng ý rằng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước mấy chục năm trước nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã kiên trì chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ.
Trong các thời kỳ khó khăn gian khổ ấy, những người cộng sản Việt Nam ghi nhớ công ơn giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng, sự hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào việc Pháp và các nước phương Tây năm 1954 buộc phải ngồi vào bàn thương lượng với Trung Quốc để giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương, tạo điều kiện cho Trung Quốc đột phá bức màn chiến tranh lạnh sau cục diện Triều chống Mỹ ở Triều Tiên.
Tại Hội nghị Geneve 1954, Ngoại trưởng Mỹ từ chối bắt tay Thủ tướng Trung Quốc, nhưng đến năm 1972, Tổng thống Mỹ phải đến Bắc Kinh để thúc đẩy giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam, từ đó mở ra cục diện mới quan hệ Trung – Mỹ.
Trong lúc đó thì ngay từ sau tháng 4-1975, phía Trung Quốc đã lộ hẳn dã tâm với Việt Nam, là chuyện người Trung Quốc thường đề cao phương châm “nước mạnh ắt bá quyền”. Cứ mỗi lần, khi hai nước có đụng độ trên biển, các phần tử hiếu chiến của nhà nước cộng sản Trung Quốc lại đe dọa động binh, hòng gây mất ổn định Việt Nam.
Việt Nam vì lợi ích ổn định, an ninh, phát triển lâu dài đất nước, không thể để mất quyền chủ động chiến lược và những con bài chiến lược bởi sự nhún nhường suốt gần nửa thế kỷ nữa.
Đã đến lúc mà cơ quan Tuyên giáo Trung ương Đảng phải quyết liệt hơn khi nhìn thẳng vào sự thật, là ngay trong giai đoạn mà các chữ vàng và những điều tốt được nhắc đi nhắc lại, thì Trung Quốc tích cực tranh chấp, tích cực khai thác Biển Đông, đàn áp ngư dân Việt Nam hoạt động trên những ngư trường truyền thống, cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, v.v. Trong quan hệ kinh tế đó với người láng giềng 16 vàng – 4 tốt, Việt Nam phải trả một giá cao; và cái giá này còn đắt hơn khi đã làm xói mòn lòng tin của dân chúng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể cải biên đôi chỗ từ lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12-1946 của Hồ Chí Minh để làm rõ hơn ý ở trên của thông điệp hôm nay, “Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh, nhưng để bảo vệ được lẽ phải, cần có sức mạnh”:
“… Chúng ta muốn hòa bình để xây dựng lại đất nước, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thì những người cộng sản Trung Quốc càng lấn tới, vì chúng quyết tâm muốn biến nước ta trở lại như thời Bắc thuộc. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu Bắc thuộc, nhất định không chịu làm nô lệ cho một thể chế chính trị nào của giặc ngoại xâm, đặc biệt khi đó lại là cộng sản Trung Quốc”.
***
Theo thỏa thuận nhằm tăng cường thực thi pháp luật thủy sản mới đây, đại sứ Mỹ tại Việt Nam nêu mong muốn hợp tác cùng Việt Nam phát triển nghề cá bền vững, “hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe dọa bất hợp pháp trên biển”.
Hôm 22-7-2020, Cục Phòng chống ma tuý và thực thi pháp luật quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật thuỷ sản và quản lý nghề cá.
http://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2020/07/L%E1%BB%85-k%C3%BD-bi%C3%AAn-b%E1%BA%A3n-ghi-nh%E1%BB%9B-1-600×400.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đại diện hai bên ký biên bản này.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết: “Mỹ có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý và thực thi pháp luật thủy sản và sẵn sàng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Việt Nam nhằm phát triển nghề cá một cách bền vững và hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe dọa bất hợp pháp trên biển”.
Vào tháng 2-2021, INL dự kiến sẽ bàn giao cho Cục Kiểm ngư một trung tâm huấn luyện tại Chi cục Kiểm ngư vùng 5, Phú Quốc. Trung tâm này sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực cho Cục Kiểm ngư cũng như lực lượng kiểm ngư địa phương tại 28 tỉnh duyên hải của Việt Nam.
H.N.
VNTB gửi BVN.