Tự do Internet và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của người Việt

Lã Minh Luận

Có lẽ chúng ta chưa quên câu chuyện của ngày 05/11/2019, tổ chức Freedom House đã công bố rằng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet (xếp thứ từ 0 đến 39), nghĩa là Việt Nam không có tự do Internet.

Trả lời trước báo chí, ngày 07/11/2019, Phó Phát ngôn viên (Bộ Ngoại giao) Ngô Toàn Thắng, khẳng định: “Tôi hoàn toàn bác bỏ những đánh giá về Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11/2019 của Freedom House. Việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân…”.

rong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng

Ông Ngô Toàn Thắng tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 7/11/2019.

Thưa ông Ngô Toàn Thắng!

Nguyên tắc trong nghị luận hay tranh biện, người ta có quyền đồng tình hay bác bỏ, hay nửa đồng ý, nửa không đồng ý, nhưng để thuyết phục được người cùng tham gia nghị luận, tranh biện, thì người nói phải đưa ra được những lý lẽ và bằng chứng xác đáng mới có thể thuyết phục được người nghe tin, đồng tình và đi theo mình. Vậy, tôi chấp nhận ý kiến BÁC BỎ của các ông trước sự xếp hạng của Freedom House và xin các ông hãy trả lời chúng tôi (số nhiều) những câu hỏi sau đây:

1. Nói Việt Nam: “Đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán… được quy định trong Hiến pháp, Pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế”. Đúng hay sai? Có hay không?

2. Ai là người coi mạng xã hội là một “chiến sự” để ra Luật An ninh mạng nhằm bóp nghẹt [tiếng nói của] những người bất đồng chính kiến? Vậy, đó có phải là “đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin…” đã được Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN VN quy định và được thực hiện đầy đủ trên mạng Internet cũng như trên thực tế không?

3. Nếu nói: “Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân…” thì ai đã chỉ đạo đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng bôi bẩn, đả kích, vu cáo, cáo buộc, nói sai sự thật về những nhân sĩ, trí thức, những người lao động yêu nước, có trình độ học vấn cao, có tâm, tầm lớn… thực lòng muốn đóng góp ý kiến đúng đắn cho đảng, nhà nước trong công cuộc kiến tạo đất nước? Hơn nữa, họ đang thực hiện đúng Quyền và Nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc mà vì sao lại bị vùi dập?

4. Ai là người độc quyền thông tin? Ai ra lệnh vùi dập các nhà báo độc lập có tiếng nói phản biện trang mạng, đóng góp cho hệ thống điều hành nhà nước vận hành tốt hơn? Ai ra lệnh triệu tập, hạch sách, bắt gỡ bài, khoá trang, đánh sập trang, phạt tiền, bắt bớ, khép họ vào tội “lợi dụng quyền dân chủ, tự do ngôn luận, làm, phát tán thông tin nhằm chống phá nhà nước…” rồi bỏ tù họ? Đó có phải là được “tự do ngôn luận, tự do báo chí…” không?

5. Ai đã thành lập đội quân AK47, tung ra cả chục ngàn dư luận viên và cuốn theo đó là cả hàng triệu người dân u mê, ngu muội… lên mạng càn quét, chà đạp những người có tư tưởng cấp tiến (bất kể già trẻ)… bằng những ngôn từ bạo lực, sắc lạnh, tanh máu, bẩn thỉu… mà đó chỉ dành cho loài quỷ dữ? Ai đã khiến cho con người trở nên tàn nhẫn, dữ dằn với nhau như vậy? Ai đã làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội? Ai đã gây nhiễu loạn thông tin thật – giả? Ai đã làm đảo lộn mọi giá trị chân quý? Vậy đó có phải là có tự do Internet và có văn hoá giao tiếp văn minh không?

6. Vì sao khi nghiên cứu thường niên về chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI), ngày 11/02, Ngày Quốc tế An toàn Internet, Microsoft lại đánh giá, “năm nay (2019) chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm qua. Trong đó có 5 quốc gia kém văn minh nhất, thứ tự: Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam. Các quốc gia văn minh hàng đầu trên Internet là Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Malaysia và Mỹ”? (Theo báo Tuổi trẻ Online, số ra ngày 24/02/2020).

Vậy, cái ứng xử “kém văn minh” của người Việt Nam có phải là từ cái đội quân vô cùng “ngạo nghễ” của Ban Tuyên giáo… tung lên không gian mạng (kể cả ngoài đời) đã lập nhiều chiến công “oanh tạc” những người có ý kiến trái chiều đó không? Đó có phải là những nhân tố, hạt giống đỏ – cháu ngoan của Bác Hồ – “Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào, Học tập tốt, Lao động tốt, Đoàn kết tốt”, những nhân tố “vừa hồng vừa chuyên, được trang bị vũ khí lý luận sắc bén”, được “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vĩ đại” mà các ông tung ra để “dạy dỗ” cư dân mạng đó không?

Thiết nghĩ các ông phải thực sự suy ngẫm nghiêm túc về điều này, các ông phải chấn chỉnh lại, dạy chúng phải biết cách giao tiếp, ứng xử có văn hoá, chứ đừng chỉ biết phun ra những từ ngữ bẩn thỉu, thì chính lũ quân vô lại này đã tự vấy bẩn lên tổ chức của các ông, đồng thời cũng vấy bẩn lên cả quốc thể Việt Nam. Và đây chính là lý do để thế giới văn minh coi thường văn hoá Việt.

Thưa các ông!

Tự do Internet cũng là tự do biểu đạt trên thực tế đời sống xã hội. Bóp nghẹt tự do tiếp cận thông tin, bày tỏ chính kiến, đóng góp chất xám cho nhà nước… trên mạng xã hội là đồng nghĩa với việc thủ tiêu hoạt động giao tiếp vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại, cản trở sự phát triển của quốc gia, dân tộc, thậm chí đi ngược lại nền văn minh thế giới. Tuổi đời của các ông trẻ hơn nhiều so với các thủ cựu đi trước, các ông hơn họ ở chỗ là được du học ở các nước văn minh bằng tiền thuế của nhân dân, thiết nghĩ các ông nên hiểu kỳ vọng của nhân dân hơn ai hết. Nhưng vì sao các ông vẫn hành xử theo lối trì trệ, dối trá như vậy? Đừng hung hăng tuyên bố theo kiểu lấy được như thế!

Chúng tôi thấy thật vô cùng xấu hổ khi các ông luôn lớn tiếng BÁC BỎ sự thật. Sự thật dối trá thì không thể là chân lý, mà chỉ có sự thật chân chính mới trở thành chân lý mà thôi. Người yêu nước không thể làm nhục quốc thể của mình, chúng tôi nghĩ như vậy. Nếu đã tham gia hội nhập quốc tế thì nên học ở người ta những điều văn minh, tốt đẹp để dẫn dắt nhân dân đi trên con đường đúng đắn. Thế mới là hợp ý Trời, lòng Dân (xưa Lý Công Uẩn xuống “Chiếu dời đô”…, ông đã nói việc dời đô là hợp ý Trời, lòng Dân, chứ không phải ý Trẫm, lòng Dân đâu nhé!), Để làm gì? Để khẳng định chủ quyền, vị thế của một quốc gia, để phát triển đất nước cho muôn đời con cháu mai sau. Nếu các ông tiếp nối được điều tiền nhân mong đợi thì tốt biết bao nhiêu! Còn nếu cứ khư khư bảo thủ cái đã cũ nát để mong vinh thân phì gia thì đó không phải là điều tốt. Ngược lại, hậu quả xấu sẽ không thể tránh khỏi…

L.M.L.

Nguồn: FB Lã Minh Luận

This entry was posted in Dư luận viên. Bookmark the permalink.