Xuân Minh – Lâm Viên
Nói sự thật trong tự do là phản ánh. Nói sự thật trong kiểm soát là dũng cảm.
Luật báo chí của Việt Nam không có điều khoản nào về yêu cầu kiểm duyệt trước khi báo chí phát hành. Vậy đây có phải là báo chí tự do?
Thế nào là báo chí tự do?
Karl Marx phân loại, chỉ có hai loại báo chí: “Báo chí tự do và báo chí bị kiểm duyệt”. Ông nói: “Báo chí bị kiểm duyệt là sự quái dị không có tính cách của sự thiếu tự do, đó là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa.
Báo chí kiểm duyệt là biện pháp cảnh sát, thậm chí là biện pháp tồi… Tệ lớn nhất, tệ giả dối gắn liền với báo chí kiểm duyệt… Điều đó dẫn đến, chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó. Còn nhân dân sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị, hoặc hoàn toàn quay lưng với cuộc sống quốc gia, biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư” – trích tập I, Tổng tập Mác-Ăng Ghen, NXB Chính trị Quốc gia.
Theo Mác, báo chí phải được tự do. Ông nói, “ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí”. Ông còn nói rằng: “Báo chí tự do, đó là con mắt sáng suốt của tinh thần, của nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới…
Báo chí tự do, đó là sự sám hối công khai của nhân dân trước bản thân mình, mà lời thú nhận thật tâm, như mọi người đều biết thì có khả năng cứu rỗi. Báo chí tự do là tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình. Còn sự tự nhận thức là điều kiện đầu tiên của sự sáng suốt. Báo chí tự do – đó là tinh thần nhà nước (công dân) mà mọi túp nhà tranh đều có được với những chi phí thấp hơn là phương tiện thắp sáng. Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết…”.
Đúng là nghe thật sướng lỗ tai.
Báo chí bị kiểm duyệt là gì?
Lập luận trên nếu mang so sánh với các tờ báo phát hành ở miền Nam trước tháng 4-1975, có lẽ rất khập khiểng về cách hiểu thế nào là ‘báo chí bị kiểm duyệt’.
Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 khẳng định:
“Điều 12
1- Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục.
2- Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn điện ảnh và kịch trường.
3- Một đạo luật sẽ ấn định qui chế báo chí”.
Trong một trả lời phỏng vấn trên đài RFA, bà Trùng Dương, chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần từ khi mới thành lập cho đến tháng 4-1975, kể: “Hồi đó báo chí trước khi in, trước khi phát hành thì phải qua kiểm duyệt. Họ đọc xem những tin tức có bị ảnh hưởng gì tới cuộc chiến lúc ấy hay không. Họ chú trọng nhiều đến tin chiến sự nhiều hơn chứ còn những vấn đề cá nhân thì họ đi đường khác, chẳng hạn như hồi đó báo Sóng Thần đi một loạt bài tố ông tướng Nguyễn Văn Toàn khi ấy ông coi vùng cao nguyên, quân khu II. Có một dạo ông ấy dính vào chuyện vớ vẩn gì đó với một cô bé vị thành niên, rồi phóng viên của báo Sóng Thần tìm ra được chuyện đó và tố ông tội dụ dỗ gái vị thành niên.
Tin đó do một tin từ cảnh sát nhưng mà cảnh sát họ nhẹm đi, phóng viên của mình tìm được cái tin đó và làm cuộc điều tra. Người đứng ra làm cuộc điều tra đó là chị Lê Thị Bích Vân, hồi đó chị là nữ phóng viên sáng giá của làng báo Việt Nam. Chị ấy viết một loạt bài về tướng Toàn thì ông ta kiện tờ báo với lý do là mạ lỵ cá nhân thôi chứ không liên hệ gì tới vấn đề kiểm duyệt hết. Khi có chuyện liên quan đến cá nhân làm bậy, thì họ kiện mình theo chiều hướng cá nhân vì mạ lỵ phỉ báng, còn về bên chính quyền, bên thông tin thì họ quan tâm và kiểm duyệt đến các tin tức liên quan đến thời sự lúc bấy giờ…”(*)
Báo chí cách mạng luôn cung cúc ‘tự kiểm duyệt’ theo đường ray định hướng
Nhà báo Huy Đức, cựu phóng viên của báo Tuổi Trẻ, trong một so sánh về kiểm duyệt xưa – nay, có nói rằng chế độ Sài Gòn cũng giở trò giấu mặt, kiểm duyệt mà không dám chính danh. Các báo đối lập khi ấy đã nghĩ ra một cách rất hay, thay vì thay bài bị kiểm duyệt bằng bài “osin”, họ để trang báo trắng và rao là “tự ý đục bỏ”. Những tờ báo như vậy lại càng bán chạy, bởi người dân có thể “đọc” được không ít thông tin sau những trang không có chữ nào được in.
Vậy bài “osin” mà nhà báo Huy Đức nói đến là gì? (‘Osin’ là từ mà nhiều người Việt dùng để chỉ ‘người giúp việc’, cách gọi này được biết là có từ sau khi trên kênh truyền hình HTV chiếu bộ phim dài nhiều tập, kể về cuộc đời của Tanokura Shin sinh vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) cho đến đầu thập niên 1980. Shin được gọi là “Oshin” để thể hiện sự tôn kính).
Trong một chia sẻ từ tháng 4-2009, nhà báo Huy Đức viết dạng lá thư gửi Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ khi ấy là Phạm Đức Hải: “Hoành tráng nguyên một trang 5, Tuổi Trẻ số ra ngày 16-4 mô tả lao động Trung Quốc “tràn ngập công trường” Việt Nam, sáng nay, tờ báo lớn nhất nước ấy đã phải “cáo lỗi cùng bạn đọc”. Kính thưa anh Phạm Đức Hải, tôi biết hôm qua anh nhận được rất nhiều điện thoại. Làm Tổng Biên tập Tuổi Trẻ quả thật là khó khăn.
Hôm qua, Tuổi Trẻ đã rao với bạn đọc là, trong số tiếp theo, sẽ có phóng sự về tình trạng công nhân Trung Quốc tràn ngập công trường bauxite Tân Rai và Khí Điện Đạm Cà Mau. Sáng nay, bản báo lại xách mấy em osin Philippines ra thế mạng. Ai làm tổng biên tập ở Việt Nam thì cũng phải đục bỏ bài khi có lệnh. Nhưng, ai đã là nhà báo thì cũng phải đặt sự trung thực lên trên.
Anh giải thích “vì chưa hoàn tất bài viết”, thưa anh, là đánh lừa bạn đọc. Người đọc bây giờ tinh lắm, họ không tin là các phóng viên của một tờ báo như Tuổi Trẻ lại không thể thực hiện một bài viết như vậy cho kịp số hôm sau. Các đồng nghiệp biết rất rõ bài về công nhân Trung Quốc ở Tân Rai đã nằm trên bàn của anh từ hai tuần nay rồi chứ không phải là “chưa hoàn tất”. Anh có thể không đăng mà vẫn được anh em thông cảm, nhưng anh vì không dám đăng mà đổ lỗi cho phóng viên thì như khi thuyền đổi hướng lại đổ cho người chèo thay vì người lái.
Năm ngoái, khi đăng bài điều tra về khu tái định cư ở Thủ Thiêm, Tuổi Trẻ cũng đã nhận được “lệnh ở trên”, nhưng số hôm sau Ban Biên tập đã nói là vì “lý do khách quan”. Ai là “khách”, ai là “quan” đương nhiên là người người tự hiểu”. (Hết trích).
Thay lời kết
Trở lại với “tự ý đục bỏ” trên báo chí ở Sài Gòn thời Đệ nhị Cộng hòa.
Luật 07/72 của Việt Nam Cộng hòa ra đời trong bối cảnh các lực lượng quân đội miền Bắc tấn công ở cả 3 vùng chiến thuật vào năm 1972, cũng là năm xuất hiện nhiều nhóm chính trị chống chính quyền, đứng sau nhiều cuộc biểu tình, trong khi báo chí mỗi lúc một mạnh miệng hơn.
Tình hình đó khiến Tổng thống Thiệu đề nghị quốc hội trao đặc quyền về tình trạng khẩn cấp. Đây là thời kỳ mà tổng thống của Nam Hàn, Park Chung Hee, tuyên bố thiết quân luật năm 1972 ở một đất nước không có chiến tranh, trong khi với hoàn cảnh nguy ngập hơn nhiều, Tổng thống Thiệu mới “xin đặc quyền” và được quốc hội chấp thuận.
Xem ra trong bối cảnh lịch sử thì việc “tự ý đục bỏ” là một hình thức quá hiền lành, so hiện nay nếu có những bài báo như vậy được ra sạp, có lẽ không chỉ tờ báo bị đóng cửa, mà nhiều người còn bị cáo buộc về các tội danh liên quan đến chính trị.
Với góc nhìn như nói trên, cho thấy báo chí cách mạng ở Việt Nam hiện nay không đi theo những gì mà ông tổ lý luận của chủ nghĩa cộng sản đưa ra. Báo chí cách mạng Việt Nam có nét đặc thù rất riêng như lời kể của nhà văn Đào Hiếu – cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ: “Một nhà thơ châm biếm nổi tiếng, cũng là đảng viên, gốc sinh viên tranh đấu, từng là cán bộ có cỡ của một tờ báo lớn của TP.HCM, bữa kia anh nhậu với tôi, kể:
– Có thằng nhà báo Pháp gặp tao, nó hỏi: “Việt Nam hiện nay có mấy tờ báo và tạp chí?”. Tao đáp: “Có chừng 700”. “Ô, thế thì báo chí Việt Nam thật là phong phú”. Tao nói: “Coi vậy mà không phải vậy. Vì có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông tổng biên tập”.
Thằng Tây nó cười gần chết”.
X.M. & L.V.
___________
Chú thích:
VNTB gửi BVN