Trần Kiên
Khi đề cập đến hình thái xã hội thời phong kiến, các quan điểm sử học – chính trị hiện tại của nhà nước Việt Nam luôn phân thành tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị.
Đấu tranh là áp bức?
Khi đề cập đến hình thái xã hội thời phong kiến, các quan điểm sử học – chính trị hiện tại của nhà nước Việt Nam luôn phân thành tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị.
Về mặt chính trị, nhằm xác hợp đấu tranh giai cấp trong lòng xã hội, các trích dẫn về vấn đề này luôn dẫn K.Marx.
“Theo C.Mác, trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị chiếm đoạt lao động của các giai cấp và tầng lớp bị trị. Các giai cấp, tầng lớp bị trị không những bị chiếm đoạt kết quả lao động mà họ còn bị áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần.” [1]
Và với F.Anghen, quan điểm thường được dẫn đến hiện tượng:“một khi đã nắm được chính quyền sẽ củng cố địa vị của nó trên lưng các giai cấp lao động và biến việc quản lý xã hội thành việc bóc lột quần chúng.”
Tiếp đến, trong lập luận về đấu tranh giai cấp tại Việt Nam, PGS.TS. Lê Thị Thanh Hà (Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định:“Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng xã hội Việt Nam hiện nay không còn sự khác biệt giai cấp, không còn mâu thuẫn giai cấp, không còn đấu tranh giai cấp.”
Áp bức và Việt Nam?
Dẫn giải ba quan điểm trên để thấy rằng, hệ thống giai cấp tại Việt Nam vẫn đang tồn tại, chí ít đó là sự tồn tại của giai cấp thống trị, lực lượng dùng việc quản lý xã hội để chiếm đoạt và áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần.
Chừng nào Việt Nam vẫn còn đề cập đến pháp quyền, chừng nào các công ước nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết còn hiệu lực áp dụng, thì chừng đó quá trình ‘đấu tranh’ vẫn sẽ còn tồn tại.
Quá trình đấu tranh đó cốt lõi là loại bỏ hoàn toàn não trạng bị trị đến mức nô lệ trong lớp người xã hội, đưa xã hội trở về trạng thái hiện đại, chống lại sự đảo ngược để về thời kỳ chiếm hữu nô lệ (với hai tầng lớp chủ nô và nô lệ).
Quá trình này cực kỳ khó khăn, bởi vốn dĩ, tầng lớp thống trị với ‘bạo lực, cướp bóc, mánh khóe và lừa bịp’ để hình thành một nếp nhăn xã hội, một não trạng mà quyền lực nhà nước là tuyệt đối đúng, hành vi nhà nước là ban phát ân huệ, và trách nhiệm người dân là cúi đầu tạ ơn.
Những người vứt bỏ tư cách công dân (hiện đại) để trở về thần dân (nô lệ) không phải là hiếm trong xã hội Việt Nam.
Việt Nam và Nô lệ?
Facebooker Thanh Mai (cô Mai) trong chia sẻ gần đây đã dẫn một bình luận từ fanpage Chính trị Việt Nam. Trang này đăng tải hình ảnh cảnh sát cơ động và nhóm y tế, kèm theo bình luận: họ lên đường giúp nhân dân Vĩnh phúc mùa corona. Những “nhà dân chủ”, “trí thức”, những “hội khóc cây” khóc chim”, “anh hùng bàn phím” đâu sao chưa thấy đến?!
Não trạng để gõ ra bình luận nêu trên không chỉ thể hiện sự dốt nát mà còn đặc sệt cơ chế nô lệ.
Đó là lý do, Facebooker Thanh Mai ngay lập tức bị bình luận đáp trả.
“Tiến lên nước công nghiệp được hơn 2 tháng rồi mà anh chị vẫn cứ nhầm lẫn nặng nề. Ở đây làm gì có khái niệm “giúp“, đây là nhiệm vụ đơn vị giao, là công việc do tổ chức phân bổ, đi có lương có trợ cấp có khen thưởng có kỷ luật, có tính thành tích để có thể lên sao lên vạch thêm chức thêm tước…Đi làm lĩnh lương kêu là “giúp“ là sao???
Nói lại là tất tần tật những hoạt động có bóng dáng của các tổ chức nhà nước có sử dụng tiền thuế của dân đi phục vụ nhân dân thì không có từ “GIÚP“ gì ở đây cả, đó là công việc của người/tổ chức hưởng tiền thuế đi phục vụ người/tổ chức đóng tiền thuế.
Nhưng câu chuyện không dừng tại đó, quan điểm của Fanpage Chính trị Việt Nam còn thiếu thông tin tới mức không biết rằng, không ít người hoạt động nhân quyền mà fanpage này mỉa mai là “nhà dân chủ” đã tiếp cận vùng dịch và hỗ trợ khẩu trang.
Theo Facebooker Lê Hoàng, anh và nhiều người khác đã “vội vã, hối hả gom các khẩu trang (500 cái) do Thanh Hieu Bui gửi từ Đức về rồi đem lên xã Sơn Lôi.”
Facebooker Thanh Hieu Bui cũng cam kết:“nếu chính quyền thôn Ngọc Bảo đề nghị giúp đỡ bà con nhân dân vùng dịch, mình sẽ gửi theo đường xách tay nhanh nhất về 200 chai xịt khuẩn và 2000 khẩu trang y tế.”
Facebooker này trước đó cũng kết hợp với các nhà hoạt động nhân quyền tiến hành phát khẩu trang miễn phí ngay trong lòng Hà Nội.
Nô lệ và Nhà nước
Não trạng nô lệ, coi nghĩa vụ và trách nhiệm nhà nước là sự ban ơn mưa móc. Từ đó “đá đểu” hoặc “khủng bố” những ai chất vấn, đòi hỏi nhà nước phải có tinh thần trách nhiệm hơn trong đối phó với thiên tai, địch hoạ. Nhóm người nô lệ này coi Nhà nước không còn là đại diện quyền lực nhân dân, mà coi đó là tổ chức thống trị nhân dân dưới hình thức quản lý xã hội. Và trong con mắt của họ, nhà nước không bao giờ sai, nếu sai là do nhân dân phản động.
Những đầu óc cuồng tín và nô lệ như thế còn rất nhiều trong xã hội Việt Nam. Và chính chúng là sự ngăn trở cật lực đối với sự phát triển của quốc gia.
Bởi, “Nếu có bọn đương quyền và chí sĩ sốt sắng cải cách song bị phần đông người ta còn quá ngu si thủ cựu, tự họ không muốn khôn, muốn mạnh hay là họ tưởng mình đã khôn lắm mạnh lắm rồi, như vậy thì việc quốc gia lợi ích khó lòng trông mong thi thố thành tựu gì được.”
Do đó, đấu tranh giai cấp chính xác là đấu tranh giáo hoá dân chúng, tẩy xoá tâm thức nô lệ, để “dân tâm dân khí có biết hăm hở tấn hóa tự cường mới được”.
Và con đường giáo hoá mà Chí sĩ Phan Châu Trinh thực hiện đầu thế kỷ XX cần phải được đặt ra, nghiêm túc thực hiện trong giai đoạn này. Đây là câu lời giải đáp xoá bỏ “áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần”. Bằng không, quốc gia sẽ tiếp tục lao vào quỹ đạo nô lệ trong tương lai, với chuỗi bạo lực, u mù. Lúc đó, quốc gia đừng trông mong gì về phát triển, hưng thịnh, quốc cường.
Chú thích
[1] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/…/ly-luan-cua-c-mac-ve-…
[2] Nhật Bản Duy Tân 30 năm, Đào Trinh Nhất, 1936.
T.K.
VNTB gửi BVN