Cố lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
(Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện xử lý văn bản và đăng mạng)
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết cuốn sách nhỏ: “Vì sao tôi sống đến 100 tuổi mà vẫn mạnh khỏe, minh mẫn” để lại cho con cháu.
Đang mùa dịch virus Tàu, các biện pháp dưỡng sinh và giữ gìn sức khỏe là rất quan trọng. Nhân lễ Bách nhật Cụ, tôi muốn gửi tặng anh chị em nội dung cuốn sách “Vì sao tôi sống đến 100 tuổi mà vẫn mạnh khỏe, minh mẫn” là tên cuốn sách nhỏ xíu, chỉ 24 trang, khổ chỉ bằng chiếc điện thoại.
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh viết cuốn này khi cụ vừa tròn 97 tuổi, hàng năm cụ đều bổ sung và ghi tuổi cụ ra bìa sách rồi lại in cả ngàn bản để tặng cho con cháu, họ hàng, bạn bè.
Bí quyết cụ sống lâu trình bày trong 4 phần: Tập luyện, Ăn uống, Phòng chống bệnh tật và Sống lành mạnh trong sạch. Cụ giữ nghiêm ngặt giờ ăn: trưa là đúng 11h30; chiều là 18h00, chính xác đến phút. Khi ăn, cụ không nói chuyện. Cụ có thói quen đi bộ. Ở tuổi 90 – 98 vẫn đi bộ mỗi ngày 2 km quanh hồ Kim Liên. Mỗi tuần cụ có 3 buổi sáng đánh tổ tôm với các bạn già, với mục đích để luyện trí nhớ. Lịch này cũng không thay đổi. Cụ theo dõi hết các trận bóng C1, trừ những trận quá khuya.
Cụ đã Hạc thọ 104 tuổi và quy Tiên. Cụ để lại tuổi cho tất cả con cháu và những người quý mến cụ. Miễn là cứ làm theo Cụ chỉ dẫn trong sách, là sẽ được thọ như cụ.
LỜI TỰ SỰ
Nhà tôi rất nghèo. Từ lúc lọt lòng đến 20 tuổi đi làm được, đều thiếu dinh dưỡng, thời niên thiếu phải lao động cật lực. Đã chết đi sống lại hai lần và một lần ốm cũng suýt chết.
Tôi lọt lòng được 6 tháng thì mẹ tôi mất, tôi sống nhờ “bú mày”, “cơm mớm” cho đến hơn 1 tuổi thì đã chết một lần, sau lại sống lại (bố tôi bảo thế). Tôi lên 3 tuổi thì bố tôi lấy dì ruột tôi, làm mẹ kế nuôi hai anh em tôi. Dì tôi làm thuê cuốc mướn, vẫn nghèo, ăn uống kham khổ. Không có ruộng đất, khi tôi lên 8 tuổi, gia đình tôi đưa nhau ra Bắc kiếm sống (rời quê Thanh Hóa). Bố tôi đi dạy học chữ nho ở tận Kiến An, mẹ kế cùng hai anh em tôi được ở nhờ nhà một người quen ở Hà Nội, ba mẹ con đi xe đất bán cho nhà máy gạch ở đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên hiện nay), ngày được hơn 1 hào, có lúc hai anh em tôi (anh Thọ 11 tuổi, tôi 8 tuổi) đi bán bánh mỳ dạo. Ba mẹ con bữa đói bữa no. Có lúc không kiếm được tiền phải đi kiếm các loại rau bờ bụi hoặc rau muối ở ruộng hoang về nấu ăn trừ bữa, có lúc phải lội xuống hồ hái “rau ngổ trâu” về luộc chấm muối ăn, đắng rất khó nuốt. Đến lúc hai anh em tôi đi làm công nhân được mà gia đình vẫn phải chia cơm mà ăn vì thóc cao gạo kém.
Riêng về tôi, lúc tôi lên 9 tuổi, do sưu thuế đốc thúc, bố tôi phải bán tôi làm con nuôi cho một gia đình ở làng Hữu Tiệp (cạnh đường Hoàng Hoa Thám bây giờ) được 6 đồng bạc Đông Dương để đem về làng nộp sưu (thuế thân). Thời gian từ đây đến 15 tuổi được ăn no, nhưng phải lao động cật lực. Vào lúc 9 – 10 tuổi làm các việc không tên trong nhà, khi 11 – 12 tuổi đi cắt hoa các làng xung quanh, đi cắt hàng rổ xảo lá cúc tần tận bên Vạn Bảo, đội về gần sái cổ, hoặc lên tận làng Bưởi, làng Trích Sài, Võng La kiếm hoa mò, hoa súng về cho chủ nhà đem đi bán, có lúc rét căm căm cũng phải lội xuống hồ mới lấy được hoa súng. Đến khi 13 -14 tuổi từ sáng tinh mơ, còn ngái ngủ, tôi đã phải cắp cái rổ đi bộ từ nhà qua đường Cổ Ngư lên các làng Yên Phụ, Nghi Tàm mua hoa hồng rồi vẫn đi bộ đem xuống bờ hồ Hoàn Kiếm để người “cô nuôi” bán và từ đó lại đi bộ về nhà bên đường Hoàng Hoa Thám, chả biết một ngày thằng bé 13 – 14 tuổi phải đi bộ bao nhiêu cây số. Về đến nhà, nghỉ ngơi được một lúc, lại phải giặt một rổ quần áo do cả nhà thay ra. Lúc 3 – 4 giờ chiều đi các làng Ngọc Hà, Đại Yên cắt hoa. Cắt hoa về là nấu nướng bữa cơm chiều, ăn xong là rửa bát. Tối đến làm hoa đến tận 10 giờ đêm mới được đi ngủ. Quãng đời thiếu niên lao động cực nhọc quá!
Khi tôi được 15 tuổi, bố tôi mới kiếm đủ tiền đến chuộc tôi đem về quê cho đi học. Thời gian đi học rất thiếu dinh dưỡng, toàn ăn cơm với muối rang hoặc váng cà, ngày nghỉ xuống sông Mã câu được dăm con cá bống thì cải thiện được vài bữa. Có lúc bố tôi chậm gửi tiền về, hết gạo, đi học về qua nhà dì xin được đấu gạo nấu cháo ăn được vài bữa. Thôi học ra, Hà Nội đi làm, vẫn có lúc phải ăn đói.
Năm 1940, tôi bị thực dân Pháp bắt đầy lên Đắc Tô (Kontum) lúc ấy còn là rừng già rậm rạp, là ổ muỗi Anophen. Tôi bị sốt rét ác tính, thiếu thuốc, bị hôn mê, mắt trực thị ba ngày đêm. Các bạn tù một mặt chăm sóc, mặt khác đã lấy lồ ô về đóng quan tài sắp đem chôn. May sao tôi lại tỉnh lại và sống. Sau tôi nói đùa với anh em là tôi đi đến nửa đường âm phủ, gặp quỷ sứ nó đuổi về.
Khi tôi làm Đại sứ nước ta ở Bắc Kinh, tôi bị ốm, nằm bệnh viện Trung Quốc một tháng, họ cũng làm mọi thứ, xét nghiệm máu, rửa ruột mấy lần, chụp chiếu đủ thứ mà không tìm ra nguyên nhân, cho uống cả thuốc Bắc và thuốc Tây mà không khỏi, vẫn chỉ kết luận là tim đập nhanh “đậu tính” (150 lần/1 phút) và sốt nhẹ. Sau một tháng tôi sút 10 kg, chân tay lẩy bẩy, gầy rộc, xanh xao. Các đồng chí ở Sứ quán đã bàn là nếu Đại sứ chết thì chôn ở Bắc Kinh hay đem thi hài về nước. Tôi nghĩ cứ nằm viện nữa thì suy sụp thêm, chắc chết nên xin về Sứ quán điều trị ngoại trú. Vì có đôi chút kiến thức Đông y, tôi cho rằng không phải mắc bệnh lao mà chiều nào cũng sốt 38 độ, chắc phải có viêm nhiễm ở đâu đó trong cơ thể, bèn nhờ đồng chí phiên dịch ra hiệu thuốc mua ba vỉ kháng sinh thực vật là bồ công anh, kim ngâu hoa, liên kiều bỏ thêm vào thang thuốc lấy ở bệnh viện về sắc uống. Quả nhiên ba ngày sau hết sốt. Tôi điện về nước xin cho kết thúc nhiệm kỳ về nước, nhỡ có chết đỡ phức tạp.
Về nhà, tôi uống hết hai hộp tam thất bột Vân Nam mà tôi mua đem về và ăn cơm gạo lứt hai tháng thì sức khỏe hồi phục, tôi lại làm việc được và sống đến nay 97 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Bản thân tôi cũng không nghĩ tới.
Bạn bè hỏi tôi có “bí quyết” gì? Không biết có phải “bí quyết” hay không, tôi xin trình bày thực tế như sau:
I – TẬP LUYỆN
Tôi tập thể dục đều đặn tùy theo tuổi và vừa sức là đi bộ, hiện nay tôi vẫn đi bộ mỗi ngày một cây số, đồng thời tập thể dục cả bộ não (không tập thì não chóng lão hóa): đọc sách báo, vừa viết bài, làm thơ, một tuần vài ba lần mới các cụ đến chơi “tổ tôm” để bắt óc phải suy nghĩ. Thường xuyên uống thuốc tuần hoàn não, loại chiết xuất từ lá cây bạch quả như O.P.Can, hatacan, tanakan, cesbral, ginkobiloba… không phải “tuần hoàn não Thái Dương”, đắt mà ít hiệu quả.
II – ĂN UỐNG
Thông thường tôi ăn đúng giờ giấc (trưa 11h30, tối 18h00), điều độ không no hẳn; bữa nào cũng có đạm, có rau, không cầu kỳ, khi thịt, khi cá, khi đậu phụ, ăn cá nhiều hơn. Cuối bữa có hoa quả, thường là chuối. Quả chuối được gọi là “quả của cuộc sống” vì nó chứa kali, phốt pho, ma nhê, sắt, vitamin A, C và 8 acidamin thiết yếu.
Tôi ăn gạo lứt, vừng đen hơn mười năm nay. Gạo lứt chứa rất nhiều vitamin và có chất selen là chất có tác dụng hãm chậm lão hóa vì nó khử chất mà y học gọi là “gốc tự do” chất phá hoại tế bào. Nấu cơm gạo lứt phải cho nước nhiều gấp bội so với nấu gạo thường. Vừng đen có tác dụng dưỡng huyết, ích gan, nhuận trường, bổ não. Vừng đen rang giã nhỏ, trộn muối, bỏ vào lọ ăn dần. Cuối bữa ăn, để lại độ một miếng cơm trong bát, rưới vài ba giọt nước mắm vào, đổ một thìa đầy vừng đen vào, trộn đều, xúc ăn.
Đọc các báo và tạp chí nói về sức khỏe cho biết ăn uống có đủ các chất và thành phần sau đây là thuốc trường sinh, tôi cố gắng thực hiện:
Vitamin E tác dụng kéo dài đời sống hồng cầu, củng cố thành mạch, hạ huyết áp, chống tập kết tiểu cầu tốt cho bệnh tim, chống “gốc tự do” hãm chậm lão hóa, chậm phát triển lú lẫn… Vitamin E có trong: giá đỗ, hành tây, vừng, lòng đỏ trứng gà, thịt vịt, bí đỏ, rau diếp, lá hẹ.
Selen có tác dụng khử “gốc tự do”, hãm chậm lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Selen có trong: lòng đỏ trứng gà, gạo lứt, củ cải trắng, tỏi ta, nghệ vàng, thịt nạc, tôm nước ngọt…
Beta-Caroten có tác dụng cung cấp dinh dưỡng và các chất khoáng, lycopen; khử “gốc tự do”, kéo dài tuổi thọ. Beta-Caroten có trong: cà rốt, gấc, bí đỏ, cà chua, đu đủ chín, rau ngót, mồng tơi, rau đay, rau dền, dưa hấu.
Vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn, tốt cho răng lợi, chống chảy máu chân răng, củng cố thành mạch, chống oxy hóa. Vitamin C có trong rau ngót, rau thơm, chuối, chanh, cam, quýt, bưởi…
Canxi có tác dụng chống lão hóa xương, bền răng, có trong tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến…
Lycopen có tác dụng ngừa bệnh tim, giảm loãng xương, chống “gốc tự do” kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ Parkison. Lycopen có trong cà chua…
Kẽm cũng rất cần thiết cho cơ thể, kẽm có trong giá đỗ, đậu hạt, đồ biển…
Chè xanh (phân biệt với chè đen và chè hồng) chè tươi càng tốt. Nhóm bác sĩ Nhật Bản phát biểu: “Uống chè có 10 điều tốt”. Người khó ngủ không nên uống chè vào buổi chiều và buổi tối. Sau này khoa học phân tích còn cho thấy thêm chè xanh chứa fluo, polyphenol, nhiều lượng kẽm, có hai chất EGC và EGCG nó hạn chế phân tử Aryl là chất gây ung thư. Chè xanh có chất anti oxidant kéo dài tuổi thọ, chè xanh có tác dụng tốt hưn vitamin C nhiều, toosst hơn vitamin E rất nhiều trong việc bảo vệ tế bào, chống viêm lợi, sâu răng, làm hơi thở không mùi, giải độc, giải rượu, giảm nhiễm xạ.
Đánh răng buổi tối rồi ngậm nước muối 1,6% trong 5 phút tốt cho răng lợi và không hôi miệng, nước muối 0,9% chỉ xúc miệng không đủ diệt khuẩn.
III – PHÒNG, CHỐNG BỆNH TẬT
Định kỳ đi khám bệnh toàn diện để nếu phát hiện bệnh thì chữa trị kịp thời.
Tự theo dõi cơ thể mình, vì người ta mỗi người một khác, thức ăn uống có thứ tốt với người này lại không tốt với người khác, thuốc men có người uống khỏi bệnh, có người uống không khỏi. Có thời gian tôi bị viêm đại tràng, bác sĩ bảo phải kiêng trứng, kiêng mỡ, kiêng các chất cay, nóng, nhưng tôi ăn trứng và thịt mỡ không thấy việc gì, ăn hạt tiêu thấy không làm sao, nhưng ăn ớt là đau, ăn pate, đồ hộp, uống rượu là đau. Thế là hai năm tôi kiêng tuyệt đối rượu, ớt, pate, đồ hộp và khỏi bệnh hẳn. Kết luật là cái gì không thích ứng với cơ thể mình thì thải ra. Chủ yếu là phải tuân theo thực tế của cơ thể mình. Có lần tôi bị loạn nhịp tim, 3 nhịp nghỉ 1 nhịp, 7 lần nghỉ 1 nhịp, 11, 15 nghỉ nhịp loạn xạ, rất mệt. Đi khám, giáo sư cho Vastarel, Cordaron, tôi uống hết liều không khỏi, tôi hỏi có thuốc gì đặc hiệu, đắt mấy tôi cũng xin mua, giáo sư nói hiện tại không có thuốc nào hơn.
Vốn có nghiên cứu Đông y, tôi tự kê cho mình đơn thuốc gồm: Tam thất 10g, Đan sâm 12g, Diên hồ sách 12g, Sơn tra 12g, Sài hồ 10g, Mộc nhĩ đen 5g, Đại táo 5 quả. Sắc uống 8 thang tôi khỏi hẳn, mạch tôi đều đặn cho đến bây giờ. Bình thường huyết áp tôi không cao (khoảng +- 130/70) nhưng có lần đang ngồi chơi bỗng thấy người nôn nao khó chịu, tôi nằm nghỉ đo huyết áp thấy tăng đột ngột 122/110, tôi lấy 1 viên Adalat trữ sẵn cắn ra nuốt đi ½ và nằm thở đều, 1 giờ sau thì bình thường lại. Từ đó, đầu gường tôi bao giờ cũng sẵn có Adalat và Nitroglycerin, đi đâu trong túi tôi cũng có 1 viên Adalat và 1 viên Nitroglycerin. Có lần đang đi ở phố Tràng Tiền, bỗng tôi lại có cảm giác như nói trên, tôi ngồi ngay xuống lấy ra 2 viên thuốc trong túi bỏ vào miệng 1 viên nuốt khan, 1 viên cắn vỡ nuốt một nửa. Ngồi nghỉ khoảng 30 phút, lại đứng dậy đi.
Hiện giờ hàng ngày tôi uống 1 viên Aspirin 0,81 phòng nhồi máu cơ tim.
IV – SỐNG LÀNH MẠNH VÀ TRONG SẠCH
Tôi đã chừa thuốc lá được hơn nửa thế kỷ đến nay. Không uống rượu trắng và rượu mạnh, khi có điều kiện thì uống rượu vang vì rượu vang tốt cho tim.
Có lúc cắt thuốc bổ ngâm rượu thì cũng uống mỗi bữa ăn một ly.
Nhà nước, Đảng điều động làm công tác nào là cầm quyết định đi, không nghĩ công tác khó khăn hay dễ, không so đo vị trí công tác mới lương cao hay thấp. Đương ở quân đội hệ số lương có thể cao lại có thâm niên được điều ra công tác ngoài quân đội lương sẽ thấp hơn, tôi cũng sẵn sàng.
Từ năm 1960 đến năm 1980, 20 năm không ai quản và xét, tôi vẫn đứng ở bậc lương cũ, tôi cũng không có ý kiến gì.
Đến khi làm Đại sứ ở Bắc Kinh, anh em ở Sứ quán phát hiện báo cáo về nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nâng cho tôi lên chuyên viên 9, ngang lương Bộ trưởng lúc bấy giờ.
Tính trung thực thẳng thắn, thấy việc gì tôi cho là không đúng, tôi cãi cả với đồng chí Lê Đức Thọ, phê bình cả Tổng bí thư. Suốt đời tôi chưa sai hẹn, thất hứa với ai bao giờ.
Trong quá trình công tác, tôi thường được giữ những vị trí chủ chốt không thấp, có quyền quyết định chi tiêu, nhưng không hề lạm dụng công quỹ cho việc riêng. Đọc báo biết ai khốn khó tôi đều gửi tiền chia sẻ, của ít lòng nhiều.
Sống đúng với lương tâm của mình, nên tôi cảm thấy rất thanh thản. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến tôi sống lâu./.
Hết.
N.T.V.
Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện