Katsuji Nakazawa
Trần Hùng dịch
Hôm thứ Hai vừa rồi là sinh nhật lần thứ 67 của Tập Cận Bình. Đó hóa ra là một ngày quan trọng đối với chính trị Trung Quốc.
Tin đồn đã lan truyền từ ngày hôm trước trong một số đảng viên Cộng sản Trung Quốc là sẽ có một thông báo quan trọng sắp xảy ra. Hóa ra đó là một món quà sinh nhật bất ngờ khiến các chuyên gia phải bàn tán không ngừng.
Trên trang nhất ngày 15 tháng 6 của tờ Học tập, một ấn phẩm chính thức của Trường Đảng Trung ương, là một bài viết toàn trang với dòng tít lớn kêu gọi đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” – tư tưởng chính trị đặt theo tên của nhà lãnh đạo – trở thành “Chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21.”
Bài báo được viết bởi Hà Nghị Đình (He Yiting), phó giám đốc điều hành của Trường Đảng Trung ương và là một trợ lý thân cận của Tập, đóng một vai trò quan trọng trong việc biên soạn lý thuyết chính trị cho Tập, vốn được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội toàn quốc năm 2017.
Ông ta không chỉ đơn thuần là tìm cách lấy lòng Tập hay chơi chữ. Một tham vọng lớn được ẩn giấu đằng sau động thái này.
Về bản chất, đó là một nỗ lực nhằm tôn vinh hệ tư tưởng của Tập như một triết lý trăm năm có một dẫn đường cho tất cả người dân Trung Quốc và qua đó làm cho nó còn quan trọng hơn cả “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, hệ tư tưởng của người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Lời đề nghị này quả thật “hoành tráng” đến nỗi ngay cả Karl Marx chắc cũng sẽ phải ngạc nhiên ở thế giới bên kia. Trong bài viết, Hà Nghị Đình đưa ra lập luận rằng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Hoa ngày nay đã viết nên “chương tuyệt vời nhất của chủ nghĩa xã hội thế giới trong 500 năm qua” (?!).
Nói về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, Hà viết rằng “hai hệ tư tưởng, hai học thuyết và hai hệ thống của thế giới đang trải qua những biến đổi sâu sắc có lợi cho chủ nghĩa xã hội”.
Có nhiều hàm ý trong việc này. Việc bài viết được xuất bản đúng vào sinh nhật lần thứ 67 của Tập cũng có thâm ý lớn.
Có một quy tắc không chính thức lâu nay của Đảng được gọi là “thất thượng, bát hạ”, có nghĩa là “bảy lên, tám xuống”. Quy định này cho phép những người ở độ tuổi 67 trở xuống được ở lại nắm các vị trí quan trọng, nhưng yêu cầu những người từ 68 tuổi trở lên phải nghỉ hưu mà không được nắm các vị trí mới.
Tập sẽ 68 tuổi vào năm tới. Nếu tuân theo quy tắc về tuổi nghỉ hưu, ông ta sẽ không được tái cử vị trí chủ tịch nước tại đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2022.
Dù Tập đã thành công trong việc sửa đổi hiến pháp vào tháng 3 năm 2018 để xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ năm năm đối với chức chủ tịch nước, có khả năng một số lực lượng chính trị sẽ chống lại việc gia hạn nhiệm kỳ của ông Tập, lấy lý do quy định về độ tuổi như trên.
Cuộc đấu tranh quyền lực của Tập sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào mùa hè này. Đối với Tập, hội nghị đảng năm nay tại thị trấn nghỉ mát Bắc Đới Hà vào mùa hè này có khả năng nguy hiểm: có thể Tập sẽ không nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo lão thành trong Đảng.
Nhưng nếu hệ tư tưởng của Tập được nâng lên thành “hệ tư tưởng chỉ đạo của thế kỷ 21” và được ghi vào Điều lệ Đảng tại ĐH Đảng toàn quốc năm 2022, thì bối cảnh chính trị sẽ thay đổi.
Nếu được ghi vào như vậy, tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trở thành hệ tư tưởng định hướng toàn năng, được thần thánh hoá. Đối với Tập, người phát triển hệ tư tưởng, điều đó mở đường cho việc ông ta có thể trở thành chủ tịch nước trọn đời.
Nhưng việc phe của Tập phải dùng đến những biện pháp cực đoan như vậy để đảm bảo sự sinh tồn chính trị cho Tập cũng cho thấy không phải mọi thứ đã được an bài.
Một sự cố chính trị gần đây ở Trùng Khánh làm tăng thêm sự nghi ngờ.
Từ trái qua: Đặng Khôi Lâm, Mạnh Kiến Trụ và Tôn Lực Quân © Kyodo
Cứ gọi đó là “lời nguyền Trùng Khánh”. Một lần nữa, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố miền Trung Tây Trung Quốc này lại bị thất sủng.
Trong một thông báo vào ngày 14 tháng 6, các cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), phó thị trưởng Trùng Khánh và là giám đốc sở công an thành phố, đang bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng” kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước.
Lần lượt từng người một, các quan chức công an cấp cao liên tiếp ở Trùng Khánh đã chứng kiến vận may chính trị của mình kết thúc trong ô nhục.
Đây là một số trường hợp trong quá khứ.
Năm 2007, Bạc Hi Lai (Bo Xilai), đối thủ đầy tham vọng của Tập Cận Bình sau này, đã tới Trùng Khánh làm bí thư thành uỷ và sớm bắt tay vào chiến dịch tiêu diệt các băng nhóm tội phạm địa phương.
Bạc nhắm vào Văn Cường (Wen Qiang), người với tư cách là phó giám đốc sở công an Trùng Khánh và sau đó là giám đốc sở tư pháp, đã kiểm soát lực lượng cảnh sát địa phương. Văn được xác định là kẻ bảo kê tội phạm của thành phố và cuối cùng đã bị xử tử.
Cánh tay phải của Bạc, Vương Lập Quân (Wang Lijun), sau đó trở thành giám đốc công an Trùng Khánh; nhưng ông ta cũng không an toàn.
Từ trái qua: Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân (Nguồn: Xinhua/Kyodo)
Sau khi mâu thuẫn với Bạc, Vương đã đến xin tị nạn tại Toà Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô. Ông ta được cho là đã mang theo mình một lượng lớn “bí mật nhà nước” khi tới gõ cửa cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ này.
Mấy năm sau, Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) trở thành bí thư Trùng Khánh. Từng được cho là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua kế nhiệm Tập trong vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu trong tương lai của Trung Quốc, Tôn đã bị thanh trừng ngay trước thềm đại hội đảng năm 2017.
Hà Tĩnh (He Ting), người lúc đó đang giữ chức giám đốc công an Trùng Khánh dưới thời Tôn, cũng bị cáo buộc vi phạm kỷ luật và bị khai trừ đảng.
Trong khoảng chục năm qua, các giám đốc công an Trùng Khánh luôn bị cuốn vào các vụ bê bối liên quan đến các quan chức hàng đầu. Ngược lại, bất cứ khi nào giám đốc công an thành phố này bị thanh trừng, một vụ việc lớn liên quan đến bí thư thành uỷ chắc chắn đã xảy ra.
Nhưng con đường sự nghiệp của Đặng Khôi Lâm cho thấy lần này sẽ khác.
Trước khi luân chuyển đến Trùng Khánh, Đặng làm việc tại tỉnh Hồ Bắc trong lực lượng công an và sau đó là tại Bắc Kinh tại Ủy ban Chính Pháp Trung ương Đảng.
Ông ta được bổ nhiệm theo kiểu “nhảy dù”, từ chính quyền trung ương xuống chính quyền của một địa phương nơi ông không có mối quan hệ nào.
Cho đến khi chuyển đến Trùng Khánh, Đặng không có mối liên hệ trực tiếp nào với Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), bí thư thành uỷ hiện tại của thành phố và là phụ tá thân cận của Tập.
Từ trái qua: Tôn Chính Tài và Hà Tĩnh © Kyodo
Điều này có nghĩa là Đặng có khả năng đã gặp rắc rối theo một bối cảnh hoàn cảnh khác với bộ đôi Bạc – Vương và Tôn – Hà, những cặp đôi có liên quan đến tội phạm và bị buộc tội.
Cuộc điều tra đối với Đặng có thể liên quan tới Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), cựu uỷ viên Bộ Chính trị và từng là Bộ trưởng Công an đã nghỉ hưu.
Đặng trước đây từng là thư ký của Mạnh.
Hồi tháng Tư, một cựu thư ký của Mạnh cũng bị điều tra. Tôn Lực Quân (Sun Lijun) là thứ trưởng Bộ Công an, và ở tuổi 51, được coi là một nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo đầy triển vọng trong lực lượng an ninh và cảnh sát.
Bây giờ khi Tôn và Đặng bị điều tra, tương lai của Mạnh là một vấn đề được quan tâm. Mạnh thuộc về “phe Thượng Hải”, một nhóm thân cận với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Đó là đối thủ của nhóm chính trị do Tập dẫn dắt.
Nhưng tại sao Tập cần phải hạ bệ vị giám đốc công an Trùng Khánh?
“Tập đang ở trong một tình huống khá khó khăn khi ông ta phải đối mặt với một loạt các vấn đề chính trị đối nội, kinh tế và ngoại giao”, một nguồn tin trong đảng nói. Giống như Tập bật đèn xanh cho các cuộc điều tra về Tôn Lực Quân và cựu giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cuộc điều tra đối Đặng “là một động thái phủ đầu khác” để đề phòng các phe phái đối thủ “trước khi mọi thứ trở nên quá nguy hiểm”, nguồn tin nói.
Chế độ của Tập quả thật không vững chắc và ổn định như vẻ bên ngoài của nó.
T.H.
Nguồn: nghiencuuquocte.org/2020/06/18/