Được tin Cụ LÊ THỊ PHÒNG, thân mẫu Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn – người bạn thân tình trong 10 năm qua của Bauxite Việt Nam – vừa tạ thế lúc 6 giờ 20 ngày 27-3-2020 (giờ Hoa Kỳ), toàn thể Ban biên tập xin thành kính gửi đến Tiến sĩ và đại gia đình lời chia buồn thâm thiết.
Vô cùng cảm phục tấm gương tận tụy của một đấng thục nữ suốt một đời chăm chỉ nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, vượt qua cảnh ngộ gian truân, ly loạn của đất nước chìm trong chiến tranh trên suốt 30 năm, bảo toàn trọn vẹn hạnh phúc của một gia tộc Việt Nam truyền thống.
Cầu mong hương hồn Cụ Bà sớm phiêu diêu về miền Cực Lạc bên cạnh Cụ Ông, như đôi chim hạc thảnh thơi vốn đã có cùng nhau 102 tuổi trên cõi dương.
Cũng xin TS, người con chí hiếu có tiếng chăm sóc bố mẹ tận tình suốt nhiều năm nay, bớt nỗi ưu tư để toàn tâm toàn ý dấn thân cho công cuộc khai dân trí mà mình hằng đeo đuổi.
Bauxite Việt nam
Dưới đây, trang BVN xin đăng lại bản Cáo phó do Gia đình gửi đến nhiều bạn bè thân hữu.
Mẹ , Bà, Cụ, Cố chúng tôi Lê Thị Phòng, Dharma Chơn Phổ Phước (1918-2020).
Cụ Lê Thị Phòng, ở Mỹ có tên giấy tờ là Phong Thi Le Phung, đã mệnh chung lúc 6:20 sáng ngày 27 tháng 3, 2020, tại tỉnh Lynnvvood, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Cụ Phòng ra đi thanh thản, không đau đớn, được con trai là Phùng Tiến An và con gái là Phùng Thị Bích Sơn chăm sóc ngày đêm trước đó trong khi cả nước Mỹ có lệnh “cách ly tại nhà” để tránh nạn dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới. Do có sửa soạn trước, toàn thể các con cháu và chắt chút hơn 80 người chỉ được báo qua tin điện nhắn chứ không về dự đám tang hỏa thiêu. Tuy nhiên, vào tháng 2 khi Cụ nằm viện, mọi người đã tề tựu thăm Cụ vì biết Cụ sẽ ra đi vì tuổi già.
Cụ Phòng tuổi Mùi, tính ra thọ 102 tuổi. Cụ ông là Phùng Văn Thảnh, tuổi Ngọ, mệnh chung vào tháng 2 năm 2019, cũng 102 tuổi. Hai Cụ đều gốc Bát Tràng, Hà Nội, Việt Nam, thành hôn khi cụ ông 16, cụ Bà 15, do cha mẹ cưới gả theo tục lệ xưa. Sau đám cưới, cụ ông trở lại đi học tại Hà Nội còn cụ Bà ở với bà Nội của cụ Ông để làm ăn sinh sống trong hoàn cảnh nghèo và rất khó khăn.
Sau Thế Chiến II, năm 1946, cụ ông hi sinh đi theo Kháng Chiến chống Pháp khi chúng trở lại lấy Việt Nam làm thuộc địa. Cụ ông ra đi không có tiền bạc của cải gì để lại cho vợ nuôi đàn con nhỏ. Cụ Phòng đã một thân một mình chạy loạn với 4 con nhỏ từ nơi này đến nơi khác, tần tảo buôn bán vặt để sinh sống.
Tới năm 1951 thì cụ Phòng được tin nhắn miệng cụ ông bị bệnh sốt rét rừng nặng, Kháng Chiến khuyên về nhà mà lo liệu. Cụ Phòng vượt chiến tuyến đem được cụ ông về và chữa được khỏi bệnh tại Hà Nội. Năm 1953 cụ ông xin được việc làm tại Sài Gòn; do đó cả nhà gồm hai Cụ và 6 con nhỏ di chuyển “đi Nam”.
Tại Sài Gòn hai Cụ sinh thêm 5 con, như vậy là có tất cả 4 trai 7 gái. Cụ Phòng tiếp tục buôn bán hàng xén để phụ giúp cụ ông nuôi các con ăn học. Tuy vì nghèo và sống dưới thời nô lệ Pháp, cụ ông chỉ học tới bậc Sơ học (lớp 9 bây giờ) và cụ Bà thì chưa bao giờ được cắp sách tới trường, hai Cụ đã tần tảo nuôi cả 11 con học tới bậc trung học và đại học suốt thời kỳ chiến tranh Bắc Nam, 1955-1975. Khi miền Nam thua trận, hai Cụ đã có 7 con du học tại Mỹ, ba người đã đi làm. Hai Cụ và ba con nhỏ nhất di cư đi Mỹ, chỉ sót lại Sài Gòn con gái trưởng đã có chồng và 5 con. Tới năm 1988 thì toàn thể đại gia đình được đoàn tụ.
Tại Mỹ cụ Phòng đã gần 60 tuổi và lại ít biết tiếng Anh cho nên ở nhà; lần đầu trong đời từ năm 9 tuổi Cụ không phải lo kiếm tiền phụ giúp cha mẹ hoặc nuôi con cháu. Tuy nhiên, Cụ hoạt động trong cộng đồng người Việt và đã có thú đi câu, trồng hoa và các cây rau quả. Khi cụ ông nghỉ hưu, hai Cụ có thì giờ đi thăm con cháu rải rác khắp nước Mỹ, và còn cùng con cháu đi du ngoạn những nơi như biển Carribe, Hawaii, và Alaska.Cũng như cụ ông, cụ Phòng ra đi thảnh thơi ở tuổi 102, trong bối cảnh đã trông thấy 4 đời con cháu sau mình được ăn học và sống trong một xã hội thanh bình. Hai Cụ để lại hơn 80 con cháu dâu rể và chắt chút đều sống tại Mỹ.”