Đoàn Hưng Quốc
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (NHTƯ, còn gọi là Quỹ Dự trữ Liên bang – Federal Reserve) là một cơ quan độc lập với hai chức năng gồm: (1) tạo công ăn việc làm; (2) bình ổn giá cả hay là chống lạm phát.
Các bài sau sẽ trình bày về sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ do NHTƯ đảm trách so với thuế má và ngân sách nhà nước do Hành pháp và Quốc hội quy định. Riêng bài này sẽ tìm hiểu tại sao NHTƯ tung khẩn cấp ba tuyệt chiêu trong Giáng Long Thập Bát Chưởng nhưng chỉ đủ để giữ thị trường tiền tệ (USD) đứng loạng choạng thay vì ngã ngửa mà không kiềm hãm nổi Độc Vật Vũ Hán tiếp tục phun ra đòn Hàm Mô Công quái ác.
Chiêu thứ nhất – hạ lãi suất xuống 0% – lại là chưởng pháp kém nhất. Thông thường NHTƯ tăng lãi suất để dân chúng và doanh nghiệp bớt tiêu xài lúc kinh tế quá “nóng” nhằm ngăn chận lạm phát, và hạ lãi suất để thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ khi kinh tế bị chậm lại. Do ôn dịch Vũ Hán nên dù lãi suất cực thấp chẳng ai dám du lịch, mua nhà, mua xe; doanh nghiệp đang sợ bị phá sản thì nói gì đến vay mượn kinh doanh. Trong dài hạn lãi suất 0% sẽ giúp phục hồi kinh tế nhưng ngay bây giờ thì không có hiệu quả.
Trước khi bàn đến chiêu thứ nhì, xin mượn thí dụ tiệm vàng cho dễ hiểu: ai cũng có chút đỉnh vàng phòng khi hữu sự, đến lúc cần tiền mua gạo lại ùn ùn kéo nhau đi bán, nên tiệm vàng hết tiền mặt! Phải có ông Trùm phía sau hứa hẹn mua bao nhiêu vàng vào thì ông Trùm sẽ cấp vốn mới không bao giờ thiếu, lúc đó tiệm vàng mới dám tiếp tục thu mua để dân chúng có tiền sống cầm hơi.
Ông Trùm không phải là ông Trump, mà chính là NHTƯ. Các tiệm vàng là những ngân hàng. Khi kinh tế co thắt do ôn dịch Vũ Hán thì ngân hàng tư nhân – cũng giống như mỗi hộ gia đình – co cụm giữ tiền mặt không dám cho vay, dù rằng doanh nghiệp bên ngoài cần mượn khẩn cấp để trả hóa đơn, hàng tồn kho và lương công nhân. Không có tiền thì doanh nghiệp sẽ đồng loạt vỡ nợ trong tháng 3.
Trước đây ngân hàng chỉ giữ một ít tiền mặt đủ cho giao dịch hàng ngày, phần lớn quỹ dự phòng dùng mua trái phiếu công và tư thuộc loại an toàn nhất để kiếm chút lời. Khi khủng hoảng lên đỉnh điểm thì chẳng còn món nào là an toàn nên ngân hàng thiếu tiền mặt vì không thể đổi trái phiếu ra USD. Do đó NHTƯ tung chưởng pháp thứ nhì là mở cửa nhà máy in bạc (!) hứa sẽ đổi trái phiếu thành USD để ngân hàng cấp thời không thiếu tiền mặt. Chỉ riêng Hoa Kỳ là nước có quyền ưu đãi đặc biệt (exorbitant privilege) mượn nợ bằng USD nên in USD thu hồi trái phiếu mà không sinh ra lạm phát ngày nào thế giới còn cần đến USD.
Chưởng pháp thứ ba là NHTƯ Hoa Kỳ yểm trợ các ngân hàng Âu-Nhật bằng cách mở đuờng những dây hoán chuyển ngoại tệ (swap lines). Âu-Nhật không thiếu tiền Euro và Yen nhưng lại thiếu USD, trong khi USD là đơn vị ngoại tệ chính trong các giao dịch quốc tế. NHTƯ Mỹ cam kết sẽ đổi tiền Euro và Yen ra USD để các NHTƯ Âu-Nhật có đủ đô-la hổ trợ cho những công ty trong nước họ. Do vậy NHTƯ Hoa Kỳ trở thành NHTƯ toàn cầu! Lần lượt đến phiên các NHTƯ Âu-Nhật lại mở những đường dây hoán chuyển tương tự đến những nước thứ 3.
Cả 3 tuyệt chiêu nói trên chỉ ở thế thủ nhằm giúp thị trường tiền tệ (USD) tạm ổn định, nhưng không đủ để cứu cấp nền kinh tế, và thị trường chứng khoán tiếp tục tuột dốc thảm hại. Biện pháp kế tiếp có thể là NHTƯ Hoa Kỳ trực tiếp cho những công ty có tầm quan trọng chiến lược vay mượn để sống còn như đã từng làm với đại công ty bảo hiểm AIG năm 2008. Sau đó đến lượt Hành pháp và Quốc hội nhảy vào cuộc với các gói kích cầu khổng lồ chưa từng thấy, vài ngàn tỷ USD chỉ cần một cái nhấp chuột! Đó là đề tài của bài sau.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN