Tương Lai
Tai vạ không đến một mình, thường cái vạ này rồi lại tiếp đến vạ khác,”Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh định nghĩa thành ngữ trên như vậy. Cụ Đào còn đưa vào từ điển một thành ngữ khác nữa “hoạ bất đơn thành” và giải thích “hoạ hại thường thường không chỉ một mối mà thôi”. Những sự kiện động trời cứ nối nhau xuất hiện trong nước, ở nước láng giềng Trung Quốc, rồi tại khu vực và khắp các châu lục trên quả đất đã quá chật chội này – chỉ tạm thời trừ Bắc cực – là những minh hoạ sống động cho câu thành ngữ quen thuộc đó.
Sự kiện Đồng Tâm vẫn đang còn diễn biến từng ngày để tiếp tục phơi bày tội ác và sự dối trá lừa mỵ đến độ trơ trẽn của những kẻ “đâm lao phải theo lao” không có điểm dừng. Mà xem ra cũng không biết dừng ở đâu. Một sự hoảng loạn. Tại sao? Vì không tìm ra lối thoát của một thể chế toàn trị phản dân chủ đối diện với sự bừng tỉnh và phẫn nộ của mọi tầng lớp nhân dân. Và cơn đại dịch Covid–19 dường như đồng loã với tai ương chướng hoạ tàn sát dân lành đã đẩy tới những chấn động dữ dội của đời sống xã hội, của tâm trạng người dân.
Hình như có gì đó na ná như lời cảnh báo của học giả Trung Quốc Hứa Chương Nhuận: “Cả hệ thống đã bất lực. Điều còn lại là tâm trạng vô vọng”. Đó là “tình trạng thoái hóa giai đoạn cuối” và “sự vô năng của lú lẫn về tổ chức và bất lực của hệ thống”. Ấy vậy mà họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày! “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật”, trong tôi chập chờn lúc ẩn, lúc hiện bóng dáng của người đã thốt lên nỗi niềm “anh hùng di hận” đó để giãi bày về cái triết lý của lẽ đời đã trải nghiệm, nay truyền lại cho con cháu suy ngẫm để cảnh giác và hành động. Sự lý giải về bi kịch “họa phúc hữu môi phi nhất nhật, anh hùng di hận kỷ thiên niên” có tầm vóc khái quát để chỉ ra một quy luật lịch sử. Chỉ ra quy luật, đặng rọi chiếu vào hiện trạng, làm rõ thêm chiều sâu của sự kiện, giúp nâng tầm tư duy về thế cuộc rối ren, để tìm ra giải pháp.
Càng thấm thía hơn cái triết lý sâu thẳm của lẽ đời! Điều đó giúp làm sáng tỏ nguyên nhân từng gieo mối hận nghìn năm cho người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới ấy. Nguyên nhân ấy là: Nguyễn Trãi đã “nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá! Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị tru di ba họ là ở đó”1. Mà đâu chỉ với triều đại nhà Lê thế kỷ XV!
Từ xa xưa, thảm kịch lịch sử ấy từng được đúc kết để làm rõ quy luật tàn khốc của chính trị “Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết” [Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong]. Mà đâu phải chỉ xa xưa. Lịch sử đương đại thiếu gì bi kịch “điểu tận cung tàng” chim hết thì xếp cung nỏ vào kho. Những công thần chính trực không mấy khi đi trọn đường đời, mà thường nửa đường đứt gánh. Càng trung chính thì càng dễ đứt gãy, càng phải gánh chịu nhiều lời thị phi từ những kẻ mà lòng dạ “khó hiểu như vực sâu”, miệng lưỡi “sắc nhọn hơn chông mác” như Nguyễn Trãi đã từng chiêm nghiệm. Oái oăm thay, sống dai dẳng nhất lại là bọn nịnh thần khéo luồn cúi để được sủng ái, giỏi kéo bè kết cánh, mà ngôn từ hiện đại gọi là “nhóm lợi ích”, trưng những chiêu bài lừa bịp sặc mùi mị dân để thanh toán đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực, hãm hại người ngay, dung túng kẻ gian. Chẳng thế mà Nguyễn Trãi đã mắng thẳng vào mặt chúng “Sở dĩ có tai nạn ấy chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là loại người thích sưu cao thuế nặng để vơ vét của dân cho nhiều”2. Theo cách nói hôm nay là “ăn của dân không chừa một thứ gì”. Ra rả “của dân, do dân, vì dân” nhưng trong thực tế thì dân là người ngoài cuộc với các “chỉ thị nghị quyết”, những “quy trình tuyển chọn, bố trị nhân sự” trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những thế lực vừa câu kết vừa gầm ghè, sớm đầu tối đánh, lựa gió xoay chiều để tìm cách hạ gục đối thủ. Trong cơn lốc của cuộc tranh giành quyền lự đó, “nhân dân” chỉ là những viên gạch lót đường. Hơn nữa, “hoạ hại thường thường không chỉ một mối mà thôi”.
Gợi lại hình ảnh của Nguyễn Trãi với câu đúc kết ở tầm triết lý mang tính quy luật là để có cái nhìn tham chiếu với những gì đang diễn ra trong bối cảnh hiện nay vào buổi nhá nhem, tranh tối tranh sáng đầy nhiễu nhương với câu khái quát của Nguyễn Phú Trọng: “Nhìn tổng quát đất nước có bao giờ được thế này không” để nhận được sự phản bác dứt khoát của cố lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: ”Nhìn tổng quát đất nước có bao giờ bi đát thế này không”?
Quả thật “Mọi sự lừa dối và tin giả dù gian ác hay xảo quyệt đến mức nào, do bất kể quyền lực hay tham vọng nào thực thi, cuối cùng… hệ quả của mọi tội ác và lừa dối sớm muộn sẽ tự chính nó sẽ phơi bày ra sự thật” như Yuval Noah Harari, nhà sử học Israel, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “21 bài học cho thế kỷ 21” đã dẫn giải. Dẫn ra câu nói này vì như tác giả nói: “Tôi muốn xoáy ống kính vào vấn đề “ngay tại đây” và “ngay lúc này”. Rõ ràng là những sự kiện và hiện tượng nối nhau xuất hiện đang cần, rất cần đôi mắt nhạy bén dám nhìn thẳng vào sự thật với bản lĩnh của nhà khoa học chân chính, nhà trí thức dấn thân, dám can trường xua tan đám mây đen của lừa mị, bịp bợm để ánh mặt trời công lý rọi chiếu vào nỗi đau thương của người dân trong thân phận kẻ lót đường. Để rồi “mặt đất rồi sẽ cứng hơn sau những cơn mưa rào”. Tôi muốn chép vào đây câu thành ngữ thấm đẫm chất triết lý ấy của người Nhật.
Tấn thảm kịch của cụ Lê Đình Kình đã thức tỉnh lương tri, lương năng của con người, những người đang im lặng để được an thân trong cuộc mưu sinh, những người nhẫn nhục chịu đựng cuộc sống nhọc nhằn những mong không bị cuốn vào những rắc rối, hăm doạ của bạo quyền với luật rừng, những người muốn an thân đang cặm cụi lo toan cho cái tôi bé mọn, gia đình bé mọn của mình không muốn dây dưa với cả rừng luật mà chẳng may vướng vào đó thì không tìm được lối ra. Và bao thân phận người khác nữa. Thế nhưng, trong “một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả, thì số phận những cá nhân sẽ ra sao”, câu hỏi của nhà văn Nguyễn Khải vẫn đang còn bỏ ngỏ. Đó là một sự thật phũ phàng.
Vì vậy phải “xoáy ống kính vào vấn đề ‘ngay tại đây’ và ‘ngay lúc này’” như cách nhà sử học Yuval Noah Harari đã làm, để tin rằng: “Trong thời đại của tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, lừa dối và tin giả mang những độ lớn với những tốc độ và chiều kích chưa từng có, gây ra những tội ác mới tương ứng chưa từng có, và chính hệ lụy của những tội ác này – cũng với tốc độ và chiều kích chưa từng có – sẽ vạch ra sự thật phũ phàng”. Và chúng ta đang nhìn thấy “sự thật phũ phàng” ấy từ những sự kiện và hiện tượng dồn dập nối nhau xuất hiện trong những ngày qua “ngay tại đây, ngay lúc này”!
Không chỉ là chuyện làm bất an tâm trạng người dân như với câu hỏi về hiện tượng “sấm sét bất thường ở Vũ Hán báo hiệu năm 2020 tai họa ập xuống”: Đêm 14 rạng sáng ngày 15/2, bầu trời Vũ Hán xuất hiện sấm chớp dữ dội. Người dân Vũ Hán chia sẻ trên mạng xã hội rằng, cảnh tượng ngoài đời còn đáng sợ hơn cả trên video. Khi trời đang mưa xuất hiện vài tia sét là chuyện bình thường, nhưng nếu nó xuất hiện dày đặc với nhiều hình dạng và màu sắc thì lại mang điềm không lành. Năm nay ở Trung Quốc, tiết Kinh trập lại đến sớm hơn thường lệ, thêm vào đó sét lại mang kỳ hình dị dạng, lúc màu xanh chạy dài, lúc màu cam với âm thanh long trời lở đất… “Chính nguyệt đả lôi”, tháng Giêng sét đánh. Người ta lại chứng kiến hình ảnh quạ bay đầy trời Hồ Bắc làm mờ hình ảnh “Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” trong bài thơ bất hủ của Lý Bạch3. Không chỉ ở Vũ Hán, nơi ghi dấu ấn của nhà thơ số một của Trung Hoa kia, mà ở Bắc Kinh trong tiết trời lạnh giá lại có hiện tượng muỗi phủ kín một vùng trời, rồi cổng chào hình con rồng lớn đột nhiên đổ xuống đất một cách kỳ quái. Trong văn hóa phương Đông những hiện tượng đó mang điềm báo không lành”4.
Thôi thì cứ cho đó là chuyện “mê tín dị đoan”, nhưng cái đó lại xuất hiện ở Vũ Hán, nơi phát sinh ra ổ dịch khủng khiếp đang lan ra uy hiếp toàn cầu, mà cái đó lại là do chính người Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ trong các trung tâm y tế nghiên cứu sinh học của Mỹ và Canada, sau đó mang về để sử dụng trong các cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học P400 ở Vũ Hán rồi để sổng vi khuẩn Covid-19 được làm ra tại phòng thí nghiệm mà dẫn tới nạn dịch hiện nay như thông tin được đưa ra từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, trong đó có những chuyên gia đến từ Mỹ, Nga đều xác định Covid-19 là từ trong phòng thí nghiệm, thì đâu còn là “mê tín dị đoan”, mà là một “sự thật phũ phàng”! Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp của Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng đúng ngày 14.2.2020, Tập Cận Bình đã nhắc đi nhắc lại phải “thúc đẩy sự ra đời của luật an toàn sinh học càng sớm càng tốt, đẩy nhanh xây dựng hệ thống pháp luật về an toàn sinh học quốc gia” như Tân Hoa Xã đưa tin.
Chẳng phải đó là một sự thật phũ phàng sao? Đúng hơn, đó là tội ác, một tội ác “trời không dung đất không tha” như chúng tôi đã viết trong thư gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc ngày 22.1.2020 về vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình. Mổ bụng thi hài nạn nhân nhằm phi tang chứng cứ là hành động của thời trung cổ. Hình ảnh đó phơi ra trước mắt thế giới, cộng hưởng với hình ảnh những lò thiêu xác hoạt động hết công suất vẫn không sao thiêu hết những thi hài đang chất đống, hệ luỵ trực tiếp của phòng thí nghiệm vũ khí sinh học đặt tại đây. Rõ ràng tội ác càng khủng khiếp hơn khi thành tựu của khoa học và công nghệ thế kỷ XXI được đặt vào tay lũ sát nhân đang nuôi mộng bành trướng của một siêu cường hung đồ. Vì vậy phải trở lại với cảnh báo của nhà sử học Israel khi ông phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo toàn cầu tổ chức tại Trung Quốc ngày 9.7.2017: “Thuật toán có nguy cơ tạo ra nền độc tài số… Điều đó có thể kết thúc rất tồi tệ… Họ đặt nền văn minh nhân loại trước rủi ro, nếu không có giải pháp, chúng ta sẽ gặp vấn đề rất lớn… Chúng ta không bao giờ được đánh gía thấp sự ngu xuẩn của con người”5.
Vậy thì để xảy ra đại dịch Covid-19 với nguyên nhân xuất phát như vừa đưa, có phải là hệ luỵ trực tiếp của “sự ngu xuẩn của con người” không? Tôi e rằng cần phải nói có và không.
Có, vì “cũng đòi học nói, nói không nên, ai về nhắn bảo phường lòi tói, muốn sống đem vôi quét trả đền” như nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng mắng bọn ngu dốt lại cứ muốn học đòi làm người thông thái, tập tễnh viết thơ lên tường nhà chùa. “Phường lòi tói” hiện đại hôm nay là những kẻ đi ăn cắp bí mật công nghệ nhưng do dốt kỹ năng lên loáng quáng làm sổng khỏi phòng thí nghiệm con virut Covid-19 để gây đại hoạ.
Không, vì đây không chỉ là sự ngu xuẩn mà tệ hại hơn còn là sự “mù lòa của chuyên chế” (authoritarian blindness)6. Và, đau đớn thay, sự mù loà của chuyên chế ấy không chỉ có ở Trung Quốc, người “đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN, lý tưởng tưởng thông, vận mệnh tương quan” với thể chế hiện hành! Cái thể chế đã gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm và tiếp đó đang lúng túng và hoảng hốt hứng chịu đại dịch Covid-19 nhập khẩu từ ổ dịch Vũ Hán, quê hương của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” hiện vẫn chưa thoát ra được cái thòng lọng Thành Đô.
Những thảm hoạ cứ nối tiếp nhau xuất hiện trước và sau Tết Canh Tý đã khiến cho câu thành ngữ “hoạ vô đơn chí” ám ảnh tâm trạng xã hội đang thấp thỏm lo âu để rồi hiểu ra được sự “hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật”! Khi đã nhận ra họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày thì những thảm hoạ nối tiếp nhau xuất hiện kia sẽ đánh thức đầu óc con người. Hơn nữa, “hoạ bất đơn thành” hoạ hại thường thường không chỉ một mối mà thôi. Sự thức tỉnh ấy sẽ tạo ra sức mạnh của số đông im lặng để đưa tới những đột phá xoay chuyển hiện trạng.
Vẫn biết rằng, đôi khi sự tỉnh thức có thể chỉ là vô thức nhưng cũng đừng quên một điều, “Con đẻ của vô thức đã dẫn chúng ta đi, tất nhiên, những ảo tưởng ấy là cần thiết” như Gustave le Bon, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Tâm lý học đám đông” đã phân tích7. Và điều đó không nằm ngoài quy luật phát triển của lịch sử. Bởi lẽ:
“Khi Chúa muốn hủy diệt một thứ, Ngài đặt sự hủy diệt vào tay chính thực thể đó. Mọi thể chế xấu xa trên thế giới này đều tự giết mình”. Tác giả của cuốn tiểu thuyết vĩ đại “Những người khốn khổ”, V. Hugo đã từng nghiêm khắc cảnh báo điều đó.
Và những gì đang xảy ra dồn dập khiến tôi tin chắc vào lời cảnh báo đó.
Ngày 29.2.2020
Chú thích
1. Phạm Văn Đồng. Tuyển tập Văn học. NXB Văn học, 1996, tr.416
2. Đại Việt sử ký toàn thư. Kỷ Nhà Lê
3. “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu. Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu. Dịch nghĩa: Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây, Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu. Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút, Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.
4. Theo Epoch Times.
5. và 6. Humans are a post-truth species, Yuval Harari, Guardian, August 5, 2018. Dẫn theo Nguyễn Quang Dy, Covid-19 và những biến số khó lường, http://www.viet-studies.com/kinhte/NQuangDy_CovidKhoLuong.html.
7. Gustave le Bon. “Tâm lý học đám đông”. NXB Tri thức, 2006, tr. 168.
Chú thich ảnh từ trên xuống
1. Lại tiếp tục khám xét uy hiếp gia đình cụ Kình.
2. Chính con virut được TQ tạo r đang tàn phá đất nước họ và gây thảm hoạ cho thế giới.
3. Sấm sét bất thường ở Vũ Hán báo hiệu năm 2020 tai họa ập xuống Vũ Hán và toàn TQ.
4. TQ ăn cắp bí mật công nghệ để chế tạo vũ khí sinh học.
5. Virus viêm phổi Vũ Hán không phải đến từ tự nhiên, mà là một loại virus được tổng hợp.
6. Phải chăng phái Giang Trạch Dân gây nên đại dịch để tấn công Tập Cận Bình?
T.L.
Tác giả gửi BVN