(Thư gởi anh Lê Công Định)
Trần Lương
Lá thư dưới đây vốn đã được đăng trên trang Đàn chim Việt, nhưng có lẽ tác giả gửi gắm trong đó nhiều điều tâm huyết nên lại gửi đến BVN một lần thứ hai. Sau khi cân nhắc, chúng tôi xin vui lòng đăng lên để bạn đọc trong nước cùng LS Lê Công Định tham khảo, nếu có thể thì có sự phản hồi, bởi vì theo chúng tôi đây là một vấn đề thời sự rất đáng được trao đổi một cách bình tĩnh và thật thấu đáo để rộng đường dư luận.
Cũng vì quan niệm như vậy nên trong mấy lời mở đầu này, trước tiên, chúng tôi xin nêu lại một số nhận xét trực diện về lá thư của TS Nguyễn Quang A đã đăng trên Facebook của ông mà chúng tôi cố tóm lược và diễn đạt lại cho ngắn gọn và sáng rõ hơn. TS Nguyễn Quang A cho rằng tác giả Trần Lương đã có phần "ngộ nhận" khi nói LS Lê Công Định "vui mừng và hy vọng" vào EVFTA vì Hiệp ước này sẽ “Buộc VN phải thành lập các công đoàn độc lập; buộc VN phải tôn trọng nhân quyền; buộc VN phải cải cách hệ thống pháp lý”, trong khi nhìn vào chữ nghĩa của Lê Công Định, cách nói của LS Định là chừng mực chứ không quyết đoán và cụ thể hóa đến như trên: "EVFTA buộc nhà nước Việt Nam phải thừa nhận quyền thành lập các công đoàn độc lập của người lao động, nhờ đó họ không còn là công cụ của đảng cầm quyền nhân danh "đội quân tiên phong của giai cấp vô sản". Giai cấp vô sản thực sự ở Việt Nam rồi đây sẽ có tổ chức đại diện đúng nghĩa cho quyền lợi của mình, chứ không phải công đoàn giả hiệu của nhà nước". Nói cách khác, theo TS Nguyễn Quang A, EVFTA đúng là buộc chính quyền VN phải CÔNG NHẬN quyền… của người dân thật đấy, nhưng EVFTA không buộc được chính quyền VN phải trao cho dân một cách đương nhiên những quyền ấy. Các thứ quyền này dân Việt "còn phải đấu tranh chán chê thì mới có". Và nếu ai nghĩ rằng đó là những quyền đương nhiên dân VN được hưởng hẳn "sẽ sớm thất vọng", bởi "không tự mình giành lấy quyền ấy thì chẳng bao giờ ‘sung rụng vào miệng’, cho dù EU có rung cây hay tạo gió đi nữa".
Về phần chúng tôi, thiển nghĩ, đây là một vấn đề mà trong hoàn cảnh tréo ngoe về nhiều mặt giữa tổ chức cầm quyền và đảng thống trị với đông dảo dân chúng bị trị như hiện tại, người VN sẽ có sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm giữa 2 phe ủng hộ và phản đối là không có gì đáng lạ. Chỉ có thời gian và thực tế mới chứng minh được phe nào đúng, hoặc cả hai phe vừa đúng vừa sai. Giống như khi Mỹ dỡ lệnh cấm vận cách đây vài thập niên thì Việt Nam vừa có bước tiến lại vừa có bước lùi. Trong khi hàng hóa và công nghệ từ các nước văn minh ồ ạt nhập vào, tiền vay ưu đãi từ ngân hàng của các nước văn minh cũng đổ vào khiến mặt bằng chung của kinh tế đất nước có sự chuyển biến, một bộ phận lớn người dân thành thị giàu có lên, tầng lớp doanh nhân xuất hiện với mọi phương pháp và thủ đoạn làm giàu, thì môi trường cũng bị bức tử, văn hoá xuống cấp nghiêm trọng và các nhóm lợi ích hình thành, khuấy đảo nhung nhúc đằng sau mọi hoạt động của bộ máy, mức độ tham nhũng trong tầng lớp quan chức ngày càng trở nên kinh hoàng, nợ công tăng chóng mặt. Thử nghĩ, giữa hai mặt được và mất, ta có nên vì cái mặt mất mà khước từ dỡ bỏ cấm vận hay không, nghĩa là trở lại thúc thủ trong nghèo đói và dốt nát lạc hậu hay không, hay là chủ động đón thời cơ, tiếp nhận giao thương quốc tế, để đến nay đã có rất nhiều con em được đi ra ngoài học hỏi cái hay mang về trong nước, làm cho trí tuệ tuổi trẻ được nâng cao hơn trước rất nhiều, và dù kẻ cầm quyền có độc tài đến mấy thì một xã hội dân sự tự nó cũng đã từng bước hình thành, bộ máy công an làm gì cũng không đàn áp nổi? Cân nhắc mọi lẽ, chúng tôi nghiêng về cái mặt được mà không quá bi quan với mặt mất.
Cũng vậy, việc ký kết EVFTA là một xu hướng hội nhập không thế tránh khỏi cho một đất nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng với dân số trẻ như Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được những thuận lợi cũng như đối phó với những thách thức mà cơ hội mang lại từ EVFTA, thì chỉ có Chính phủ và người dân VN mới là những chủ thể có ý nghĩa quyết định. Chính phủ thì ai cũng đã biết là nó độc tài, vì nó gắn chặt với quyền lợi của một đảng độc tài và suy thoái. Nghĩa là những hiện thực được tác giả Trần Lương phơi bày trong lá thư nói chung đều xác đáng. Nhưng còn nhân dân nữa chứ. Chẳng lẽ vì một thể chế độc tài bao nhiêu lâu nay đã kìm hãm người dân trong vòng tăm tối, tước mất đi của dân những quyền cơ bản mà dân các nước văn minh từ lâu đã được hưởng, mà nay ta đành quyết tình “be bờ đặp đập” ngăn chặn bằng được cái xu thế hội nhập tất yếu mà hai Hiệp ước vừa được EU thông qua rõ ràng là những “chiếc cầu dẫn”, sẽ dẫn dắt nhân dân cả nước đi đến với những cơ hội để thử thách vận may nhằm thay đổi số phận của mình?
Và ngay cả với thể chế thì ngẫm cho cùng, cũng có điều tương tự. Khi chúng ta làm cái việc “be bờ đắp đập” ngăn chặn con đường nó đến với Hiệp định EVFTA, tức là đẩy thể chế đến thế cùng, chẳng lẽ ta không hiểu rằng “tức nước vỡ bờ” là một quy luật, nó lại không thể liều lĩnh ngả hẳn vào vòng tay đàn anh độc tài của nó – một đế chế độc tài gớm ghiếc nhưng đang ở thế cực mạnh vì nhiều tiền lắm của – để càng đưa dân tộc đến gần sát với nguy cơ có thể rơi xuống vực thẳm lúc nào không biết và không tài nào cưỡng lại, hay sao? Bấy giờ ta sẽ tính thì có phải là quá muộn không?
Không có bữa trưa nào là miễn phí. Chẳng có ông EU hay Mỹ nào làm thay ta được cả. Đắm chìm trong bi quan để rồi không được cái gì hết, thậm chí mất sạch sanh, hay lạc quan để xốc tới, chúng tôi nghĩ, tự nó trong câu hỏi, một đáp án khả thi cũng đã bày sẵn.
Bauxite Việt Nam
Tôi là bạn đọc của anh, quý anh, cho phép tôi được được chia sẻ đôi điều khi đọc xong bài “EVFTA – Niềm hy vọng” của anh. Anh vui mừng vì Âu Châu vừa phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Niềm hy vọng của anh dựa vào những lập luận:
-
Buộc VN phải thành lập các công đoàn độc lập, buộc VN phải tôn trọng nhân quyền, buộc VN phải cải cách hệ thống pháp lý;
-
Việt Nam bớt lệ thuộc vào Trung Quốc;
-
Khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển.
Xin tranh cãi với anh vào ba điểm trên.
Thưa anh! Từ ngày Hồ Chí Minh khai sinh ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, VN đã đồng ý ký vào bao nhiêu hiệp định, nghị định, nghị quyết, công ước, công hàm. Đã có khi nào CS VN tôn trọng lời cam kết với thế giới chưa? Xin anh vài thí dụ.
CSVN là bậc thầy của trò “nói một đằng làm một nẻo”. Hiến pháp tự họ viết ra: nào là tôn trọng nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do biểu tình… Nghe rất oách, chẳng khác gì Hiến pháp của các quốc gia văn minh. Thế nhưng anh Định đã được hít thở chút khí “tự do” nào chưa? Anh là người hiểu hơn ai hết việc này. Bởi vì, anh vừa là luật sư tầm cỡ, vừa là nạn nhân tầm vóc.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương Nhân quyền, Hiệp định Geneve, Hiệp định Paris, công ước này, nghị định kia, CSVN ký ào ào. Để được hưởng lợi tội gì mà không kí. Nhưng thực hiện nó hay không lại là một cuộc chơi rất khác.
Đã là cộng sản làm gì có chuyện tôn trọng lời cam kết, lời hứa, hay sự liêm sỉ. Từ khi phôi thai họ đã được huấn luyện: “ỉa lên pháp luật, đái vào Hiến pháp”. Bộ luật tự họ viết ra, họ cũng không thực hiện, thế thì làm gì có chuyện họ thực hiện những điều luật bị áp đặt mà đặc biệt những điều luật không có lợi cho họ.
Hãy nghe Đại tá, đảng viên, Nhà văn Nguyễn Khải thốt lời trăng trối: “Người cộng sản nói dối lem lẻm, nói dối lì lợm, nói dối không biết xấu hổ, nói dối không hề run sợ!” Anh hy vọng gì ở đám nói dối lem lẻm, lì lợm này?
Anh Định vui mừng vì sẽ có “công đoàn độc lập.”
Thưa anh! Ông Trọng là Giáo sư Tiến sỹ Xây dựng và Tổ chức Đảng học ở Nga về. Ông Lê Nin ở nước Nga bảo: “Phải dùng thủ đoạn chính trị để tước đoạt lấy quyền lợi chính trị”. Lê Nin lập chính quyền bằng thủ đoạn. Bác Hồ học Lê Nin. Các cháu theo chân Bác: Thành lập các tổ chức bằng súng đạn + thủ đoạn.
Trình độ thành lập các tổ chức bù nhìn thì CSVN là bậc thầy. Hẳn anh biết số phận của Đảng Xã hội VN, Đảng Dân chủ VN, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Miền Nam VN, Chính phủ Cách mạng Lâm thời… Tổ chức nào Đảng cho sống được sống, Đảng bảo chết là chết. Không một tổ chức nào mà không có bàn tay lông lá của Đảng.
Phật giáo chưa bao giờ tranh chấp quyền lực với Đảng, nhưng Đảng không tha. Đảng đã tuyên giáo hóa nền Phật giáo VN thành Phật giáo quốc doanh. Giới tu hành đội nón giải phóng tai bèo, đi dép Bác Hồ, hát vang “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Hòa thượng là những an ninh, công an, nhắm rượu mạnh với tiết canh, ăn thịt chó, khống chế Phật tử, vơ vét tiền bạc, gieo rắc dị đoan.
Gài đảng viên, dư luận viên, công an, an ninh vừa thao túng, vừa hù dọa, vừa mua chuộc cho hưởng bổng lộc. “Công đoàn độc lập” cũng trở thành món đồ trang sức che gió che mưa cho Đảng.
Mấy ông bà dân biểu Âu Mỹ có mở miệng, Đảng la: “Không được can thiệp vào công việc nội bộ”. Cùng đường thì Đảng cãi cùn, lươn lẹo, lách luật, nghi binh, đánh lừa, hay vờ đột quỵ giữ im lặng. Vậy, anh hy vọng gì ở “Công đoàn độc lập” tương lai này?
Anh bảo: “để Việt Nam bớt lệ thuộc vào Trung Quốc”.
CSVN là bậc thầy của trò đu dây: hai, ba, hay bốn dây đu ráo. Nhật, Nga, Hoa, Mỹ, Ấn, Âu đu hết. Càng đu, càng ve vãn, càng đú đởn, càng có tính chính danh, càng giữ được quyền lực, tội gì mà không đu.
Trung Quốc có tệ vậy chứ tệ nữa, họ vẫn lệ thuộc. Bởi vì TQ là cường quốc duy nhất họ có thể dựa dẫm, che chắn cho CSVN nắm giữ quyền lực.
CSVN hiểu rõ TQ chơi ván bài cực kỳ đểu với họ trên vấn đề Campuchia. Đặng dạy cho VN bài học 1979. Trung Cộng gài bẫy. Việt Cộng sập bẫy, bị toàn thế giới lên án và cô lập. VN đói khát và khánh kiệt, trong một thời gian dài, thế mà CSVN có bỏ được Trung Cộng đâu. Nguyễn Văn Linh – Lê Đức Anh phải đập đầu khấn vái ở Thành Đô xin được bang giao.
Trung Quốc chiếm đảo, xâm phạm lãnh hải, sách nhiễu công ty nước ngoài đến khai thác dầu khí trong lãnh hải VN. Trung Quốc chơi đểu VN đến mức không thể đểu hơn. Thế nhưng CSVN không những lệ thuộc mà còn ràng buộc sâu nặng hơn.
Đảng CSVN sẵn sàng làm mất lòng, trái ý, thậm chí giết dân Việt, nhưng họ không làm phật lòng, trái ý TQ.
CSVN coi nền an ninh quốc gia không quan trọng bằng việc nắm giữ quyền lực. Hay nói cách khác CSVN đánh đổi quyền lợi quốc gia cho việc nắm giữ quyền lực. Đây cũng là ý định của TQ. Vậy, có thứ gì quan trọng hơn quyền lực để CSVN bớt lệ thuộc TQ.
Điều cuối cùng anh hy vọng “doanh nghiệp trở thành đối trọng quyền lực với đảng cầm quyền.”
Anh đã thấy ông/bà đại gia, doanh nghiệp VN nào ló mặt giúp đỡ, lên tiếng, bênh vực, che chở những nhà bất đồng chính kiến hay tù nhân lương tâm chưa?
Mục đích của những “Soái Nga”, Soái Đông Âu”, “Hạt giống Đỏ” là: vơ vét, mua bất động sản ở nước ngoài, gởi con du học, ăn chơi, hưởng lạc, đến mức cầu tiêu cũng phải bọc vàng, tự đúc tượng vàng để thờ, v.v. Đó chỉ là lũ ô trọc không hơn không kém. Anh hy vọng gì ở đám này.
TQ và cả CSVN cùng hệ số: Càng mở cửa càng trở thành quái vật, càng giàu có càng trở nên hợm hĩnh kiêu ngạo.
Từ thời Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, chưa có ai dám làm những việc như Nguyễn Phú Trọng đã làm.
Phú Trọng – Tô Lâm độc ác đến mức dùng cả trung đoàn cảnh sát để giết một ông già 84 tuổi, bắn bể sọ, đạn xuyên qua tim, vỡ đầu gối, mổ phanh thây vào bốn giờ sáng tại nhà riêng, ngay trước Tết.
Đã có lãnh đạo CSVN nào dám làm như vậy? Nhưng Phú Trọng – Tô Lâm dám. Bởi vì, Phú Trọng – Tô Lâm có chút đô la, nên kiêu căng, coi thường công lý, chà đạp lên luân thường đạo đức.
Phú Trọng – Tô Lâm hợm hĩnh ngang ngược đến mức đưa an ninh đến giữa thủ đô Đức, bắc cóc công dân, thách đố cả Châu Âu, ỉa vào lãnh thổ Đức, đái vào không gian Schengen, phun nước miếng vào nền tư pháp Âu Châu. Ai làm gì được Phú Trọng – Tô Lâm?
Thế giới đóng cửa với Việt Nam, thì CSVN là con quái vật nghèo hèn, và ngu dốt.
Thế giới mở cửa với Việt Nam, thì CSVN là quái vật giàu có, độc, ác, hợm hĩnh, ngông cuồng, và nguy hiểm.
Hai con quái vật trên, anh Định chọn con nào?
Viết vội đôi dòng gởi anh Định, mong đọc bài của anh. Có gì sai sót mong anh lượng thứ.
Hà Nội, 14 tháng Hai 2020
Trần Lương
Tác gỉả gửi BVN