Khánh An
Dù khống chế dịch tốt, nhưng con số lây nhiễm vẫn tăng lên, có trường hợp sau khi chữa khỏi đã tái nhiễm trở lại (bệnh nhân số 50 ở Quảng Ninh).
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra các gói hỗ trợ các doanh nghiệp, những chính sách hỗ trợ người yếu thế, dễ bị tổn thương trước đại dịch Covid-19, trước mắt dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng bị tác động nặng nề từ đại dịch. Tuy nhiên chính phủ không thể giải cứu mọi người khỏi cuộc khủng hoảng này.
Hiện giờ người dân đang có xu hướng chủ động cách ly xã hội, chấp nhận chờ đợi và xem cách tiếp cận đối với các khoản hỗ trợ từ chính phủ để giảm bớt tác động tài chính lớn vì đại dịch mà họ phải chịu. Thế nhưng nguồn lực tài chính hạn chế của chính phủ (nguồn tài chính từ công nghiệp du lịch và các dịch vụ kéo theo giảm sút) sẽ khó khiến cánh tay chính phủ bao quát người dân trong xã hội.
Kịch bản tốt nhất là đưa ra gói tín dụng để hỗ trợ người lao động vượt qua thời điểm khó khăn ít nhất hết 2020, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ không biết COVID-19 sẽ tồn tại bao lâu trong hình thức hiện tại, và mất bao lâu nền kinh tế phá băng kinh tế do COVID-19.
Trong lúc doanh nghiệp tiếp tục chờ các gói kích cầu kinh tế, thì bản thân mỗi người dân và người lao động có thể sẽ buộc chủ động ‘tự thân vận động’ trước khi chỉ thị cách ly xã hội được dở bỏ hoàn toàn.
Làm thế nào để người dân ‘tự thân vận động’ trong hạn hẹp của nguồn tài chính quốc gia? Trong thời gian gần đây, xã hội dân sự nổi lên trở lại một cách tự nhiên, khi nhiều cá nhân bắt đầu phân phối lương thực và nguồn quỹ cho những người yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội. Điều đáng nói là dù xuất phát từ động cơ san sẻ cái nghĩa đồng bào, cũng như chia sẻ gánh nặng hỗ trợ xã hội cùng với chính phủ, thế nhưng có một vài điểm hỗ trợ lại gặp ‘quái rối’ không cần thiết từ chính quyền cơ sở, gây bức xúc không ít người và dư luận xã hội.
Hãy trở về với nguyên tắc thị trường, chính phủ, xã hội dân sự trong ngay thời điểm hiện tại. Có những hoàn cảnh Chính phủ buộc phải kêu gọi toàn xã hội chung tay, mà thực chất ra là tái khởi động kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội dân sự trong và ngoài nước, và đại dịch khiến nền kinh tế tê liệt, ngân sách thất thu, gánh nặng người lao động gia tăng là một trong số ít hoàn cảnh đặc biệt đó.
Hãy để xã hội chung tay lo việc xã hội, thừa nhận xã hội dân sự thay vì bài trừ nó bằng quan điểm chính trị, đó là chính sách khoa học, tiến bộ và thực sự cầu thị của chính quyền của dân, do dân, vì dân. Chính sách này sẽ kéo giãn căng thẳng trong không gian tài chính để vay mượn và nợ tài chính sẽ đặt lên các thế hệ người nộp thuế hiện tại và tương lai.
K.A.
VNTB gửi BVN