An ninh lương thực: đừng loại bỏ nông dân

Hoàng Kim

DSC02952

Bàn về an ninh lương thực, Thủ tướng không hề bàn với nông dân – những người làm ra lúa gạo – mà Thủ tướng bàn với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Thủ tướng bàn với Bộ Công thương, Thủ tướng bàn với Cục Dự trữ Quốc gia, toàn là những đơn vị có lợi khi giá lúa gạo thấp. Họ là những nhóm lợi ích đang tàn phá lúa gạo của nông dân, thế nên họ đồng lòng yêu cầu Thủ tướng cấm xuất khẩu gạo để khống chế giá gạo rẻ, như lời thú nhận của ông Cục trưởng Cục dự trữ trên báo Tiền Phong: “Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo từ 24/3 là cần thiết. Không thể để doanh nghiệp xuất giá đắt, Tổng cục mua về giá càng đắt hơn, thiệt hại cho Nhà nước”.(*)

Khi giá gạo thế giới lên, giá lúa trong nước sẽ lên theo, đó là kinh tế thị trường. Khi giá lúa trong nước lên quyền lợi của Nhà nước mà Cục Dự trữ đại diện và quyền lợi của nông dân đối kháng nhau, thì Chính phủ phải giải quyết có xem xét quyền lợi nông dân một cách thỏa đáng. Trong trường hợp này, nếu cần, Chính phủ phải trợ giá cho người ăn gạo và xuất khẩu bình thường để giá lúa tiệm cận với giá gạo thế giới mới không ảnh hưởng đến quyền lợi nông dân.

Cấm xuất khẩu không cho doanh nghiệp xuất giá đắt, để giá lúa giảm, là bắt nông dân gánh an ninh lương thực, một hành động rất sai trái xét về mặt đạo đức và bất công với nông dân, những người nghèo nhất nước.

Có người sẽ nói, theo Nghị quyết an ninh lương thực, thì nông dân lời tối thiểu 30% so với giá thành là hợp pháp, còn giá gạo xuất khẩu là của nhà nước và doanh nghiệp tùy ý bán nông dân không được có ý kiến.

Lời 30% hợp pháp vì có trong Nghị quyết an ninh lương thực, nhưng đó là mức lời chết đói của nhóm lợi ích mà đại diện là Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng áp đặt cho nông dân.

Chúng ta hãy xem xét bản chất của Nghị quyết an ninh lương thực. Vào năm 2008 khi giá gạo xuất khẩu lên đến gần 1.000 Đô la Mỹ/tấn, Cựu Thủ tướng Dũng cấm xuất khẩu, sau đó lúa hè thu của nông dân không ai mua giá bán chỉ có 400 Đô la Mỹ/tấn, Cựu Dũng bị Quốc hội chất vấn còn nông dân thì chửi thầm. Để mị nông dân ông ta ra lệnh miệng VFA phải mua lúa hè thu cho nông dân lời 40% so với giá thành.

Lệnh miệng để mị nông dân nhưng sau đó ông ta và đám lâu la phát hiện cho nông dân lời phần trăm so với giá thành là tách quyền lợi nông dân ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu: nông dân lời 30% so với giá thành làm lúa, còn VFA muốn bán gạo giá nào là tùy ý. Nông dân và cả Quốc hội không có quyền ý kiến về giá bán gạo xuất khẩu. Thế là Cựu Dũng cài cắm mức lời tối thiểu chết đói 30% vào Nghị quyết an ninh lương thực.

Để chứng minh lời 30% là mức lời chết đói, tôi thách Cựu Dũng hay bất cứ ai trong Chính phủ hiện hành đến Đồng Tháp. Tôi sẽ cho mượn không 2 ha làm lúa, ghi chi phí cụ thể, đến thu hoạch tôi sẽ cho mức lời 30,1% so với giá thành nếu quý vị nuôi được 1 vợ 2 con với mức lời này, thì xử tôi tội gì tôi cũng chịu. Còn nuôi vợ con không được thì Cựu Dũng hoặc quý vị chỉ cần quỳ gối xin lỗi nông dân là xong.

Ngừng hay xuất khẩu gạo không bàn với nông dân, xây dựng Nghị quyết an ninh lương thực không bàn với nông dân, xây dựng Nghị định 109 về xuất khẩu gạo không bàn với nông dân, sửa đổi Nghị định 109 thành 107 không bàn với nông dân… là loại bỏ quyền lợi nông dân ra khỏi lúa gạo.

Vậy nông dân xin hỏi: Dân chủ ở đâu? Công bằng ở đâu? Đạo đức ở đâu?

H.K.

________b

Chú thích:

(*) “Tạm dừng xuất khẩu gạo là cần thiết” https://www.tienphong.vn/kinh-te/tam-dung-xuat-khau-gao-la-can-thiet-1629722.tpo

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nông dân, Xuất khẩu gạo. Bookmark the permalink.