Đan Thương
Rất nên đọc lại lần nữa, bài Bàn tay ma quỷ và vấn đề thể chế chính trị xã hội của TS Tô Văn Trưởng (đăng ở trang Ba Sàm) – với lời bạt kèm theo.
Câu hỏi khi thoạt đọc tên bài: Bàn tay ma quỷ nào vậy?
Chỉ cần đọc ít dòng, đã thấy đây chính là bàn tay của đảng bạn "môi-răng" đã tặng "đảng ta" 16 chữ vàng (úa).
Tác giả minh họa "bàn tay ma quỷ" bằng những mánh khóe gian lận khi chúng tham gia đấu thầu, khiến ta bị thiệt hại cực lớn. Thiệt vật chất đong đếm được, nhưng phá hủy môi trường thì đúng là vô kể. Còn lời bạt của bài, tuy có nói về đấu thầu, nhưng còn nói về… nguy cơ xây dựng thành công CNCS (!). Cái này mới khủng! Liệu điều này có phù hợp với ý xa xôi của tác giả?.
Tinh thần toàn bài toát ra:
– Bàn tay TQ vươn dài, phủ khắp (như ma quỷ), dai như đỉa đói, nhằm thôn tính toàn diện VN.
– VN không thể thoát ra, chính vì cái "thể chế chính trị-xã hội" (chính trị-xã hội rất nên có dấu gạch ngang – khi dịch sang ngoại ngữ) cứ như thứ gông cùm, khiến ta không thể cựa quậy. Con nhím giương mắt căm phẫn nhìn con trăn há miệng đỏ lòm, lùi lũi tiến gần mà không thể xù bộ lông lợi hại lên, đành chịu bị thôn tính (thôn = nuốt, ngốn, tiêu diệt, chiếm đoạt).
Trong bài này, cụ TS Tô Văn Trường dùng "đấu thầu gian lận" để minh họa cho bàn tay ma quỷ của Tàu; tuy nhiên…
Đúng là tác giả đã "đi guốc trong bụng" bọn chúng. Chỉ mất 30-60 phút để cụ TS giảng giải cho các đồng chí chủ thầu, nhưng tại sao ta cứ mắc lừa triền miên trong đấu thầu? Phải cắt nghĩa bằng thể chế chính trị-xã hội. Đó là thứ thể chế không có sự kiểm soát quyền lực, khiến nó bị tha hóa (thối nát) không cưỡng nổi, tự sinh ra tham ô, tham nhũng…
Tuy nhiên, bài dùng chuyện đấu thầu làm ví dụ minh họa "bàn tay ma quỷ" thì quả là chưa tương xứng với mưu sâu, kế hiểm của kẻ thù, cũng như chưa tương xứng với tai hại khổng lồ do Thể chế chính trị-xã hội đem lại.
Khi bài đăng ở tạp chí Việt Mỹ tên bài được đổi thành
Trung Quốc và vấn đề thể chế chính trị-xã hội ở Việt Nam
và nội dung bài cũng thay đổi theo chiều hướng tổng quát hơn (như tên gọi) và cân đối hơn giữa hai vế: Bàn tay TQ – Thể chế VN.
Tuy vậy, khi cụ Tô Văn Trường đề xuất cách thoát hiểm cho VN, cụ vẫn lấy những ví dụ cụ thể và rất chi tiết về cảnh giác với Tàu khi đấu thầu.
Hãy tin rằng cụ TS Tô Văn Trường suy tư sâu rộng hơn những gì Cụ viết ra.
Cụ TS rất có uy tín với một số nhân vật cấp cao trong hệ thống chính trị VN.
Nguyên nhân số 1 là trái tim trí thức của cụ. Những điều cụ nói với họ là từ tấm lòng yêu nước, yêu dân. Tiếp đó, là trình độ uyên thâm, uyên bác trong lĩnh vực chuyên môn của mình, khiến cụ ở tư thế "nói phải – củ cải cũng nghe". Hai điều trên kết tinh thành điều thứ 3: Sự kiên nhẫn và niềm hy vọng vô bờ của cụ vào những cá nhân mà cụ chọn nói với.
Tuy nhiên, sau vô số lần góp ý, có lẽ cụ bắt đầu nhận ra: Thuyết phục các cá nhân cụ thế trong thể chế (dẫu thành công) vẫn rất khác với tác động để thay đổi cả một thể chế.
Đ.T.
Tác giả gửi BVN