Trương Duy Nhất – Kẻ vác bút vá trời ngạo nghễ

Phạm Ngọc Cương

CÔNG LÝ CHO TRƯƠNG DUY NHẤT

Lê Công Định

Hôm nay, ngày 9/3/2020, vụ án Trương Duy Nhất được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, sau khi bị hoãn một lần vào ngày 28/2/2020.

Chúng ta đều biết, ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan vào ngày 26/1/2019 (không phải tại Hà Nội vào ngày 28/1/2019 như công bố chính thức). Theo Kết luận điều tra của Bộ Công an và Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Trương Duy Nhất bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3, Điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung năm 2017), như sau:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

[…]

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.”

Vụ án này liên quan đến căn nhà số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (diện tích đất là 108,60m2 và diện tích sử dụng là 101,20m2), vốn trước đây là trụ sở của Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết, mà ông Trương Duy Nhất từng là Trưởng VPĐD một thời gian. Căn nhà này sau khi Báo Đại Đoàn Kết mua từ chính quyền Đà Nẵng, đã được bán lại cho Công ty Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).

Kết quả điều tra vụ án xác định rằng việc mua và bán lại căn nhà 82 Trần Quốc Toản trong thời gian ông Trương Duy Nhất làm Trưởng VPĐD, đã gây thiệt hại cho nhà nước 13.129.188.600 đồng. Do đó, ông Trương Duy Nhất bị cáo buộc đã phạm tội như nêu trên.

Câu hỏi được đặt ra là: TRƯƠNG DUY NHẤT CÓ TỘI HAY KHÔNG?

Căn cứ vào chính tình tiết của vụ án, như được nêu tại hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, có thể kết luận rằng ông Trương Duy Nhất hoàn toàn KHÔNG phạm tội, vì những lý do trình bày duới đây.

1. Thiếu các yếu tố cấu thành tội phạm theo luật định

Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 của Bộ luật Hình sự đòi hỏi phải có các yếu tố cấu thành tội phạm như sau: có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” gắn với mục đích “vì vụ lợi” hoặc “vì động cơ cá nhân khác” khiến “gây thiệt hại về tài sản” của nhà nước.

1.1. Trong toàn văn hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng không một tình tiết nào nhắc đến và không một phân tích pháp lý nào chứng minh được ông Trương Duy Nhất đã hành động “vì vụ lợi” hoặc “vì động cơ cá nhân khác”. Ông Trương Duy Nhất không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ các giao dịch mua và bán căn nhà 82 Trần Quốc Toản, theo hồ sơ vụ án. Hoàn toàn KHÔNG. Chỉ riêng thiếu yếu tố chủ quan về động cơ của hành vi như thế, bị can và bị cáo không thể bị xem là phạm tội theo luật định.

1.2. Mặt khác, căn nhà 82 Trần Quốc Toản hiện đã được nhà nước thu hồi nguyên vẹn trong vụ án Vũ Nhôm, mà giá trị của nó tính theo mức giá của thị trường nhà đất hiện nay tại Đà Nẵng chắc chắn đã tăng thêm vài mươi lần so với năm 2004, lúc diễn ra các giao dịch mua bán căn nhà này. Như vậy, tài sản của nhà nước trong vụ án này chính là căn nhà vẫn còn đó, chứ không phải là số tiền đã bị tiêu xài hết, nên dứt khoát không có cái gọi là “thiệt hại về tài sản” của nhà nước. Thiếu yếu tố khách quan về thiệt hại tài sản, bị can và bị cáo càng không thể bị xem là phạm tội theo luật định. Trong mục 3 dưới đây, chúng tôi sẽ chứng minh con số “thiệt hại” 13.129.188.600 đồng là nguỵ tạo.

1.3. Yếu tố “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” liên quan đến hành vi có chủ ý của người phạm tội theo Điều 356. Trong suốt quá trình mua bán căn nhà 82 Trần Quốc Toản, ông Trương Duy Nhất luôn hành động theo sự ủy quyền và chấp thuận của Ban Biên tập và Tổng Biên tập của Báo Đại Đoàn Kết. Mục 2 dưới đây sẽ trình bày cụ thể hơn về sự ủy quyền và chấp thuận như vậy, qua đó chứng minh rằng không có yếu tố “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” trong hành động của ông Trương Duy Nhất.

2. Sự ủy quyền của Báo Đại Đoàn Kết

2.1. Báo Đại Đoàn Kết đã có chủ trương xin chính quyền Đà Nẵng cấp, bán hoặc cho báo này thuê một căn nhà làm trụ sở của Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ trước khi quyết định bổ nhiệm ông Trương Duy Nhất làm Trưởng VPĐD.

2.2. Quyết định bán nhà, thay vì cấp hoặc cho thuê, là quyết định của chính quyền Đà Nẵng, chứ không phải của Báo Đại Đoàn Kết, và càng không phải của ông Trương Duy Nhất, bất kể bên có quyền lợi liên quan đề xuất một hình thức thực hiện nào trong số đó. Hẳn nhiên, đề xuất đó là một quyền hợp pháp và không bị cấm bởi luật pháp, nên không thể bị suy diễn một cách có chủ đích theo hướng buộc tội, rằng đó là dấu hiệu “trái công vụ”.

2.3. Trong toàn bộ quá trình mua căn nhà 82 Trần Quốc Toản từ chính quyền Đà Nẵng, ông Trương Duy Nhất đều báo cáo đầy đủ và hành động theo yêu cầu của Báo Đại Đoàn Kết, chứ không tự ý làm theo ý riêng như cáo buộc nêu trong hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng.

Cần lưu ý, hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng cố tình nêu 3 công văn mà ông Trương Duy Nhất ký tên gửi chính quyền Đà Nẵng xin mua nhà, thay vì xin cấp hoặc thuê, như là bằng chứng cho thấy đó là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ”.

Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy diễn theo hướng có tội của cơ quan điều tra và công tố, chứ bản thân 3 công văn đó đơn thuần chỉ cho thấy ông Trương Duy Nhất đang hành động trong tư cách Trưởng VPĐD được cơ quan chủ quản của mình ủy quyền thay mặt liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề tìm trụ sở cho Văn phòng đại diện.

Suy diễn theo hướng có tội là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, để buộc tội anh Trương Duy Nhất sự vi phạm nghiêm trọng này đã bị phớt lờ.

2.4. Trong toàn bộ quá trình bán lại căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79, ông Trương Duy Nhất đã báo cáo đầy đủ và nhận sự chấp thuận cũng như ủy quyền của Báo Đại Đoàn Kết, căn cứ Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 của Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, chứ hoàn toàn không tự ý làm theo ý riêng. Do đó, không thể có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” ở đây.

2.5. Ngày 30/3/2011, ông Trương Duy Nhất chấm dứt hợp đồng lao động với Báo Đại Đoàn Kết, nên không còn chịu trách nhiệm đối với mọi quyết định liên quan đến Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết kể từ ngày đó, bao gồm cả quyết định ngày 20/4/2011 của chính Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết về việc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 82 Trần Quốc Toản đã ký với Công ty Xây dựng 79, theo đó chấp nhận hưởng tiền bồi thường 1 tỷ đồng để dời Văn phòng đại diện sang địa điểm khác.

3. Con số “thiệt hại về tài sản” 13.129.188.600 đồng của nhà nước trong vụ án này hoàn toàn nguỵ tạo.

3.1. Theo hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, chính quyền Đà Nẵng đã bán căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Báo Đại Đoàn Kết theo giá ưu đãi là 674.483.400 đồng tại thời điểm năm 2004. Nếu thực sự có “thiệt hại” do Báo Đại Đoàn Kết bán lại căn nhà đó cho Công ty Xây dựng 79, thì lẽ ra cần phải lấy giá thị trường tại thời điểm năm 2004 trừ đi giá mua ưu đãi.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra không chọn cách tính công bằng và bình thường đó, mà lại cố tình lấy giá thị trường của 14 năm sau, tại thời điểm ngày 17/4/2018 (thời điểm vụ án Vũ Nhôm bị khởi tố), là 13.803.672.000 đồng để làm cơ sở tính “thiệt hại”, nên con số “thiệt hại” sau khi trừ đi giá ưu đãi năm 2004 biến thành một con số khổng lồ là 13.129.188.600 đồng. Nói cách khác, đó là con số hoàn toàn nguỵ tạo, dựa trên tính toán hoàn toàn có chủ đích buộc tội và đầy bất lợi cho ông Trương Duy Nhất, nhằm mục đích khép ông vào Khoản 3 của Điều 356, với khung hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Một lần nữa, đó chỉ là sự suy diễn theo hướng tăng nặng mức độ phạm tội một cách phi lý của cơ quan điều tra và công tố. Điều này là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam và pháp luật quốc tế.

3.2. Theo hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79, như diện tích ban đầu, ngoài việc được thanh toán số tiền 674.483.400 đồng là giá mua mà Báo Đại Đoàn Kết phải trả cho nhà nước tại thời điểm 2004, Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết còn được hưởng quyền sử dụng toàn bộ phần diện tích tầng 2, gồm 2 phòng làm việc, 1 phòng nghỉ, 1 phòng bếp và 1 phòng vệ sinh trong tòa nhà được xây trên mặt bằng căn nhà cũ trong thời hạn 30 năm. Như vậy, tính tại thời điểm năm 2004 và 30 năm sau đó, Báo Đại Đoàn Kết đã hưởng lợi rất nhiều, chứ không bị thiệt hại như cơ quan điều tra và công tố cố tình cáo buộc bằng cách phớt lờ lợi ích to lớn này.

Cần lưu ý, việc chuyển nhượng diện tích khuôn viên nhà cũ cho nhà đầu tư mới để xây lên một bất động sản mới nhiều diện tích sử dụng hơn, mà vẫn được quyền sử dụng miễn phí một phần diện tích của tòa nhà mới trong một thời hạn dài là phương thức vẫn được giới đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế sử dụng để phát triển các dự án cải trang đô thị tại các thành phố hiện đại trên thế giới. Ngôi Nhà Đức (Deutsches Haus) tọa lạc tại số 33 Lê Duẩn, TPHCM, là một ví dụ điển hình của phương thức đầu tư như vậy, theo đó khuôn viên của ngôi nhà cũ thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Đức đã được chuyển nhượng cho một nhà đầu tư tư nhân xây dựng nên cao ốc mới, mà trong đó Tổng Lãnh Sự Quán Đức được quyền sử dụng một phần diện tích nhất định trong một thời hạn cố định do các bên thỏa thuận.

3.3. Và như đã nêu trên, căn nhà 82 Trần Quốc Toản hiện đã được nhà nước thu hồi nguyên vẹn, nên việc tính toán thiệt hại thành tiền, dù đúng hay sai, vẫn hoàn toàn không có ý nghĩa, mà trái lại chỉ là sự nguỵ tạo phi thực tế nhằm cố tình gán tội ông Trương Duy Nhất.

Từ những phân tích nêu trên, có thể kết luận rằng TRƯƠNG DUY NHẤT HOÀN TOÀN KHÔNG PHẠM TỘI theo như cáo buộc bất công của cơ quan điều tra và công tố.

  1. Ba Đình

Ngày 9/3/2020 Trương Duy Nhất lại được dẫn ra toà vì nhà cầm quyền quyết ấn vào anh một cái án cho ra có tội. Khôi hài là: không phải anh mà chính là đảng cầm quyền mới là tội phạm thật sự của việc lợi dụng chức vụ quyền hạn trên non sông này. Sau cả 75 năm “cướp” chính quyền (như lời đảng tự rao giảng) đảng vẫn thật nghèo nàn về bản lĩnh và vốn liếng chính trị. Suốt 90 năm tồn tại, tất cả những gì đảng có hôm nay vẫn chỉ là một nền độc tài toàn trị trá hình dân chủ. Một di sản trận mạc theo cách mình tự sướng là hào hùng, theo cách nhân loại nhìn là tang thương, ngu dốt. Một cương vực lãnh thổ bé đi nhiều so với thời người Pháp quản trị vì mất biển, đảo và lãnh thổ. Một dân chúng chủ yếu sống bằng nghề nông hoặc gia công, hầu thiên hạ.

Lãnh đạo đảng từng rất biết cách chào hàng dân chúng bằng những chiếc “bánh vẽ”(1) hấp dẫn. Để cầm quyền, cần đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Việt nam Cộng hoà… thì đảng chào bánh dân tộc. Để triệt tiêu giới tinh hoa không cùng thuyền thì đảng dụ bánh giai cấp: đánh trí phú địa hào, tư sản, nhân văn giai phẩm…Nhưng nay thì đảng quăng những cái đó đi, gọi kẻ thù là bạn vàng, trấn áp, bóc lột, cướp đoạt tài sản xương máu công nông… Và đảng mời một loại bánh mới nức mùi tư bản. Đảng diễn tuồng tư pháp vụng trong toà án dởm để xử những nhà bất đồng chính kiến.  Nhưng sao đảng phải làm thế? Vì sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tất cả các loại bánh trái đó là nhằm bảo vệ lợi ích đảng: Lợi ích của việc thâu tóm và tha hoá tuyệt đối, tối đa quyền lực.

  1. Phú Quốc

Cuối năm 2019 trong lúc chờ đợi Hà Nội cho gặp Trương Duy Nhất tôi ra thăm Phú Quốc. Duỗi dài trong một khách sạn năm sao ở nơi được coi là có bãi biển đẹp bậc nhất Việt nam mà lại thấy buồn da diết cho dân tộc này. Tiếc cho con mắt chiến lược nông cạn của nhóm cầm quyền Sài Gòn năm xưa. Sài Gòn sụp đổ thì tội lớn nhất của họ là đã làm cả Bắc cũng như Nam Việt Nam lỡ một cơ hội vàng ít nhất là cạnh tranh để phát triển. Một lần nữa cùng nhắc lại cho các bạn yêu dân chủ là Dân chủ chỉ tồn tại khi có hai lực lượng khá cân sức nhau cùng song hành trong xã hội. Sài Gòn sụp đổ, đóng sập cánh cửa cơ hội phát triển dân chủ, giật con thuyền Việt nam lộn lại con đường độc tài toàn trị.

Đau hơn là không còn cục than nóng nào để  nhen lên đốm lửa hòng cứu vãn được đại nghiệp. Bài học lịch sử nóng hổi nhãn tiền trước mắt, năm 1949 Tưởng Giới Thạch hùng cứ một giang sơn lớn thứ ba thế giới là Trung Hoa lục địa, trước cao trào của làn sóng đỏ phải vọt sang Đài Loan, một lãnh thổ nhỏ bé chỉ còn bằng khoảng 1/270. Từ năm 1970 ý đồ của Nixon là Việt Nam hoá chiến tranh, nhất quyết rút chân. Miền Nam lúc đó có cả triệu quân cùng bạt ngàn thiết bị xây dựng và chiến tranh mà không biết đường gấp rút xây dựng Phú Quốc thành căn cứ rút lui chiến lược. Nếu quyết thủ Phú Quốc thì trong ngắn hạn chắc không thể có thảm cảnh cả hàng trăm ngàn người Việt bị mất xác, bị hãm hiếp bởi hải tặc Thái Lan, Mã Lai  khi tìm đường vượt biên những năm sau 1975.

Về dài hạn, nếu còn sự hiện diện hùng mạnh của quân lực Việt nam Cộng hoà ở đó thì chắc chắn là quân đội Cộng hoà XHCN Việt nam sẽ phải cân nhắc thêm rất nhiều trước quyết định tiến quân vào Cambodia, rồi bị quốc tế ngoảnh mặt làm ngơ nhiều thập niên bằng các loại cấm vận …

Nối tiếp nền kinh tế thị trường của Nam Việt Nam, Phú Quốc sẽ sớm thịnh vượng.  Dù thịnh vượng bằng một phần của Singapore, Hong Kong, Đài Loan thì vẫn là một tảng băng làm nguội bớt những cái đầu nóng rực đến mụ mị bởi chủ nghĩa cộng sản ở  Bắc Việt, thành làn gió mát thúc đẩy toàn Việt Nam sớm đi theo con đường dân chủ hoá. Hong Kong, Đài Loan, Macao đã khiến Đặng Tiểu Bình suy ngẫm và lột xác Trung hoa đỏ trước Việt nam vài thập niên.

Đâu có khó việc biến Phú Quốc thành một điểm sáng của nhân loại. Grand Cayman, diện tích vỏn vẹn có 196km2, (Bằng khoảng 1/3 Phú Quốc) dân số hôm nay khoảng 53 ngàn người, xưa là ổ của cướp biển, nơi mùa hè muỗi đủ đông khênh được bạn từ khách sạn ném ra biển. Chả có gì đáng gọi là vị thế chiến lược, tài nguyên chỉ là nắng, gió và sóng biển vậy mà chỉ 40 năm vươn lên là trung tâm tài chính lớn thứ năm thế giới. Về mặt hội tụ tư bản qua mặt hầu như toàn bộ kinh đô của các nước phát triển toàn cầu.

Từ đất lẩn trốn của chúa Nguyễn Ánh tránh triều Tây Sơn, qua tới ông Diệm ông Thiệu tới… ông Trọng hôm nay Phú Quốc vẫn chỉ là một mớ hổ lốn.  Là người gốc Việt tôi còn chưa muốn quay lại Phú Quốc lần hai dù đã thăm Grand Cayman tới ba lần.

Chiến lược chính là nằm ở người lãnh đạo, không phải chỉ ở đất cát và điạ thế. Hình hài Singapore hôm nay ra sao nếu không có Lý Quang Diệu?

  1. Cửu Long Giang

 Cùng nằm ở những vùng sông nước cửa biển khá tương đồng, nhưng Venice và mấy tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác nhau một trời một vực về trình độ phát triển. Venice luôn là điểm chiêm ngưỡng của nhân loại từ tám thế kỷ nay. Trên đường phố Venice, nếu bạn muốn đi toilet phải xếp hàng và trả 1 euro. Còn tại Bến Tre thì dân tình đến tận hôm nay vẫn đang bổ dừa bằng những con dao thô sơ, nấu kẹo dừa theo phương pháp thủ công đóng gói bán không mấy đắt cho du khách khoảng 1 đô/gói.  Sự cách biệt một trời một vực về cách vận hành xã hội, tư duy, kiến trúc, kinh doanh, … từ tổ tiên lập nghiệp cho đến hôm nay của cư dân hai vùng đất này dĩ nhiên là không có gì phải bàn cãi.

  1. “Ruột Xa Ngàn Dặm”(2)

Người Việt trong thế kỷ XX có một cuộc vượt biển vĩ đại. Đó không phải là cuộc vượt biển với ánh hào quang khai phá như dân Bồ, dân Anh, dân Pháp… mà là thảm hoạ do người Việt chạy trốn chính người Việt. Vượt biển vì hoạ cộng sản, vì hi vọng sẽ được tàu nước khác vớt hay dạt thoát vào đâu đó quanh châu Á, được các nước phát triển chấp nhận cho tái định cư…

Vậy mà tâm lý chủ đạo của người Việt di dân thế hệ thứ nhất là đi tha phương cầu thực.  Nuôi một cái nhau vô hình với dải chữ S và coi nơi cư ngụ mới, nơi phải trả một cái giá khủng là cả mạng sống để đến là một cõi tạm bợ, là đất khách quê người. Tôi nhìn điều ấy không phải là tình yêu Tổ quốc mà là một loại tâm lý tự ti. Vì nghĩ như vậy, nên người Việt lớp đầu thường dúm dó trước văn hoá mới. Không coi mình là công dân toàn cầu, không coi cái hay của các nơi mình đến cũng phải là cái hay của mình.  Thường rút về cố thủ ở cái cái điểm chung là cội nguồn, là cố quốc, là quê nhà, nơi trình độ phát triển còn thấp và đầy mâu thuẫn kéo dây theo các cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đầy méo mó và mâu thuẫn. Thường là từ thế hệ thứ hai, khi các cháu không phải gánh một di sản quá khứ nặng nề thù hận, coi thế giới này là của chúng thì chúng đoàn kết, hội nhập và thành công đồng thời chúng cũng rẽ dần ra khỏi các cộng đồng gốc Việt.

  1. Thành trì của tự do

Về cuộc chiến ở Afghanistan, Joe Binden nguyên Phó Tổng thống Mỹ tám năm dưới thời Obama và hiện đang là ứng viên hàng đầu của Đảng Dân Chủ trong đợt tranh cử sơ bộ của Đảng Dân chủ Mỹ năm nay từng gào lên: “I am not sending my boy back there to risk his life on behalf of women’s rights!”. Tạm dịch: Tôi không gửi con trai của tôi (chúng ta) đến đó để liều mạng sống vì các quyền của phụ nữ”. Với tất cả những ai giàu tinh thần trông chờ vào nước Mỹ, vào người khác, vào bên ngoài, xin hãy nghĩ về câu nói này thật kỹ.

Thế gới này, về cơ bản, là thế giới của việc ai người ấy làm.

  1. Qui luật của phát triển

Sự phát triển luôn gồm cơ hội và thách thức. Để tăng cường cơ hội và giảm thiểu rủi ro thì phải tập hợp, cọ xát được trí tuệ tập thể qua việc cho người “dân được mở miệng ra” (3). Người Anh có một câu ngạn ngữ là cái đồng hồ chết vẫn chỉ đúng giờ hai lần trong ngày. Dân chúng phải được lắng nghe, được quyền nói và đòi hỏi. Tại những nước giàu có và phát triển như Canada dân luôn chất vấn chính phủ là tại sao mọi chuyện không tốt hơn nữa. Nghị sỹ Canada Michael Chong, nói: “Mấy thập kỷ trước bố tôi rời Hong Kong và mẹ tôi rời Hà Lan để tìm kiếm cơ hội tốt hơn tại Canada. Bây giờ cả Hong Kong và Hà Lan đều giàu có hơn Canada”.

Canada, xứ sở luôn được đánh giá là đáng sống nhất nhì hành tinh theo đủ các loại tiêu chuẩn bình chọn mà sau 153 năm kể từ ngày lập quốc cũng còn không ít khiếm khuyết. Trong đợt tranh cử vừa qua tôi nói với ban vận động tranh cử trong đảng Bảo thủ liên bang Canada và cử tri: “Canada là nước có dự trữ nước ngọt đứng đầu thế giới mà đến giờ nhiều vùng cư dân da đỏ vẫn dùng nước nhiễm chì. Canada là nước có trữ lượng dầu mỏ thứ ba thế giới mà chúng ta mỗi năm phải bỏ ra 32-33 tỷ $ mua dầu của xứ độc tài Saudi Arabia, Canada là nước có diện tích rộng thứ hai toàn cầu mà nhiều thành phố lớn hiện đứng trước khủng khoảng thiếu nhà ở. Điều đó nói lên rằng liệu các chính khách Canada của chúng ta có thật sự tài giỏi như chúng ta tưởng? Chúng ta cần làm gì để lập tức thay đổi điều đó vì cuộc đời là hữu hạn, cần phải thay tắp lự cục diện đó trong vòng một nhiệm kỳ bầu cử là bốn năm.”

Hôm nay những nước nhỏ, nghèo và ít tài nguyên như Singapore có GDP trên đầu người 40% cao hơn Canada, Iceland 60% cao hơn Canada và Ireland 70% cao hơn Canada. Thu nhập trung bình của người Canada hôm nay có $54,130 thấp hơn nhiều so với mấy nước nghèo ngày trước kể trên.

Uruguay, một nước rất nhỏ cũng vươn lên là nước có  mức thu nhập trên đầu người cao bậc nhất tại Nam Mỹ.

Điều kỳ diệu gì đang xảy ra với các nước nhỏ? Vì nước nhỏ, nơi mọi thứ đều khá tương đồng, nếu tinh giản bộ máy gọn nhẹ, tích cực thích ứng và thay đổi thì chuyển mình nhanh hơn, đỡ cồng kềnh hơn nước lớn. Diện tích, dân số và tài nguyên quốc gia không còn là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong phát triển. Bốn yếu tố quyết định là dân chúng khát khao tăng tốc phát triển sẵn sàng thích ứng và thay đổi, giới lãnh đạo có quyết tâm chính trị, cải tiến văn hoá theo hướng có chọn lọc và xây dựng con người mạnh mẽ.

Con đường phù hợp nhất cho những dân tộc không có óc khai phá là hãy sớm dẹp cái tôi lạc hậu của mình xuống và bắt chước cho bài bản là thành công. Điều đó Nhật làm từ thế kỷ 19, Đài Loan, Triều Tiên… từ thế kỷ 20 và Trung Quốc đang làm từ mấy chục năm nay. Việt Nam cần bắt tay sớm ngày nào tốt ngày ấy.

7- Quyền năng

Công cụ kỳ diệu nhất mà tạo hoá ban cho con người theo tôi nghĩ là tình yêu. Vậy công cụ tuyệt vời nhất mà loài người từng khám phá ra là gì? Theo tôi đó là tiền bạc. Quyền năng của con người không vượt được tạo hoá nên tình yêu luôn cao hơn tiền bạc. Sự phát triển trọn vẹn nào của mỗi con người, gia đình hay quốc gian dân tộc thì cũng phải sung túc cả tình yêu lẫn tiền bạc.

Nhìn lại suốt chiều dài phát triển, Việt Nam luôn là một dân tộc thiếu thốn cả yêu thương lẫn tiền bạc.

8 -Trương Duy Nhất

Cùng quán tính quân chủ phong kiến cả ngàn năm, Việt Nam, một dân tộc ít sáng tạo, dễ hướng tới duy trì cách tổ chức xã hội theo mô hình độc tài, một quán tính cũ.

Vì vậy Việt nam không tận dụng được những đòn bẩy thời đại trong việc phát triển.

Dân chủ là một bước phát triển mới vượt bậc cả về lượng và chất. Nhìn vào nội lực của dân tộc gồm: nhà cầm quyền (Ba Đình), cơ hội bị bỏ lỡ (Phú Quốc), dân chúng (Cửu Long Giang), Việt kiều (Khúc ruột xa ngàn dặm), và quốc tế (Thành trì của tự do)… những cá nhân tinh hoa  còn thiết tha với dân tộc và thời đại có thể và nên làm gì cho Việt nam? Nhà thơ Nguyễn Tiến Lộc từng than: Hiền tài, như cổ nhân nói chưa đủ. Hiền và tài chỉ đủ tư chất thành tôi kẻ khác mà thôi, phải thêm dũng khí và đảm lược nữa mới làm nên nguyên khí quốc gia.

Vậy cần cải tạo một bộ máy cũ hay xây bộ máy mới?

Nếu bạn muốn chọn cách đập phá bộ máy độc tài đảng trị thối nát hiện hữu, hãy thành lập đảng chính trị mới vì vũ khí chính trị công hiệu nhất mà con người từng phát minh ra vẫn là đảng phái chính trị. Những ai xác định là chống cộng đến giọt máu cuối cùng tôi chúc họ hãy mạnh mẽ, đầy tiềm lực như Putin của nước Nga. Ông nói:“Tha thứ cho khủng bố đó là việc của Thượng đế, nhưng để gửi chúng tới được Thượng đế xin sự tha thứ đó là công việc của tôi”.

Cùng tất cả những cái bệnh hoạn của nó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại như một tổ chức chính trị 90 năm qua. Họ gắn kết được với nhau là vì quyền lợi; và vì lợi ích sống còn của mình đảng cũng đang cần một nền độc tài thông minh. Đó cũng là bước chuyển tiếp cần thiết cho dân tộc tiến tới văn minh hoá, tới một nền dân chủ đích thực.

Đó là con đường Trương Duy Nhất chọn. Anh thấy cánh cửa văn minh hoá cho các dân tộc nhỏ lại đang được mở. Và anh khát khao dân tộc này sớm bước được vào đó.

Trời với anh là non sông này. Anh ngạo nghễ trả giá cuộc đời cho trời đất ấy, như lời nói cuối cùng của anh trước toà:

“Những kẻ vá trời khi lỡ bước 

Gian nan chi kể sự con con!”(5)

 

Ghi chú: 

  1. Bánh vẽ – Chế Lan Viên
  2. Nghị quyết 36
  3. Hồ Chí Minh
  4. Nguyễn Đình Chiểu
  5. Đập đá ở Côn Lôn – Phan Chu Trinh

Toronto March 9/2020
P.N.C.

 Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Trương Duy Nhất. Bookmark the permalink.