Để Quốc hội thực sự là Diên Hồng

Tô Văn Trường

Như mọi người đều biết, trước cơn sóng dữ ngoại xâm từ phương Bắc, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Nhà Trần đã tổ chức Hội nghị Diên Hồng. Sử chép Vua Trần chỉ mời các bô lão đến dự, có lẽ đấy chỉ là cách diễn giải hình tượng về "những đại biểu trí tuệ do dân bầu, dân cử" đến để cùng Vua tôi Nhà Trần vừa bàn kế sách đánh giặc, vừa để động viên tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng và củng cố niềm tin chiến thắng.

Để từ đó, quân dân nước Việt dũng cảm chiến thắng oanh liệt giặc Nguyên hung bạo. Các triều đại trước đó và sau đó với những hình thức và quy mô khác nhau đều có những Diên Hồng như vậy để bàn việc giữ nước và dựng nước. Ngày nay trước những cơ hội và thách thức to lớn rất cần phải có nhiều đột phá, mới mong có được một "Diên Hồng" theo đúng nghĩa của nó. 

Nhiều cử tri có chung nhận xét, Quốc hội hiện nay là diễn đàn chính thức có hiệu quả nhất, nếu không phải là duy nhất, để dân có thể phản biện chính sách và người thực thi chính sách, nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của dân và giữ mối liên hệ giữa dân và Quốc hội. Dù việc này còn yếu, nhưng nếu không, Quốc hội không còn là Quốc hội nữa.

Có quá nhiều việc phải làm để Quốc hội thực hiện chức năng này, điều mà khá nhiều lãnh đạo không muốn, thậm chí có người lẩn tránh và tìm cách đối phó, dù không dám nói ra vì rất đơn giản, nói ra là tự sát về chính trị.

Theo Luật Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nguyên tắc quan trong nhất là thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số, nhưng đáng tiếc đây là điều thường xuyên bị vi phạm ở các hình thức và cấp độ khác nhau.

Nhưng dù thế nào, Quốc hội cũng đang có những bước tiến đáng ghi nhận. Trong điều kiện hiện nay, những hoạt động có trách nhiệm, chủ động và trí tuệ của một số ít đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những đại biểu hiểu sâu về luật pháp, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Những ý kiến của họ rất đáng quý, có giá trị thức tỉnh công luận, góp phần khẳng định vai trò đại biểu nhân dân của Quốc hội.

Dân là nước

Cách đây hơn 600 năm, cảm khái sau thất bại của nhà Hồ, dẫn đến cảnh nước mất nhà tan, Cụ Nguyễn Trãi đã thốt lên một câu để lại cho muôn đời: "Lật thuyền mới biết dân như nước”. 

Xưa nay, bất cứ chính thể nào không lấy dân làm gốc hoặc chỉ nói cho đẹp, cho phải phép, trước sau đều phải trả giá. Các nhà Nho thì nói chữ: "Quốc dĩ dân vi bản" nghĩa là "Nước lấy dân làm gốc". Còn dân gian thì vừa có câu nói chữ: “Quan nhất thời, dân vạn đại” vừa có câu nôm na thẳng toẹt hơn: “Dân thương dân lập bàn thờ; Dân ghét dân đái ngập mồ, thối xương”. Những câu ấy dành cho mỗi vị quan tự soi đã đành, nhưng suy rộng ra, dân gian cũng gửi vào đó không chỉ lời nhắn cho từng vị.

Khâu đột phá của Quốc hội

Theo tôi tìm hiểu, được biết cách đây hơn 16 năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lắng nghe những ý kiến tư vấn trí tuệ và tâm huyết của một số vị đại biểu Quốc hội, đã mạnh dạn chọn đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn làm “đột phá khẩu”. Uy danh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có lẽ khởi phát từ việc này và hình ảnh Quốc hội lúc bấy giờ đã thay đổi đẹp đẽ trong con mắt cử tri.

Nhắc lại câu chuyện trên để thấy rằng, việc đổi mới một thiết chế quyền lực chính trị – pháp lý không giản đơn là hệ thống các giải pháp hay ý chí chủ quan của một người có thẩm quyền. Điều quan trọng là năng lực lắng nghe, khả năng nhận diện và sự lựa chọn khâu đột phá thích hợp với bối cảnh hiện tại, mà không nhất thiết phải tuân theo trình tự, xét về mặt lý thuyết. Điều này lệ thuộc rất lớn vào tầm tư duy, sự chí thành và cái tâm trong sáng, không phân biệt ngôi vị, thứ bậc trong quan hệ với đồng chí của mình. Những kẻ mạo danh “nguyên khí, hiền tài” không thể có được phẩm chất này, bởi quan lộ của họ không phải bởi tài năng và phẩm hạnh; họ ngạo mạn với ảo giác về sự xuất chúng của bản thân một cách bệnh hoạn. Bởi vậy, họ áp đặt ý chí từ tư duy mông muội, hoang dã, đang trong quá trình tiến hoá vào hệ thống do mình điều khiển. Đó là sự phá hoại vô cùng nghiêm trọng, mà chỉ có lịch sử mới đủ năng lực phán xét.

Để hội trường Quốc hội trở thành Diên Hồng

1. Đầu tiên, hãy chế định cho đúng đắn và thực thà tuân thủ chế định về vị trí, tính chất và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội ngang tầm với nguyên tắc hiến định, đó là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Không nên tiếp tục thi hành Hiến pháp, pháp luật theo cách “Nói vậy mà không phải vậy”.

Cần phải đổi mới Quốc hội cả về tổ chức và hoạt động. Chúng ta chưa chấp nhận tam quyền phân lập, nên trước mắt phải từng bước thay đổi theo hướng giảm dần số đại biểu Quốc hội là thành viên Chính phủ và chủ tịch UBND các địa phương, tiến tới giảm số lượng các đại biểu là lãnh đạo các ban Đảng và bí thư địa phương,  đồng thời tăng số đại biểu chuyên trách (đúng ra là chuyên nghiệp) với tiêu chuẩn chuyên môn và năng lực là chính.

2. Nhân vật trung tâm của Quốc hội chính là đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải thực sự là người có đủ đức, tài để đại diện cho Dân và dám nói lên ý chí, nguyện vọng của Dân, thực thi quyền làm chủ của Dân. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách nâng lên phải đi đôi với năng lực của họ. Hiện nay, Quốc hội có hơn 1/3 (một phần ba) đại biểu là chuyên trách nhưng hầu hết hoạt động rất mờ nhạt. Chỉ cần khoảng 10-20% đại biểu Quốc hội thực sự chuyên nghiệp, đúng tầm chính trị gia đã là hồng phúc lắm rồi! Đại biểu Quốc hội tiêu biểu như luật sư Trương Trọng Nghĩa dù không phải là đại biểu chuyên trách nhưng hoạt động của luật sư Nghĩa xứng tầm một chính trị gia. 

3. Muốn có những chính trị gia thực sự đủ tâm, đủ tầm thay mặt cho Dân quyết định việc nước thì phải chọn ứng cử viên một cách sòng phẳng, rộng rãi từ xã hội, chứ không nên máy móc duy trì nguyên tắc bất thành văn “Đảng cử, dân bầu”. Cần có cơ chế tranh cử tưởng minh, để hiền tài xuất lộ và trở thành chính khách chuyên nghiệp thông qua bầu cử dân chủ. Các đại biểu đều phải được bầu một cách có cạnh tranh, ít nhất họ phải diễn thuyết trước cử tri nơi họ sống, có cam  kết chương trình hành động. Ngoài ứng cử viên do Đảng giới thiệu, các tổ chức khác cũng có quyền giới thiệu, kể cả tổ dân phố, các hội nghề nghiệp… và đừng lấy Mặt trận Tổ quốc làm cơ quan hiệp thương để loại bỏ ứng viên mà nên lấy sự đồng thuận của cử tri qua thăm dò công khai để lựa chọn danh sách bầu. Cũng nên khuyến khích tự ứng cử và không hạn chế người ngoài Đảng, không hạn chế tuổi. Mặt khác, phải có cơ chế thuận lợi để cử tri được thực hiện quyền bãi miễn đại biểu nếu thấy họ không đủ năng lực, phẩm chất để đại diện cho mình.

Làm được như vậy, sẽ có các chính trị gia đúng nghĩa hoạt động trong Quốc hội (họ chính là nguồn nhân sự quan trọng bậc nhất của rường cột quốc gia) bởi họ biết khởi xướng chính sách và thuyết phục ủng hộ chính sách, thay vì phần lớn những “hình nhân” cắm mặt đọc bản viết sẵn mà không chắc có phải do họ tự viết ra hay không, khiến cho cử tri cả nước vô cùng thất vọng.

Nếu thực sự cầu thị, thì ngay trong khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khoá tới, cần tổ chức điều tra dư luận và phỏng vấn cử tri xem bao nhiêu phần trăm cử tri có thông tin về ứng viên, hiểu rõ quy chế bầu cử, thực sự quan tâm đến bầu cử, hài lòng với thể thức bầu cử,… và công bố ngay sau khi kết thúc bầu cử.

4. Về bộ máy của Quốc hội, đừng biến Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thành một cơ quan cấp trên của các cơ quan khác của Quốc hội và cấp trên của đại biểu Quốc hội. UBTVQH thực chất chỉ là cơ quan chuẩn bị tổ chức các kỳ họp Quốc hội và chỉ được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hay giám sát tối cao khi Quốc hội giao. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là các đại biểu Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Quốc hội theo đúng thủ tục, trình tự đã được luật định, không phải là thủ trưởng của Quốc hội.

5. Các Ủy ban của Quốc hội là hình thức tổ chức bên trong của Quốc hội không phải là một thiết chế tổ chức hành chính, không thể thiết lập chế độ vận hành như các cơ quan hành pháp. Chức vụ đứng đầu các Ủy ban có thể luân phiên đảm nhiệm bởi từng thành viên của Ủy ban, thay vì do toàn thể Quốc hội bầu giữ trọn nhiệm kỳ như hiện nay (điều này vô cùng trái với nguyên lý vận hành chế độ nghị viện).

6. Thay đổi căn bản bộ máy giúp việc cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đó phải thực sự là bộ máy chuyên nghiệp, thành thục về kỹ năng, do Tổng Thư ký đứng đầu, được cấu thành bởi ba nhóm trụ cột: (1) Nghiên cứu chiến lược và phản biện chính sách; (2) Tham mưu, tổng hợp về quy trình, thủ tục và (3) Dịch vụ hậu cần kỹ thuật.

Nhân sự của bộ máy giúp việc, muốn trở thành đại biểu Quốc hội phải rời bỏ bộ máy ấy để tham gia các hoạt động chính trị – xã hội trước khi tranh cử.

Thay cho lời kết

Sống trong xã hội quân chủ mà Ức Trai Tiên sinh luôn hiểu thấu vai trò của Dân. Từ chỗ so sánh Dân như nước, Người khẳng định: “Đẩy thuyền là Dân; lật thuyền cũng là Dân”. Tiếc là nhiều người lúc chưa đắm thuyền thì tự đắc, mê muội, khi biết được thì đã quá trễ rồi! Bởi vậy, để hội trường Quốc hội thực sự là Diên Hồng thì phải thượng tôn Tổ quốc! Mà Tổ quốc không vô hình, rất hữu hình – chính  là Dân.

Chừng nào vẫn coi Quốc hội chỉ là “trang trí” thì đó là tự dối mình, dối dân, trước mắt không làm cho Nước mạnh Dân giàu, còn về lâu dài thì hậu quả không cần đến bậc tiên tri đại tài cũng đoán định được.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.