Thử một góc nhìn pháp lý trong vụ báo Phụ Nữ

Thanh Nhã

NÓNG: CHUYỆN LẠ LÀNG BÁO SÀI GÒN

Cục Báo chí Bộ 4T bênh vực đại cty SUN GROUP, phạt báo Phụ Nữ TP.HCM 55 triệu và đình bản 1 tháng. Báo Phụ Nữ TPHCM ĐỐI ĐẦU QUYẾT LIỆT kiểu “phụ nữ” rất độc đáo: in thêm 20 000 báo giấy vừa giãi bày ÁN OAN, vừa BÙ LỖ tiền phạt. Bà con Saigon ủng hộ mua hết luôn 20 000 số trong buổi chiều.

Cao tay Báo Phụ nữ Sài Gòn !

ĐẾN CHIỀU NGÀY 29-5, thêm bất ngờ, tờ báo Phụ Nữ số phát hành ngày 29-5, mặc dù đã in nối bản số lượng lên đến 20.000 bản, lại được các sạp bán sạch trơn. Trên fanpages của báo Phụ Nữ TP.HCM, đưa ra thông báo kèm việc kêu gọi sự ủng hộ của độc giả qua thay đổi avatar (khung ảnh đại diện) có dòng chữ “PHỤ NỮ ONLINE SẼ TRỞ LẠI 28.6.2020”.

LÀNG BÁO SÀI GÒN đã vỗ tay hoan nghênh, song các tổng biên tập những tờ báo “nam nhi” như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động và cả Sài Gòn Giải Phóng thì chưa thấy đưa tin về sự kiện có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong 45 năm qua: một tờ báo đã đĩnh đạc phản hồi chi tiết, rành mạch tất cả các cáo buộc của cơ quan quản lý khi nhân danh nhà nước, cơ quan này đã ‘phạt vạ’ kèm ‘đóng cửa’ tờ báo Phụ nữ online trong một tháng, ngay mùa dịch corona đang khiến cuộc sống tiếp tục trong cơn vật vã.

Nhà báo nữ Vương Liễu Hằng, cựu phóng viên báo Công an TP.HCM, nhận xét ngắn gọn nhưng đầy hàm ý đe dọa đến tận ‘bề trên’ cao nhất: “Mình không ngạc nhiên trước phản ứng của báo Phụ Nữ. Không tin. Các ông cứ thử về… đình bản vợ mà xem! Sẽ còn khủng khiếp hơn ấy chứ”.

Nhà báo Phạm Hồng Phước, cựu phó tổng biên tập tạp chí E-chip, chia sẻ khá dài cảm xúc: “Báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 29-5-2020 lại làm nóng cộng đồng mạng khi dành tới 5 trang (bao gồm trang nhất) để ‘nói lại cho rõ’ về những ‘sai phạm’ mà báo đã bị cơ quan quản lý chuyên môn quy kết liên quan tới loạt bài điều tra về một số dự án xây dựng của doanh nghiệp Sun Group đăng trên báo in, và báo điện tử hồi tháng 9-2019. Loạt bài đó từng gây xôn xao công luận.

Ngày hôm trước, 28-5-2020, báo chí ‘rầm rộ’ đưa tin báo Phụ nữ TP.HCM bị Cục Báo chí phạt hành chính 55 triệu đồng, và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử đã được cấp (tức đình bản) trong thời hạn 1 tháng. Đồng thời, Cục cũng buộc báo Phụ nữ TP.HCM phải cải chính, xin lỗi theo quy định.

Phải nói rằng phản ứng của báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 29-5 là chưa có tiền lệ trong làng báo chí Việt Nam từ sau 1975. Nhiều người nhận xét đây là sự dũng cảm, là bản lĩnh. Tôi nghĩ thêm, đây là một hành động ‘fair play’, một sự minh bạch và sòng phẳng, có trách nhiệm với bạn đọc – những người muốn biết vì sao tờ báo mà mình yêu thích bị xử phạt?

Và có một điều dễ hiểu và phải hiểu, nếu không tự tin vào mình, báo Phụ nữ TP.HCM đã không một lần nữa dám ‘chơi tất tay’ như thế này. Và cũng chính nhờ 5 trang báo in ‘nói lại cho rõ’ này, mọi chuyện đúng sai giờ đây công chúng – người đọc có thể phân định. Và nhiều cơ quan, tổ chức sẽ lại phải ‘trả lời’ cho thỏa đáng và công khai đáp trả công khai.

Chỉ mong đừng ai bị dị ứng với cách hành xử này của chị em báo Phụ nữ TP.HCM. Hãy bình tâm đọc kỹ, họ rất chừng mực, cái nào sai lỗi thì vẫn nhận; cái nào thấy cần nói lại, nói thêm cho rõ thì làm rõ hơn. Hơn nữa, bị cáo trước khi bị tuyên án vẫn được quyền nói lời cuối cùng và sau khi có bản án vẫn được quyền kháng cáo kia mà.

Tất nhiên, công chúng chỉ có thể đọc được sự ‘nói lại cho rõ’ của báo Phụ nữ TP.HCM trên báo in, vì phiên bản online đã phải đình bản theo quyết định của cấp thẩm quyền. Mà nghe nói báo in Phụ nữ TP.HCM sáng nay ‘cháy hàng’. Trong khi đó, bản chụp share nhau trên Facebook lại bị mờ do chất lượng kém.

Tôi không có đủ thông tin vụ việc nên không có nhận xét gì. Tôi chỉ có 2 chi tiết:

1. Loạt bài điều tra và ‘nói lại cho rõ’ này diễn ra khi báo Phụ nữ TP.HCM vẫn thuộc chủ quản của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM. Theo quy hoạch báo chí, sắp tới đây, báo này sẽ chuyển chủ quản về Thành ủy TP.HCM.

2. Từ loạt bài điều tra này, báo Phụ nữ TP.HCM vẫn chỉ lẻ loi, đơn độc. 500 anh em đồng nghiệp nam giới lặng lẽ ngồi nằm đứng ngó hậu duệ Bà Trưng – Bà Triệu múa phím, im re bất kể đồng nghiệp tóc dài của mình đúng hay sai !!!.

Bất luận thế nào đi nữa, tôi vẫn ngưỡng mộ các đồng nghiệp báo Phụ Nữ TP.HCM – tờ báo đầu tiên của TP.HCM mà tôi viết bài cộng tác khi mới từ Long An chuyển về TP.HCM hồi đầu thập niên 1980”.

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn, cựu Thư ký tòa soạn tạp chí Kiến thức gia đình, châm biếm: “Trong 7 điều mà báo Phụ nữ TPHCM số ra ngày 29-5 phản biện lại quyết định xử phạt hành chính của Cục Báo chí, có điều thứ 3 rất thú vị. Đó là vấn đề liên quan đến bài “Trường đua xe tốc độ cao trong lõi rừng Tam Đảo II” đăng trên báo điện tử và báo in Phụ Nữ TP.HCM ngày 23-10-2019.

Cục Báo chí khẳng định, dự án cho thuê rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái Tam Đảo, không có hạng mục “đua xe tốc độ cao”, chỉ có hạng mục “đua xe tốc độ” thôi. Báo Phụ nữ TP.HCM cũng thừa nhận đã viết dư chữ “cao”.

Rõ ràng, Cục Báo chí bằng kỹ năng nghiệp vụ siêu phàm, đã chỉ ra được một cái tội rất to của báo Phụ nữ TPHCM, để kết luận “thông tin sai sự thật”.

Đúng là không thể tha thứ được, dám đơm đặt “cao” vào màn “đua xe tốc độ”. Láo quá láo! Mấy chị em xiêm áo lộng lẫy nước hoa thơm phức mà muốn múa gậy vườn hoang, trước ánh mắt tinh tường của những chuyên gia hàng đầu đang ngất ngưởng tại Cục Báo chí để soi xét nền báo chí cách mạng à?

Đối với nhân loại, khái niệm “đua xe” luôn gắn với “tốc độ cao”, nhưng ở Việt Nam thì “tốc độ” được khống chế “vừa” hoặc “thấp”. Ở Việt Nam mà nói “đua xe tốc độ cao” là thiếu lập trường, kém ý thức, có dấu hiệu tự chuyển biến, tự chuyển hóa nghiêm trọng! Riêng điểm này, Cục Báo chí ra tay thanh trừng báo Phụ nữ TP.HCM là rất chính xác, tuyệt đối đáng ủng hộ.

Tuy nhiên, với sự tận tâm tận tụy vì nước vì dân, thì Cục Báo chí cần có thêm văn bản đề nghị Tổ chức kỷ lục Guinness vinh danh “Việt Nam là quốc gia khai sinh môn thể thao đua xe tốc độ thấp trong rừng đặc dụng”.

Nhà báo Huỳnh Thu Hiền, cựu Phó tổng biên tập tạp chí Shipping Times, ‘mách nước’ rằng vị đại diện Cục Báo chí ký xử phạt tờ báo Phụ nữ TP.HCM, có tài khoản cá nhân facebook là https://www.facebook.com/nguyen.t.lam.1460. Ai quan tâm, có thể ‘tương tác’ với vị quan chức này ở tài khoản đó. Lưu ý, Cục trưởng Lâm trước khi được bổ nhiệm làm quan ở Cục Báo chí, ông từng kinh qua các vị trí: Phó ban Thời sự VTV, Phó tổng AVG, Giám đốc VTC, Cục phó Báo chí, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình.

Nôm na thì Cục trưởng Lâm cũng là ‘dân có nghề’, song đúng như lời răn của nữ nhà báo Vương Liễu Hằng, “Các ông cứ thử về… đình bản vợ mà xem! Sẽ còn khủng khiếp hơn ấy chứ”.

CHÚ THÍCH: ảnh dưới: trang FB của Cục trưởng báo chí Nguyễn Thanh Lâm

Ảnh của Nguyễn Thanh Lâm.

Lynn Huynh

Xã hội văn minh thì pháp luật là công cụ hữu hiệu để mọi cá nhân, tổ chức vận dụng để bảo vệ mình.

Từ góc nhìn đó mới thấy FLC đã hành xử đúng mực bằng vụ kiện mà báo Giáo Dục là bị đơn. Phán quyết của tòa án là quyết định cuối cùng để các bên đương sự chấp hành.

Nền tảng pháp luật văn minh đó sáng nay được thấy bằng phản ứng của báo Phụ Nữ TP.HCM. Theo đó, trước quyết định xử phạt của Cục Báo chí, báo Phụ Nữ đã lên tiếng phản hồi chứ không im lặng chấp nhận.

Mơ về một xã hội văn minh vì thế có cơ sở với sự quyết liệt phản bác cáo buộc các vi phạm. Có thể sự kiện này sẽ làm tiền đề cho tranh luận dân chủ với cơ quan quản lý nhà nước trước các quyết định hành chính. Các bên tự giải quyết tranh chấp bằng tòa án dân sự.

Ở đó, Sun Group có đầy đủ quyền khởi kiện, buộc bồi thường thiệt hại do báo Phụ Nữ viết, đăng tải sai gây ra. Đó là cách FLC và rất nhiều doanh nghiệp khác đã làm và đã thắng kiện các cơ quan báo chí.

Góc độ khác, báo Phụ Nữ cũng có quyền khởi kiện quyết định hành chính của Cục Báo chí và đưa cục này ra tòa như một đương sự bình thường của tất cả các vụ án khác.

Kể từ sau 1975, không khí báo chí Việt Nam đã thiếu vắng các hoạt động sôi nổi của bút chiến, của tranh luận đối với các vấn đề liên đến hoạt động báo chí.

Các bản tin dài thượt chỉ để liệt kê danh sách các đồng chí, chức vụ tới tham dự mà nội dung chính chẳng có gì đọc, hay các bài viết một chiều không phản biện đã làm đời sống báo chí hiu hắt.

Có thể trông chờ vào một xã hội văn minh, đời sống báo chí văn minh không, nhà báo có tư duy độc lập không thì còn phải chờ lâu.

Nhưng ít ra các loại tin tức Hồ Ngọc Hà mang bầu, Nam Khánh xì hơi vào mặt đánh thức Ngọc Lan ở phim trường, con gái Trương Ngọc Ánh lộ quần chip, cô gái ị đùn trên xe khách… đã không còn làm ngu muội quần chúng được nữa!

Báo chí đã mất sự độc quyền trong xuất bản do mạng Internet. Vậy nên càng bị thu phục trước uy quyền, báo chí sẽ càng tự tước bỏ đời sống báo chí văn minh của mình!

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/2-99.jpghttps://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/2-100.jpghttps://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/2-101.jpg

T.N.

________

Mời đọc: Vạch tội ‘tư bản đỏ’ Sun Group, báo Phụ Nữ TP.HCM bị đình bản ‘online’ (NV).

Nguồn: FB Báo Sạch

Bài khác:

Cần làm quen và duy trì cách quản lý báo giới trên tinh thần đối thoại

Ngô Văn Giá

Hôm nay, 29/5/2020, báo giới cả nước xôn xao về việc lên tiếng của báo Phụ nữ TP HCM đối với Cục báo chí của Bộ TT và TT đã "rút giấy phép thông công" tờ online trong thời hạn 1 tháng, theo đó bản báo cũng đã bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất và công bố tuyến bài bị cho là lý do của vụ kỷ luật đó.

Là một người trong nghề, đã và đang tham gia làm báo, giảng dạy nghề báo, tôi bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với sự lên tiếng của báo Phụ nữ TP HCM.

Tôi coi tiếng nói của báo Phụ nữ TP HCM hoàn toàn không phải là sự giải trình, phân bua; càng không phải là sự phản đối, mà là sự ĐỐI THOẠI cần thiết.

Bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào dưới quyền khi thấy cấp trên ra quyết định kỷ luật chưa/không thỏa đáng đều được quyền lên tiếng, đưa ra công luận để công chúng, nhân dân biết và giám sát. Nên xem đây là một sinh hoạt tinh thần bình thường, lành mạnh và chính đáng.

Tôi nghĩ, việc lên tiếng của báo Phụ nữ TP HCM như thế này cũng đã từng có tiền lệ, nhưng chưa trở thành một sinh hoạt bình thường, rộng rãi, cần thiết trong báo giới nước ta. Lâu nay, thường là khi một tổ chức báo chí, cá nhân nhà báo nào bị "xử phạt", hầu như không thấy/được trao đổi, đối thoại, đưa tin công khai, chính xác và đầy đủ trước công chúng. Đa số đối tượng chịu kỷ luật thường nín nhịn và khuất phục.

Nay tình hình đã khác. Cần minh bạch hóa thông tin, mọi kỷ luật đối với báo giới cần được trao đổi, đối thoại, tiến tới một cách quản lý khoa học, công bằng và hiệu quả.

Trên một tinh thần đó, tôi hoan nghênh và bày tỏ sự cảm kích đối với các đồng nghiệp của báo Phụ nữ TP HCM đã có một ĐỐI THOẠI đàng hoàng trên tờ báo của mình. Việc làm này càng có thêm nhiều ý nghĩa khi báo giới cả nước chuẩn bị đón ngày truyền thống 21/6 năm nay.

 

Không có mô tả ảnh.

V.G.

Nguồn:

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10214228597747853&set=a.3740267284219&type=3&theater">FB Văn Giá NGô

This entry was posted in báo chí, Tự do báo chí. Bookmark the permalink.