Chuyên gia Việt Nam ‘kinh hãi’ vì hành vi Trung Quốc ở Biển Đông

BBC

Trung Quốc không vì đại dịch Covid-19 mà tạm quên hay lơ là lợi ích của nước này trên Biển Đông, cũng như những lợi ích được cho là ‘cốt lõi’ và giấc mộng Trung Hoa của họ, ý kiến từ một số nhà quan sát, phân tích thời sự, chính trị và bang giao Việt – Trung bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 06/4/2020 từ Việt Nam.

àu cá ngư dân Việt Nam, hình minh họa

Tàu cá ngư dân Việt Nam, hình minh họa Getty Images

Các nhà quan sát nhận định về các phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan tới một vài đụng độ, diễn biến trên Biển Đông mới đây so với quan điểm từ phía Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Quý Thọ: Các tuyên bố, phát ngôn của Trung Quốc mấy lần đưa ra đều mâu thuẫn nhau và họ hình như đang giấu giếm ý đồ gì khác. Theo tôi, Việt Nam đã phản ứng kịp thời và đúng mực, còn Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch Covid-19, khi Mỹ đang bận chống dịch, để gây căng thẳng như phép thử quan hệ.

Thạc sỹ Hoàng Việt: Cách trả lời của giới chức Trung Quốc là cách trả lời nguỵ biện của một kẻ ỷ vào sức mạnh, và không cần biết đến thiện chí, luật lệ là gì.

Cách trả lời của Trung Quốc cũng giống như nhiều lần Trung Quốc thể hiện trong quan hệ quốc tế: thô lỗ, và bất cần ai, bất cần lý do, miễn đạt được mục đích của họ là được. Cách thể hiện như vậy của Trung Quốc cho thấy thực chất trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này, nó không giống như các khẩu hiệu đẹp đẽ mà hai bên cùng đưa ra mà như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần đề cập là “tình hữu nghị viển vông”.

Về thông tin khai thác băng cháy của Trung Quốc trên Biển Đông, cho đến nay, chúng ta chỉ được biết qua các tuyên bố của Trung Quốc, chứ thực hư thì khó biết. Phía Trung Quốc thì dùng các tuyên bố “thực thực, hư hư” của mình để che giấu các dã tâm của mình.

Cũng có thể Trung Quốc muốn sử dụng thông tin khai thác băng cháy để “thúc đẩy” chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc khi lòng tin của người dân xáo trộn, cùng với các “đấu đá nội bộ”, hướng các khó khăn trong nước ra bên ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng nó như là cái cớ biện minh vì sao Trung Quốc cần biển Đông.

Nhưng nói chung, các thông tin mà từ phía Trung Quốc đưa ra cần phải được kiểm tra, thẩm định và đánh giá kỹ lưỡng mới có thể kết luận được.

Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh và người phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc Trương Quân đều tuyên bố tàu cá Việt Nam QNG 90617 TS tự đâm vào mũi tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc ở Hoàng Sa nên bị chìm.

Dù giọng điệu vô cùng quen thuộc qua các năm nhưng mức độ tráo trở đổi trắng thay đen, vừa ăn cướp vừa la làng của phía người có trách nhiệm nhà cầm quyền Trung Quốc khiến nhiều người dân Việt Nam kinh hãi và phẫn nộ, trong đó có tôi.

Tàu gỗ của ngư dân Việt Nam sao có thể đâm vào tàu vỏ sắt của hải cảnh Trung Quốc theo kiểu tự sát để rồi “tự chìm” và để phía Trung Quốc “ nhân đạo” vớt lên?

Phía người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì vẫn lặp lại những tuyên bố quen thuộc nhưng theo tôi lần này cần nhấn mạnh thêm việc Hải cảnh Trung Quốc vi phạm “Công ước phòng tránh nguy cơ va đụng trên biển” mà Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên và việc Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và vùng tài phán của Việt Nam nhưng lại áp đặt luật của Trung Quốc, yêu cầu và ép buộc ngư dân Việt Nam ký biên bản bằng tiếng Trung Quốc, không mời phiên dịch giải thích rõ nội dung. Với việc làm trái qui định này, Hải cảnh Trung Quốc sai cả pháp luật của Trung Quốc, luật Việt Nam lẫn thông lệ quốc tế, những biên bản vi phạm trái pháp luật như vậy hoàn toàn không có giá trị pháp lý .

Hành vi này khiến tôi nhớ đến câu chuyện do Trung Quốc cố tình khiêu khích và bịa đặt Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc hàng nghìn lần năm 1979 để tạo cớ gây chiến tranh biên giới, ‘dạy cho Việt Nam một bài học’.

Điều này nói lên thực chất mối quan hệ hai nước vẫn đang là vừa hợp tác vừa đấu tranh, tồn tại một số những khác biệt trong đó có những khác biệt động đến lợi ích cốt lõi của hai nước, đó chính là vấn đề lãnh hải và tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Mặc dù Tòa án trọng tài quốc tế đã ra phán quyết công nhận phần lãnh hải 12 hải lý gắn với các đảo trên Biển Đông, vùng biển ngư dân đánh bắt cá thuộc hải phận và quyền tài phán của Việt Nam theo Luật Biển Quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn cố ý vi phạm, cố ý tạo vùng xám biến vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp, nhận vơ ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam là lãnh hải của mình, cố tình quên ông cha của họ bao đời khẳng định “Chân trời góc bể”, “Thiên nhai hải giác” chỉ là điểm cực nam lãnh thổ của Trung Quốc nằm ở cực nam Đảo Hải Nam.

Có mâu thuẫn gì không?

BBC: Trung Quốc cùng lúc được cho là hỗ trợ, giúp đỡ, tặng trang thiết bị chống dịch Covid-19 cho Việt Nam, đây là khía cạnh và hoạt động bình thường về hợp tác, bang giao, nhân đạo, hay có mâu thuẫn gì không với các hành động của Trung Quốc liên quan chủ quyền, quyền chủ quyền hay tranh chấp trên Biển với Việt Nam cùng lúc, như đề cập ở trên?

PGS.TS. Phạm Quý Thọ: Có thể quan sát thấy về ngoại giao chính Việt Nam cũng từng làm điều đó trước.

Đối ứng lại, Việt Nam cũng hoan nghênh sự hỗ trợ vì mục đích nhân đạo và theo truyền thống bang giao láng giềng.

Th.S. Hoàng Việt: Chuyện hỗ trợ này theo tôi là bình thường. Khi Trung Quốc bắt đầu đại dịch hồi tháng 1/2020, và ở trong đỉnh dịch, Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác có viện trợ để giúp đỡ Trung Quốc, thì nay Trung Quốc viện trợ lại cũng là điều dễ hiểu.  Nó giống như quan hệ “có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Đương nhiên trong mối quan hệ tương quan giữa hai nước Việt – Trung thì Việt Nam ở thế yếu hơn, khi muốn tỏ thái độ tốt với láng giềng của mình, nhưng ông láng giềng “to lớn” kia thì luôn chơi theo cách “trên cơ”, tức là muốn giành mối lợi riêng cho mình. Đặc biệt trong vấn đề biển Đông.

Chính vì vậy, Việt Nam luôn phải cẩn thận, dè chừng trước Trung Quốc về vấn đề này.

TS. Nghiêm Thúy Hằng: Tôi nghĩ ở đây cần phân biệt người dân Trung Quốc, các cấp chính quyền Trung Quốc, cá nhân từng người chịu trách nhiệm tại các cơ quan hữu quan và chính phủ Trung Quốc.

Người dân Việt Nam luôn yêu quí, tôn trọng và gắn kết với người dân Trung Quốc bằng tình cảm láng giềng thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau, cảm thương người dân Vũ Hán gặp phải cơn hoạn nạn và vui mừng khi người dân Trung Quốc thoát khỏi dịch bệnh.

Trong khi Thủ tướng hai nước đang điện đàm nói chuyện về việc tương trợ giúp đỡ hữu nghị hợp tác thì Hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam làm những việc trái đạo lý, đổi trắng thay đen chẳng khác nào quân cướp biển, ỷ mạnh hiếp yếu, rõ là vỗ mặt, thiếu tôn trọng lãnh đạo hai nước hoặc là quá thiếu thông tin.

Cá nhân bà Hoa Xuân Oánh cũng cần rút kinh nghiệm, nên kiểm tra thấu đáo các nguồn tin và thận trọng hơn trong phát ngôn, tránh làm tổn hại đến uy tín, danh dự và lòng tin của các nước nói chung và người dân Việt Nam nói riêng đối với Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

‘Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn’

BBC: Hiện nay có tin Trung Quốc mua lương thực, thực phẩm, trong đó có nhập khẩu gạo, bên cạnh tiếp tục nhập khẩu dầu, trong lúc nhiều nước bán ra, điều này về an ninh lương thực và an ninh kinh tế, có thể thấy gì ở động thái của Trung Quốc? Riêng về lương thực, Việt nam có nên bán gạo cho Trung Quốc trong lúc đang chống dịch Covid-19 hay không và tại sao?

Th.S. Hoàng Việt: Tôi thấy đang có những tranh luận khác nhau về việc xuất khẩu gạo hay không. Có người cho rằng không nên xuất khẩu gạo vì an ninh lương thực, đặc biệt sau dịch Covid 19. Nhưng nhiều người cho rằng, chỉ cần dự trữ một lượng vừa đủ, còn thì nên xuất khẩu để giúp cho nông dân có thể bán gạo với giá cao và có vốn để chuẩn bị cho vụ mới. Đồng thời cũng cần giữ uy tín với các quốc gia đã có hợp đồng mua gạo từ Việt Nam.

Điều này nên dành cho các chuyên gia nông nghiệp đưa ra ý kiến. Nhưng nếu đã bán thì bên mua là bên nào cũng vậy thôi, miễn được giá, có hợp đồng trước… thì bán thôi, chứ đâu nhất thiết là không bán cho Trung Quốc.

Chúng ta cảnh giác Trung Quốc thì đúng, nhưng không nên cảnh giác quá mức, cái gì dính đến Trung Quốc cũng là “nguy hiểm”.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Quý Thọ: Gạo là an ninh lương thực. Tôi nghĩ Việt Nam nên thận trọng và cảnh giác.

Thủ tướng không nên chiều theo ý kiến doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích cục bộ.

TS. Nghiêm Thúy Hằng: Trung Quốc có chính sách bảo toàn đất nông nghiệp để giữ an ninh lương thực, đảm bảo 95% lương thực có nguồn cung trong nước, chỉ có một số mặt hàng như bông hay đỗ tương là nhất thiết cần phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên năm nay do dịch bệnh kéo dài, do dịch châu chấu và sâu keo phá hoại một số diện tích đất nông nghiệp nên có nguy cơ thiếu một số mặt hàng lương thực.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, gạo không phải mặt hàng Trung Quốc thiếu và người dân Trung Quốc nhất là dân phía bắc thích ăn gạo hạt tròn nội địa chứ không thích gạo hạt dài của Việt Nam hay của Thái.

Tôi cho rằng việc nhập khẩu mua gạo ồ ạt chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu tích trữ lương thực vào các kho rồi sau đó một thời gian lại bán rẻ sang châu Phi để làm ngoại giao, gia tăng sức mạnh mềm, đổi lấy vị thế và ảnh hưởng hoặc tích trữ gạo tương tự với hành vi mua vét khẩu trang, đợi giá cao kiếm lời, không phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân lao động Trung Quốc

Việc đầu năm nay Việt Nam đã xuất nhiều gạo sang Trung Quốc và Trung Quốc mua với giá khá cao, số lượng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, không khó tính đòi hỏi như mọi khi là động thái khá bất thường.

Theo tôi, việc giữ giá gạo trong nước không lên quá cao, gây tác động xấu đến người dân trong nước, nhất là dân nghèo, giữ vững an ninh lương thực không để cho nguy cơ nạn đói xảy ra, giữ cho giá gạo thế giới không lên quá cao, ảnh hưởng đến người dân thế giới, nhất là người Việt khắp nơi trên thế giới sẽ là một hành động đẹp và có ý nghĩa, tăng thêm vị thế và thiện cảm của người dân các nước đối với Việt Nam.

Giá gạo hiện nay bán trong các siêu thị còn đắt gấp đôi gấp 3 giá xuất khẩu, sức mua và nhu cầu trong nước vẫn lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh dân cần tích trữ trong nhà, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáng suốt tạm thời ngừng xuất khẩu gạo của thủ tướng.

Sau khi có các con số chính xác về lượng gạo còn dư thừa thì nên điều tiết hợp lý, xuất đi những nước thực sự cần, thậm chí viện trợ nhân đạo để đổi lấy tình bạn.

Năm nay theo dự tính của chuyên gia, Ấn Độ có thể sẽ thiếu và phải nhập khẩu đến 30% lương thực hoặc sẽ phải thay đổi cơ cấu bữa ăn, nhiều nước chắc chắn sẽ thiếu lương thực.

Chúng ta nên “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, phòng khi trái nắng trở trời dịch bệnh hay khô hạn không sản xuất được thì người dân vẫn có cái ăn và chúng ta vẫn có lương thực để trợ giúp cho các nước khác hoặc bán cho các nước khác nếu cần.

Có tạm quên Biển Đông và lợi ích ‘lõi’?

BBC: Có ý kiến cho rằng Trung Quốc không vì Covid-19 mà quên đi những mục tiêu chiến lược và lợi ích mà họ coi là cốt lõi, Biển Đông là một thí dụ, và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm mọi việc để duy trì, đạt được những mục tiêu đó, quý vị có đồng ý hay không và bình luận thế nào?

PGS.TS. Phạm Quý Thọ: Đúng! Trung Quốc không khi nào từ bỏ “Giấc mộng Trung Hoa”, mà thực chất có thể coi là giấc mộng bá quyền và siêu cường, với các đại mục tiêu họ tự định ra cho giai đoạn một đến 2025 và giai đoạn hai đến 2049.

Chệch mục tiêu này, ông Tập Cận Bình và chế độ của họ sẽ lung lay.

Th.S. Hoàng Việt: Điều này hoàn toàn đúng.

Ngay khi Trung Quốc khốn đốn nhất khi bị dịch, họ vẫn không quên các mục tiêu chiến lược của họ. Thậm chí, họ còn muốn “tiên thủ hạ vi cường” ra tay trước để giành lợi thế. Các tranh cãi về nguồn gốc virus, rồi chính sách “ngoại giao khẩu trang” chẳng hạn, cho thấy Trung Quốc không hề giảm bớt các hành động hung hăng của họ.

Trên Biển Đông là rất rõ, các cuộc tập trận của Trung Quốc gần đây, các hoạt động xuất hiện đe doạ Đài Loan, các chuyến xâm phạm của lực lượng dân quân biển Trung Quốc cùng với sự kiện đâm chìm tàu cá Việt Nam gần đây, đã thể hiện rõ điều này.

Thậm chí, nhân các quốc gia ASEAN và Hoa Kỳ, Châu Âu đang vất cả vì dịch bệnh, Trung Quốc có thể nghĩ rằng đây là cơ hội tốt của họ để họ tiếp tục gia tăng các hành vi như vậy tại khu vực Biển Đông này.

TS. Nghiêm Thúy Hằng: Trung Quốc sẽ không bao giờ quên các mục tiêu chiến lược và các lợi ích cốt lõi, hệ tư tưởng Nho gia chính thống của Trung Quốc lúc nào cũng khắc cốt ghi tâm mục tiêu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, từ người dân cho đến lãnh đạo Trung Quốc lúc nào cũng mơ đến lý tưởng bình thiên hạ, vượt qua chính mình, vượt qua người khác, đổi mới mỗi ngày nên vừa thoát dịch bệnh Trung Quốc đã lại hăm hở đe dọa “giải phóng Đài Loan”, đâm tàu cảnh sát biển của Nhật Bản, đâm vỡ tàu cá của ngư dân Việt Nam như những gì vừa xảy ra.

Năm ngoái thì Trung Quốc cũng sản xuất hàng loạt vũ khí điện từ trang bị cho các tàu cá, tàu hải cảnh, sẵn sàng chiếu lade làm hỏng mắt phi công Úc.

Ước mơ làm giàu chính đáng, đổi đời, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh của người dân Trung Quốc thì chúng ta nên ủng hộ, thế còn giấc mơ “bình thiên hạ”, tự biến mình từ một quốc gia “lục địa” ngàn đời thành một “cường quốc biển” bằng cách tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, cướp miếng cơm manh áo của các quốc gia hải đảo bao đời nay ăn nhờ biển, sống nhờ biển thì rõ là một cuồng vọng tham lam không chính đáng, phi đạo lý, không thể nào nhắm mắt ủng hộ được.

Vô can, là nạn nhân của thuyết âm mưu?

BBC: Cuối cùng, nhân việc Covid-19 đang diễn ra, quý vị thấy Trung Quốc có trách nhiệm gì không với quốc tế, khu vực về đại dịch này, hay họ hoàn toàn vô can và cũng chỉ là một nạn nhân, kể cả việc họ là “nạn nhân” của các thuyết âm mưu, hay các cáo buộc cho rằng họ đang tận dụng tình thế để tái lập một đại cục mới có lợi cho Trung Quốc trước thế giới, phương Tây và các đối thủ cạnh tranh chính trị, an ninh, kinh tài và ý thức hệ?

PGS.TS. Phạm Quý Thọ: Theo tôi Trung Quốc đang khoa trương đã kiểm soát được dịch. Hơn thế họ tuyên truyền xoá đi nguồn gốc bùng phát đại dịch từ Vũ Hán, đồng thời lại có động thái đánh lạc hướng dư luận phương Tây bằng cách hỗ trợ nhân đạo.

Tuy nhiên những nỗi đau do mất người thân, tổn thương vật chất và tinh thần sẽ luôn ám ảnh về sự che giấu thông tin và sự thật về sự nguy hiểm của virus corona có thể là hậu quả mà họ đang gánh chịu.

Th.S. Hoàng Việt: Thực ra, cái gọi là trách nhiệm của Trung Quốc, đúng hơn là họ tranh thủ thời cơ để thể hiện và củng cố các lợi ích của họ, trong đó có hình ảnh của Trung Quốc, nhiều hơn là trách nhiệm thực sự trước cộng đồng quốc tế.

Và đó cũng là cái mà các quốc gia như Việt Nam phải lo ngại.

Chứ nếu Trung Quốc thực sự có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thì thái độ của cộng đồng quốc tế đã khác.

Nói gì thì nói, rõ ràng virus Corona đã bắt đầu từ Trung Quốc rồi lây lan đến toàn thế giới.

Trung Quốc thực sự nợ thế giới một lời xin lỗi, chứ không phải như Trung Quốc nói là thế giới phải mang ơn Trung Quốc.

Tôi xin trở lại các hành động trên Biển Đông của Trung Quốc gây ra sự căng thẳng và đe doạ cho rất nhiều quốc gia từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines… Chưa kể ngay ở Việt Nam, thử điểm coi các dự án xây dựng mà có nhà thầu Trung Quốc thì chất lượng bê bối như thế nào thì chúng ta sẽ biết.

Tóm lại là cái mà cộng đồng quốc tế lo ngại là một Trung Quốc hùng mạnh nhưng bất chấp luật pháp quốc tế, phi trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, chỉ biết được lợi ích của mình mà thôi.

TS. Nghiêm Thúy Hằng: Đây không phải lần đầu tiên dịch bệnh có liên quan đến chủng virus Corona xuất phát từ Trung Quốc và lây lan ra khắp thế giới.

Là người đã từng sống tại Trung Quốc suốt thời gian dịch SARS và quan sát các diễn tiến kinh tế, xã hội, văn hóa tại Trung Quốc trong tương quan với khu vực, tôi khẳng định dù Virus Corona có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo trong phòng thí nghiệm, dù việc phát tán lây lan là vô tình hay cố ý thì Trung Quốc đều phải chịu trách nhiệm lớn nhất và cao nhất với thế giới về sự phát tán lây lan của đại dịch nguy hiểm không tiền khoáng hậu này.

Trách nhiệm đầu tiên là vấn đề bưng bít thông tin, không trung thực và minh bạch thông tin khi xảy ra dịch bệnh, để lỡ thời gian vàng trong khống chế và phòng ngừa.

Đến một bác sỹ chuyên khoa mắt như Lý Văn Lượng còn biết virus SARS đã quay trở lại và cảnh báo với đồng nghiệp thì các chuyên gia từ phòng thí nghiệm trọng điểm Vũ Hán hay các chuyên gia dịch tễ không thể chối không biết nó chính là một chủng họ Corona.

Khi đã xác định là một chủng họ Corona thì cũng không thể giả vờ ngây thơ không biết nó có mức độ lây lan cao nhất, lây được từ người sang người, phát tán qua không khí, hơi thở, hệ thống máy lạnh và chất thải, tất cả những điều này đến người ngoại đạo như tôi còn biết suốt từ năm 2003, chuyên gia trong ngành không thể chối là không biết, không có lý do gì để thoái tác việc chậm chễ trong vận hành hệ thống báo động địch bệnh, để 5 triệu người Vũ Hán thoát lệnh phong tỏa, phát tán virus ra khắp thế giới.

Trách nhiệm thứ 2 nằm ở việc có những bằng chứng Trung Quốc ngăn trở chuyên gia Mỹ hay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia CDC trợ giúp trong điều kiện khẩn cấp, có ý kiến còn cho rằng Trung Quốc gây ảnh hưởng đến người đứng đầu WHO, đưa ra những cảnh báo và thông tin thiếu chính xác, không phù hợp khiến các quốc gia lúng túng trong xử lý, không kịp thời phong tỏa biên giới hay lạc lối vào thuyết miễn dịch bầy đàn, đeo hay không đeo khẩu trang khiến nhiều nước vỡ trận, mất đi nhiều sinh mạng quí giá.

Tôi hy vọng Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tỏ ra là các nước lớn có trách nhiệm, không tiếp tục đổ lỗi cho nhau và đoàn kết toàn nhân loại chống đỡ với kẻ thù vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm, bảo vệ tính mạng quý giá của con người.

Tôi nghĩ chỉ khi đoàn kết hợp tác, chấp nhận sự khác biệt, tiết chế lòng tham, khống chế cuồng vọng, chúng ta mới thực sự chống đỡ được sự mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu, chạy theo chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa cá nhân và tự do thái quá của con người hiện đại để thực sự xây dựng được một xã hội văn minh, hài hòa, một cộng đồng chung vận mệnh nơi mọi con người đều nhận ra vị thế và chân hạnh phúc của chính mình, sống một cuộc đời có ý nghĩa và ngập tràn niềm vui thay vì đâm đầu vào kiếm tiền và chạy theo những thứ danh lợi phù du, sống cân bằng hài hòa gắn kết hơn với thiên nhiên và các sinh vật khác.

Trong tiến trình lớn lao này của nhân loại, tôi tin những nước phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam sẽ có những vị thế và đóng góp không nhỏ cho văn minh nhân loại.

Trên đây là ý kiến được phát biểu trên quan điểm riêng của các nhà nghiên cứu đã trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, với PGS. TS Phạm Quý Thọ là chuyên gia kinh tế và chính sách công, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng là nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Thạc sỹ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên Đại học Luật, Đai học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

 Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52190037

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng, Biển Đông. Bookmark the permalink.