Trong tháng 5 và tháng 6/2010, dư luận bức xúc sau khi một loạt các báo: Pháp luật Việt Nam, Đời sống & Pháp luật, Bảo vệ pháp luật, Gia đình & Xã hội, Đại đoàn kết, Xây dựng & pháp luật, Quê hương ngày nay… phản ánh về ông Ngô Hoài Chung – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH TT&DL) Thanh Hóa có hành vi cố ý làm trái pháp luật chỉ đạo đơn vị thầu thi công “dự án” chống xuống cấp đình Động Bồng thay đổi chủng loại vật tư từ gỗ lim theo dự kiến ban đầu sang 11,4m3 gỗ Bạch đàn, loại gỗ thường dùng làm diêm, làm giấy, để “chống xuống cấp” di tích cấp quốc gia này với hy vọng di tích “trụ” được thêm 10 năm!
Đánh tráo khái niệm
Ông Ngô Hoài Chung đã đánh tráo khái niệm cụm từ đình Động Bồng là “công trình chống xuống cấp, sụp đổ” chứ không phải là “trùng tu, tôn tạo”, để “qua mặt” báo chí và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Tiếp tục, ngày 9/6/2010, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH TT & DL ký văn bản số 24 vể việc giải quyết vụ việc báo chí nêu gửi Ban Phòng chống tham nhũng của tỉnh Thanh Hóa “bao biện” cho ông Ngô Hoài Chung: “Công trình chống xuống cấp, chống sụp đổ đình Động Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là công trình chống xuống cấp di tích, không phải là dự án trùng tu tôn tạo di tích” và khẳng định “Việc sử dụng gỗ bạch đàn vào công trình này đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật đối với công trình chống xuống cấp di tích” (!?)
Tìm hiểu Luật di sản văn hóa, tại điều 4 giải thích từ ngữ có ghi rõ: “Tu bổ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Theo Quyết định 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 6/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin ban hành kèm theo Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, tại chương I, điều 3 phần giải thích từ ngữ, có các mục: Bảo tồn di tích; Bảo quản di tích; Tu bổ di tích; Gia cố, gia cường di tích; Tôn tạo di tích; Phục hồi di tích và sửa chữa cấp thiết di tích, trong đó từ “tu bổ di tích” được giải thích là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích. Như vậy, cụm từ “chống xuống cấp di tích” mà ông Ngô Hoài Chung và ông Vũ Xuân Thành sử dụng ở đây phải được hiểu rằng, trong đó đã bao gồm các hoạt động tu bổ, tôn tạo, trùng tu… Cũng tại khoản 2, điều 5, Quy chế này nêu rõ: “Nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tinh toàn vẹn và sự bền vững của di tích”. Khi thi công công trình chống xuống cấp đình Động Bồng, ông Chung tùy tiện tự ý cho nhà thầu rút 4,8 khối gỗ lim (50 triệu đồng/khối) thay vào 11,4 khối gỗ bạch đàn (600 ngàn đồng/khối), với lý do là kinh phí có hạn, vì thiếu tiền, vì: “Toàn bộ vật liệu hư hỏng tại đình Động Bồng là bằng gỗ tạp và gỗ bạch đàn vì vậy phải đưa gỗ bạch đàn vào để bảo đảm tính nguyên gốc của di tích”. Thưa rằng, gỗ bạch đàn và gỗ tạp trong di tích là do nhân dân tự phát khi tu bổ di tích vào những năm trước đây, còn tính nguyên gốc của đình Động Bồng là Gỗ Lim từ thời Gia Long.
Triển khai dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia… chưa phê duyệt?
Qua nghiên cứu: Văn bản số 23A ngày 16/1/2009 “V/v Phê duyệt báo cáo KTKT (kinh tế kỹ thuật): Thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán điều chỉnh bổ sung nguồn vốn năm 2009 công trình chống xuống cấp di tích lịch sử đình Động Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa” và Hợp đống số 13 ngày 15/10/2008 “về việc thi công xây dựng cho công trình chống xuống cấp di tích lịch sử đình Động Bồng” giữa Sở VH TT & DL và Công ty CP Hoa Phương, (hai văn bản này đều do ông Ngô Hoài Chung ký); Theo Quyết định 125/2007/QĐ –TTg ngày 31/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, dự án chống xuống cấp và tôn tạo di tích là một trong 9 dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 tại điểm a, khoản 6, điều I của Quyết định này nêu rõ: “Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VH TT &DL) là cơ quan quản lý và điều hành chương trình, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư và quản lý thực hiện các dự án của chương trình theo quy định hiện hành”; Tại Thông tư liên tịch số 25/2008/TTLT/BTC-BVHTTDL được ký giữa Bộ Tài chính và Bộ VH TT & DL ngày 25/3/2008 về việc hướng dẫn nội dung, mức chi và công tác quản lý kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010, phần B mục III về công tác kế hoạch và quản lý tài chính, quy định: Sở VH TT & DL cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương xây dựng dự toán ngân sách thực hiện chi tiết cho từng mục tiêu của dự án gửi Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh, thành phố để gửi Bộ VH TT & DL xem xét, thẩm tra tổng hợp gửi Bộ Tài chính; Đối chiếu với Nghị định số 92 ngày 11/11/2002 của Chính phủ, tại khoản 1 và khoản 2, điều 17, chương III, quy định: “Thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cấp quốc gia là do Bộ trưởng Bộ VHTT hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sau khi đã có văn bản thẩm định của Bộ trưởng Bộ VHTT”;
Chúng tôi thấy bộc lộ một số điểm là cơ sở pháp lý rất quan trọng sau:
1. Đình Động Bồng là di tích lịch sử cấp quốc gia, nguồn vốn thực hiện công trình “chống xuống cấp đình Động Bồng” là từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 và mục tiêu thuộc ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2008 và 2009, nên nhất thiết phải được Bộ trưởng Bộ VH TT & Dl phê duyệt hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sau khi đã được Bộ trưởng Bộ VH TT & DL thẩm tra.
2. Ai cho phép Giám đốc Ngô Hoài Chung được phép thay đổi, hạ thấp chủng loại vật tư từ gỗ lim là yếu tố gốc của di tích sang loại gỗ bạch đàn trong quá trình thực hiện “dự án chống xuống cấp” đình Động Bồng?
3. Không có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép dự án chống xuống cấp di tích lịch sử cấp quốc gia được thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích cấp quốc gia.
Công luận mong chờ cấp có thẩm quyền vào cuộc!
Qua sự việc trên, dư luận đặt nhiều câu hỏi bức xúc: Thời gian qua có bao nhiêu dự án trùng tu tôn tạo, chống xuông cấp những di tích cấp quốc gia ở địa bàn Thanh Hóa chưa được cấp có thẩm quyên phê duyệt mà vấn tiến hành triển khai dự án? Ai đã thẩm tra, giám sát, quản lý tài chính… về việc trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia ở Thanh Hóa? Việc Sở VH TT & DL Thanh Hóa vừa “đá bóng vừa thổi còi”, vừa là chủ đầu tư, vừa phê duyệt “dự án”, vừa chỉ định thầu, vừa báo cáo thẩm định, kiểm tra… có vi phạm pháp luật hay không? Khi bộc lộ sai phạm thực hiện công trình chống xuống cấp đình Động Bồng bị “phanh” ra trước công luận, ông Ngô Hoài Chung đã sắp đặt, thực hiện một kịch bản “đánh tráo khái niệm” để đối phó với báo chí, “qua mặt” lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các cán bộ, đảng viên trước thềm đại hội Đảng các cấp đã và đang diễn ra, sẽ bị xử lí như thế nào? Trách nhiệm thanh tra của ông Vũ Xuân Thành về sự vụ nêu trên ở đâu?…
Cố tình “lách luật”, nguỵ biện hòng che giấu những hành vi sai phạm của mình, hoặc rũ bỏ trách nhiệm cá nhân là một thủ đoạn tinh vi, một thực trạng đáng báo động của một số cán bộ khi bị tố cáo hiện nay. Phân tích, biện luận logic dựa trên luật pháp cũng như căn cứ vào điều tra thực tế, tìm hiểu đâu là bản chất sự việc để thẳng thắn vạch trần những “quan” có khả năng ngụy biện “hòng thoát tội” cho dù họ là ai và ở cương vị nào, là nhiệm vụ hàng đầu các cơ quan bảo vệ pháp luật và lực lượng báo chí cách mạng, là trách nhiệm của của các cấp chính quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên tâm huyết trước Đảng và trước nhân dân.
Hy vọng sau bài báo này, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc làm rõ và kịp thời thông tin tới công luận xung quanh “dự án chống xuống cấp” đình Động Bồng và một số công trình văn hóa khác ở Thanh Hóa.
NH
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập