Lòng yêu nước, Đảng Cộng sản và Lập Quyền Dân

Nguyễn Đình Cống

Trong hơn một thế kỷ qua chúng ta nói nhiều đến Lòng Yêu Nước. Nó đã là động lực của nhiều thế hệ trong công cuộc giành Độc lập. Nhưng hiện nay và trong tương lai nó sẽ tác động như thế nào?

Tuyên truyền của CSVN cho rằng chính họ đã là chỗ dựa cho Lòng yêu nước của dân Việt. Nhưng hình như không phải thế mà ngược lại!

ĐCS đã dựa vào lòng yêu nước của dân Việt để phát triển, giống như tầm gửi bám vào cây chủ. CS theo chủ thuyết Mác Lê về cách mạng vô sản, thế nhưng thời gian đầu họ phải dựa vào lòng yêu nước để tập hợp lực lượng. Phần đông người thuộc thế hệ đầu tiên gia nhập ĐCSVN, đặc biệt là các trí thức, chủ yếu vì lòng yêu nước, muốn đánh đổ thực dân, giành độc lập chứ mấy ai đã quan tâm đến đấu tranh giai cấp, đến vô sản chuyên chính.

ĐCSVN, ban đầu là đảng cách mạng dựa vào lòng yêu nước của dân để phát triển, khi giành được chính quyền rồi thì trở thành đảng thống trị. Họ tự tuyên bố là đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền, nhưng thực chất là đảng độc tài toàn trị. Họ tuyên truyền là giành chính quyền về tay nhân dân, nhưng thực ra là dùng sức dân để giành chính quyền cho họ. Thực chất ĐCS đã cướp quyền của dân. Họ lợi dụng và làm hoen ố Lòng yêu nước bằng cách bắt gắn nó với yêu CNXH, tức là yêu ĐCS. Họ dựa vào Lòng yêu nước của các đảng viên và của toàn dân để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng khi họ thực hành cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản thì phạm phải nhiều thất bại như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế quốc doanh, đàn áp tự do tư tưởng, độc quyền đảng trị , lệ thuộc Trung cộng, v.v.

 ĐCSVN giống một tập đoàn tầm gửi ôm chặt lấy cây chủ là đất nước và nhân dân VN, nó  bám đầy các nhánh từ gốc lên ngọn. Nó không có rễ bám vào đất, không lao động để thu nhận các chất trong đất, nó hút nhựa của cây chủ, bóc lột cây chủ, thống  trị cây chủ. CS dụ dỗ, ép buộc yêu nước là phải yêu CNXH. Bây giờ mà nói nhiều đến yêu nước không khéo mắc vào âm mưu của CS.

Nhân dân VN đã để cho ĐCS lợi dụng Lòng yêu nước quá nhiều, đã làm ngu dân bằng cách nhồi sọ Chủ nghĩa Mác Lê, không cho ai tự do tư tưởng, ngăn cấm làm phản biện, chủ trương nhấn chìm dân tộc vào vòng tăm tối.

Vậy bây giờ cần hướng lòng yêu nước vào việc gì? Xin hướng vào việc đấu tranh cho Nhân  quyền và Dân quyền, đấu tranh cho Tự do, Dân chủ. Đây là cuộc đấu tranh hòa bình, đấu tranh bằng pháp lý. Hãy tranh đấu cho những quyền tự do đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp. Vì quyền tự do, dân chủ mà chống lại mọi sự dối trá, áp bức, mà yêu cầu công khai minh bạch các việc làm của Chính quyền.

Mọi người có Nhân quyền và Dân quyền. Nhân quyền do Thượng đế ban cho, Dân quyền do Hiến pháp quy định. Trong Dân quyền thì quyền ứng cử, bầu cử người đại diện là  thiêng liêng. Thực hiện việc đó một cách thật sự tự do dân chủ là mở đầu việc Lập Quyền Dân. Thế mà việc bầu cử đang bị ĐCS lợi dụng bằng trò dân chủ giả hiệu.

Ở các nước dân chủ, khi  bầu cử mà có trên 70% cử tri tham dự, người ta cho rằng đó là con số khá lớn. Ở VN, mỗi lần bầu Quốc hội (QH) người ta thúc ép để có gần 100% cử tri tham gia, nhưng tiếc rằng phần lớn trong số cử tri đã bị lợi dụng, bị lừa dối mà không biết hoặc có biết nhưng phải cúi đầu tuân theo. Cử tri không thích thú gì với dân chủ giả hiệu trong bầu cử. Họ giữ lại tên người này, gạch tên người nọ trong lá phiếu mà bản thân không biết những người đó có năng lực và phẩm chất như thế nào. Phải chăng họ chỉ là con rối trong tay ban bầu cử do ĐCS thao túng?!

Năm 2021 sẽ có bầu Quốc hội. Toàn dân hãy giác ngộ và đấu tranh để  thực hiện Tự do, Dân chủ thật sự trong bầu cử, trong việc thi hành quyền công dân để Lập Quyền Dân.

Với cử tri, hãy vận động nhau đi bầu thật đông đủ, với phương châm “KHÔNG BIẾT KHÔNG BẦU”. Tuy vậy nếu trong danh sách  toàn người mà ta không biết thì cũng không nên gạch hết, hãy giữ lại 1 tên,  vì có khả năng phiếu trắng bị cho là bất hợp lệ (thực ra phiếu trắng là hợp lệ, phải được kiểm).

Thế nào là biết người để bầu cho họ hay không? Không phải chỉ biết mặt biết tên mà phải biết họ như một ứng viên đại diện cho mình, nghĩa là phải biết được chương trình hành động của họ thông qua việc tranh cử, biết được phẩm chất, năng lực của họ, biết được và ghi nhận lời hứa hẹn của họ. Ta bầu cho ai thì phải tin chắc rằng người đó đại diện cho mình. Nhất quyết không bầu cho những người mà ta biết họ không đủ trí tuệ, không đủ phẩm chất làm đại biểu để lo việc dân việc nước. Người ta vận động bầu cho những loại không đủ trí tuệ như vậy chỉ vì muốn cơ cấu cho đủ thành phần, họ là những nghị gật. Kiên  quyết không bầu cho một người xa lạ ở nơi khác gửi đến dù người ấy có là ông nọ bà kia. Họ có chức vụ và quyền to ở nơi khác, họ vào QH để thêm danh, họ xem QH chỉ là nơi thừa hành các chỉ thị của ĐCS mà họ đã thảo luận ở ngoài QH. Đó là quan chức của Đảng và chính quyền chứ không phải đại diện của dân. Những người này là loại nghị gật kiểu khác, chúng chiếm chỗ trong QH để biến QH thành bù nhìn của ĐCS. Phải tìm các ngăn cản chúng vào QH bằng trách nhiệm công dân khi sử dụng lá phiếu.

Với người ứng cử. Trong thời gian qua có chuyện tự do ứng cử. Đó là việc làm hợp Hiến pháp, nhưng đã bị  ĐCS và Mặt trận lợi dụng để thực hiện dân chủ giả hiệu. Ứng cử là quyền chính đáng của công dân, nhưng đã bị Mặt trận tổ chức đấu tố và loại bỏ khỏi danh sách dưới hình thức Hội nghị góp ý của cử tri. Xin những người có tinh thần, có năng lực, có điều kiện làm đại biểu cho dân hãy dũng cảm ứng cử. Vài chục người ứng cử thì có thể bị Mặt trân tổ chức đấu tố để loại ra khỏi danh sách. Nhưng khi có khá nhiều người ứng cử thì người ta không dễ dàng làm cái việc đểu cáng ấy. Và khi Mặt trận vẫn cố làm cái trò đểu cáng với rất nhiều ứng viên tự do thì họ và ĐCS càng lộ rõ bộ mặt thật cho nhân dân biết mà tranh đấu.

Những ai nên ứng cử QH? Trước hết là những người có khả năng hoạt động chính trị, có lòng yêu nước yêu dân. Họ là những trí thức chân chính, đặc biệt là những luật sư tài ba, những nhà hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự. Quan trọng là họ phải có chương trình tranh cử, chương trình hành động, phải trả lời câu hỏi  và hứa hẹn trước cử tri. Câu hỏi là: Nếu trúng cử vào QH thì sẽ làm gì và làm như thế nào để xứng đáng là đại biểu của dân?

Hỡi những công dân có lương tri. Khi trả lời được câu hỏi vừa nêu bạn nên mạnh dạn ứng cử đại biểu QH, nhân dân đang trông chờ vào những người như thế và bạn thể hiện được Lòng yêu nước chân chính. Khi bạn không thể trả lời thì xin đừng ứng cử và từ chối sự đề cử dù có bị dụ dỗ hay gây áp lực như thế nào. Bạn sẽ phạm tội phản nước hại dân khi không có năng lực hoặc không đủ điều kiện hoạt động mà lại tìm cách chiếm chỗ trong QH. Tội ấy khó có thể gột rửa và tạo ra nghiệp chướng.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Bản chất thể chế, Dân chủ. Bookmark the permalink.