Điều 117 Bộ Luật Hình sự và suy đoán vô tội

Triệu Tử Long

Một vài nhà báo tự do hiện đang bị cáo buộc phạm tội hình sự tại Điều 117, tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Giám đốc thẩm, tái thẩm: vẫn áp dụng ‘suy đoán vô tội’!

Bộ Luật Tố tụng hình sự, Điều 13 “Suy đoán vô tội”, ghi:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Điều đó còn áp dụng khi mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị đưa ra xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm, thì nguyên tắc suy đoán vô tội cũng không mất đi hiệu lực, mà nó lại tiếp tục có hiệu lực trong quá trình giải quyết vụ án.

Mặc dù có điều luật ở trên, song khi đọc tin tức trên báo chí về các vụ án giai đoạn khởi tố cho đến lúc kết thúc điều tra, gần như tất cả đều tường thuật theo dạng khẳng định về các tội danh đã thành lập.

Lý thuyết trên giảng đường trường luật nói rằng, nguyên tắc suy đoán có tội và nguyên tắc suy đoán vô tội, đều là những nguyên tắc của tố tụng hình sự. Nhưng nguyên tắc suy đoán có tội là nguyên tắc của tố tụng thẩm vấn (inquisitorial), còn nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc điển hình của tố tụng tranh tụng (adversarial).

Vì sao có nhiều án oan, sai?

Giáo sư Đào Trí Úc, cựu Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam), trong bài báo “Nguyên tắc suy đoán vô tội – nguyên tắc hiến định quan trọng trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015”, có những lập luận như sau:

Tố tụng hình sự thẩm vấn dựa trên nền tảng quan hệ công, và vì vậy, nó có một hệ thống các nguyên tắc đặc trưng của mình; các nguyên tắc chủ đạo đặc trưng của nó là nguyên tắc công tố hay còn gọi là nguyên tắc về trách nhiệm khởi tố, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc về xác định sự thật khách quan (xác định chân lý vật chất) và nguyên tắc suy đoán có tội.

Tố tụng hình sự tranh tụng dựa trên một hệ thống các nguyên tắc chủ đạo đặc trưng của nó là nguyên tắc dàn xếp (disposition) của các bên, nguyên tắc hợp lý, nguyên tắc về xác định sự thật pháp lý hay còn được gọi là sự thật do tòa án và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ sự tương phản giữa hai mô hình tố tụng kể trên, theo đó, sự tương phản được xác định qua các cặp phạm trù đối lập: (1). Nguyên tắc thẩm vấn – nguyên tắc tranh tụng; (2). Nguyên tắc công tố (nguyên tắc về trách nhiệm khởi tố) – nguyên tắc dàn xếp; (3). Nguyên tắc pháp chế (hợp pháp) – nguyên tắc hợp lý; (4). Nguyên tắc xác định sự thật khách quan (chân lý vật chất) – nguyên tắc xác định sự thật pháp lý (sự thật do tòa án); (5). Nguyên tắc suy đoán có tội – nguyên tắc suy đoán vô tội.

Thực tiễn của các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử cho thấy, có một khuynh hướng nhìn nhận bị can, bị cáo như là người đã được coi là phạm tội, dù tội trạng của họ chưa được chứng minh. Trong tâm lý học, khuynh hướng đó được gọi là khuynh hướng buộc tội, còn luật học thì gọi đó là “suy đoán có tội”. Đó chính là một trong những nguyên nhân của vấn đề án oan, sai hiện nay”.

Nói thêm, giáo sư Đào Trí Úc, từng là Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật.

Phê phán đảng là đồng nghĩa chống phá nhà nước?

Từ diễn giải của vị giáo sư luật học có thời gian là tổng biên tập một tờ báo thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, cho thấy hầu như những bị can, bị cáo khi bị cáo buộc tội hình sự ở Điều 117, Bộ Luật Hình sự, luôn đối mặt với khuynh hướng buộc tội.

Đơn cử, lúc còn giai đoạn dự thảo sửa đổi Bộ Luật Hình sự, khi chuyển đổi Điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999 thành điều 117 của Bộ Luật hình sự hiện hành, có ý kiến cần hình sự hóa hành vi tuyên truyền chống đảng cộng sản Việt Nam.

Lập luận đưa ra cho ý kiến cần hình sự hóa nói trên, như sau: “Vì, tại Điều 4 của  Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình…

Như vậy, Hiến pháp đã quy định rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân… Và Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì thế, mọi hành vi chống phá Nhà nước phải được xem là chống phá Đảng, chống phá nhân dân và chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia thời gian qua cho thấy, các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm ráo riết tiến hành các hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Và để thực hiện âm mưu này, thông qua các trang mạng xã hội, bọn chúng không ngừng xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước, đồng thời kích động các phần tử xấu ở trong và ngoài nước đòi xóa Điều 4 trong Hiến pháp” (dừng trích ý kiến ghi nhận giai đoạn góp ý dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự 2015).

Tuy nhiên đề xuất trên đã không được phê chuẩn, và trong Bộ Luật Hình sự 2015 không có điều khoản nào về “hành vi tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đừng tưởng cứ đỏ là chín?

Như vậy, áp dụng Bộ Luật Tố tụng hình sự, Điều 13 “Suy đoán vô tội”, thì giả dụ nếu có nhiều bài báo phản biện về đảng chính trị, thì đó không đồng nghĩa với việc đang phản biện nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và một khi chưa có một điều luật hình sự nào cấm đoán việc phản biện, phê phán về đảng chính trị, thì về nguyên tắc, không thể cáo buộc những vi phạm hình sự trường hợp đó.

Bộ Luật Tố tụng hình sự, Điều 13 “Suy đoán vô tội”, có nghĩa tất cả các nghi ngờ đều được giải thích theo hướng có lợi cho người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ, thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.

Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự được coi là có lỗi trong trường hợp, nếu trong quá trình xét xử chứng minh được lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm.

Trên thực tế, trong những bài báo liên quan việc ủng hộ về tam quyền phân lập, về sự cạnh tranh bình đẳng để tạo động lực phát triển giữa các đảng chính trị, cho thấy cũng không phải là hành vi chống phá. Có thể dẫn chứng cho ‘suy đoán vô tội’ này qua bài báo tường thuật về diễn biến kỳ họp Quốc hội hiện tại, trên báo Tuổi Trẻ.

Bài báo Đại biểu Hoàng Đức Thắng: “Không làm sai, làm trái thì ai chống phá được”, có đoạn kết như sau: Cũng nêu quan điểm về “thế lực thù địch”, đại biểu Nghĩa trích lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có những cán bộ tưởng là công khai phê bình khuyến điểm của mình là có hại, thế lực thù địch sẽ lợi dụng để tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch tuyên truyền thì không gì hơn là khắc phục khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì điều gì muốn bưng bít người ta cũng biết”.

Cuối cùng, ông Nghĩa dẫn lại ý kiến của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng: “Không phải cứ đỏ mà chín đâu”. (1)

Trên báo Thanh Niên số phát hành cuối giờ chiều ngày 15-6, trong bài “Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích người góp ý mình”, có đoạn tường thuật: “Do đó, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. Cách làm đó trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Nghĩa nói.

Theo đại biểu TP.HCM, tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị song “không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử”.

“Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ như trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh”. (2)

Những đoạn trích ở trên, chỉ cần thay vào vị trí ông nghị Trương Trọng Nghĩa, giả dụ là nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, hay một công dân X.Y.Z nào đó, chắc chắn sẽ được coi là tuyên truyền ‘chống nhà nước – chống đảng’ (!?).

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/dai-bieu-hoang-duc-thang-khong-lam-sai-lam-trai-thi-ai-chong-pha-duoc-20200613143555871.htm

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/dung-muon-bong-ma-the-luc-thu-dich-de-cong-kich-nguoi-gop-y-minh-1238222.html

T.T.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Luật Hình sự. Bookmark the permalink.