RFA
Vài ngày trước ngày giỗ 100 ngày mất của cụ Lê Đình Kình, chính quyền địa phương đã điều động công an cơ động đến khu vực nhà bà Dư Thị Thành, vợ cụ Kình, để canh giữ. Bà Thành cho RFA biết hôm ngày 17 tháng 4:
“Từ ngày 15 tháng 4 đến giờ, công an người ta đến canh nhà tôi suốt cho đến ngày hôm nay là ngày giỗ 100 ngày của ông, thì người ta đến làm việc với dân là sau này có ai hỏi gì và không được nói gì. Người canh thì họ cứ ngồi ngoài đấy thôi; có người đến thì họ gọi lên văn phòng. Còn những người (canh) thì họ cứ ngồi đấy thôi”.
Hiện tại, liên quan đến vụ án Đồng Tâm, có tổng cộng 28 người đang bị giam giữ, trong số đó, bà Thành lo lắng nhất là anh Lê Đình Chức vì tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng sau khi bị đánh vỡ đầu vào ngày 9 tháng 1:
“Chúng tôi có làm đơn để xin cho cháu Chức đưa đi ra để chữa bệnh nhưng người ta vẫn chưa đáp ứng; Chức bị đánh vỡ đầu (trong vụ 9/1) bây giờ liệt hết nửa người rồi. Bây giờ làm đơn xin cho ra nhưng người ta không chấp thuận”.
Bà Thành cho biết thêm, thông tin về tình trạng của tất cả 28 người đang bị giam giữ hiện gia đình vẫn không được cho biết:
“Mình không được biết, không được cho vào và làm gì hết. Họ như biệt tăm, không biết”.
Cùng ngày, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho hay đã hơn một tháng qua, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết sau khi đơn tố giác của gia đình cụ Kình và cụ Thành được gửi đến Viện Kiểm soát Tối cao, yêu cầu điều tra hành vi của hàng trăm cảnh sát cơ động tấn công và giết cụ Kình tại phòng ngủ. Ngoài ra, thông tin về 28 người bị bắt giam vẫn không được làm rõ:
“Qua thông tin của gia đình cụ Dư Thị Thành cho biết thì các luật sư của anh Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Lê Đình Doanh cũng có tham dự cung với các anh một lần. Trong khoảng 1 tháng nay do dịch bệnh Covid-19, nên bên cảnh sát điều tra họ cũng không tiến hành hỏi cung nên các luật sư vẫn chưa đến lần thứ hai”.
Về vấn đề này, luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư đại diện và bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm bị công an bắt giữ, cho biết hiện tại những người bị bắt đang tại trại giam số 2 tại Thanh Trì, Hà Nội. Theo luật sư Tuấn, tính đến nay ông cùng các luật sư bào chữa khác đã đến lấy cung một lần, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát hơn một tháng nay, cơ quan chức năng không có tiến hành lấy cung:
“Việc này trúng vào đợt dịch, nên chúng tôi cũng chưa gắt gao về việc ý kiến, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này, có nghĩa là yêu cầu họ phải trả lời cụ thể, chứ không phải nói sơ là ông chết vì lý do này, bắn vì phản động…, nếu chết người thì phải có lý do và có thông tin rõ ràng, nên chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ điều này. Hiện tại, chưa có bất cứ thông tin nào từ phía cơ quan công an, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội thi vẫn chưa. Viện Kiểm soát Cấp cao cũng đã truyền đơn xuống thành phố rồi, hiện tại họ vẫn chưa trả lời”.
Theo ông Tuấn, trong lần đi lấy cung đầu tiên ông không được cho biết là có tình trạng bức cung, tra tấn xảy ra trong trại giam:
“Trước đây, việc có bức cung hay không thì thực tế trong thời gian này thì không ai nói; không ai biết những vết thương mà họ bị đánh. Nếu có chụp lại thì có thể xảy ra trước giai đoạn bị tạm giam, cho nên trong thời gian trong trại tạm giam, thì mặc dù không độc lập với các ngành khác, nhưng họ quản lý tương đối tốt”.
Tuy nhiên, anh Trịnh Bá Phương cho biết những khi tìm hiểu qua cụ Dư Thị Thành và những nhân chứng khác, tình trạng tra tấn các tù nhân bị giam là có xảy ra:
“Theo tôi được biết, ngay sao vụ đàn áp hôm 9 tháng 1, sau khi cảnh sát cơ động giết cụ Kình và bắt hơn 20 người đó thì rất nhiều người đã bị đánh đập rất tàn bạo. Cụ Dư Thị Thành trước khi về cũng chứng kiến con trai cụ là Lê Đình Công đã bị đánh rất dã man. Ông Bùi Đức Hiếu cũng bị đánh rất tàn bạo, phải truyền nước. Rất nhiều dấu hiệu của sự tra tấn và bức cung. Rất nhiều nhân chứng và cụ Dư Thị Thành đã cho biết như vậy”.
Bà Thành cho biết đến thời điểm này, thư tố giác cho vụ cụ Kình bị giết trong phòng ngủ vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào hồi đáp. Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, thời hạn cho các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cho đơn tố giác tội phạm là từ 2-4 tháng:
“Trong thời hạn đơn tố giác tội phạm, họ phải phân loại trong vòng 2 tháng họ phải trả lời. Nếu họ nói họ không có cơ sở thì họ cũng phải trả lời bằng văn bản trong vòng 2 tháng được đưa ra. Sau 2 tháng đó còn gia hạn thêm 2 tháng nữa là 4 tháng thì họ phải ra kết luận. Tối đa là 4 tháng họ phải ra kết luận thông báo về việc xử lý đơn, thư của mình. Nếu không có trả lời trong vòng 2 tháng thì các luật sư đại diện các nạn nhân sẽ có đơn thư ý kiến khiếu nại đối với các cơ quan có liên quan”.
Hiện tại, bà Dư Thị Thành vẫn tiếp tục làm đám giỗ 100 ngày cho cụ Kình, nhưng chỉ bao gồm các thành viên trong gia đình do vẫn đang bị chính quyền canh giữ chặt chẽ.
Anh Trịnh Bá Phương cho biết chính quyền vẫn tiếp tục cử lực lượng công an đến canh nhà anh và nhiều nhà hoạt động khác quan tâm đến vụ án Đồng Tâm:
“Tôi nghĩ là có thể cũng trong dịp 100 ngày cụ Kình mất, công an đến để quấy nhiễu và khống chế gia đình để ngăn chặn mọi người có thể làm theo phong tục truyền thống, 100 ngày có thắp hương lên cụ Kình. Chắc là phía công an họ cũng sợ nên họ mới tổ chức canh giữ nhiều người đến vậy”.
Anh Lã Việt Dũng cũng cho biết, trong thời gian này những nhà hoạt động như anh chỉ có thể lên tiếng, chứ chưa thể đi đến được Đồng Tâm để chia sẻ cùng gia đình:
“Bởi vì hiện tại đến bây giờ và chắc chắn là ngày mai nữa về việc công an họ đến canh từng nhà những người hoạt động về vụ Đồng Tâm. Họ canh suốt, nên chắc chắn họ sẽ không thể nào có thể động viên trực tiếp một sự chia sẻ, hay cúng viếng và tham dự đám giỗ được”.
Cũng theo anh Dũng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra, nên việc đến thăm cũng là điều khó khăn cho nhiều người. Ngoài ra, anh Dũng cho rằng chính quyền có thể căn cứ vào việc ngăn chặn dịch bệnh và giãn cách xã hội để có lý do bắt người một cách trái phép.