Ứng xử với Pháp Luân Công: Người Việt sẽ học Đài Loan hay Trung Quốc?

Duy Nguyễn

Một học viên Pháp Luân Công bị hai cảnh sát bắt giữ ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 10/1/2000. Ảnh: Chien-Min Chung/AP.

Vào tuần trước, một người bạn của tôi tá hỏa khi thấy cô con gái lớp 7 mang về nhà một tờ rơi và một móc gắn chìa khóa của Pháp Luân Công. Người bạn này của tôi   không hoàn toàn phản đối bộ môn này nhưng lại rất nghi ngờ về khả năng chữa bệnh của nó. Một vài học viên Pháp Luân Công gần nhà cô đã qua đời chỉ vì mắc bệnh nặng mà không chịu đến bệnh viện.

Trên đường phố, trong các công viên, nhiều người vẫn không khỏi bối rối khi cầm các tờ rơi mà chính quyền Việt Nam đang cho là bất hợp pháp.

Ở Trung Quốc, bạn sẽ bao giờ không nhận được những tờ rơi như vậy, bạn cũng sẽ không thấy một ai tập luyện bộ môn này công khai.

Nhưng ở Đài Loan, một đất nước luôn bị Trung Quốc đe dọa, bạn sẽ gặp các học viên Pháp Luân Công mặc áo vàng, ngồi tập luyện ở những điểm du lịch đông đúc hay các khu chợ đêm rộn ràng, rồi ai đó sẽ chìa ra cho bạn một tờ rơi bằng tiếng Việt cho bạn về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và mong bạn ký tên vào thỉnh nguyện thư.

Đài Loan và Trung Quốc là hai đất nước kề nhau, cùng văn hóa Á Đông, cùng nói tiếng Hoa nhưng cách ứng xử với Pháp Luân Công là hoàn toàn trái ngược.

Khi cấm phổ biến tài liệu Pháp Luân Công, chính quyền Việt Nam đang giẫm lên những bước chân của Trung Quốc trong những ngày đầu chống bộ môn này.

Cuộc chiến đầy tốn kém của Trung Quốc

Năm 2017, khi tôi dự một hội nghị quốc tế về dân chủ ở Cộng hòa Séc, một người phụ nữ Trung Quốc đã bước lên sân khấu thuật lại những màn tra tấn tàn nhẫn mà bà đã trải qua chỉ vì thực hành Pháp Luân Công. Những hình ảnh tra tấn chiếu trên màn ảnh hôm đó đã làm rất nhiều quan khách phải rợn người.

Từ công nhận rồi trở mặt đàn áp Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc đã lâm vào một cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm tiêu tốn hàng tỷ đô la. Cuộc chiến đó bắt đầu không lâu sau thảm sát Thiên An Môn.

Theo tiến sĩ Phật học Cheng Wu, sau khi tình cờ học khí công và các nền tảng của Phật giáo và Đạo giáo vào năm 1988, Lý Hồng Chí đã sáng lập ra Pháp Luân Công.

Lý Hồng Chí ngay lập tức đã thu hút nhiều người tập Pháp Luân Công trong thời điểm người dân đang hoang mang trong thời kỳ cải cách kinh tế đầy mong manh của Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở khắp nơi.

Tiến sĩ Cheng Wu căn cứ vào các tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng sau khi thành lập Pháp Công ở tỉnh Changchun (Trường Xuân) vào năm 1992, Lý Hồng Chí đã lập khoảng 1.900 trạm hướng dẫn tập luyện với khoảng 28.000 điểm tập luyện ở khắp Trung Quốc.

Lý Hồng Chí còn được sự bảo trợ của Hiệp hội Khí công nhà nước để truyền bá Pháp Luân Công khắp nơi ở Trung Quốc. Năm 1995, ông còn được mời đến dạy cho nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris, theo tổ chức nhân quyền Freedom House.

Tuy nhiên, một năm sau, ông phải đến Mỹ định cư sau khi từ chối yêu cầu của Hiệp hội Khí Công về việc thiết lập các chi nhánh để thu phí và kiểm soát các học viên.

Từ năm 1996, chính quyền bắt đầu cấm các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình của Pháp Luân Công với lý do chưa được nhà nước cấp phép. Nhưng càng cấm thì sự tò mò càng trỗi dậy, tìm hiểu Pháp Luân Công là một xu hướng xã hội vào lúc đó.

Những người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc ngày càng đông đảo. Tổng số học viên mà bộ môn này tuyên bố có thể lên đến 70 triệu vào lúc đó, bao gồm đủ các thành phần xã hội và một số các đảng viên cao cấp.

Không khí ngột ngạt kéo dài cho đến năm 1999 thì một bài báo chống Pháp Luân Công và khí công trên một tạp chí của Đại học Thiên Tân đã châm ngòi cho cuộc biểu tình lớn thứ hai sau sự kiện Thiên An Môn.

Khi cuộc biểu tình của khoảng 10.000 người này kết thúc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công.

Các tờ báo ra sức tuyên truyền về “tà đạo” Pháp Luân Công: thao túng tinh thần và kiểm soát các học viên có tổ chức, âm mưu tranh giành quần chúng, và thậm chí là sự thâm nhập của Lý Hồng Chí vào các cơ quan đảng nhằm hình thành lực lượng đối lập chính trị.

Gần như toàn bộ hệ thống chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức quần chúng cho đến lực lượng công an, tòa án cho đến các cơ quan ở hải ngoại, đều tham gia chống Pháp Luân Công, được gọi là “cơn bão chính trị” nghiêm trọng nhất sau Thiên An Môn.

Các học viên Pháp Luân Công diễn lại cảnh công an Trung Quốc tra tấn học viên của bộ môn này trên đường phố thủ đô Edinburg của Scotland vào năm 2004. Ảnh: Minhhui.

Và cũng bắt đầu từ đó, Trung Quốc đã chuốc vào mình những tai tiếng trong cộng đồng quốc tế, từ mổ xẻ nội tạng, tra tấn tàn bạo, bỏ tù dài hạn, lao động cưỡng bức cho đến phá hoại gia đình của các học viên Pháp Luân Công.

Từ hàng triệu người tập Pháp Luân Công công khai, nay các học viên ở Trung Quốc phải đóng chặt cửa để tập luyện.

Những người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài thường phải khó chịu vì bị các học viên Pháp Luân Công chìa vào mặt những hình ảnh đàn áp tàn bạo ở quê nhà mà họ không hề hay biết.

Như hai nhà nghiên cứu Stephen Noakes và Caylan Ford cho rằng Trung Quốc đã lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan do chính nó tạo ra khi quyết tiêu diệt Pháp Luân Công. Bắc Kinh đang phải đi trên một đường ray mà không thể quay lại cũng không thể rẽ sang một con đường khác.

Giáo sư David Ownby, Đại học Montreal ở Canada, tác giả của cuốn sách Pháp Luân Công và tương lai của Trung Quốc, cho rằng cuộc chiến tốn kém này của Trung Quốc đã tạo ra tác dụng phụ. Những học viên vốn ít quan tâm đến chính trị, yêu nước, thậm chí là tôn sùng chủ nghĩa quốc gia đã phải cay đắng trở mặt với chính quyền, trở thành những nhà hoạt động.

Đài Loan – nơi chấp nhận mọi thứ của Pháp Luân Công

Đầu những năm 2000, khi chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, các học viên của bộ môn này đã hiện diện ngày càng nhiều ở các quốc gia khác, sớm nhất là Đài Loan và Tây Tạng.

Cách Việt Nam chỉ hơn ba giờ bay, Đài Loan, một đảo quốc của hơn 23 triệu dân, với GDP bình quân đầu người gấp 10 lần Việt Nam, là nơi Pháp Luân Công hoạt động mạnh mẽ nhất ở châu Á.

Trong hơn 20 năm qua, khi Trung Quốc kiên trì với cuộc đàn áp của mình, các học viên Pháp Luân Công cũng nỗ lực thực hiện chiến dịch làm rõ sự thật về chính quyền Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới. Ở Đài Loan, các học viên Pháp Luân Công gần như hàng ngày xuất hiện trên đường phố có đông đảo khách du lịch để tố cáo cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc.

Gần như hàng ngày, học viên Pháp Luân Công ngồi tập luyện để thu hút sự chú ý của khách du lịch tại chợ đêm Ximending, Đài Bắc. Ảnh chụp vào tháng 12/2018. Ảnh: Minhhui.

Sau khi bắt đầu dân chủ hóa từ năm 1987, Đài Loan đã trở thành một vùng đất khoan dung với tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Ngày nay, Đài Loan đang là đất nước có chỉ số tự do cao nhất sau các nước Bắc Âu, theo Freedom House. Chính quyền Đài Loan gần như không phải tốn kém như Trung Quốc để can thiệp các giáo phái, dù đó là những giáo phái mê tín, cuồng giáo, trông như đang lợi dụng tín đồ nhưng miễn là không vi phạm pháp luật.

Theo Tiến sĩ Phật học Cheng Wu, đầu những năm 2000 là khoảng thời gian Pháp Luân Công xuất hiện nhiều trên báo chí Đài Loan nhất nhưng rồi cũng phải nhường chỗ cho các sự kiện chính trị khác. Ở Đài Loan, Pháp Luân Công chưa bao giờ bị cáo buộc lôi kéo quần chúng để làm chính trị hay thao túng tinh thần của các học viên như những tuyên truyền của Trung Quốc. Những bất tiện mà các học viên Pháp Luân Công gây ra cho khách du lịch cũng không thể giới hạn quyền tự do biểu đạt của họ.

Trong một bài viết năm 2014 của Al Jazeera, Giáo sư báo chí Flora Chang, thuộc Đại học Quốc Gia Đài Loan, một đại diện của Pháp Luân Công, nói rằng, Cơ quan Du lịch Đài Loan từng yêu cầu cấm giăng biểu ngữ của Pháp Luân Công tại các điểm du lịch vì làm phiền khách Trung Quốc. Nhưng yêu cầu bất hợp pháp này nhanh chóng bị rút lại và cơ quan này đã phải xin lỗi công chúng.

Một bài viết trên trang tin New Bloom của Đài Loan cho thấy chính quyền nước này ngày càng giới hạn sự can thiệp của nhà nước đối với các giáo phái mới dù bị một số tổ chức xã hội dân sự phản đối.

Không giống như một số người Việt nghĩ rằng hợp pháp hóa Pháp Luân Công sẽ làm cho đất nước rối loạn, thậm chí còn cho rằng sẽ làm các gia đình tan nát. Ở một đất nước tự do như Đài Loan, nhà nước không đưa ra sự lựa chọn cho các cá nhân mà mỗi người được tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Ngược lại, cuộc chiến chống Pháp Luân Công tốn kém của Trung Quốc rõ ràng đã làm tan nát những gia đình khi nhiều học viên phải đưa gia đình đi tị nạn, bị chết trong các trại giam, bị tra tấn tàn nhẫn hay bị cưỡng bức lao động trong các trại cải tạo.

Người Việt sẽ chọn cách ứng xử như thế nào đối với Pháp Luân Công? Thúc đẩy chính quyền chọn một cuộc chiến tốn kém và bị cộng đồng quốc tế lên án dài lâu như Trung Quốc, hay học theo Đài Loan tôn trọng sự lựa chọn của người khác?

D.N.

Nguồn: Tạp chí Luật Khoa

This entry was posted in Đài Loan, Đảng CSTQ, Pháp Luân Công. Bookmark the permalink.