Lời khuyên dành cho ông Phan Văn Tuấn

Đào Phi Khanh

Kính gửi anh Huệ Chi.

Tôi có gặp anh Phan Văn Tuấn và tư vấn cho anh nên khiếu nại vụ của anh như thế nào cho đúng. Nhận thấy lời khuyên này có ích cho những trường hợp khác nên tôi viết bài và gửi anh đưa lên Boxite Việt Nam.

Cảm ơn anh nhiều.

Đào Phi Khanh 

Ngày 10/6/2020, tôi đọc trên facebook câu chuyện về ông Phan Văn Tuấn, đại khái như sau: Anh em nhà ông Tuấn có thửa đất bố mẹ để lại trên 1500m2 ở Hà Tĩnh. Ông Tuấn sống ở Cần Thơ, nghe tin trên báo đăng vợ và con ông định âm mưu thiêu chết ông, đã bị bắt, xử 7 năm tù giam. Ông vội ra Hà Tĩnh kêu oan cho vợ con. Ông gửi đơn kêu oan không được xem xét, thế là ông và con gái tự bỏ hết quần áo, trần truồng chạy ra đường ngăn xe đại biểu Quốc hội kêu oan. Ông bị công an phường Cống Vị tạm giữ. Buổi tối dân oan ba miền kéo đên trụ sở CA phường đòi thả người. Đại khái thế.

Chiều 11/6/2020 tôi đến CA phường Cống Vị gặp trực ban hỏi về vụ việc ông Tuấn. Anh CA trực nói: Cháu mới đổi ca, không biết chuyện ấy, nếu chú muốn biết thì chú gặp CA quận. Và anh bảo: Hành vi ấy cũng là cách gây chú ý thôi. Có người gửi đơn gây chú ý bằng cách căng biểu ngữ, có người giơ cao ảnh Bác Hồ, còn ông này thì cởi quần áo chặn xe đại biểu Quôc hội.

Ngày 12/6/2020, theo số điện của ông Tuấn có trên mạng, được biết ông đang ở chỗ Tiếp dân Trung ương, Hà Đông. Đến trụ sở Tiếp dân Trung ương, thấy hai người đang đứng bên xe ôm, tôi rẽ vào hỏi về ông Tuấn. Thấy tôi là nhà báo, một người tự giới thiệu: Tôi là nhà hoạt động dân chủ, đã bị phạt tù 4 năm, nay tôi muốn hỏi anh, theo anh việc ông Tuấn làm như vậy có sai với pháp luật không? Tôi đáp: Không sai gì nhưng là việc không nên làm.

Nhà hoạt động dân chủ bảo: Ông Tuấn đúng luật, theo Điều 15 Bộ Luật tố tụng dân sự thì ông có quyền bảo vệ mình…Nhà hoạt động nói tiếp: CA phải thả ông Tuấn ra vì muốn giữ thì phải có quyết định của Viện kiểm sát, nếu không có thì việc giữ là phạm pháp, còn anh muốn tìm ông Tuấn thì ra ngõ 1 kia kìa.

Đến ngõ 1, tôi gặp ông Tuấn đang cùng ở với nhiều bà con dân oan khác. Tôi nói: Tôi là nhà báo, biết tin về anh trên mạng, muốn gặp anh hỏi xem câu chuyện thế nào? Tôi chia sẻ với anh, nếu có thể thì tư vấn cho anh. Tất nhiên, quyền tư vấn là của tôi, còn nghe hay không là quyền của anh.

Ông Tuấn kể: Gia đình ông có thửa đất (biết rồi, trên mạng có nói), người anh của ông nhờ anh rể của ông làm sổ đỏ toàn bộ thửa đất tên người anh mà không thông báo gì cho anh em biết. Sau đó người anh của ông chuyển nhượng diện tích đất cho người anh rể. (Hiểu rồi, nói cho đỡ vòng vo là thế này: ông anh rể giúp ông anh làm sổ đỏ, rồi ông anh bán luôn đất cho anh rể, tất nhiên, để làm được việc đó thì ông anh rể phải là người có chức quyền ở địa phương). Vợ con ông Tuấn gửi đơn khiếu nại lên huyện về chuyện sổ đỏ trái pháp luật nhưng không được giải quyết. Để ngăn cấm vợ con ông gửi đơn, CA đến bắt vợ con ông, tạo ra vụ án vợ con ông định đốt chết ông nhằm tranh chiếm đất. Nghe tin này, ông Tuấn đang sống ở Cần Thơ đã ra Hà Tĩnh, đòi cung cấp bản án nhưng CA không cho. Ông và con gái, con trai ra Hà Nội kêu oan không được xem xét nên có chặn xe đại biểu Quốc hội, hi vọng đại biểu Quốc hội sẽ giúp đỡ ông. Tôi hỏi: Hình như có xẩy ra xô xát, vì CA thu giữ gậy gộc làm vật chứng của vụ án? Con trai ông Tuấn nói: Không có đâu, cháu có ở đấy, người ta xông vào nhà bắt người rồi lấy gậy ở trong nhà làm vật chứng!

Chuyện bố con ông Tuấn cứ lộn xộn như thế, câu được câu mất, con trai rồi con gái ông Tuấn  khẳng định gia đình ông không làm gì sai với nhà nước, nhà nước làm sai với gia đình thì bây giờ phải giải quyết lại cho đúng. Các con ông Tuấn bầy tỏ thái độ “kiên quyết chống tham nhũng” đến mức tôi phải im lặng. Xung quanh khá đông người, gọi là dân oan ba miền, lắng nghe câu chuyện. Có người từ tốn hơn nhắc nhở con ông Tuấn: các cháu nghe xem bác nhà báo nói gì đã đi. Quay sang tôi, một người phụ nữ bảo: Anh thông cảm, gia đình đang bức xúc quá. Tôi cười: Tôi hiểu họ đang bức xúc, nhưng nếu gia đình không bình tĩnh thì sẽ làm hỏng việc, như người ta nói, tự húc đầu vào tường thôi. Đến lúc này tôi có thể hình dung ra câu chuyện theo hướng khác: Ông anh rể giúp người anh của ông Tuấn làm sổ đỏ, rồi mua luôn diện tích sổ đỏ. Vợ con ông Tuấn không đồng ý, cứ đến nhà đất của mình (đã bán cho anh rể) đòi quyền lợi. Ông anh rể đuổi đi không được mới nhờ CA can thiệp, dẫn đến câu chuyện có vụ án con định thiêu chết bố, vợ định đốt chết chồng. Vợ con ông Tuấn không thấy được rằng khi anh rể có sổ đỏ rồi thì việc vợ con ông Tuấn vào ở là “xâm nhập gia cư bất hợp pháp”, chỉ có điều vì đây là anh em trong nhà CA không thể xích tay vợ con ông Tuẩn quẳng ra đường. Nếu muốn khiếu nại, phải làm cách khác.

Tôi khuyên ông Tuấn: Theo tôi anh nên bình tĩnh, khiếu nại đúng pháp luật thì mới có cơ hội, nếu không thì chắc chắn thất bại, không có một cơ hội nào. Anh nên gửi đơn đến cơ quan báo chí (Ông Tuấn: Tôi đã gửi rồi, kêu oan nhưng không ai giải quyết). Không, không phải đơn kêu oan. Anh gửi đơn đến báo Công an nhân dân, báo điện tử VNExpress, nơi đã đăng bài sai sự thật về vụ án của nhà anh ấy, yêu cầu họ cải chính và xin lỗi bạn đọc. Đồng thời anh gửi đơn đến Thanh tra Bộ thông tin truyền thông. Thanh tra Bộ nhận được đơn anh, họ sẽ yêu cầu hai báo phải báo cáo giải trình. (Ông Tuấn: Họ không làm thì sao?). Anh yên chí đi, họ sẽ làm, nhưng cái ta cần không phải là chuyện đó. Hai báo có thể giải trình là viết theo nội dung kết luận điều tra và bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc đó anh mới yêu cầu người ta cung cấp kết luận điều tra và bản án (Ông Tuấn: Tôi đã yêu cầu cung cấp bản án nhiều lần nhưng họ không cho). Anh đừng vội thế, cứ làm vậy nếu họ không cho thì anh gửi đơn nhờ nhà báo nào đó hoặc văn phòng luật sư vào Hà Tĩnh lấy hộ bản án. Chỗ này tôi phải nói rõ, anh phải có kinh phí cho nhà báo hoặc luật sư đi, mà tôi biết anh bây giờ không có tiền (Ông Tuấn gật đầu). Lấy được bản án rồi ta nói chuyện tiếp. Hãy nói đến đây thôi nhé. Bây giờ anh cần gửi đơn đến hai báo và cơ quan thanh tra bộ, đến tận nơi và bằng đường gửi thư bảo đảm. Thế đã! Tôi nói lại này, tôi tư vấn nhưng anh có thể nghe theo và có thể không nghe. Nếu anh nghe tôi thì khi có kết quả ban đầu tôi sẽ tư vấn tiếp.

Tôi chào ông Tuấn và bà con dân oan ra về. Tôi có khuyên ông Tuấn đến báo Người Cao tuổi gửi đơn cho Ban bạn đọc, để báo biết chứ không phải để đăng báo. Lý do không để đăng thì xuất phát từ yêu cầu của báo Người Cao tuổi, hiện nay đang họp Quốc hội, các bài đều tập trung cho chủ đề này, nêu bạn đọc muốn đăng đơn thư thì sẽ phải mua đủ số báo đưa vào Quốc hội, mất khoảng 6 triệu. Ông Tuấn lấy đâu ra 6 triệu mua báo bây giờ? Tất nhiên, nếu đăng trong thời gian này thì thông tin kêu oan của ông sẽ đến đại biểu Quốc hội rất nhanh, khỏi phải chặn xe đại biểu “biểu diễn thời trang” làm gì, nhưng ác cái là ông không có tiền.

Tôi chợt nhớ đến nhà hoạt động dân chủ mà tôi gặp để hỏi đường. Nhà hoạt động này nói ông Tuấn chặn xe của đại biểu Quốc hội là đúng, vì theo Điều 15 Bộ Luật tố tụng dân sự thì công dân có quyền bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi tra cứu Bộ Luật tố tụng dân sự, hình sự đều không thấy cái quy định mà nhà dân chủ nói ở đâu. Điều 15 của hai bộ luật này quy định hoàn toàn khác. Nhà hoạt động dân chủ nói CA phải thả ông Tuấn ra vì không được phép giữ quá 24 giờ nếu không có quyết định của Viện kiểm sát. Điều này ông nói đúng (Nghị định 162/NĐ-CP), nhưng áp dụng vào thực tế thì lại sai. Lý do là khi tạm giữ ông Tuấn, CA phường Cống Vị đánh giá hành vi của ông Tuấn là “một cách gây chú ý” nên sau khi nhắc nhở sẽ thả ra. Bây giờ chúng ta nghĩ đến một kịch bản khác. Giả dụ ông anh rể của ông Tuấn (một cán bộ cấp huyện đủ sức điều động cả công an huyện) là cán bộ quận Ba Đình, cấp trên của phường Cống Vị. Khi đó CA phường Cống Vị sẽ phải gọi điện đến chỗ ông anh rể này báo cáo tình hình. Ông anh rể hoàn toàn có thể nói với CA phường Cống Vị lập biên bản với lỗi “gây rối trật tự công cộng”, hôm nay thả về nhưng hôm sau có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt 2 năm tù giam. Đấy là lý do tôi trả lời nhà hoạt động dân chủ việc khỏa thân chặn xe của ông Tuấn là việc không nên làm.

Đ.P.K.

Tác giả gửi BVN

(Nội dung và phong cách diễn đạt thuộc về người gửi)

This entry was posted in luật pháp. Bookmark the permalink.