Khi các “BOT di động” được trang bị vũ khí giết người hàng loạt

Đỗ Ngà

Hiện nay trên quốc lộ 1A cứ trung bình 62 km là có một trạm BOT. Theo cách gọi của dân đi xe tải đường dài thì đấy là BOT cố định, như vậy nghĩa là đối với họ, còn có BOT di động? Vâng! “BOT di động” là từ mà dân đi xe tải đường dài gọi các toán CSGT chặn đường làm luật. Nếu ở nước ngoài người ta đi vài ba trăm km không thấy bóng dáng CSGT là bình thường, nhưng ở Việt Nam thì CSGT dày đặc, cứ khoảng 60- 80km là chắc chắn người dân phải gặp một toán như thế. Như vậy, nếu vận tải hàng hóa từ Nam ra Bắc, ngoài việc đóng phí cho BOT cố định thì còn phải đóng các BOT di động này nữa. Các BOT di động này ăn đậm hơn các BOT cố định nhiều lần. Những xe tải vận chuyển hàng, thì mỗi lần qua BOT di động phải đóng tiền triệu chứ không ít.

Thực tế ngành logistics Việt Nam đang bị Bộ GTVT và Bộ Công an thi nhau xẻ thịt. Nếu ví nền kinh tế quốc gia là một cơ thể sống, thì ngành logistics (trong đó ngành vận tải hàng hóa là một phần trong logistics) là hệ thống mạch máu chạy trong cơ thể. Mà như ta biết, máu thì vận chuyển chất dinh dưỡng. Chính vì thế mà những ban ngành nào của chính quyền mà có thể chặn mạch nút máu nền kinh tế được thì chúng không bao giờ “bỏ phí” cơ hội. Hai cơ quan đang chọc vòi hút máu logistics Việt Nam mạnh nhất hiện nay, đó không ai khác chính là Bộ GTVT và Bộ Công an.

Như ta biết, ngân sách Trung ương phân bổ cho Bộ Công an và Bộ GTVT rất lớn, nhưng dường như không thỏa được lòng tham của 2 bộ này. Nên bọn họ vẫn chặn họng ngành logistics hút máu không thương tiếc. Bộ GTVT thì hút máu ngành này bằng chủ trương hẳn hoi, còn ngành công an thì buông cho CSGT tự do làm luật. Được biết, Bộ Công an được Trung ương rót cho hơn 82 ngàn tỷ mỗi năm, cao thứ nhì sau Bộ Quốc phòng, gấp 11 lần chi cho Bộ GD&ĐT và gấp hơn 5 lần cho Bộ Y Tế. Kế sau đó là Bộ GTVT, bộ này được Trung ương rót cho trên 52 ngàn tỷ, đứng ở vị trí thứ 3. Với Bộ GTVT thì dựng BOT cố định hút máu, với Bộ Công an thì dựng các BOT di động hút máu.

Nếu nói BOT cố định là một cú ra đòn của Bộ GTVT đánh thẳng vào mặt ngành logistics Việt Nam, thì với BOT di động, Bộ Công An đã đánh bồi thêm một cú thật nặng vào ngành này nữa. Vì thế mà ngành này của Việt Nam không thể nào vững vàng cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới được. Điều đáng sợ là hiện nay đang có dấu hiệu 2 ngành ngày đang sống cộng hỗ trợ lẫn nhau trong việc hút cạn dinh dưỡng của ngành vận tải hàng hóa Việt Nam.

“Mua đường” là từ ngữ quen thuộc trong giới kinh doanh vận tải. Đây là khoản tiền mà doanh nghiệp phải đóng cố định cho các đơn vị CSGT. Có thể một tháng một lần, một quý một lần hay nửa năm một lần v.v… tùy theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và phía CSGT. Nếu đã “mua đường” thì tất nhiên những xe vượt tải của doanh nghiệp được CSGT bảo kê, thậm chí xe có thể chạy vào đường cấm mà không bị phạt. Việc mua đường nó dẫn tới 3 cái hại: Cái hại thứ nhất, doanh nghiệp sẽ tính vào phần giá thành sản phẩm làm doanh nghiệp giảm khả năng cạnh tranh; Cái hại thứ nhì, là sẽ xảy ra hiện tượng những xe tải mua đường lộng hành bất chấp luật giao thông, nên làm cho tình hình giao thông phức tạp thêm; Cái hại thứ ba, đó là nó làm đường xá nhanh xuống cấp. Mà đường xá nhanh xuống cấp thì nó chính là món mồi ngon cho đám doanh nghiệp sân sau nhảy vào sửa qua quýt rồi dựng BOT cố định trấn lột dân tiếp.

Công an nhận hối lộ bảo kê xe vượt tải tàn phá đường xá, đường xá bị tàn phá thì mới tạo cơ hội Bộ GTVT sửa đường rồi dựng BOT trấn lột. Đây là một mối quan hệ cộng sinh. Chưa hết, khi BOT cố định bị người dân phản đối, những chủ BOT đó có thể dùng tiền mua lấy sự bảo kê của công an. Đây lại là một một mối quan hệ cộng sinh nữa. Các mối quan hệ cộng sinh như thế này thì kết quả là nhân dân bị trấn lột, doanh nghiệp bị bị móc túi và kéo theo là nền kinh tế bị mất đi sức cạnh tranh.

Thời kỳ công an trị có thể nói, không chỉ Bộ GTVT cộng sinh với Bộ Công an, mà cả Bộ Quốc phòng cũng nhờ đến bàn tay sắt máu của Bộ Công an hỗ trợ họ trong công cuộc cướp đất. Vụ Đồng Tâm là một ví dụ. Bộ Quốc phòng cướp đất dân không xong và họ đã nhờ đến công an Hà Nội. Bằng vũ khí tối tân, công an Hà Nội đã cử lực lượng tinh nhuệ nửa đêm vào nhà dân đoạt mạng người để làm mọi người khiếp sợ và không còn dám chống đối nữa. Trong một thập kỷ trở lại đây, chúng ta thấy rằng, công an Việt Nam càng ngày càng manh động, càng ngày càng bất chấp luật pháp. Thật đáng sợ.

Hôm nay, trên báo Dân Trí có bài viết “Cảnh sát giao thông sẽ được trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên”. Là CSGT nhưng hôm nay lại trang bị thứ vũ khí giết người hàng loạt tựa như quân đội. Đây đang là một dấu hiệu báo động. Chẳng lẽ lực lượng CSGT sắp nhận thêm nhiệm vụ hành quyết dân như chính công an Hà Nội đã từng hành quyết cụ Kình hay sao? Có thật thế hay không thì chúng ta hãy chờ xem?! Việc trang bị vũ khí giết người hàng loạt cho CSGT rõ ràng là một việc làm bất thường. Không biết rồi đây lực lượng này có lạm dụng súng đạn với dân hay không?! Nhưng chắc chắn với súng đạn giết người hàng loạt trong tay, không cần nổ súng thì sức mạnh trấn lột của nó cũng tăng gấp bội. Rồi đây, các BOT di động sẽ không ăn “mỏng” như hôm nay mà chắc chắn, họ sẽ ăn dày hơn nữa vì trong tay họ đã có đầy đủ hàng nóng.

Đ.N.

Nguồn: FB Đỗ Ngà

Tham khảo:

thuvienphapluat

dantri

This entry was posted in BOT bẩn. Bookmark the permalink.