Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Tôi gọi chung những em bé bán quả bồ quân, các loại hoa quả và đồ lưu niệm ở quê nội, quê ngoại Bác Hồ là “những em bé bồ quân”, bởi hầu như tất cả các em đều có đôi má ửng đỏ đáng yêu của bồ quân mùa tựu trường…
Bồ quân (hay còn gọi là hồng quân, mận quân) được các bà các cô bày bán ê hề từ ngoài cổng khu lưu niệm tới chỗ nghỉ chân cho du khách. Nhưng tôi lại chú ý tới những quả bồ quân quen thuộc này ở lối vào khu vệ sinh… Một dãy 5 bé trai bé gái đang xếp hàng dọc, tay mỗi em cầm một quả bồ quân giơ ra cho khách nếm thử, với vẻ cầu khẩn, không tranh lấn nhau mà chờ cơ may đến với mình…
Khi vệ sinh xong, tôi quay ra, lại gặp ngay dãy xếp hàng như vệ binh nhỏ ấy… Tôi mua của một em, nhưng rồi thấy các em khác nì nèo: “Bác mua cho con nữa đi”, tôi đành phải mua cho tất cả, mỗi em một ít, để khỏi nhìn thấy sự tị nạnh ngấm ngầm và nỗi tuyệt vọng sâu xa trong những ánh mắt trẻ thơ tội nghiệp…
Các em đều hăng hái hỏi một câu như mẫu văn cô giáo cho: “Bác mua để ăn ngay hay mang về?” Rồi đều nhiệt tình chọn lựa từng trái bồ quân theo yêu cầu của khách, với một sự nhẫn nại không kém lúc mời khách mua.
Tôi đã đứng từ xa, bí mật dùng ống kính télé để ghi hình chân dung từng khuôn mặt bé nhỏ mồ hôi nhễ nhại trong nắng trưa… Nếu xếp liền nhau những chân dung như biểu tượng của sự kiên trì nhẫn nại và cả chịu đựng ấy, có thể liên tưởng tới một dãy học trò bé đeo khăn quàng đỏ đang đứng phơi nắng nghe diễn văn của quan chức tới thăm trường ngày khai giảng mà không hiểu mình đang nghe gì và tại sao cứ phải làm thế thì mới xứng đáng với một trong “Năm điều Bác Hồ dạy”…
Và trong mỗi gương mặt trẻ thơ đó, tôi như nhìn thấy số phận của từng gia đình, và không phải cố gắng nhiều để hình dung lại những năm tháng chưa xa, khi cả một vùng biển duyên hải phía Bắc bị đầu độc, tiêu hủy một cách thê thảm bởi những kẻ độc ác nhất hành tinh… Những đứa bé “bồ quân” kia chắc hẳn đã là nạn nhân trực tiếp, đau đớn nhất…
Nhà thơ lớn của thời đại Tố Hữu có một câu thơ hay, và tiêu biểu: “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”… Nhưng nếu quả có cái “thiên đường” ấy thực, thì chắc chắn là nó chỉ thuộc về con cái của các đấng “quân vương, thái tử”, chứ các “cô bé cậu bé bồ quân” dân dã, “cháu ngoan thực sự của Bác Hồ” kia không bao giờ có thể được bén mảng, xí phần!
Những chân dung đó, tôi sẽ cho các con gái tôi xem vào lúc thuận lợi, và sẽ tìm cách “tiểu thuyết hóa” khéo léo sao đó để khỏi phá đi cái cảm xúc thiêng liêng “Lần đầu được tới thăm quê Bác Hồ” và xúc phạm tới thần tượng của biết bao thế hệ măng non quàng khăn đỏ – trong đó có thế hệ tôi.
Bởi dù sao, trong sự mưu sinh chật vật, sự chiến thắng đói nghèo, giữa bao nỗi bất hạnh của Dân tộc này, các em bé kia và các con tôi, nói theo cách diễn đạt của chính thể: những kẻ “cùng giai cấp – cũng đã/ sẽ được nuôi dưỡng bởi những loại cây dân dã chưa kịp bị đầu độc bởi hóa chất như trái Bồ quân kia để tiếp tục đưa đất nước này vượt qua những thảm cảnh mới…
M.A.T.
Tác giả gửi BVN