Nguyễn Ngọc Chu
Không biết tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ, khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA trong thời gian dịch bệnh virus Vũ Hán hành hoành ở Trung Quốc. Đại dịch virus Vũ Hán phát tán cho thấy thế giới phải đề phòng và phải dứt khoát với Trung Quốc như thế nào. Với Việt Nam càng là thời điểm dứt khoát.
18 h ngày 12/02/2020 tại Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua hai hiệp định riêng trong EVFTA, gồm Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA). FTA nhận được 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Với IPA là 407/188/53.
Với cả Việt Nam và EU, đây là một bước tiến vô cùng tích cực trong hợp tác hai phía. Không phải là “ca ngợi thắng lợi” mà biết để tận dụng và cải thiện. Tận dụng lợi thế. Cải thiện khiếm khuyết.
1. Lợi thế đầu tiên là mở ra cơ hội tăng trưởng thần tốc doanh số xuất nhập khẩu hàng hóa giữ Việt Nam và EU. Khi EVFTA có hiệu lực (dự kiến vào tháng 7/2020) thì hơn 85% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU (và ngược lại) sẽ có thuế suất bằng 0% . Tỷ lệ này tăng lên 99% sau 7 năm. Còn lại 1% thì hai bên thống nhất giảm về 0% theo thuế suất trong hạn ngạch thuế quan. Với thị trường EU có GDP trị giá hơn 18 000 tỷ USD thì đây là “cánh đồng mênh mông” cho Việt Nam thỏa sức “canh tác”.
2. Tạo ra cơ hội chưa từng có để Việt Nam thay đổi cơ cấu hợp tác kinh tế quốc tế- giảm mạnh mẽ sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam đã hứng chịu cú đòn lao đao “gần mức knock out” khi phải hạn chế cửa khẩu biên giới với Trung Quốc do dịch bệnh covid -19. Trung Quốc là nước “ngồi chiếu trên” nắm quyền đóng cửa biên giới Trung – Việt bất cứ lúc nào tùy thích. Cho nên không chỉ trong trường hợp dịch bệnh covid – 19 , mà Việt Nam có thể hứng chịu đòn dịch bệnh “covid – n” bất cứ lúc nào nếu Trung Quốc thích “hắt hơi xì mũi”.
3. Tạo ra cơ hội để xuất khẩu Việt Nam lọt vào thị trường hàng hóa chất lượng cao, an toàn, ít độc hại. Và ngược lại người tiêu dùng Việt Nam được hưởng hàng hóa chất lượng EU với giá thành tốt hơn, là nhân tố đẩy lùi một phần hàng hóa kém chất lượng đến từ Trung Quốc. Còn nữa, không kém phần quan trọng là Việt Nam được dễ dàng hơn tiếp cận và sở hữu công nghệ EU.
4. Một nhân tố quan trọng khác nữa là dưới đòi hỏi của EU, Việt Nam sẽ phải từng bước cải thiện môi trường lao động, môi trường sản xuất và môi trường sống theo tiêu chuẩn EU.
Cần thiết phải lưu ý rằng, 192 nghị sỹ châu Âu bỏ phiếu chưa thông FTA không có thù hằn gì với Việt Nam. Họ chưa ủng hộ EVFTA đơn giản bởi vì đòi hỏi Việt Nam thay đổi hơn nữa cho phù hợp với tiêu chuẩn EU.
Trong số những nghị sĩ EU chưa thông qua EVFTA có bà Heidi Hautala là Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu. Bà Heidi Hautala thừa nhận Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn có những điều làm cho bà và nhóm nghị sĩ Đảng Xanh/ Liên minh Tự do Châu Âu chưa thể ủng hộ. Trong số đó là điều kiện lao động cũng như các phương tiện kiểm soát thực thi quyền lao động. Bà Hauitala đã nhận xét “Việt Nam tuy đã đạt được tiến bộ trong việc cải cách luật lao động, nhưng mặt khác, đã không sửa đổi bộ luật hình sự để cho phép người lao động được hưởng các quyền đó”. Bà thừa nhận “Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị”, nhưng “vẫn nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền”.
Bà Heidi Hautala đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp vào ngày 07/01/2019 (https://bnews.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tie…/110111.html). Bà là nghị sĩ 4 nhiệm kỳ và đã từng đến Việt Nam để khảo sát Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản EU-VN (gọi tắt là VPA). Bà cũng là thành viên của các Ủy ban Thương mại, Tiểu ban Nhân quyền, Phái đoàn Quan hệ với các nước Đông Nam Á và khối ASEAN). Là người đứng đầu Đảng Xanh – tiên phong trong bảo vệ môi trường, chống nạn chặt phá rừng bà Hautala rất khe khắt trong vấn đề bảo vệ môi sinh. Bà cho biết:
“Hiệp định thiếu phương tiện hiệu quả để thực thi những ràng buộc luật pháp về Môi sinh và các tiêu chuẩn Xã hội”. “Ngoài ra, Việt Nam đã không can thiệp vào các phương tiện theo đúng khả năng để giải quyết nạn phá rừng… Vì những lý do đó, tôi đã chưa thể ủng hộ Hiệp định này”.
Trên thực tế, để đáp ứng các tiêu chuẩn EU liên quan trực tiếp đến EVFTA thì Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cho biết:
“Trước khi cuộc bỏ phiếu này diễn ra, có ý kiến công khai phản đối việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA vì các vấn đề liên quan đến phát biển bền vững hay lo ngại về khả năng Việt Nam không thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước… Tuy vậy, chúng ta đã nỗ lực trao đổi, giải thích với phía EU về những việc đã, đang làm để chứng minh rằng Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.
Về lao động, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Bộ luật Lao động sửa đổi cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2019. Đáng nói, các nội dung quan trọng nhất của 8 công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này. Kế hoạch phê chuẩn các công ước còn lại của ILO cũng được cung cấp đầy đủ cho phía EU.
Về chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU), vừa qua ta bị EU rút thẻ vàng do còn một số vi phạm. Chúng tôi cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tích cực làm việc, phối hợp với EU để giải quyết sớm các quan ngại của bạn.
Bên cạnh đó, chương trình hành động cụ thể của Chính phủ thực thi EVFTA đã được Bộ Công Thương dự thảo và đưa vào bộ hồ sơ trình Quốc hội. Đây là việc rất quan trọng tạo sự tin cậy từ phía EU”(Vnexpress, 13/2/2020).
5. Về phía các nghị sĩ EU bỏ phiếu thuận cho EVFTA là do tính xây dựng tích cực chi phối. Với những nghị sĩ này, quan điểm xây dựng của họ là “Hợp tác với Việt Nam để cải thiện điều chưa tốt, chứ không phải cô lập Việt Nam để đòi hỏi sửa đổi cái chưa tốt”.
6. Về phía mình, Việt Nam cần nhìn nhận theo chiều hướng tích cực về sự chưa tán đồng của các nghị sĩ Châu Âu. Từ đó mà hoàn thiện môi trường lao động và môi trường sống. Không nhìn người chưa đồng thuận là lực lượng thù địch. Vì như Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã nhận định trong “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng” của Ban Tổ chức Trung ương ngày 25/12/2019, rằng “cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.
7. Thay đổi cơ cấu hợp tác với EU sau EVFTA cần có chỉ tiêu và lộ trình cụ thể. Trước hết là liên quan đến hai bộ trụ cột. Đó là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
8. Bởi thế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cần lên kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành và từng sản phẩm. Đây là cơ hội tốt để mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam đến thị trường Châu Âu, cũng như khả năng nhập vật tư máy móc thiết bị Châu Âu và hàng hóa Châu Âu về tiêu thụ trong nước. Đây chính là thời cơ đưa ngành công nghiệp Việt Nam dần thoát khỏi cảnh manh múm phụ thuộc – trong trạng thái lắp ráp dịch vụ, mà tiến dần đến tự sản xuất những sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Hợp tác với EU là con đường ngắn để đưa Việt Nam trở thành nước Công nghiệp.
9. Đây cũng là “thời cơ dụng võ” của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Thay đổi tỷ phần xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản vào thị trường Châu Âu chưa có lúc nào rộng mở và thuận tiện như lúc này. Thành quả lao động của bà con nông dân và ngư dân sẽ được trả công cao hơn. Họ sẽ không còn bị rơi vào hoàn cảnh bèo bọt, bắt chẹt và vật vã lo sợ chờ xếp hàng ở biên giới Việt – Trung nữa!
10. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những hoạt động tích cực thúc đẩy thông qua EVFTA. Khi EVFTA cuối cùng đã được thông qua, là lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể “rộng đường” trong phát triển kinh tế. Đây là thời cơ để tăng trưởng GDP bền vững. Dù nhiệm kỳ không còn nhiều nhưng cũng đủ để làm nên điều sửng sốt.
Cuối cùng, để phát huy hết sức mạnh của EVFTA thì không thể không cải thiện điều kiện làm việc, môi trường sản xuất, và môi trường sống cho người lao động. Không sợ bị chỉ trích. Càng không sợ phải thay đổi theo chỉ trích. Chỉ không ngừng hoàn thiện điểm yếu mới có cơ hội đưa Việt Nam tiến vào nhóm các quốc gia hùng cường.
Bài đã đăng trên Văn hóa Nghệ An
Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu