Hình minh họa. Cảnh sát cơ động ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020 và cụ Lê Đình Kinh (hình phải). Courtesy of FB, edited by RFA
Hôm 25/2, một nhóm hơn 10 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền cùng một số cá nhân đã ký tên chung một bức thư gửi đến bà Elisabeth Tichy-Fissslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kêu gọi tổ chức này điều tra những vi phạm nhân quyền trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua.
Theo bức thư, công an đã huy động khoảng 3.000 quân đến Đồng Tâm, giết chết cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, thủ lĩnh của người dân trong vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Công an đồng thời bắt giữ 27 người khác và đến lúc này họ vẫn không được gặp gia đình hay luật sư.
Trước và sau vụ tấn công, công an ngăn chặn những nhà báo độc lập đến đưa tin về Đồng Tâm. Hai ông Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, những người giữ liên lạc thường xuyên với người dân Đồng Tâm bị đe dọa. Những nội dung về Đồng Tâm trên Facebook bị giới chức Việt Nam gây sức ép bắt phải gỡ bỏ.
“Sự tàn bạo của công an ở Đồng Tâm và đàn áp tiếp sau đó cho thấy sự leo thang trong vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam tiếp tục cho thấy họ hoàn toàn không quan tâm đến những công ước quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự”, bức thư viết.
Những người ký tên trong bức thư kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi một đặc phái viên đến điều tra tình hình ở Đồng Tâm; gây sức ép buộc chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho những người bị bắt giữ trái phép; cho phép các nhà báo độc lập và các tổ chức dân sự đến Đồng Tâm để tìm hiểu sự việc.
Theo Bộ Công an, vụ tấn công vào Đồng Tâm xảy ra khi người dân ở đây chống lại việc giao đất quốc phòng cho chính quyền và tấn công lực lượng chức năng. Thông tin chính thức từ Bộ Công an cho biết đã có 22 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ với các cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”.
Cả EU và Hoa Kỳ đều đã lên tiếng về vụ tấn công vào Đồng Tâm và yêu cầu chính phủ phải minh bạch thông tin về vấn đề này.