Vũ Ngọc Yên
Vào ngày 12.02.2020 Nghị viện Âu châu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Theo kết quả biểu quyết, EP đã thông qua EVIPA với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Trong khi đó, EVFTA được thông qua với tỷ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Như vậy sau nhiều năm thương thảo, rà soát pháp lý và giải quyết nhiều phát sinh liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn, Hiệp định EVFTA đã được đa số Nghị sĩ Âu châu chấp thuận.
Qua các cuộc đối thoại Nhân quyền giữa đại diện EU và chính quyền CSVN, tin tức và tài liệu của các tổ chức xã hội dân sự Việt nam về tình trạng tù nhân chính trị, thảm trạng 39 người Việt bị chết cóng trong thùng xe tại Essex vào ngày 23.10.2019 trên đường tìm việc làm ở Anh quốc, cũng như thảm sát Đồng Tâm-Hà nội vào ngày 09.01.2020, Nghị viện Châu Âu hầu như đã được thông tin và nắm vững về thực trạng chính trị và Nhân quyền ở VN.
Trong cuộc biểu quyết, 192 Nghị sĩ đã bỏ phiếu chống phê chuẩn Hiệp định vì những tiêu chuẩn bảo vệ quyền lao động, nhân quyền và môi sinh dưới chế độ độc tài, độc đảng ở Việt Nam chưa được đáp ứng. Ngoài ra còn có 40 phiếu trắng của những nghị sĩ còn nghi ngờ những cam kết của CSVN. Tuy nhiên Hiệp định EVFTA cuối cùng đã được thông qua.
Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua EVFTA trong phiên họp sắp tới vào tháng 5.2020. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng sau khi hai bên Việt Nam và EU có thông báo chính thức về việc đã hoàn thành các quy trình pháp lý. EVFTA được Ủy ban châu Âu mô tả là thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi vì những lý do gì mà EU laị phê chuẩn một Hiệp đinh quan trọng như vậy với một chế độ CS?
1. Lợi ích kinh tế và thương mại
Trước hết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hai bên EU và Việt Nam cùng có lợi với việc dẹp bỏ 99% hàng rào thuế quan. Hiệp định cũng cắt giảm thủ tục hành chính và làm giảm bớt gánh nặng hành chính, một yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển.
EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (từ 1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).
Ủy ban châu Âu nhận định Việt Nam có một nền kinh tế phát triển nhanh và cạnh tranh. Đến năm 2035, Ủy ban châu Âu tính toán thỏa thuận thương mại tự do này dự kiến có khả năng nâng kim ngạch xuất khẩu của EU thêm 15 tỷ Euro/năm.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, EVFTA sẽ góp phần giúp Tổng sản lượng nội điạ (GDP) của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% trong giai đoạn đến năm 2023, 4,57– 5,3 % trong bốn năm tiếp theo và 7,07 – 7,72% trong 2029 – 2033. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, dự kiến tăng thêm gần 43% vào năm 2025 và khoảng 44% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.
2. Tầm quan trọng về địa chính trị
Tại Âu châu, những tác động của cuộc chiến thương mại và quyết định của Anh rời khỏi Liên Minh Âu châu (Brexit) đã kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của các nước trong Liên Minh Âu châu (EU). Nhưng hơn hết nó đang làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh trên thế giới.
EU đánh giá Á châu, đặc biệt Đông Nam Á (ĐNA) là khu vực đang phát triển và là trọng tâm của một chiến lược mới hướng về Á châu, nên EU muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua quan hệ thương mại và quốc phòng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động và căng thẳng gia tăng trên mặt trận thương mại… EVFTA / EVIPA có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để đạt tới mục đích là hiệp định thương mại với khối ASEAN. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước đầu tiên trên đường tiến đến mục đích dài hạn của EU. Việc phê chuẩn EVFTA / EVIPA chính là bước quan trọng đầu tiên này.
Ngoài ra, EU hiện đang gặp khó khăn tìm đồng thuận giữa các quốc gia thành viên EU cho những vấn đề: biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhập cư, thành lập quân đội riêng cho EU tránh lệ thuộc Minh ước NATO, xây dựng đường lối kinh tế, ngoại giao độc lập để tránh áp lực của các cuộc xung đột giữa Mỹ, Nga và Trung cộng.
Chiến lược của EU trong giai đoạn 2019 – 2024 cũng đã nêu rõ một số điểm liên hệ đến Á châu mà EU sẽ tập trung theo đuổi:
(1) Xây dựng nền quốc phòng của EU đủ sức tự bảo vệ mình, trong đó nỗ lực đầu tiên là xúc tiến triển khai Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027.
(2) EU sẽ triển khai cố vấn quân sự tại nhiều phái đoàn ngoại giao của liên minh này ở châu Á để thực hiện mối liên kết hơn nữa về các vấn đề an ninh của châu Âu và châu Á theo chiến lược kết nối Âu-Á, bước đầu sẽ triển khai phái đoàn cố vấn quân sự bên cạnh ASEAN ở Jakarta –Indonesia.
3 . Ràng buộc CSVN vào việc thi hành các quyền dân sự chính trị và nhân quyền
Giai đoạn đàm phán hiệp định đã kích hoạt những cải cách quan trọng ở Việt Nam. Những cải tiến chính sách, bao gồm phê chuẩn các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như xây dựng lộ trình thực hiện cải cách Bộ luật Lao động, đã được công nhận trên toàn cảnh chính trị ở châu Âu.
Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) trong hiệp định EVFTA đã dành được nhiều chú ý. Chương này bao gồm các quy định về:
– Biến đổi khí hậu
Các Bên cam kết sẽ thực thi, hợp tác nhằm đạt được các mục đích liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định trong một số hiệp định quốc tế về môi trường gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Paris. Các Bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng gồm: (i) xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon, (ii) thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, (iii) tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.
– Lao động
Cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn.
– Minh bạch hóa
Các Bên phải công khai, minh bạch các vấn đề gồm: quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư; đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên biển; và đảm bảo sử dụng các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế một cách thích hợp trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU phát biểu: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia”. “Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo tiếng nói của EU có sức mạnh hơn trước”.
Với hiệp định EVFTA, EU sẽ đáp ứng nhu cầu về động lực và chất xúc tác cho cải cách và thay đổi ở Việt Nam cũng như tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với nhân quyền ở Việt Nam.
4. Sáng kiến chuyển hoá Việt Nam
Trong nhiều thập niên qua chúng ta cổ súy đường lối chống đối, bất hợp tác và cô lập chế độ cộng sản. Đường lối này không mang lại thành công nhiều như chúng ta mong muốn. Nay tình hình trong bối cảnh hợp tác quốc tế (Hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA) đang mở ra những triển vọng đưa đất nước vào con đường phát triển và dân chủ hoá. Nó đòi hỏi đường lối mới, phương cách mới linh hoạt hơn.
Đề nghị một Sáng kiến chuyển hoá (SKCH) thông qua can dự dưới các dạng:
– Thành lập các tổ chức văn hoá, công đoàn và kinh tế.
– Tham gia bầu cử cũng như tự ứng cử trong các cuộc bầu cử làng, xã, huyện, quân, tỉnh thành.
– Vận động, thông tin và liên hệ với các cơ quan ngoại giao, truyền thông của các quốc gia thành viên trong Liên minh EU.
– Lập cơ sở tư vấn pháp luật, giám sát việc thi hành Hiệp định thương mại.
SKCH không đi ngược lại mục tiêu đấu tranh của đường lối trước đây trong công cuộc giải thể chế độ độc tài, độc đảng. Đường lối mới chỉ đề ra những phương cách mới thích ứng hoàn cảnh hiện tại và tương lai của đất nước.
SKCH sẽ hiện thực vận hội dân chủ cho đất nước vì tiến trình phát triển và dân chủ hoá do chính chúng ta tham gia chủ động. Với SKCH, Xã hội dân sự (XHDS) sẽ là đối tác quan trọng song song với đối tác quốc tế và chinh quyền CS. Sự hợp tác quốc tế nhằm giúp Việt nam phát triển kinh tế. Trước đây không có sự tham gia của XHDS đã dẫn đến hậu quả tiêu cực là đất nước có đổi mới mà chế độ độc tài vẫn ngự trị. Nay XHDS nhập cuộc, tình hình sẽ thay đổi.
Nói tóm lại, tham gia vào đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị sẽ giúp XHDS có cơ hội hợp tác quốc tế và liên kết với nhiều thành phần cấp tiến trong và ngoài đảng CS trong các dự án ích quốc, lợi dân. Cũng thông qua tham gia, XHDS có nhiều chứng cớ xác thực để thông tri cho thế giới hiểu thêm về các tệ trạng tham nhũng, môi sinh, nhân quyền và dân quyền. Có tham gia , XHDS mới có quyền biểu lộ công khai và chính đáng trong các chiến dịch phản kháng chính quyền (biểu tình, đình công, bãi khoá…) như trong trường hợp Hồng Kông.
V.N.Y.
Tác giả gửi BVN
.