ĐÃ TỚI LÚC PHẢI GIÃ TỪ THAM NHŨNG LUẬT PHÁP!

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Vụ án Hồ Duy Hải đã tích tụ trong nó suốt 12 năm qua bao vấn đề nổi cộm về tư pháp ở nước ta, và tới hôm nay, như một giọt nước làm tràn ly; và tất cả những vụ được gọi là “kỳ án” suốt hàng chục năm qua – nổi bật lên vụ Hồ Duy Hải hiện giờ, là phần nổi của một tảng băng.

Xem những hình ảnh ông chánh án TAND tối cao bạc tóc, bơ phờ và Hội đồng giám đốc thẩm vất vả trong những ngày vừa qua, tôi và rất nhiều người cảm thấy ái ngại, thậm chí thương cảm, bởi họ đã phải làm cái công việc tôi tin là “bất đắc dĩ”: cái hệ thống tư pháp đó đã sản sinh ra một phiên tòa Giám đốc thẩm như thế, với một kết quả như thế! Một hệ thống tư pháp đã được xây dựng trên một hệ thống triết lý pháp luật cũ kỹ, lạc hậu, man rợ, đi sau thế giới văn minh tới hàng thế kỷ!

Chỉ cần nhớ lại vụ án nổi tiếng vào mùa xuân năm 1933, tại chính phiên tòa do bọn phát xít mở tại Leipzig nhằm vu cáo các lực lượng yêu hòa bình, ông G. Dimitrov đã bóc trần toàn bộ sự thật, đồng thời thức tỉnh lương tri những người tiến bộ trước hiểm họa quốc xã, ông đã làm lu mờ hàng ngũ tư pháp Đức – những kẻ theo đuôi Hitler, và được trả tự do!

Nhưng ông làm được như thế, bởi cái hệ thống tư pháp đó quá chặt chẽ và chắc chắn khiến những kẻ có quyền lực muốn vu khống ông “chủ ý tổ chức đốt nhà Quốc hội có tính toán trước” đã phải bó tay bất lực, còn những “nhân chứng sống” quy kết tội danh ông gồm giới dân biểu quốc xã, lũ bồi bút phát xít, bọn tội phạm hình sự, trộm cắp và làm bạc giả, bè lũ vô chính phủ… cũng phải cụp đuôi! Ông G. Dimitrov và những người yêu hòa bình đã chiến thắng được phiên tòa phát xít đó, ngoài lẽ phải hiển nhiên và tài tư biện xuất sắc của ông tự bào chữa cho bản thân, còn nhờ chủ yếu trên cơ sở một phiên tòa trong một xứ sở của Tam Quyền phân lập.

Thuyết tam quyền phân lập là học thuyết về tổ chức bộ máy nhà nước tư sản do Lôckơ, Môngtexkiơ, Ruxô sáng lập. Theo mô hình phân quyền của Môngtexkiơ thì không chấp nhận việc một cơ quan nhà nước đứng trên hoặc nắm trọn vẹn cả 3 quyền. Quyền lập pháp giao cho nghị viện, quyền hành pháp giao cho chính phủ, quyền tư pháp giao cho tòa án.

Mặc dù có nhiều mặt hạn chế, nhưng mặt tích cực lớn nhất của học thuyết tam quyền phân lập thể hiện ở chỗ nó dùng quyền lực kiểm soát và kiềm chế quyền lực, ngăn ngừa được sự chuyên chế rất dễ phát sinh ở xã hội mà sự thống trị thuộc về thiểu số thành viên trong xã hội…

Mấy điều trên thực ra chỉ là bài học vỡ lòng của tất cả các sinh viên trường luật, song lại hết sức cơ bản, hết sức quan trọng để xây dựng một nền tư pháp đúng nghĩa, và mọi triết lý Luật pháp phải xuất phát từ nền tảng này.

Không có thứ Triết lý luật pháp đứng đắn đó, tình trạng tham nhũng luật pháp đã nảy nở như cỏ dại như đã diễn ra suốt hàng chục thập kỷ vừa qua.

Bởi thiếu Triết lý luật pháp này – kèm theo cơ chế kiểm soát nghiêm túc, nên mới có tình trạng án bỏ túi, ép cung, sửa bản án, tùy tiện xử theo ý thích và lợi ích nhóm…

Bởi coi thường Triết lý luật pháp này, nên mới có chuyện bi hài là người dân muốn dựng tượng thần công lý với cái cân có chiếc thớt và con dao!!!

Bản thân người viết những dòng này cũng đã có ý định đưa lên FB ảnh bức tượng sắt quỳ của vợ chồng Tần Cối trước Nhạc Phi làm biểu tượng mới của ngành tư pháp nước ta – bởi Tần Cối đã lấy tội danh “Không cần có” (Mạc tu hữu) bất hủ để giết chết cha con người anh hùng Nhạc Phi! Nhưng tôi sẽ không làm thế, bởi hình ảnh ngành tư pháp của ta đã mất điểm quá nhiều, đã lấm nhơ nhuốc quá rồi, cũng cần giữ thể diện chung; hơn nữa, tôi cũng hiểu những băn khoăn trăn trở của cả ngành tư pháp VN – hầu hết là những con người chính trực, đang mong làm điều gì đó để lấy lại danh dự cho ngành mình. Và một trong những trăn trở đó là xây dựng một Triết lý thực sự cho ngành tư pháp, góp phần thủ tiêu, và chia tay vĩnh viễn một tình trạng đang sinh sôi nảy nở: Tham nhũng luật pháp!

N.A.T.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in án oan, Pháp luật Việt Nam, Vụ án Hồ Duy Hải. Bookmark the permalink.