Võ Văn Quản
Một nhóm lao động phổ thông Trung Quốc ở Việt Nam. Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times.
Trong hàng loạt những câu hỏi khó của mùa đại dịch coronavirus, có một câu hỏi chắc đã khiến nhiều người thắc mắc, nhưng chưa có thời gian để hỏi: Vì sao lao động Trung Quốc lại xuất hiện tại Việt Nam đông đến thế? Chỉ tính đến thời điểm này (18/2), có hơn 5.000 người Trung Quốc đang được cách ly tại các trung tâm y tế của Việt Nam. Và đấy chỉ mới là con số mà chúng ta có thể kiểm soát được.
Thật vậy, nếu không nhờ vào dịch coronavirus hiện nay, có lẽ công chúng nước ta sẽ ít quan tâm đến thông tin có 91.500 lao động Trung Quốc (đại lục) làm việc hợp pháp tại Việt Nam, theo thống kê chính thức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Song con số chính xác của người lao động Trung Quốc tại Việt Nam, không có giấy phép hoặc có thể dựa trên thị thực du lịch, thì một đại diện chính quyền hồi năm 2014 phải thừa nhận rằng có trời mới biết.
Sẽ có bạn đọc cho rằng người viết “lo bò trắng răng”. Lao động nhập cư (migrant workers, hoặc rõ hơn là lao động nước ngoài – foreign workers) là một hiện tượng rất bình thường trong xã hội hiện đại ngày nay. Nó tạo điều kiện cho các cộng đồng, những nghề nghiệp thiếu nguồn nhân lực có được nguồn nhân lực phù hợp cần thiết để có thể vận hành, sản xuất và tồn tại một cách ổn định bình thường.
Thêm vào đó, lao động nước ngoài ở Việt Nam cũng bao gồm nhiều quốc tịch, không riêng gì Trung Quốc. Cũng theo một thống kê khác vào năm 2017, có đến 15 ngàn lao động Hàn Quốc, 10 ngàn lao động Đài Loan và 7 ngàn lao động Nhật Bản đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Vậy lao động Trung Quốc đơn giản là dẫn đầu bảng lao động nhập cư tại Việt Nam mà thôi.
Người viết thừa nhận tự thân khái niệm lao động nhập cư không phải là sai trái, và người viết cũng không có kỳ vọng kêu gọi bài trừ lao động Trung Quốc ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các nước trên thế giới đang tiếp nhận của nhau hơn 164 triệu người kiếm sống xa quê hương, và hàng trăm ngàn trong số đó là công dân, lao động phổ thông người Việt Nam. Chống lao động nhập cư chẳng khác gì tự bắn vào chân mình cả.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hiện tượng người lao động Trung Quốc tại Việt Nam lại không có những khúc mắc cần lo ngại, và những nghịch lý đáng ngờ.
Dòng dịch chuyển lao động ngược
Điều trước tiên cần phải bàn đến là xu hướng dịch chuyển của lao động nhập cư.
Theo lẽ thường, lao động nhập cư sẽ có xu hướng di chuyển từ quốc gia đang phát triển, có thu nhập thấp, đến những quốc gia phát triển với thu nhập và chế độ đãi ngộ cao hơn. Điều này đã được được chứng minh qua nhiều nghiên cứu, mà một trong số đó là nghiên cứu thường niên phối hợp thực hiện giữa hai tổ chức – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và ILO – cho biết có hơn 70% lao động nhập cư tập trung tại những quốc gia phát triển có thu nhập tốt như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, hay thậm chí là Saudi Arabia.
Điều này không phủ định xu hướng ngược lại, tức những lao động từ các gia phát triển đi đến các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm 30% của tổng số lao động nhập cư. Một phần vì ít có lý do để những lực lượng lao động ở các quốc gia phát triển phải tìm cơ hội việc làm tại những quốc gia kém phát triển hơn, một phần vì các quốc gia đang phát triển sẽ có cơ chế bảo vệ việc làm cho lực lượng lao động đông đảo của mình.
Nếu xét theo mối tương quan về năng lực kinh tế và nhu cầu lao động giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể thấy những chỉ dấu trùng khớp với lý thuyết. Trung Quốc là nền kinh tế lớn mạnh hơn, có nhiều nhà máy, xí nghiệp hơn, được mệnh danh là “công xưởng” của thế giới. Không chỉ vậy, thu nhập trung bình của người Trung Quốc hiện cũng đã cao gấp ba lao động Việt Nam, bất chấp việc họ có đến hơn một tỷ người. Nói ngắn gọn, là họ có rất nhiều tiền và vốn, cũng như rất nhiều việc làm.
Việt Nam, ngược lại, dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất đáng ngưỡng mộ, song các ngành sản xuất vẫn còn rất chật vật, với nguồn thu ngoại hối trước nay chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Vậy nên, chiều thuận giữa di cư lao động giữa Việt Nam và Trung Quốc đúng ra phải là người Việt Nam sang Trung Quốc làm việc.
Song “lẽ thường” này lại không xảy ra.
Theo một thống kê khác của ILO dành cho thị trường lao động Việt Nam, đã được kiểm chứng phù hợp với những số liệu mà chính phủ Việt Nam đưa ra, lao động Việt Nam được xuất khẩu đông nhất là sang Đài Loan (khác với Trung Quốc đại lục), với hơn 200.000 lao động. Tại Nhật, chúng ta cũng có đến hơn 100.000 lao động đang sinh sống và làm việc (cũng có số liệu cho là đã có hơn 300.000, với 75% trong số đó là sinh viên và thực tập sinh, số còn lại là công nhân hợp đồng). Hai nhà tuyển dụng kế tiếp là Hàn Quốc và Saudi Arabia. Tuyệt nhiên không thấy các số liệu về lao động Việt Nam tại Trung Quốc được nhắc đến, có lẽ bởi số lượng không đáng kể của mẫu.
Điều này dường như khiến cho người Việt Nam đang làm ăn lỗ vốn trong môi trường tự do di cư lao động với Trung Quốc. Khi mà số lượng lao động chính thức của họ (chưa nói đến lao động bất hợp pháp) đã và vẫn đang dẫn đầu số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam, người lao động Việt Nam không hưởng chút lợi gì từ việc nằm sát bên cạnh anh chàng khổng lồ có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mở thị trường lao động phổ thông cho… người Trung Quốc
Nghịch lý thứ hai là về cơ chế tuyển dụng và trình độ nguồn nhân lực.
Như đã nói sơ lược ở trên, các quốc gia đang phát triển luôn có cách thức để bảo hộ lực lượng lao động trong nước, điển hình là nâng cao tiêu chuẩn cấp giấy phép lao động cho nhân lực có quốc tịch nước ngoài. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Theo pháp luật lao động Việt Nam, chỉ có lao động có tay nghề cao như kỹ sư, có chức danh quản lý, giám đốc điều hành, là người đại diện nguồn vốn, chủ đầu tư… mới được cấp phép lao động ổn định và lâu dài.
Quy định mang tính “bảo hộ” như thế này có nhiều lợi ích cốt lõi cho sự phát triển nhân lực quốc gia.
Một là chúng đảm bảo các khoản đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại về lợi ích về thuế, mà còn mang lại lợi ích về lương bổng, công ăn việc làm cho người Việt Nam.
Hai là chúng giúp các khoản đầu từ nước ngoài đồng thời sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tầng lớp lao động; kỹ năng làm việc, kỹ năng quản trị, know-how của tầng lớp quản lý… từ đó tạo ra một thế hệ lao động – quản lý lành nghề ở nhiều phương diện, xây dựng được một nền tảng vững chắc cho hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh tự thân của người dân Việt Nam sau này.
Không có những sức bật quan trọng này, sẽ rất khó cho Việt Nam có được một nền kinh tế tự lực tự cường, tập trung vào công nghiệp sản xuất và do người Việt Nam kiểm soát.
Từng tham gia vào nhiều hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, bạn đọc có thể tin tưởng người viết ở điểm rằng kể cả nhiều giám đốc kỹ thuật cao, giám đốc công nghệ thông tin người Mỹ, với bằng cấp “ngoại hạng” và kinh nghiệm làm việc dày dặn tại nhiều quốc gia, cũng phải chật vật hàng tháng trời mới có hy vọng xin được giấy phép làm việc tại Việt Nam; dù nhiều vị chỉ được luân chuyển công tác trong một hoặc vài năm. Nhưng có điều lạ là dường như sự xuất hiện của lao động Trung Quốc tại Việt Nam lại rất dễ dàng. Nếu đến các xí nghiệp Trung Quốc tại Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh… bạn có thể chứng kiến rất nhiều người Trung Quốc làm những công việc hết sức phổ thông từ công nhân xây dựng đến công nhân xưởng, thợ máy, phu xe công trường.
Gọi là phát hiện, nhưng nó cũng không phải mới mẻ gì. Ngay từ đầu thập niên 2010, giáo sư người Úc Carlyle A. Thayer đã cảnh báo về việc lao động Trung Quốc xuất hiện tràn ngập trong thị trường lao động Việt Nam. Hoặc là việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy tờ để người Trung Quốc vào làm việc dưới tư cách là kỹ sư, công nhân lành nghề không được kiểm tra, quản lý một cách sát sao; hoặc là người Trung Quốc đang làm việc chui tại Việt Nam dưới thị thực du lịch.
Đằng nào đi chăng nữa, điều này lại một lần nữa cho thấy con số người Trung Quốc đại lục làm việc phổ thông tại Việt Nam rõ ràng không nhỏ, những công việc đáng lẽ có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người địa phương cũng như đào tạo họ thành những người thợ lành nghề, từ đó mang đến các lợi ích mà chúng ta vừa liệt kê.
Mà không chỉ vậy, cách thức giới thiệu lao động theo mô hình dự án do phía Trung Quốc làm chủ thầu thì lại càng kỳ lạ. Theo đó, trong thời hạn tối đa hai tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 lao động trở lên mà phía Việt Nam không giới thiệu hoặc cung ứng lao động cho nhà thầu thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài. Vậy nên chủ thầu Trung Quốc cứ việc đưa ra những yêu cầu cực cao nhưng lương cực thấp để ta không thể giới thiệu đủ cho họ là được.
Ví dụ trong trường hợp của Nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà thầu GEDI Trung Quốc đòi hỏi lao động Việt Nam là kỹ sư kỹ thuật cao, tiếng Anh lưu loát, lại thêm hai – ba năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng mức lương đề xuất thì chỉ có 12 – 13 triệu đồng/tháng. Khi chúng ta không giới thiệu được, mèo lại hoàn mèo, và lao động từ Trung Quốc sang thì lại không đạt chuẩn gì họ yêu cầu ở lao động Việt Nam cả, trong khi cơ quan quản lý lao động thì không thể can thiệp.
Đấy là chưa kể con số người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam thật sự luôn luôn ở tình trạng không chính xác. Tại Nha Trang, vốn đa phần chỉ cung cấp các hoạt động thương mại dịch vụ cho ngành du lịch chứ không phải sản xuất, tình trạng người Trung Quốc làm chui cũng chưa có cơ quan nào giải quyết được một cách triệt để. Cá biệt có những hộ kinh doanh (theo quy định phải dưới 10 lao động mới được xem là hộ kinh doanh) có tới 77 lao động là người Trung Quốc sang. Thử tượng tượng nếu đó là một doanh nghiệp hay một công ty không bị giới hạn về hình thức và số lượng tuyển dụng? Nhiều nơi các làng Trung Quốc mới được lập nên và cạnh tranh làm ăn, mua bán lẻ với cả người địa phương. Riêng trong những dự án “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như Vũng Áng, dự kiến sẽ có đến 10.000 lao động Trung Quốc làm việc chỉ tại đây, và con số hiện tại thì đã lên hai, ba ngàn người.
***
Sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương, sẽ không quá khó để bạn đọc nghe giọng người Trung Quốc đại lục văng vẳng ở một số quán cafe, các trung tâm thương mại như Aeon, Vincom hay Gigamall… Và đây là dấu hiệu sơ khởi nhất của một tương lai tràn ngập lao động Trung Quốc tại Việt Nam. Như đã khẳng định ở trên, người viết không kỳ vọng kích động tâm lý bài Trung vô căn cứ, nhưng nói về mặt thể chế, an ninh, văn hóa của Việt Nam và lợi ích của các khoản đầu tư Trung Quốc, có lẽ đã đến lúc chúng ta tự hỏi điều gì đang xảy ra ở đất nước này và vì sao những vấn đề nhân lực tréo ngoe như thế lại tiếp tục được chấp thuận tồn tại.
V.V.Q.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/02/cong-nhan-vn-sang-nhat-dai-kiem-song-con-cong-nhan-tq-sang-vn/