Việt Nam Thời Báo
Nhà xuất bản Tự Do tiếp tục phải đối mặt với những phản ứng khắc nghiệt từ nhà nước Việt Nam.
Sự kiện ngày 8 tháng 5, khi người vận chuyển bị cơ quan công lực TP. Hồ Chí Minh câu lưu hàng giờ đồng hồ vì ông ta giao vật phẩm của NXB Tự Do đến tay người dùng là một trong những phát triển bất lợi mới nhất mà tổ chức xã hội dân sự này gặp phải.
Là một tổ chức dân sự về quyền tự do báo chí, chúng tôi tin rằng các hành động sách nhiễu, trấn áp từ phía chính quyền đối với NXB Tự Do dù dưới hình thức nào sẽ không mang lại ‘an ninh quốc gia’, ngược lại, chỉ khiến công dân càng thêm phẫn nộ về khái niệm này.
Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục khủng hoảng khi tư duy kiểm soát 0.4 từ phía nhà nước va chạm với nhu cầu tìm hiểu thông tin ngày càng lớn trong xã hội 4.0. Không có khủng hoảng nào có thể được giải quyết mà thiếu vắng quá trình đối thoại với nhóm bất đồng chính kiến. Ở tất cả các cấp, từ chính phủ đến cá nhân, các quyết định mà chính quyền đưa ra có thể là vấn đề của niềm tin, sự khoan dung và chấp nhận một thực tế: xã hội cần phải được cởi mở hơn để phù hợp với thực tế thời đại. Theo thực tế của thời đại, khi một quốc gia cần hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế, thì càng nên nắm vững văn hoá – nhân quyền trong ứng xử với công dân của mình, không thể đưa tư duy kiểm soát từ những năm chiến tranh để áp dụng vào thời điểm hiện nay.
Là một tổ chức tự do báo chí và tự do lập hội, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam phản đối hệ thống kiểm duyệt, bất kể bản chất và khả năng cộng sinh của nó với quyền lực nhà nước. Chúng tôi không chọn hoặc chỉ chọn các quyền tự do về mặt báo chí để bảo vệ. Chúng tôi cố gắng bảo vệ tất cả các quyền tự do dân sự chính trị có trong Hiến pháp Quốc gia hiện hành.
Chính vì lẽ đó chúng tôi lên tiếng ủng hộ và đồng hành cùng với Nhà xuất bản Tự do trên tinh thần của sự hiệp thông vô tư, chia sẻ giá trị quyền công dân, và ý chí không chấp nhận sự kiểm duyệt, chỉ mưu cầu phụng sự độc giả, sự thật, chính kiến.
Chúng tôi phản đối việc sử dụng bạo lực hoặc lạm dụng bạo lực để trấn áp quyền tự do xuất bản từ phía cơ quan công lực như đối với trường hợp người giao hàng, ông Phùng Thuỷ (TP. Hồ Chí Minh), trước đó là ông Vũ Huy Hoàng.
Chúng tôi kêu gọi nhà nước thực tâm bảo đảm quyền tự do xuất bản của nhân dân và ngăn ngừa sự lạm dụng bạo lực đối với quyền dân sự này.
Chúng tôi yêu cầu nhà nước nghiêm túc hơn khi thực thi “Công ước Quyền dân sự – chính trị” thay cho phô bày trong văn bản.
Chúng tôi lên án việc lạm dụng quá mức “an ninh quốc gia” để đàn áp và kìm hãm tự do chính trị dân sự của công dân. Làm suy yếu tương lai của hòa giải và đối thoại giữa nhà nước và các nhà bất đồng chính kiến, làm suy yếu niềm tin của công dân đối với tinh thần pháp lý thực sự của đất nước, và ảnh hưởng đến niềm tin của các tổ chức, quốc gia bên ngoài đối với nhà nước trong việc thực thi cam kết đối với quyền con người ở Việt Nam, gia tăng ác cảm của công dân đối với các quan chức và tổ chức nhà nước, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính phủ và công dân trong lúc Trung Quốc liên tục đe dọa chủ quyền quốc gia bên ngoài Biển Đông.
Tự do xuất bản không phải là tự do xuất bản hàng ngàn cuốn sách làm hài lòng chính phủ, mà là tự do xuất bản các chi tiết lịch sử, ghi nhận các điều kiện xã hội và giúp mọi người mở rộng hiểu biết về dân chủ và pháp quyền.
Tự do phải có nghĩa là chỉ trích và chống lại các giá trị xung đột với các giá trị về nhân phẩm, tự do, công bình và bình đẳng.
Tự do xuất bản là quyền của công dân và là nền tảng văn hoá của một quốc gia tôn trọng dân.
VNTB gửi BVN