LS Ngô Anh Tuấn
Sáng nay, luật sư Lê Văn Hoà và tôi, luật sư Ngô Anh Tuấn vào Trại giam số 2, Công an thành phố Hà Nội để thăm gặp các bị can trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020. Vẫn như các lần trước, lần này yêu cầu thăm gặp thân chủ của chúng tôi bị từ chối với lý do “Toà thông báo tất cả các luật sư muốn vào thăm gặp phải có Giấy thông báo bào chữa do toà cấp”. Tôi đã ý kiến ngay rằng yêu cầu này của Toà là trái luật vì thủ tục luật sư của chúng tôi từ giai đoạn điều tra tới nay vẫn còn nguyên giá trị và có giá trị suốt quá trình tố tụng. Sau khi tranh luận không lại thì cô cán bộ xinh đẹp tên Hương nói với chúng tôi đây là chỉ đạo của sếp, có gì các anh lên hỏi sếp. Không hài lòng với giải thích nêu trên tôi tiếp tục hỏi rằng có văn bản gì không, bạn ấy bảo nói miệng. Tôi hỏi thêm, toà chỉ đạo tới trại giam cũng bằng miệng nốt? Cô cho biết rằng điều đó có không chắc, các luật sư có thể lên hỏi sếp của cô!
Vì biết trước rằng có tranh luận bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể vào gặp thân chủ được nên tôi đã chủ động trao đổi rằng, có chắc chắn là toà mời luật sư lên nhận Giấy thông báo bào chữa mới hay không và khi chúng tôi chắc chắn có giấy này thì trại giam sẽ để chúng tôi gặp các bị can theo đúng quy định của pháp luật? Sau cuộc gọi ngắn với ai đó, cô cán bộ khẳng định chắc nịch “chắc chắn”!
Chiều nay, các luật sư đã tiến hành sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án (ngoại trừ hai clip hình ảnh chưa mở niêm phong, sẽ sao vào tuần sau). Sau rất nhiều lần kiến nghị yêu cầu sao chụp hồ sơ vụ án thì tới hôm nay, TAND thành phố Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu chính đáng của các luật sư – dù chậm trễ nhưng đây là động thái có trách nhiệm hơn so với các cơ quan tiến hành tố tụng khác trước đó. Tuy vậy, khi luật sư Lê Văn Hoà đề cập tới việc có thông tin rằng toà sẽ cấp lại thủ tục luật sư cho các luật sư phải không thì các thư ký trả lời không rõ, còn các luật sư chỉ định khác cũng trả lời nước đôi là nghe thông tin như vậy và đây là vụ án quan trọng nên cần thiết phải như vậy! Các bạn thư ký còn cho biết thêm là nếu luật sư nào có yêu cầu thì cứ gửi đơn cho thẩm phán giải quyết. Như vậy, mặc dù hôm nay các luật sư chúng tôi đã sắp chụp được hồ sơ để có thêm tài liệu để nghiên cứu nhưng mọi lối dẫn tới phòng giam để tiếp xúc với các thân chủ đều bị ngăn chặn bằng nhiều cách khác nhau, từ giai đoạn điều tra tới nay và có lẽ cho tới khi phiên toà diễn ra, chúng tôi cũng không thể nào gặp, hỏi han, trao đổi với thân chủ của mình, dù chỉ một lần. Chúng tôi muốn biết rõ rằng những lời khai trong giai đoạn điều tra của họ có bị ép cung, mớm cung hay không (dù rằng trong biên bản ghi lời khai đã có), họ có ý kiến gì về kết luận điều tra, cáo trạng hay không… để định hướng bào chữa tại phiên toà sắp tới đây.
Những người hành nghề luật, dù mới vào nghề cũng đủ kiến thức sách vở để biết rằng nhiều hành động đã qua của các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này là sai luật rất rõ ràng nhưng chọn cách im lặng. Các luật sư chỉ định thì “có cũng như không”, không bao giờ dám lên tiếng nói điều ngược lại; còn số ít luật sư do gia đình các bị can mời phản ứng yếu ớt nên cho tới nay, chúng tôi mới chỉ chạy loanh quanh sự thật – sự thật vụ án vẫn còn là một dấu hỏi lớn không lời giải, ngay cả khi vụ án này được giải quyết bằng hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể giúp ích được một chút gì đó có ý nghĩa cho các thân chủ đang bị giam giữ trong trại giam. Hành vi sai trái của ai đó trong lúc nhất thời rồi đây sẽ phải bị trả giá nhưng sự sai đúng trong tổng thể một sự kiện lớn xuyên suốt một quá trình dài đã qua, có lẽ rất rất nhiều năm nữa, lớp con cháu chúng ta sẽ tìm lại lịch sử để nghiêm túc luận bàn, phán xét. Và, dù muốn hay không, các luật sư cũng lưu dấu chân mình trong một giai đoạn lịch sử của những người dân chân đất nơi đây; chỉ tiếc rằng chúng tôi đã không giúp được gì cho họ một cách hữu ích…
N.A.T.
Nguồn: FB Ngô Anh Tuấn