Số liệu GDP nửa năm đầu 1,81% là mức thấp nhất kể từ Đổi mới, bằng nửa của GDP năm 1986.
Thực trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, xin trợ cấp xảy ra trên toàn quốc do hệ lụy của đại dịch Covid-19, truyền thông tại Việt Nam đưa tin.
Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ việc luân phiên do Covid-19, trong đó số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập lên tới hơn 17 triệu người.
Đáng chú ý là ở các tỉnh miền Trung nơi các tỉnh có khu công nghiệp và mạnh về du lịch dịch vụ gần như không có lối thoát nào khác ngoài viết đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Tại Đà Nẵng, thống kê cho biết có tới gần 180 ngàn người "bị ảnh hưởng" vì COVID-19.
Trong số này có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Tại tỉnh này 10.000 lao động hiện xin trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm tới nay từ nhiều ngành nghề gồm nhà hàng, khách sạn, điện tử, may mặc, giáo dục…
Trên toàn quốc, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhất ở mức 72%, tiếp đến là 67,8% ở khu vực công nghiệp; 25,1% ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nghiệp đoàn xích lô Hội An với khoảng 100 người tham gia nhưng hiện nay chỉ có 30 người "đang đi mà không có khách".
Trong khi đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói đến cuối quý Ba năm nay tình trạng thất nghiệp mới "thực sự xảy ra" và đặc biệt tại các ngành như may mặc, da giày.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngày 2/7 mô tả nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, không có nguyên liệu sản xuất do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói gần 31 triệu người từ 15 tuồi trở lên bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Dung nói số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm gặp khó khăn.
Tin cho hay nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng Sáu bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,…).
Trong khi đó lực lượng lao động được mô tả là thấp kỷ lục do thất nghiệp và thiếu việc làm với gần 31 triệu người từ 15 tuồi trở lên bị ảnh hưởng.
Vào tuần trước Tổng cục Thống kê cho biết từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991 thì chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất như vậy với quý II (0,36%) và 6 tháng đầu năm (1,81%).
Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng được dẫn lời nói mức tăng trưởng nửa năm đầu 1,81% cũng "kém cả kịch bản thấp nhất" mà cơ quan này đã đặt ra trước đó.
"Mục tiêu tăng trưởng [cả năm] 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%", ông Hùng nhận định.
Mặc dù chưa có tăng trưởng âm nhưng số liệu GDP này là mức thấp nhất kể từ Đổi mới, bằng nửa của GDP năm 1986.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói "Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết" và rằng "Chống suy thoái kinh tế phải hơn chống dịch".
Nguồn: BBC