Để khỏi tuyệt chủng các loài thú quý cũng như những cánh rừng nhiệt đới của Việt Nam, người dân Việt mỏi cổ ngóng trông loại tòa án nghiêm minh như ở Nam Phi sớm hiện diện trên đất Việt. Mặt khác, đây là lời nhắn với các nước có thú quý đang được bảo tồn trong các khu vườn quốc gia: Nếu thấy người Việt là công dân nhập cư vào lãnh thổ của quý vị, xin hãy điện khẩn cho các đội bảo vệ vườn thú, rừng hoang tăng cường cảnh giác lên năm lần; còn thấy người Việt là quan chức thì hãy nâng cao cảnh giác lên mười lần, bởi về ngón luồn lách buôn một bán trăm thì họ thạo hơn dân đen rất rất nhiều. Và một khi họ phạm tội bị bắt quả tang xin chớ có trục xuất, quý vị có biết vì sao không? Luật pháp nước tôi “nhân đạo” với các quan lắm.
Bauxite Việt Nam
Một tổ chức môi trường Nam Phi hoan nghênh việc một tòa án nước này kết án 10 năm tù giam với một người Việt Nam với tội danh săn bắn trộm tê giác.
Hôm 30/06, tòa án ở Nam Phi kết tội và đưa ra mức án 10 năm tù giam với ông Xuân Hoàng, một công dân Việt Nam. Ông bị bắt hồi tháng Ba năm nay ở sân bay quốc tế O.R. Tambo trong lúc đang giữ bảy sừng tê giác (16kg) được ước tính trị giá 900.000 rand (tiền Nam Phi).
Tổ chức Endangered Wildlife Trust (EWT) ngày hôm nay ra thông cáo nói mức án này “đặt ra tiền lệ mới trong cuộc chiến chống những kẻ săn bắn trộm tê giác”.
Họ cho biết trong một vụ trước đây năm 2009, một người Việt Nam bị kết tội sở hữu trái phép bốn sừng tê giác nhưng án phạt khi đó chỉ là 50.000 rand và hai năm tù treo được tạm hoãn thi hành trong năm năm.
Theo EWT, năm 2003 chứng kiến lần đầu tiên nhiều người Việt Nam tham gia việc săn bắn hợp pháp tê giác trắng ở Nam Phi, và đem sừng về Việt Nam hợp pháp.
Nhưng kể từ đó, các băng nhóm buôn lậu người Việt cũng hoạt động mạnh tại nước này.
Đã có hai trường hợp nhân viên ngoại giao của Việt Nam tại Nam Phi bị triệu hồi về nước – năm 2006 và 2008 – với cáo buộc tham gia buôn lậu sừng tê giác, mặc dù Việt Nam sau đó không công khai mức độ kỷ luật những người này.
Trong vụ xảy ra hôm 29 tháng Ba 2010, ông Xuân Hoàng bị bắt tại phi trường O.R. Tambo và khi ra tòa đã xin nộp phạt thay vì chịu án tù.
Tuy vậy, quan tòa nói tiền phạt không còn đủ để răn đe tội phạm. Quan tòa cũng nói ông Xuân Hoàng đã đến Nam Phi với mục đích phạm pháp rõ rệt.
Thống kê cho biết từ đầu năm 2010, có 124 con tê giác, trong đó có năm con tê giác đen có nguy cơ tuyệt chủng, bị bắn trộm ở Nam Phi.
Nạn buôn lậu tê giác có vẻ đã tăng mạnh vì con số 124 của nửa năm nay đã vượt quá con số 122 của cả năm 2009.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100703_viet_africa_rhino.shtml