Tương Lai
Hôm nay, GIỖ ÔNG SÁU DÂN, người chúng ta thương nhớ. Người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng ta một tấm gương trọn đời vì nước, vì dân, trọn đời không một phút xa rời lý tưởng cao đẹp mà ông đã dấn thân. Sự nghiệp ấy, lý tưởng ấy không sợ thời gian.
Vì thời gian, không phủ bụi, không bào mòn mà ngược lại, chỉ làm sáng lên hình ảnh của một người – mà vào những lúc thời cuộc lâm vào thế gay cấn bế tắc – chúng ta lại mong mỏi “phải chi lúc này còn ông Sáu Dân”.
Có lẽ linh cảm ấy đã khiến Việt Phương, người cộng sự và là người bạn tin cậy của Sáu Dân vào thập kỷ cuối thế kỷ 20 vắt sang thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã thảng thốt gọi:
Người đừng đi đừng đi đừng đi
Người có biết đời yêu người đến thế
Đời cần người lúc này bao xiết kể
Cùng nhau trước di ảnh của Ông, chúng ta thấm thía sự nghiệt ngã không thể tránh khỏi của cảm nhận “đời cần người lúc này bao xiết kể”. Nhưng, không cách gì cưỡng lại được quy luật khắc nghiệt của tạo hóa, đành phải tự an ủi “lấy nhớ làm thương” và cố sao làm được chút gì học theo Ông, để khỏi phải hổ thẹn lương tâm khi nhớ đến con người bình thường và phi thường ấy.
Học theo Ông rất khó nhưng không phải là không thể.
Khó, vì như Huỳnh Bửu Sơn, người đang ngồi trước mặt tôi đây mà hôm qua tôi vừa đọc lại bài viết của anh, trong đó có câu: “Ông đúng là kiểu mẫu nhà lãnh đạo vĩ đại, người mà khi chúng ta có cơ hội gặp mặt, tiếp xúc và làm việc sẽ chẳng bao giờ có thể rời xa”.
Khó còn vì, như Phạm Văn Đồng từng đưa ra nhận định: “Trong các Thủ tướng của nước ta, Bác Hồ đã kiêm chức Thủ tướng mười năm đầu của chế độ mới, không ai so sánh cùng Bác được. Còn lại năm người Thủ tướng cho đến nay, là tôi, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt và anh Phan Văn Khải, thì anh Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước”. Còn Phan Văn Khải lại viết trong sổ tang “…nhân dân tôn vinh Anh là vị anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, anh hùng của thời kỳ Đổi mới và xây dựng đất nước, xứng đáng là người hào kiệt”.
Những ngày này, khi Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN đang tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 36 trực tuyến, càng hiểu sâu sắc hơn ý chí mãnh liệt của Võ Văn Kiệt “Hãy đi đến tận cùng các giá trị dân tộc thì sẽ gặp các giá trị nhân loại, để hiểu rằng vai trò tiên phong của ông trước hết thể hiện ở tư tưởng phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển… nếu rụt rè bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước…” như Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao đã viết trong bài “Người đi tiên phong và di sản để lại”.
Bà Bảy Huệ (phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh) nói về thời trẻ của ông Sáu Dân: “Năm đó anh mới 18 tuổi. Chỉ vài cuộc họp chung giữa cán bộ tỉnh ủy và quận ủy vào khoảng đầu năm 1940, trong bối cảnh hết sức bí mật và không thể kéo dài, tôi đã sớm có nhận xét về anh: rất trẻ, rất hăng hái và rất quyết liệt trong triển khai công tác… Đêm 23 tháng 11 năm 1940, anh là một trong số các lãnh đạo của Vũng Liêm trực tiếp chỉ huy cuộc dấy binh mà sau này ghi chép của thực dân Pháp gọi đó là “đêm cộng sản dậy”. Chính anh chịu trách nhiệm dẫn đoàn người khởi nghĩa đi lấy đồn Bắc Nước Xoáy ở đoạn bờ sông Măng Thít thuộc xã Hòa Thạnh hiện nay…”. Còn với Nguyễn Văn Trịnh, người thư ký của mười năm cuối trước khi ông mất thì “vẫn nhớ từng chữ ông đã ghi trong lý lịch, dự định sẽ sử dụng cho việc cuối cùng của đời người: trình độ văn hóa: biết đọc biết viết”!
Để rồi người thanh niên nông dân nghèo khổ “biết đọc biết viết” đó dám dấn thân vào sự nghiệp cách mạng để tự làm ra mình trong cuộc sống, trở thành một trí thức xứng đáng với danh hiệu ấy như giáo sư Cao Huy Thuần của Đại học Paris đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt như người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, với cây bút, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức – một người trí thức như thế: không đánh mất khả năng tự phê phán, để tự biết mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ – để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến ù lì”!
Trong thời điểm của những lùm xùm vì một vài ai đó muốn tên mình được vang lên trong trào lưu mạnh miệng phủ định sạch trơn lịch sử vốn sòng phẳng và uy nghi đã cả gan thổi điệu kèn nhập nhèm phê phán những công việc đã làm ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên thời Ông Sáu Dân mở cửa cho tiến bộ – để trật tự và ổn định không đồng nghĩa vơi bất biến ù lì, tưởng cũng nên nhắc lại đôi câu trong bài viết của người nông dân Nam bộ thứ thiệt từng theo ông Sáu Dân trong suốt thời kỳ đó với tư cách là Chủ tịch tỉnh An Giang, Nguyễn Minh Nhị:
“Chỉ tính riêng vùng Tứ giác Long Xuyên ở phần đất An Giang, trong 5 năm đầu đã khai hoang phục hóa hơn 90 ngàn ha, tăng sản lượng lên hơn 1 triệu tấn, trở thành tỉnh luôn luôn dẫn đầu cả nước từ 1 triệu tấn (1989) lên 2 triệu tấn (1996) và trên 3 triệu tấn (2003)… về điểm này cũng nên cho phép người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất” cũng được ngước lên mà nhìn trời một lần! Dù còn đa đoan lắm nỗi, nhưng được rạng mặt rỡ mày như ngày hôm nay, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nhờ ơn Đổi Mới mà Võ Văn Kiệt là một trong những người có công đầu! Mỗi hạt gạo làm ra hôm nay đều mang nặng ân tình của người mới đi vào cõi vĩnh hằng, để lại phía sau một cánh đồng mênh mông xanh thắm…”.
Thôi thì thời buổi nào cũng có những “kẻ đốt đền” để được “lưu danh thiên cổ” kiểu Herostatus đốt đền thờ Artemis, kỳ quan thứ tư trong bảy kỳ quan của thế giới. Nhưng kẻ đốt đền dốt nát hôm nay không thể hiểu nổi rằng, không thể đốt được ngôi đền đã được dân ấp ủ sâu kín trong trái tim mình. Mà trái tim của Võ Văn Kiệt thì hòa cùng nhịp đập với trái tim của người dân. Cũng nên nói thêm rằng, “giàu kinh nghiệm sống, giàu kinh nghiệm người. Và anh Sáu Dân là một người cả tin, dễ trao sự tin cậy của mình. Người từng trải ấy vẫn có sự ngây thơ. Đó là một nét dễ thương của con người và một nhược điểm của người lãnh đạo” mà riêng tôi thì thấm thía về trái tim nhân hậu dễ trao sự tin cậy ấy để rồi có những kẻ đã phản bội lại sự “cả tin” ấy.
Cho dù có vậy với trái tim yêu thương, Ông thành tâm và cởi mở đến với mọi người, để khi ông ra đi, mọi người nhớ đến ông, một trong những người con ưu tú nhất của đất nước, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng vào bậc nhất trong thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc chống lại kẻ thù nham hiểm mà ông cha ta không một chút lơ là.
Ông sống mãi trong niềm thương và nỗi nhớ của Dân, tấm bài vị của Ông đang được đặt trên Gian Thờ Tổ của chùa Hoa Yên trên quần thể Yên Tử, cách ngôi tháp Huệ Quang nơi đặt một phần xá lợi của Trần Nhân Tông không xa. Nơi đây, như lời Hải Lượng Thiền sư giải thích: “…ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công… ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, sợ người ta dao động cho nên nhằm ngọn núi Yên Tử là cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh mà ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm…”.
Biết là đang còn nhiều những tranh cãi trong cách giải thích này, song hôm nay, trước di ảnh của Võ Văn Kiệt tôi chỉ muốn hướng tới một khát vọng tâm linh thẳm sâu ánh rọi chiếu của một triết lý vô ngôn như một vầng sáng bao quanh hình ảnh của người mà chúng ta thương nhớ.
Xin để một phút mặc niệm.
*****
Sau phút mặc niệm, mọi người lần lượt thắp nén nhang thành kính nhớ thương mà di ảnh của Ông đang mỉm cười với họ, những người bạn mà bình sinh ông đã có dịp gặp gỡ.
Lê Công Giàu, chủ tọa buổi lễ trân trọng mời cụ Linh mục Huỳnh Công Minh, người từng gần gũi và nhiều kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời ông phụ trách Tổng đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn, thắp nén nhang đầu tiên.
Tiếp sau là Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Vũ Kim Hạnh, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Quốc Thuận, Kha Lương Ngãi, Võ Văn Thôn, An Bình Minh, Tô Lê Sơn, Nguyễn Công Bình, Lê Phú Khải, Lưu Trọng Văn, Phạm Vũ.
Quanh ấm trà, mọi người cùng nhau nhớ và kể lại những kỷ niệm, những ấn tượng đậm nét về người ra đi đã 12 năm nhưng như vẫn ngời ngợi trong tâm trí và xúc cảm của mình. Câu chuyện thế sự còn tiếp tục quanh mâm cơm ngày Giỗ Ông Sáu Dân.
T. L.
Tác giả gửi BVN