Người Việt chúng ta còn lười đọc sách báo bao lâu nữa?

Ngụy Hữu Tâm

Tìm cách lý giải vì sao chúng ta ít chịu mua sách báo, và lười đọc đến như vậy. Lỗi do đâu, dù ở Đông Nam Á, vốn là vùng trũng kinh tế và văn hóa của thế giới, chúng ta vẫn đứng thứ… bét về mặt này. Ở phạm vi một bài báo nhỏ, chỉ hy vọng bạn đọc lưu ý là may mắn lắm rồi!

Gần đây, nhân ngày sách thế giới vừa diễn ra khoảng tháng nay và dẫu dịch COVID-19, vẫn được tích cực hưởng ứng trên mạng, khi đọc tin, theo thống kê Liên Hiệp Quốc, tính trung bình một năm người Việt Nam đọc chưa được … một cuốn sách, tôi quá buồn, thế nhưng, hoàn toàn chẳng ngạc nhiên chút nào.

Là một người về nước năm 1995 sau bao năm „học Bác“ bôn ba xứ người, những mong góp phần nhỏ bé cuối đời mình cho cuộc chấn hưng đất nước, một đất nước sau 20 năm chiến tranh đẫm máu và bị thế giới cấm vận hơn chục năm sau vụ chiếm giữ Campuchia nên hết sức đình đốn về mọi mặt, hy vọng đất nước sẽ nhanh chóng vươn lên thành những „con rồng“ châu Á như Singapore, Nam Hàn, Đài Loan…

Sau 25 năm, một phần tư thế kỷ, nhìn lại, đất nước với mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm đầy ấn tượng nằm quanh quẩn 7%, nhưng vẫn không đạt kỳ vọng của người dân Việt, và còn lâu mới gây hừng khởi cho họ dù đài báo hết lời ngợi ca.

Đấy là nói chung. Còn về phía tôi là người dịch và viết sách báo không chuyên, và có tham gia ít nhiều ở khâu phát hành, tôi càng chán nản về những thành quả mà mình đạt được.

Lỗi là do đâu?

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chắc chắn là mình chưa chuẩn bị kỹ, hoàn toàn tự học và tự phát, dẫu rất nhiều quyết tâm và đam mê, nhưng thế là chưa đủ.

Còn về mặt khách quan, chắc chắn có rất nhiều lý do, nhưng trước hết là do phát triển nóng và khập khiễng, vì đã hầu như chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế mà bỏ qua các vấn đề chính trị xã hội, vì lợi ích ích kỷ của giới cầm quyền mà phớt lờ việc song song phát huy tự do dân chủ, quyền con người với việc nới dần sự độc tài, mà cứ lầm lũi nắm chặt thể chế độc đảng – còn đảng còn mình!

Khi mà quyền tự do ngôn luận của nhân dân bị cấm đoán, tất cả hệ thống tuyên truyền, tức là in ấn và phát hành sách báo, các kênh truyền thanh, truyền hình và mạng internet đều thuộc quyền kiểm soát của đảng, thì ít mong người dân ham mê đọc sách báo được.

Dịp kỷ niệm 30/4 vừa rồi nhắc đến vụ đốt sách ở Miền Nam sau „giải phóng“, tôi mới giật mình. Thì ra „đảng ta“ hành xử chẳng khác gì các bậc „tiền nhân“: Hitler năm 1933, Stalin những năm đầu „cách mạng“, Pol Pot 1975 và Mao Trạch Đông những năm cách mạng văn hóa! Sau khi đã đốt hết sách của các „thế lực thù địch“, chỉ còn độc quyền sách báo của „đảng ta“, thì người dân, vốn đã ngu dại (ở miền Bắc) và dần dần bị đầu độc (ở miền Nam) là điều hiển nhiên, và họ quay đầu lại với sách báo là điều tất yếu. Chưa nói sự phát triển như vũ bão của internet và điện thoại thông minh. Nhưng ở các nước tiền tiến, người ta vẫn chăm đọc sách cơ mà!

Viết đến đây tôi bỗng có so sánh thú vị. Tôi đã quan sát thấy, trong khi chờ đợi, và nhất là trên tàu xe, ở châu Âu người ta đọc sách thì người Việt chúng ta chỉ chúi mũi vào chiếc smartphone. Quan tâm đến thông tin cũng là điều hay, thế nhưng như thế chưa đủ. Biết đến bao giờ, chúng ta mới đọc nhiều hơn… một cuốn sách một năm?

Nhân đây, tôi lại bỗng nhớ Ngày Hội Sách 2017, thế mà cũng đã ba năm trôi qua. Ở đấy EU tổ chức chiếu phim, đọc sách Kafka có biểu diễn múa minh họa, tọa đàm… để quảng bá cho sách của Franz Kafka. May quá, ở nước ta cũng đã có dịch khá nhiều cuốn. Thế nhưng sức mua và đọc sách của người Việt chúng ta hạn chế đến vậy thì làm gì có nhiều người biết đến Kafka.

Và tôi cũng nhớ tới dịp long trọng chào mừng mở đầu thiên niên kỷ những năm đầu 2000, người Đức luôn nhắc đến ba người Đức (gốc Do Thái) có đóng góp tột bậc cho tiến bộ của nhân loại là A. Einstein (với đóng góp Thuyết Tương đối và Thuyết Lượng tử để làm đảo lộn nền kỹ thuật và công nghệ thế giới những năm qua), S. Freud (với đóng góp về Phân tâm học làm thay đổi hoàn toàn nhận thức chúng ta về tâm lý con người, và qua đó là hầu như toàn bộ hoạt động não bộ chúng ta) và cuối cùng là F. Kafka (với đóng góp của ông cho hiểu biết về nhà nước pháp quyền làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về quyền con người trong xã hội dân sự, và như vậy là quyền lợi và trách nhiệm của công dân trong xã hội).

Thế nhưng theo nhận xét chủ quan của tôi, do lười đọc sách, tỷ lệ hiểu biết của người Việt chúng ta giảm nhanh theo cấp số nhân đối với nhận thức – tất nhiên bởi lẽ đã đọc sách của và về họ – về ba vị trên, mà dĩ nhiên đấy là ba vĩ nhân của thế kỷ vừa trôi qua, thấm thoát thế cũng đã là 25 năm!

Còn một khi đã có nhà nước pháp quyền với thể chế đa nguyên, tam quyền phân lập, thì trước tiên là nước Việt Nam chúng ta sẽ chẳng còn có vụ xử án tử hình Hồ Duy Hải kéo dài suốt trên mười năm qua, và thời gian hai tuần qua khuấy động dữ dội dư luận xã hội, để hầu như tất cả mọi người đều phải căm phẫn lên án kiểu xử án bỏ túi của các vị (nguyên tướng công an) Trương Hòa Bình và Nguyễn Hòa Bình… mà không thể làm gì được! Bất nhân, vô lý đến thế là cùng! Tha hồ mổ xẻ trên công luận, thế nhưng việc xử án đã có quyền lực ngầm của „đảng ta“ lo. Nói đến đây, tôi bỗng chợt nhớ đến những đợt biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo của chúng ta gần chục năm trước, khi đó lẽo đẽo theo sau đoàn người chúng tôi là xe công an với loa mở to hết âm lượng: „Đồng bào hãy giải tán về nhà đi, mọi chuyện đã có „đảng ta“ lo rồi!“.  Thật vô liêm sỉ hết cỡ!

Trở lại vấn đề đọc sách của người Việt chúng ta, một khi đã có nhà nước pháp quyền (một hay… mười năm nữa?), có tự do – dân chủ theo đúng nghĩa của khái niệm đó, thì mặc nhiên chúng ta có tự do ngôn luận, tức là tự do báo chí. Các nhà xuất bản tư nhân mọc lên như nấm, không còn công an văn hóa kiểm duyệt, cắt xén nữa, nhiều sách hay, hấp dẫn bạn đọc được viết ra hay dịch ra (hay tái bản, nếu của thời „ngụy“ trước đây) với số ấn bản hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn bản (dân số nước ta gần 100 triệu người cơ mà) để giá sách khi đó tương ứng chỉ là phần mười hay thấp hơn thế so với hiện nay, khi số ấn bản chỉ vài trăm bản.

Một giấc mơ khá đẹp cho những người làm sách chúng tôi.

Nhưng biết đâu nó không lại sớm trở nên hiện thực, với những biển đổi khôn lường sau dịch cúm corona trên toàn thế giới. Thế nhưng chắc chắn không chỉ trên thế giới, mà trước hết ngay trên đất Việt thân yêu của tất cả con dân người Việt chúng ta!

N.H.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.