Khoảng 8 ngàn công nhân Công ty TNHH Chí Hùng đình công, báo chí quốc doanh “thờ ơ”

Trần Dzạ Dzũng

Báo Bình Dương, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương đã chọn việc im lặng, không đưa tin về việc liên tiếp trong 3 ngày vừa qua (27-5 đến 30-5), khoảng 8.000 công nhân Công ty TNHH Chí Hùng (100% vốn Đài Loan, tại khu phố Mỹ Hiệp, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã đình công.

Chuyên mục “Lao động” trên báo điện tử Bình Dương cũng không có tin tức liên quan đến cuộc đình công ở doanh nghiệp có gần chục ngàn công nhân này trong mùa dịch corona (http://baobinhduong.vn/lao-dong/)

Báo Tuổi Trẻ và báo Pháp Luật TP.HCM ‘lên’ tin về cuộc đình công ở Công ty Chí Hùng vào cuối giờ chiều ngày 29-5-2020, khi mà cuộc đình công kéo dài suốt 3 ngày đã tạm kết thúc (1).

Báo Người Lao Động hiện có cơ quan chủ quản là Liên đoàn Lao động TP.HCM, thì đưa tin về diễn biến cuộc đình công bằng việc đăng lại bản tin của báo Bảo hiểm xã hội (2).

Nhìn chung nhiều tòa soạn báo chí nhà nước đã gần như chọn việc im lặng cho tin tức thuộc dạng ‘Breaking News’ – Tin nóng ấy. Có lẽ việc đình công đi kèm biểu tình trong những ngày cuối của tháng 5 ở Tân Uyên, Bình Dương, được nhà chức trách đánh giá thuộc nhóm nhạy cảm chính trị, bởi nó diễn ra khi Quốc hội đang nhóm họp và các dự luật biểu tình, dự luật về quyền lập hội tiếp tục được Quốc hội ‘khất’ ban hành.

Báo Dân Việt (cơ quan chủ quản là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), trong ngày 29-5 lại có bài viết khá chi tiết vụ việc nói trên, đăng vào đầu giờ chiều ngày 29-5 (3).

Sự thật thì nhóm các nhà báo ở các tờ báo kể tên ở trên – bao gồm cả báo Bình Dương, họ đều có mặt ngay khi vụ việc đình công, biểu tình xảy ra. Tuy nhiên, việc ‘bấm nút’ đăng các bài báo này trên trang điện tử lại phải chờ khi vụ việc ‘cơ bản’ được giải quyết, vì ở đây lằn ranh ‘kích động’ qua việc truyền thông là một lo ngại của cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có cả yếu tố nhạy cảm là ngờ vực ‘đối tượng giựt dây’ đến từ Trung Quốc.

Theo ghi nhận thì đến sáng ngày 30-5, chỉ có khoảng 7.700 trên 9.500 công nhân Công ty Chí Hùng trở lại làm việc. Có 1.600 lao động tại 3 xưởng là xưởng đế 2, xưởng A1, xưởng B1 không làm việc.

Đến hôm 1-6, các công nhân đã quay trở lại làm việc bình thường.

Một chút bên lề. Nhà báo Vũ Bình, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Người Lao Động kể hồi trước ở tờ Người Lao Động có tay tổng biên tập rất sợ đụng chạm, sợ mất lòng cấp trên.

“Hắn chỉ đạo, khi công nhân các doanh nghiệp đình công, báo ta phải né, phải nói theo cấp trên là ‘ngưng việc tập thể’ – một cụm từ không có trong từ điển. Do làm báo hèn mạt, chẳng giống ai, bị bạn đọc xa lánh. Báo thu không đủ chi, hắn cắt phăng một kỳ lương của cả cơ quan, trong lúc đời sống mọi người đang quá khó khăn.

Phân nửa cán bộ, công nhân viên rũ áo ra đi. Món nợ này, hắn có xuống mồ cũng không trả hết. Tôi biết, không ít tờ báo cũng phải chịu tổng biên tập từ trên trời điều xuống như vậy, nên anh chị em yêu nghề bị khó khăn”. Nhà báo Vũ Bình chia sẻ và kể thêm rằng thời đó, “mỗi ngày báo ra 16 trang, không có trang nào dành cho giai cấp công nhân, nhưng phải có riêng một trang về tổ chức công đoàn ba phải. Hắn chỉ biết bắt cả tờ báo phải ‘ăn theo, nói leo’, quá xấu hổ”.

“Hắn” trong lời kể nói trên, hiện giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

_________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/tim-huong-ho-tro-9-500-cong-nhan-thieu-don-hang-trong-mua-covid-19-20200529174140394.htm; https://plo.vn/xa-hoi/vi-sao-hang-ngan-cong-nhan-tai-binh-duong-dung-viec-915596.html

(2) https://nld.com.vn/cong-doan/vi-sao-8000-cong-nhan-cong-ty-tnhh-chi-hung-dinh-cong-20200601151038704.htm; http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-vi-sao-8000-nld-cong-ty-tnhh-chi-hung-binh-duong-dinh-cong-551364a5.aspx

(3) https://danviet.vn/hang-nghin-cong-nhan-tam-ngung-viec-vi-nghe-tin-nghi-khong-luong-20200529104625608.htm

T.D.D.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Báo chí quốc doanh, Lao động Việt. Bookmark the permalink.