Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: bàn tay vô hình khuyết tật (Bài 13)

Đoàn Hưng Quốc

Từ thập niên 80, Hoa Kỳ để bàn tay vô hình (the invisible hand) thúc đẩy tính cạnh tranh và luật đào thải của thị trường tự do mà không bị ràng buộc bởi giám sát nhà nước.

Sang thập niên 90, nước Mỹ lại dẫn đầu toàn cầu hóa bằng cách hối thúc hạ thấp hay hủy bỏ hàng rào quan thuế tạo thuận lợi cho mậu dịch quốc tế (international trade), đồng thời kêu gọi mở rộng các cánh cửa tài chánh, tạo thuận lợi cho những nguồn tiền khổng lồ lưu chuyển xuyên quốc gia, nhằm hỗ trợ cho đầu tư và thương mại. Mô hình này được thế giới tán thưởng nên được gọi là Đồng Thuận Washington (Washington Consensus).

Cuộc đại khủng hoảng tài chánh 2007-2008 đã làm lung lay hình ảnh đó.

Những kinh tế gia lỗi lạc nhất không ngờ rằng thị trường tự do đã không tự điều tiết (efficient market theory) để bảo đảm giá cả hợp lý và đào thải một thiểu số tham lợi. Ngược lại, gần như toàn bộ các chuyên viên tài chánh với bằng cấp danh giá từ Harvard, MIT, LSU, … cùng những ngân hàng quốc tế với hàng trăm năm kinh nghiệm đều cùng một lúc tối mặt lao vào các đầu tư đầy rủi ro trong bong bóng địa ốc như tự sát tập thể. Nếu nhà nước không can thiệp mà để mặc cho luật đào thải thì toàn bộ hệ thống ngân hàng Tây phương sẽ sụp đổ, dẫn đến hàng trăm ngàn công ty lớn nhỏ bị đóng cửa, hàng chục triệu người mất công ăn việc làm, và một cuộc Đại Khủng Hoảng ngang bằng năm 1929.

Cuộc đại khủng hoảng tài chánh 2007-2008 còn làm nổi bật khuyết điểm của toàn cầu hóa, tuy mang đến nhiều lợi ích nay lại trở thành gánh nặng vì tính chất dây chuyền trong mậu dịch quốc tế. Nhiều nước đang phát triển chịu vạ lây do thiếu vốn hay không xuất cảng được vào thị trường tiêu thụ khổng lồ của Âu-Mỹ, khiến tâm lý chống Tây Phương bùng phát, nhất là ở Nam Mỹ (xin so sánh tình trạng năm 2008 với dây chuyền sản xuất hiện thời bị gián đoạn do dịch Corona ở Trung Quốc). Các quốc gia thuộc nhóm BRIC (Brazil-Russia-India-China) cho rằng đã đến lúc những nước đang trỗi dậy nắm đầu tàu kinh tế thế giới thay thế sự lụn bại của Âu-Mỹ. Bắc Kinh tung ra một khối kích cầu khổng lồ trị giá trên 500 triệu USD, tuy sau này sinh ra hậu hoạn về tín dụng, nhưng cũng đã làm bàn đạp giúp nền kinh tế Hoa Lục tăng vọt lên hàng thứ 2, trở thành một đối thủ địa chính trị tranh giành vị trí cường quốc hàng đầu với Hoa Kỳ.

Trong khi Trung Quốc lớn mạnh thì cuộc đại khủng hoảng 2007-2008 lại làm nổi bật những bất mãn tiềm tàng trong tầng lớp trung lưu-công nhân ở Mỹ suốt 30 năm thu nhập không hề tăng mà còn lo sợ bị mất việc.

Toàn cầu hóa gây thiệt hại nặng nề cho giới trung lưu Tây phương, trong khi lại mang nhiều lợi lộc cho tầng lớp tinh hoa (elites). Bàn tay vô hình không với đủ dài theo toàn cầu hóa để điều chỉnh tình trạng mất công ăn việc làm và mất cân đối trong cán cân mậu dịch. Căm giận hơn nữa khi giới ưu tú và các ngân hàng suýt làm sụp đổ nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2008 thì lại được nhà nước nâng đỡ không hề bị tù tội, trong lúc dân chúng gánh chịu hậu quả bị mất nhà và mất việc thì… ráng chịu.

Những nguồn tiền khổng lồ di chuyển xuyên quốc gia theo làn sóng tự do hóa tiền tệ (financial liberalization) tuy dẫn đến phát triển, nhưng đồng thời liên tục thổi nên những bong bóng ở Mexico (1994), Đông Á (1997), Nga (1998), Nam Mỹ (2000), Hoa Kỳ (2007-09) và Âu Châu (2010-12). Mặt khác các nước đang phát triển lại theo chính sách kềm hãm tiền tệ (financial repression) nhằm hỗ trợ xuất cảng thu vào những khoảng dự trữ ngoại tệ khổng lồ; số tiền này chảy ngược dòng từ nước nghèo sang cho nước giàu vay mượn dẫn đến tình trạng mất thăng bằng lạ lùng mà không bị cơ chế quốc tế nào thanh tra.

Cho nên bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ thứ 21, nổi lên tiếng kêu đòi mở rộng vai trò của nhà nước để giám sát các bất cập của thị trường tự do, của mậu dịch toàn cầu, của tài chánh quốc tế và của tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Những giải pháp được đưa ra gồm: (1) Mô hình tư bản ở Hoa Kỳ cần tăng cường tính cạnh tranh – Donald Trump; (2) Tư bản được duy trì nhưng phải thay đổi tận gốc rễ – Elizabeth Warren; (3) Loại bỏ tư bản thay vào đó mô hình dân chủ xã hội – Bernie Sander; và (4) Tư bản và toàn cầu hóa hiện đang tốt rồi nên chỉ cần sửa đổi chút ít – Joe Biden và Michael Bloomberg.

Đây là những cách nhìn khác nhau sẽ được phân tích trong các bài sau.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.