Câu chuyện chạy chức ở Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kính gửi : Ban Biên tập trang mạng Bauxite Việt Nam

Vấn nạn chạy chức, chạy quyền và tham nhũng, hối lộ đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong mỗi cơ quan, đơn vị, trường học… cũng luôn có những vấn đề gây tranh cãi.

Có điều, như nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thừa nhận, và báo chí cũng đã đưa công khai, đó là các vụ án chạy chức chạy quyền, tham nhũng, hối lộ đa số do quần chúng và báo chí phát hiện. Tại sao các cơ quan luật pháp, cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, các tổ chức Đảng cơ sở không phát hiện được các hiện tượng tham nhũng, chạy chức tại địa phương, đơn vị mình?

Chúng tôi – một số cán bộ giáo viên của Trường ĐH Hà Nội xin gửi bài viết này đến Quý mạng – Tiếng nói ngôn luận  mà chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi hy vọng rằng bằng nghiệp vụ và chức năng của mình, Quý mạng sẽ làm sáng tỏ những bức xúc, nghi vấn của chúng tôi trong “câu chuyện chạy chức ở Bộ Giáo dục và đào tạo” mà chúng tôi  gửi kèm theo đây. Chúng tôi khẳng định đây là những tài liệu thật.

Chúng tôi hy vọng rằng sự việc này sẽ được dưa ra công luận.

Xin chân thành cảm ơn.

Kính thư.

Văn Nga – Đại diện cho một số GV ĐHHN

Vấn nạn chạy chức, chạy quyền và tham nhũng, hối lộ đều là cùng một đồng một cốt, nếu không trị được cái này thì không thể trị được cái kia. Trong bài phát biểu trên báo Tuổi trẻ hôm thứ Bảy 21/11/2009 vừa qua, ông Diệp Văn Sơn – Phó Vụ trưởng Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ đã bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với ý kiến trước tiên phải “bịt các cửa chạy”. Nhưng nhiều cửa quá, biết bịt cửa nào? Nếu dàn trải thì không đủ lực. Theo tôi, trước tiên phải  tập trung “bịt cửa chạy chức”.

Ở phần cuôí bài viết, ông Sơn còn cho biết: “Nói nhiều mà không làm chỉ tổ gây mất lòng tin. Vấn đề là biện pháp và thái độ kiên quyết tuyên chiến. Biện pháp đã có nhiều nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì vẫn còn thiếu”.

Trong phiên chất vấn mới đây tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn  nhìn nhận việc “chạy chức, chạy quyền giảm chứ khó chấm dứt”, theo ông, “rất khó triệt chuyện chạy chức, vì người chạy có báo đâu”. Dịp này ông cũng lên tiếng báo động rằng, tình trạng chạy chức, chạy quyền đang có xu hướng tăng”.

Chả nhẽ việc bổ nhiệm công chức đã đúng “quy trình tuyển chọn cán bộ”… như có lần ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói, nhưng trị vấn nạn vẫn “khó, rất khó…” mà đành phải bó tay hay sao?

Để tham gia với câu chuyện “chạy chức, chạy quyền” đang sôi nổi, xin mời quý vị theo dõi một vụ việc dưới đây, để thấy vì sao rất khó triệt chuyện chạy chức, chạy quyền.

Ngày 17 tháng 9 năm 2008, Trường ĐH Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 5803/QĐ – BGD ĐT bổ nhiệm PGS TSKH Nguyễn Đình Luận, Phó Hiệu trưởng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội tiếp tục nhiệm kỳ 2004-2009. Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long đã trao Quyết định ( QĐ) và chúc mừng tới tân Hiệu trưởng. Trong lời phát biểu, Thứ trưởng cũng đã đánh giá cao vai trò của “Tiến sĩ” Nguyễn Xuân Vang, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội trong thời gian ông giữ chức vụ Hiệu trưởng từ năm 2000-2008. (Xem PL: 1).

Trong không khí hân hoan của buổi lễ, không ít giáo viên của trường đã băn khoăn tự hỏi: Thạc sỹ, nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Vang đã bảo vệ luận án Tiến sĩ ở đâu, khi nào, mà bây giờ được Thứ trưởng Long phong cho danh hiệu “Tiến sĩ”.

Tìm hiểu lại những giấy tờ có liên quan đến nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Vang, nay là Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài thuộc Bộ GD ĐT chúng tôi thấy: Ông Nguyễn Xuân Vang tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Hà Nội năm 1979, Khoa Đào tạo phiên dịch và giáo viên. Tháng 5 năm 1991 ông Vang đỗ bằng Thạc sĩ tại ĐH Canberra (Úc). Năm 1997, dù không có gì xuất sắc so với nhiều cán bộ, giáo viên khác trong trường, ông Vang “đột nhiên” được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ HN. Việc ông Nguyễn Xuân Vang được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ HN làm nhiều cán bộ, giáo viên chưa hết ngạc nhiên thì ngày 02 tháng 10 năm 2000 Bộ trưởng Bộ GD ĐT ký Quyết định số 4022/QĐ BGD&ĐT-TCCB bổ nhiệm Thạc sỹ Nguyễn Xuân Vang, Phó hiệu trưởng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ nhiệm kỳ 2000-2004 (Xem PL: 2).  Điều này thực sự gây sốc cho dư luận, bởi vì ai cũng biết một trong những tiêu chuẩn để trở thành Hiệu trưởng của một trường ĐH là phải có học vị Tiến sĩ. Và rõ ràng tại thời điểm đó ông Nguyễn Xuân Vang không phải là ứng cử viên “nặng kí” cho chức Hiệu trưởng của Trường ĐH NN Hà Nội.

Tuy nhiên để dọn đường cho Quyết định gây tranh cãi này, ngày 13 tháng 6 năm 2000 ông Vũ Ngọc Hải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký văn bản số 5213/TCCB hướng dẫn tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ HN, trong đó có đoạn: “các tiêu chuẩn của Hiệu trưởng vẫn giữ nguyên theo QĐ số 4124/1997/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/12/1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng tiêu chuẩn 2 phần chức danh và học vị có thể yêu cầu ở mức giảng viên chính và Thạc sĩ trở lên”. Như vậy có thể hiểu Bộ GD&ĐT đã tự hạ thấp tiêu chuẩn để cho ông Vang trở thành Hiệu trưởng (Xem PL: 3). Thật khó hiểu là trong khi Trường ĐH ngoại ngữ có nhiều  PGS, TS, có cả PGS TSKH… thì Bộ lại hạ chuẩn để có thể chọn từ giảng viên chính lên làm Hiệu trưởng của trường.

Chưa hết. Ngày 4 tháng 11 năm 2004 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển lại ký QĐ số 7100/QĐ-BGD&ĐT-TCCB tái bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Vang, Thạc sỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ HN nhiệm kỳ 2000-2004 giữ chức Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ HN  nhiệm kỳ 2004-2009 (Xem PL 3.1) Phải nói là Quyết định này trái với QĐ số 153/2003/QĐ-TTG ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”. Tại ý b, điểm 2, Điều 31 của QĐ số 153/2003/QĐ-TTG nêu rõ: Một trong các tiêu chuẩn phải có của Hiệu trưởng một trường đại học là: “Có học vị Tiến sỹ” (Xem PL. 4).

Những sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Vang vẫn chưa chấm dứt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi lãnh đạo. Ngày 14 tháng 4 năm 2008 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký QĐ số 2068/QĐ-BGD ĐT điều động và bổ nhiệm Tiến sỹ Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Trường ĐH NN Hà Nội đến nhận công tác tại Cục Đào tạo với nước ngoài kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2008 (Xem PL. 5).

Trong Quyết định này có một từ không chính xác, đó là từ “Tiến sĩ”. Tháng 10 năm 2005 ông Vang được Trường ĐH La Trobe (Úc)  trao bằng Tiến sĩ danh dự về giáo dục. Và theo chúng tôi được biết, mục đích của việc phong tặng danh hiệu “Tiến sĩ danh dự” là nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao của các nhà chính trị, xã hội có uy tín quốc tế, nhà giáo, nhà khoa học… có nhiều đóng góp. (Thủ tướng CP Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã được Trường ĐH Rajabhat Bansomdej Chaopraya (Thái Lan) trao bằng Tiến sĩ danh dự chuyên ngành giáo dục vì sự phát triển cộng đồng vào tháng 8 năm 2008 tại HN). Không ai gọi người có bằng “Tiến sĩ danh dự” là Tiến sĩ, nhất là được ghi thành chức danh trong các văn bản, quyết định… có tính pháp lý. Điều này chắc nhiều người biết, ông Nguyễn Xuân Vang và Bộ GD&ĐT lại càng phải biết. Bởi thực tế, ông Vang được trao bằng “Tiến sĩ danh dự” từ tháng 10/2005 nhưng từ đó cho đến tháng 3 năm 2008 trong gần chục văn bản, QĐ… của Bộ GD&ĐT liên quan đến ông Vang, chưa có văn bản nào sử dụng cụm từ “Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vang” (Xem Pl. 5.1). Không những thế, trong (mặt sau) bằng Tiến sĩ danh dự của trường ĐH La Trobe (Úc) trao cho ông Vang, phần liệt kê những thành tích, tên của ông Vang luôn được gắn với danh xưng là Professor Nguyen Xuan Vang (Giáo sư Nguyễn Xuân Vang) (Xem PL. 6). Đây không thể là nhầm lẫn của ĐH La Trobe, mà phải do ông Vang nộp trích ngang thành tích của mình cho Trường ĐH La Trobe. Trong đó ông Vang luôn tự coi mình là “Giáo sư”. Chức danh giảng dạy của ông Nguyễn Xuân Vang chỉ là Giảng viên chính  (Senior Lecturer) chứ không phải  Giáo sư  (Professor).

Việc dùng danh xưng “Tiến sĩ” cho ông Vang trong QĐ số 2068/QĐ-BGD ĐT ngày 14/4/2008 và sau đấy cả trong QĐ số 5802/QĐ-BGD ĐT ngày 05/9/2008 theo chúng tôi là có chủ ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ vì sao có sự nhầm lẫn này. Đây là việc háo danh hay là cố tình chạy chức. Có thể, để trở thành Cục trưởng phải là Tiến sĩ, hay sẽ được ưu tiên hơn ai đó chưa là Tiến sĩ?  Chúng tôi cho rằng việc cố tình dùng bằng Tiến sĩ danh dự để coi mình cũng có học vị Tiến sĩ cũng ngang với việc dùng bằng giả. Cần phải lên án.

Những bất thường trong việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Vang từ năm 1997 đến nay là có hệ thống. Đây có thể là sự cố tình chạy chức, chạy quyền một cách tinh vi, có hệ thống mà cả xã hội đang tuyên chiến và lên án. Và ở đây ông Vang không thể đạt được mục đích nếu như không có những người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tay.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan pháp luật, báo chí và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét nghiêm túc vụ việc này và trả lời trước công luận.

VN

Tài liệu đã dẫn:

PL: 1. Trang mạng của ĐH HN (http://www.hanu.vn/ ngày 25/09/2008)

PL: 2. Quyết định số 4022/QĐ BGD&ĐT-TCCB ngày 02 tháng 10 năm 2000

PL: 3. Văn bản số 5213/TCCB hướng dẫn tiêu chuẩn Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ

PL: 3.1.  QĐ số 7100/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 4/11/2004

PL: 4. “Điều lệ Trường Đại học” ban hành theo QĐ số 153/2003/QĐ-TTG ngày 30/07/ 2003

PL: 5.  QĐ số 2068/QĐ-BGD ĐT ngày 14/4/2008; QĐ 5802/QĐ-BGD ĐT ngày 05/9/2008

PL: 5.1. QĐ số 6729/QĐ-BGD ĐT ngày 14/11/2006; QĐ số 6730/QĐ-BGD ĐT ngày 14/11/2006; QĐ số 1108/QĐ-BGD ĐT ngày 5/3/2007; QĐ số 1172/QĐ-BGD ĐT ngày 8/3/2007…

PL: 6.  Bản photocopy  2 mặt bằng Tiến sĩ (danh dự) của ông Nguyễn Xuân Vang.

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.