Corona và cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới tại Mỹ

Vũ Ngọc Yên

Theo số liệu của Đại học Mỹ Johns Hopkins University (JHU) tính đến ngày 16.04 tổng số ca mắc Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu đã lên tới 2.172.023 người nhiễm, 146.201 người tử vong. Cũng theo số liệu thống kê, đến nay thế giới đã có 554.232 bệnh nhân CovidD-19 được chữa khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 1.471.598 người đang phải điều trị. Đại dịch đã lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhiều nhất với 671.425 ca, và 33.286 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 2.300 ca tử vong.

10 quốc gia có số người nhiễm bịnh và tử vong nhiều nhất trên thế giới

Quốc gia              Bị nhiễm         Tử vong

Mỹ                         671.425           33.286

Tây Ban Nha        184.948           19.315

Ý Đại Lợi              168.941           22.170

Pháp                    147.701           17.941

Đức                     138.135             4.093

Anh                     104.155           13.759

Trung quốc          83.760               4636

Ba Tư (Iran)        77.995               4869

Thổ Nhĩ Kỳ         74.193               1643

Bỉ                        36.138               5163

Nguồn: Johns Hopkins CSSE

Thảm họa Covid đối với Mỹ

Cuộc khủng hoảng Corona đã đưa nước Mỹ vào hoàn cảnh đầy khó khăn.

Mỗi ngày số tử vong từ hàng trăm tăng lên hàng ngàn, các bệnh viện kiệt lực vì quá tải, khắp nơi thiếu thuốc, thiết bị như khẩu trang, máy trợ thở, và dụng cụ thử nghiệm. Kinh tế bế tắc, hơn 22 triệu người thất nghiệp trong vòng một tháng.

Trong báo cáo Sách Xám (Beige Book) công bố vào ngày 15.04, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đều không có triển vọng chắc chắn và tình hình sẽ còn thê thảm hơn trong vài tháng tới. Báo cáo cũng nói rõ, những dấu hiệu suy giảm sẽ sớm lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ khi các nhà máy, cửa hàng và nhà hàng trên toàn quốc buộc phải đóng cửa và sa thải công nhân. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,5%, đe dọa sẽ tăng lên 20% vào cuối năm 2020. Các biện pháp giảm lãi suất chỉ đạo (lãi suất cho tín dụng ngân khố cung cấp cho các ngân hàng tư) xuống 0% và bơm hơn 5000 ngàn tỷ USD vào thị trường tài chính vẫn chưa tác động cải thiện tình trạng suy thoái kinh tế.

Trong lúc toàn thế giới gồng mình chống đại dịch Covid-19, quan hệ Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trở nên căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 14-4 rằng Mỹ tạm dừng tài trợ cho WHO đồng thời đánh giá lại vai trò của WHO trong đại dịch Covid-19.

WHO là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc có 194 thành viên và các thành viên đóng góp dựa trên dân số và Tổng sản lượng quốc gia GDP. Theo Trump, Mỹ tài trợ khoảng 400-500 triệu USD cho WHO mỗi năm (chiếm 15% ngân sách của WHO) trong khi Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 40 triệu USD. Sự thật, cho [đến hết quý 1] năm 2020, Mỹ đóng 57 triệu USD, Trung cộng 29 triệu USD, Nhật 20,5 triệu USD, Đức 14,5 triệu, Anh 10,9 triệu USD và Pháp 10,6 triệu USD.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị nhiều chỉ trích. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói: “Hiện không phải là lúc để giảm các nguồn lực cho các hoạt động của WHO hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Đây là thời điểm để đoàn kết cộng đồng quốc tế cùng nhau ngăn chặn Covid-19 và hậu quả của đại dịch”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Macron lên tiếng biện hộ và cam kết hỗ trợ các hoạt động của WHO. 23 Ngoại trưởng Âu châu, Gia Nã Đại (Canada), Nam Phi, Tân Gia Ba (Singapore), Á Căn Đình (Argentina), Chí Lợi (Chile) và Mễ Tây Cơ (Mehico) đã ký chung trong một bản tuyên bố ủng hộ những nỗ lực chống dịch của WHO. Nga kết án quyết định của Trump là “ích kỷ” nhằm đánh lạc hướng dư luận về đai nạn kinh tế và chính trị ở Mỹ.

Mặc dù đất nước lâm vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng vì Tổng thống Trump hoặc đã xem thường hậu quả của nạn đại dịch hoặc thiếu năng lực xử lý. Cho đến nay Trump vẫn khăng khăng cho rằng Mỹ đã kiểm soát được dịch bệnh và nó sẽ sớm biến mất. Tự khen và cho ra những tuyên bố lạc quan là một phần chiến thuất chính trị của Trump nhằm tranh thủ cử tri cho cuộc bầu cử Tổng thống 3.11.2020.

Cuộc tranh hùng giữa hai lão già 

Trong quá trình tranh cử ở các cuộc bầu sơ bộ của Đảng Dân chủ, hơn 20 ứng viên lần lượt rút lui như Michael Bloomberg, Eliyabeth Warren, Amy Klobuchar, Pete Buttigieg… và cuối cùng chỉ còn hai ứng viên có hy vọng trở thành ứng viên Tổng thống của đảng là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và cựu Phó tổng thống Joe Biden.

Vào ngày thứ Tư, 8.4.2020, Bernie Sanders tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua tranh cử vào Nhà Trắng vì con đường đưa tới chiến thắng không thể hiện thực. “The path toward victory is virtually impossible”. Như vậy cuộc đua tay đôi trong Đảng Dân chủ kết thúc và Biden sẽ là ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11.2020.

Dư luận Mỹ và thế giới sẽ chứng kiến cuộc tranh hùng giữa hai “lão già” trong cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra trong tháng 11 năm nay giữa cựu Phó Tổng thống Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Cộng hoà đương nhiệm Donald Trump.

Khi chấp chính vào năm 2017, Trump đã 70 tuổi. Tuổi trung bình nhậm chức Tổng thống của Mỹ từ trước đến nay là 55. Còn Biden giờ đã 77 tuổi. Trong quá khứ hoạt động, cả hai đều có những ưu và khuyết điểm. Giai đoạn hiện nay Mỹ cần người lãnh đạo có phẩm chất chính trị và đạo đức.

Chỉ bốn tháng trước, khi dịch bệnh COVID-19 do virus corona bùng phát tại Vũ Hán, có lẽ cả Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden đều không thể nghĩ rằng virus corona sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.

Vậy liệu cuộc khủng hoảng virus lần này sẽ là cơ hội tốt đưa Biden vào Nhà Trắng hay sẽ giúp Trump tái thắng cuộc bầu cử tháng 11 này?

Cuộc bầu cử sắp tới không chỉ đơn thuần là chọn ứng viên tranh cử mà còn là cuộc biểu quyết về khả năng xử lý khủng hoảng của Tổng thống Trump.

Biden có nhiều triển vọng thắng cử?

Trong khi Trump bị dư luận trong và ngoài nước xem là người tự mãn và thiếu khả năng lãnh đạo quốc gia, thì Biden xuất hiện như một lãnh tụ khiêm nhượng và thiện cảm và thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có thể đưa nước Mỹ vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay. Hơn nữa thắng lợi của Biden trong các cuộc bầu cử sơ bộ cho thấy các cử tri của Đảng Dân chủ đã lựa chọn đặt niềm tin vào một chính trị gia lão luyện.

Đề tài Corona có thể là đề tài duy nhất cho cuộc bầu cử. Đảng Dân chủ sẽ quy trách nhiệm đại nạn mà Mỹ hiện đang gánh chịu cho Đảng Cộng hoà và Trump. Trong thời gian vận động tranh cử, Biden không ngừng công kích Trump đã không nhận diện được hậu quả trầm trọng của nạn dịch. Trump đã xao nhãng việc chống dịch và bác bỏ những khuyến nghị của các chuyên gia khoa học.

Sanders, Thượng nghị sĩ thiên tả của bang Vermont muốn thực hiện một cuộc cách mạng xã hội. Ông chủ trương thuế cao, lương tối thiểu 15 USD và một hệ thống bảo hiểm y tế công. Với đường lối này, Sanders được giới trẻ ủng hộ. Sự rút lui của Sanders tuy làm cánh tiến bộ tả khuynh trong Đảng Dân chủ thất vọng, nhưng giới lãnh đạo lại cảm thấy nhẹ nhõm và mừng là cuộc tranh cử trong nội bộ đảng đã kết thúc sớm để tất cả các phe sớm dồn năng lực vào việc đánh bại Trump trong cuộc bầu cử. Hầu hết các cựu ứng viên như Mike Bloomberg, Pete Buttigieg, Kamala Harris, Beto O’Rourke, Cory Booker, Amy Klobuchar, Andrew Yang, Bernie Sanders… đã lên tiếng hỗ trợ Biden. Ngoài ra, guồng máy tranh cử của Biden cũng đã có nhiều nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ cuả nhiều tổ chức như Planned Parenthood, Sunrise Movement và Super-PAC “Unite the country”…

Biden tuyên bố sẽ thu nhận ý kiến bổ túc cho chương trình chính trị theo hướng tiến bộ để động viên giới trẻ và phụ nữ tham gia, hầu tránh trường hợp, những người ủng hộ Sanders cảm thấy thất vọng đã bỏ phiếu cho Trump thay vì cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử trước. Vấn đề khí hậu và môi sinh là mối quan tâm hệ trọng của giới trẻ.

Lịch sử nước Mỹ đã cho thấy những khi đất nước lâm vào các cuộc khủng hoảng lớn, các cử tri sẽ có xu hướng tìm kiếm một ứng cử viên có kinh nghiệm chính trị, được xem là đáng tin cậy hơn để lãnh đạo quốc gia.

Cuộc thăm dò dư luận toàn quốc được Đại học Monmouth thực hiện, công bố ngày 24-3 cho thấy Biden đã vượt qua Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 48% và 45%.

Một cuộc thăm dò dư luận mới của Đài CNN công bố ngày 09-4, cho biết mức độ tín nhiệm Trump trong dư luận đã bị giảm vì cách hành xử bất nhất trong vụ đại dịch Corona xuống còn 46% so với 49% bất tín nhiệm. Và trong cụôc bầu cử, Cựu Phó tổng thống Biden sẽ dẫn đầu với 48% phiếu cử tri so với 43% cho Trump.

Liệu Trump có thể trụ qua cuộc khủng hoảng corona được không? 

Theo khảo sát của Viện Gallup ngày 24-3, sau quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng, tỉ lệ người Mỹ ủng hộ cách xử lý của ông Trump đối với cuộc khủng hoảng hiện nay đã tăng lên 60% so với 38% không ủng hộ.

Nhưng mọi việc sẽ không đơn giản như vậy. Sự tái thắng cử của Trump sẽ còn tuỳ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế. Nếu nước Mỹ thoát ra được khỏi cuộc khủng hoảng, Trump sẽ có cơ may tiếp tục nhiệm kỳ 2 ở Nhà Trắng. Nhưng nếu nền kinh tế còn trì trệ và bi thảm thì một kịch bản giống như Tổng thống Bush (cha) năm 1992 sẽ khó tránh khỏi.

Cuộc suy thoái 1992 đã làm Tổng thống G.H.W. Bush (cha), người hùng trận chiến Vịnh-Trung Đông (1990-1991) đại bại trước đối thủ Bill Clinton – một chính trị gia trẻ và ít nổi tiếng trong cuộc bầu cử tổng thống 1992. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 giúp Barack Obama Thượng nghị sĩ da mầu Dân chủ đánh bại Nghị sĩ Cộng hoà danh tiếng John McCain trong cuộc bầu cử Tổng thống 2008  vì cử tri cho rằng G.W. Bush (con) và Đảng Cộng hoà phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế và thất nghiệp thê thảm…

Giới truyền thông phò Trump như Fox News ca ngợi Trump là Tổng thống thời chiến và tìm cách viết lại lịch sử cuộc khủng hoảng. Họ luôn đổ lỗi hậu quả Đại dịch cho Trung cộng, Âu châu và các Thống đốc Dân chủ cũng như cho người tiền nhiệm Obama. Nhưng sự thật đã chỉ rõ Trump đã phạm nhiều sai lầm trong cách xử lý cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng càng kéo dài, dân chúng càng mất niềm tin vào Trump và Đảng Cộng hoà.

Ai sẽ là tổng thống sắp tới của Mỹ?

Theo hiện tình đa số nhân dân Mỹ sẽ bỏ phiếu cho Biden. Nhưng kết quả thắng cử lại còn tuỳ thuộc vào phiếu của đại cử tri đoàn. Thực tế một vài tiểu bang (swing state) như Wisconsin, Ohio, Pensylvanis và Michigan tuy nhỏ, ít dân nhưng lại có quyết định ảnh hưởng trong cuộc bầu cử. Bush và Trump là hai ứng viên thua phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng cuối cùng thắng cử nhờ phiếu đại cử tri đoàn.

Một yếu tố không kém phần quan trọng trong cuộc bầu cừ là Biden sẽ chọn ai là ứng viên Phó Tổng thống thống để tăng thêm hy vọng thắng cử. Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar (60 tuổi) của bang Minnesota và Gretchen Witmer (50 tuổi) Thống đốc Dân chủ của bang Michigan đang là những nhân vật có nhiều cơ may trở thành ứng viên Phó Tổng thống.

V.N.Y.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Coronavirus, Covid 19, Tranh cử Tổng thống Mỹ, Virus Vũ Hán. Bookmark the permalink.