Vĩnh Nguyên
Vừa rồi đọc bài viết hết sức thú vị trên mạng xã hội của nhà báo, họa sĩ, dịch giả Vũ Cao Đàm (1): “Nhớ lại ngày 23/4 của 70 năm trước”. Bảy mươi năm trước nhưng ngày 23/4 là ngày gì? Đó là ngày mà phía Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị Đảng Lao động Việt Nam chi viện quân cho chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn”, phối hợp với quân địa phương đánh quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đang chốt giữ ở hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông.
Mục tiêu của chiến dịch: Mở rộng vùng kiểm soát khu vực dãy núi Thập Vạn Đại Sơn tại ba huyện Ung Châu, Long Châu và Khâm Châu tạo điều kiện phát triển lực lượng, chờ phối hợp với Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa đang tiến đánh về phía Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý.
Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ra mệnh lệnh: phái một lực lượng sang giúp Trung Quốc “Xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền biên giới Đông Bắc Việt Nam thông ra biển”.
Cụ thể: lấy một số đơn vị thuộc ba Trung đoàn chủ lực 28, 174, và 95 thâm nhập ba châu Ung-Long-Khâm do Tướng Lê Quảng Ba chỉ huy; phối hợp với quân địa phương ba huyện nói trên, người chỉ huy là Chen Ming Jiang (Trần Minh Giang) trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ tháng 6 đến tháng 10/1949.
Tác giả Vũ Cao Đàn không nói rõ số quân chi viện là bao nhiêu, thành lập mấy tiểu đoàn (chẳng hạn). Số quân của phía Trần Minh Giang càng khó biết? Nhưng để đánh với sáu Trung đoàn Quốc Dân Đảng trên địa hình mười vạn quả núi, nhiều quả núi cao trên 1.000m giữa Quảng Tây – Quảng Đông, đó còn là sào huyệt lâu đời của quân thổ phỉ trải dài hàng trăm cây số thì khó khăn biết nhường nào?
Đầu tháng 6, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Hoa Lục bằng hai hướng: Long Châu (Quảng Tây) và Khâm Châu (Quảng Đông).
Tướng Lê Quảng Ba gặp chỉ huy Trần Minh Giang cùng phối hợp tác chiến. Nhiều trận Liên-Quân thắng lớn; nhiều trận tấn công không thành. Có trận kéo dài hai ngày đêm giữa liên quân Việt-Trung với quân Tàu Tưởng. Tử trận có Chủ tịch huyện Long Tân – Ngu Khắc Hoàn và 22 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Trận then chốt ngày 25 tháng 7 liên quân Việt – Trung chuyển sang tấn công tại Voòng Chúc-Mào Lênh, buộc quân Tàu Tưởng phải rút khỏi các đồn bốt, tháo chạy.
Liên quân Việt – Trung đã thực hiện đúng mục tiêu của chiến dịch và đã gặp Đại quân Nam Hạ của Tàu Cộng từ Bắc đánh xuống.
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bàn giao nhiều kho tàng, vũ khí và rút quân về nước.
Khi tiễn biệt, đại diện Bộ tư lệnh Biên khu Việt Quế nắm chặt tay tướng Lê Quảng Ba xúc động nghẹn ngào: “Cảm ơn các đồng chí Việt Nam, đang trong khó khăn chiến đấu chống quân Pháp giải phóng dân tộc mình vẫn sang giúp chúng tôi đánh thắng, giải phóng cho dân tộc chúng tôi nữa”.
Để ghi công và tưởng niệm các chiến sĩ đã tử trận trong chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn”, trên đất Trung Hoa đã dựng hai đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ. Đài tưởng niệm thứ nhất: Tại thị trấn Đông Hưng, Đài liệt sĩ khắc song song hai hàng chữ Việt – Hán: “Đài tưởng niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt-Trung”. Trên bệ, có khắc một tấm bia bằng tiếng Việt: “Nhân dân Trung Quốc đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc”.
Hài cốt của các tử sĩ Việt Nam và Trung Quốc được quy tập và mai táng dưới chân Đài.
Đài tưởng niệm thứ hai: Tại Thủy Khẩu (thị trấn cửa khẩu thuộc huyện Long Châu, Trung Quốc, đối diện cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng, Việt Nam), nghĩa trang liệt sĩ Trung-Việt ghi: 龙州水口中越烈士陵园 (Long Châu Thủy Khẩu Trung-Việt liệt sĩ lăng viên).
Giải phóng Hoa Lục. Chiến tranh kết thúc. Tàu Cộng tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Thế mà, 25 năm sau, Tàu Cộng phản bội Việt Nam.
Ngày 19/01/1974 Mao Trạch Đông ra lệnh đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, giết chết 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Trước đó, hễ ai nhắc đến hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản, Mao Trạch Đông vẫn gằn từng tiếng: hai quả… hay nhiều hơn nữa cũng không sợ! Dân Trung Hoa có thể chết, nhưng… chỉ cần một huyện người sống sót, tôi (Mao Trạch Đông) sẽ cầm 5.000 (năm ngàn) quân tiến về phương Nam!
Nó đã thể hiện cái thói dân du mục thâm căn cố đế Đại Hán ăn sâu, chờ cơ hội là bành trướng, giết người, cướp nước của người khác.
Stalin lên thay Lenin đã chọn Mao Trạch Đông lãnh đạo Cộng sản Châu Á cũng là một lão gà mờ!
Gà mờ là phải. Bởi Stalin đâu có thấu hiểu bản chất dân du mục Đại Hán Trung Quốc: khéo thau vạy, xu nịnh trước mặt để chiếm cho bằng được cái mục đích mình muốn, chiếm được rồi thì trở mặt coi thường và phản lại.
Mao Trạch Đông phản bội nhân dân Việt Nam lần thứ hai:
Ngày 17/02/1979, Trung Quốc phát động tấn công Việt Nam. Mao Trạch Đông tiến cử chủ chiến Đặng Tiểu Bình mang 60 vạn quân “dạy cho Việt Nam một bài học”. 60 vạn quân Tàu Cộng tràn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Đội văn công 10 người 3 nam, 7 nữ đang vượt quốc lộ 3, đoạn Lũng Xỏm bị quân Tàu Cộng bắt được, chúng liền giết chết 3 nam. Chúng xông vào xâu xé, hãm hiếp 7 nữ rồi giết chết trên mình không còn mảnh vải xong kéo xác các chị xếp hàng phơi nắng trên cánh đồng mười mấy ngày liền.
Một trung đoàn quân địa phương chọi hai sư đoàn quân chủ lực Tàu Cộng với xe tăng, pháo giàn suốt 12 ngày đêm ở Tà Lùng – Khau Chỉa. Hai nữ y tá là Đoàn Thị Thuyết và Nguyễn Thị Huệ không còn đường rút ở lại với thương binh nặng trong hang Keng Riềng (Ngườm Hẩu). Với một khẩu CKC, hai nữ y tá trút những viên đạn cuối cùng vào quân Tàu Cộng. Quân Tàu Cộng xông lên chẹn cửa hang. Chúng bắn súng phun lửa thiêu cháy các chị cùng số thương binh…
Quân Tàu Cộng tràn vô làng tàn sát người già, trẻ con vô tội rồi ném xuống giếng. Chúng đốt phá các di tích lịch sử của Việt Nam. Quân địa phương không thể kháng cự 60 vạn quân Tàu Cộng, phải lui binh về phòng thủ Hà Nội từ xa chờ viện binh…
Đảng Cộng sản Trung Quốc phản bội nhân dân Việt Nam lần thứ ba:
Ngày 14/3/1988, 3 tàu công binh chở vật liệu xây dựng cùng 70 chiến sĩ hải quân tới đảo đá Gạc Ma là HQ 604, HQ605 và HQ505 đều có trọng tải 500 tấn, thì, bất ngờ 3 tàu khu trục của Trung Quốc: 502 Nam Sung 1.400 tấn, 3 pháo 100mm và 8 pháo 37mm; 556 Tương Đàm 1.925 tấn, 4 pháo 100mm và 2 pháo 37mm; 351 Ưng Đàm 1.925 tấn, 4 pháo 100mm và 8 pháo 37mm đã đồng loạt nã pháo 100mm bắn chìm 3 tàu chở vật liệu xây dựng HQ Việt Nam. Thấy tàu đã chìm, 70 chiến sĩ hải quân lưng trần đứng vòng tròn quây quanh lá cờ Tổ quốc bảo vệ chủ quyền Gạc Ma. Quân Tàu Cộng tiếp bắn pháo 37mm tàn sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam. Dòng máu đỏ trào dâng đảo đá Gạc Ma nhuộm lá cờ Tổ quốc càng thêm đỏ. Số chiến sĩ sống sót và bị thương, quân Tàu Cộng bắt về Trung Quốc. Ba năm sau, chúng mới thả cho về Việt Nam. Trong số đó, có chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh- người thứ hai ôm lá cờ Tổ quốc sau khi người giữ cờ thứ nhất là Trần Văn Phương ngã xuống!
Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã công bố “Luật Biển Việt Nam”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký. (Bộ luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2013).
Nhưng, ngày 15/5/2014 Tàu Cộng kéo giàn khoan Hải Dương 981 đặt tại phía Nam đảo Du Lâm – Hoàng Sa của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam không một lời phản đối. Tàu Cộng khéo dương đông kích tây ở đây, thiên hạ thấy cảnh vòi rồng phun nước và tàu va chạm nhau từ hai phía… Nhưng mục đích Tàu Cộng là bồi đắp tiếp số đảo đá ở Trường Sa. Hơn hai tháng, ngày 16/7 chúng mới kéo HD 981 về nước.
Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam khi Quốc hội Việt Nam đang họp. Tập Cận Bình không có chương trình gì với Quốc hội nhưng với ý đồ thâm độc, Tập đã sẵn bài đút túi. Tập đề xuất: Muốn tới thăm Quốc hội Việt Nam đang họp, xin phát biểu đôi lời và đọc thơ Vương Bột 10 phút.
Kế đó, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi – giỏi chữ Hán đã phản biện trong một bài viết khá sắc sảo: chẳng phải thơ Vương Bột mà là trích văn biền ngẫu của Vương Bột, ý nói rằng: “Trung Quốc cao như núi Thái Sơn, còn Đông Nam Á châu thấp lè tè như những bầy núi…” Hiểm độc của Tập là vậy. Tập “giáo huấn” cho gần 500 nghị viên dỏng tai nghe hết bài đến 25 phút, rồi Tập bay sang Singapore tuyên bố: Biển Đông là của Trung Quốc.
Có ai mà đểu bằng Tàu Cộng!
Bãi Tư Chính nóng lên từ mùa hè 2019. Tàu Cộng đã bốn lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEC) của Việt Nam. Nhiều tàu hộ tống đưa HD8 đến Bãi Tư Chính chỉ cách bờ biển Hiệp Hòa Bắc- Thành phố Tuy Hòa 60km. Chúng thâm nhập cả mỏ khí Cá Voi Xanh.
Ngày 20/3/2020 Trung Quốc đã lập hai trạm nghiên cứu trên đảo đá Chữ Thập Đỏ và Xu Bi (Trường Sa của Việt Nam).
Ngày 17/4/2020 Trung Quốc gửi Công hàm đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói rõ: “Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ dân sự vận hành và các cơ sở trên các đảo và bãi đá mà nước này xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.
Cả thế giới đang đại dịch Covis-19, Tàu Cộng đã lén tới vùng đặc quyền kinh tế (EEC) của Việt Nam, đã khai thác (ăn cướp) hàng trăm tấn khí metan…
Ngày 18/4/2020 Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện Tây Sa và Nam Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cũng có nghĩa Trung Quốc đã tuyên “ăn cướp” cả Biển Đông.
Từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình và sau Tập… đâu còn danh nghĩa vai trò cộng sản quốc tế? Nó đã hiện nguyên hình chủ nghĩa phát xít quốc tế; hiện nguyên hình chủ nghĩa liều lĩnh ăn cướp quốc tế.
Qua sự kiện virus-19 Vũ Hán, lòng dân Việt Nam đã thức tỉnh và bài xích Tàu Cộng. Cụ thể: người dân Đà Lạt làm khẩu trang cắt đường lưỡi bò (No-U). Và người dân cả nước đồng lòng (không mua hàng của Trung Quốc) với lời phản biện sắc sảo “Ta mua một món hàng của Tàu Cộng là ta đã góp tiền cho Tàu Cộng trả thua kiện Covis-19 Vũ Hán”. Đã chứng tỏ lòng dân Việt Nam yêu nước lên đến tận tầng trời nào!
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương trong mùa đại dịch, VTV1 đưa lại bản tin Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Phú Thọ, ở Đền Trung, Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những ngày cam go kháng chiến đánh Pháp, có lần Bác nói rằng “Ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới”.
Tuân theo lời Bác, bây giờ ta giữ nước bằng cách sao đây khi mà Trung Quốc đã lu mờ vai trò Quốc tế Cộng sản mà chủ trương khuếch trương luật rừng chủ nghĩa Đại Hán bành trướng ăn cướp Biển Đông và muốn thôn tính nước Việt Nam, thôn tính các nước Đông Nam Á để vơ vét nhiều tài sản cho thỏa lòng tham Đại Hán!
Đối thoại Shangri-la ở Singapore, đoàn Việt Nam “giữ quyền im lặng”. Im lặng lúc này là không biết cách giữ nước. Sao dại thế? Ta im lặng thì đoàn Trung Quốc làm mưa làm bão. Đáng lẽ ta phải tố cáo mạnh cho thế giới biết: Tàu Cộng đã đưa nhiều tàu lớn xâm phạm vùng biển Việt Nam, đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam, làm chết ngư dân Việt Nam… Ta im lặng là ta đã khước từ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa rồi còn gì?
Cái ranh ma Tàu Cộng xưa nay chỉ dùng đối tác song phương để dễ bẻ gãy. Tàu Cộng không ưa đối tác đa phương có thể gây khó. Tàu Cộng luôn nghĩ kế thâm hậu, tự soạn thảo các văn bản sách lược, hiệp định này, nọ… có lợi cho mình rồi mời Việt Nam sang ký kết.
Theo nguyên tắc, hai bên xem xét lại nội dung, có gì chưa rõ thì bàn bạc, sửa chữa, thống nhất rồi mới ký. Nhưng Tàu Cộng đã nắm “cái thóp” đồng chí đàn em hữu hảo nên thúc Việt Nam ký gấp. Sau lễ ký, Việt Nam mới ngả ngửa ôi thôi rồi, ta đã thiệt mấy ngàn km2 thềm lục địa? Đó là một ví dụ về Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 25/12/2000.
Cha ông ta xưa giỏi ứng xử để giữ nước là biết thế “Cương – Nhu”. Trường hợp vịnh Bắc Bộ năm 2000, Việt Nam nên ở thế Cương: đề nghị Trung Quốc mở văn bản hiệp định để Đoàn Việt Nam đọc duyệt. Thường là Trung Quốc ỷ thế “ta đây” không đồng ý thì Việt Nam quyết phản đối không ký và bỏ ra về.
Nhưng Việt Nam đã không chọn Cương mà chọn Nhu. Có thể trong đoàn có vị biết nội dung chưa minh bạch, Tàu Cộng gian tham…nhưng cái thế đã Nhu thì không còn cảnh giác…cùng nhau lặng im… và ký Hiệp định. Cái Hiệp định mà “Không một người dân Việt Nam nào có thể chịu đựng được nổi!” (Nguyễn Quang Dy).
Đã mấy thập kỷ qua, phía Việt Nam quá Nhu trước Trung Quốc nên được đà Tàu Cộng cứ lấn tới.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khi còn sống, ông nói như đinh đóng cột: “Muốn giữ vững chủ quyền, Việt Nam chỉ có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hơn 13 năm làm Đại sứ ở Trung Quốc. Khi giỏi chữ Hán rồi, ông lục tìm trong các thư tịch lưu trữ và ông đã thách thức Trung Quốc: Biên giới Trung Hoa không vượt qua đảo Hải Nam.
Vậy mà Quốc hội họp, nghị viên dân cử thì đông nhưng phát biểu lại quá ít. Một ông Nghị phát biểu về Biển Đảo như thế này: “Đời ta không lấy được Biển Đảo thì đời con cháu sẽ lấy lại”. Ông Nghị này học hành đến đâu mà nói năng vô trách nhiệm đến thế? Ông có biết rằng đảo Kuril của Nhật Bản, hiện người Nga ở nửa trên, người Nhật ở nửa dưới không? Bởi người Nga đã ở 50 năm mà Nhật Bản trước đó đã không đòi lại. Tàu Cộng đánh chiếm Hoàng Sa tháng 01/1974. Luật Quốc tế hạn định: Người dân nước nào đã đến ở 50 năm thì, nước sở tại không còn đòi được nữa.
Nên Việt Nam phải kiện ngay, kiện gấp, kiện trước cả Đại hội 13 của Đảng. Và đương nhiên Trung Quốc sẽ chơi bài ù lì không chấp nhận phán quyết PCA như Phillipines tháng 7/2016. Nhưng để cả thế giới biết Việt Nam thắng. Việt Nam sẽ mạnh hơn bởi Việt Nam còn dấu mốc thời gian 50 năm nữa cho con cháu ta tiếp tục đấu tranh pháp lý với Tàu Cộng.
Năm 1948, viên tướng Lâm Tâm của Tưởng Giới Thạch tuần du trên Biển Đông và đã “chấm” hai đảo Phú Lâm và Ba Bình. Thì bây giờ người Hoa đang ở đảo Phú Lâm (trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và người Đài Loan thì giờ đang ở đảo Ba Bình (trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Trước sự liều lĩnh không còn tôn trọng luật pháp quốc tế, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ép nhân dân Việt Nam đến chân tường.
Ngày 30/3/2020 Việt Nam đã gửi Công hàm tới cơ quan Liên Hiệp Quốc phản biện các yêu sách của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, cơ quan Liên Hiệp Quốc có nhiều cửa. Công hàm Việt Nam gửi cửa “Thềm lục địa” – nó cũng gần như cửa Phillipine kiện Trung Quốc. Nhưng đây là
Công hàm đấu tranh pháp lý khởi đầu (hợp lòng nhân dân Việt Nam không còn nhân nhượng với bè lũ gian tham Tàu Cộng), còn kiện là phải gửi văn bản tới Tòa án Quốc tế Liên Hiệp Quốc hoặc Tòa án Công lý Quốc tế (International Court Of Justice).
Việt Nam nên tuyên bố hủy bỏ chính sách “ba không”, bởi chính sách này nó mâu thuẫn một điều khoản rất quan trọng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc – đó là quyền tự vệ chính đáng.
Ngày 1/5/2020
Tác giả gửi BVN
(1) Theo chúng tôi, nhắc đến Vũ Cao Đàm có lẽ trước hết nên nói ông là một học giả, nhà giáo lâu năm, ông có chức danh PGS TS Kinh tế học, nghiên cứu giảng dạy tại nhiều viện và trường đại học – BVN