Một vụ án vi phạm pháp luật trắng trợn (*)

Ngô Thị Hồng Lâm

Toà soạn BVN có nhận được lá thư của bà Ngô Thị Hồng Lâm, trình bày những bức xúc về việc một chiến sĩ quân đội có tên Nguyễn Văn Đống đã bị một số cơ quan truyền thông công an xuyên tạc, vu khống trắng trợn, và bị kết tội oan sai, nên bà viết thư cho báo Công an Nhân dân để mong sáng tỏ vụ việc. Bà cũng gửi thư đó tới BVN mong được đăng lên để có thêm tiếng nói công luận lên tiếng bênh vực.

Dưới đây là toàn bộ lá thư của bà Hồng Lâm gửi báo Công an Nhân dân, xin kính trình bạn đọc.

Bauxite Việt Nam

(*) Tiêu đề do BVN đặt

 

Kính gửi: Ban Biên tập Báo Công an Nhân dân.

Lâu nay tôi đã không đọc báo Công an Nhân dân nên không nắm được kịp thời bài báo này của tờ báo Công an Nhân dân viết về ông Nguyễn Văn Đống. Có một độc giả gửi đến cho tôi bài báo này:  http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Boc-tran-su-that-video-clip-Thieu-ta-Bo-doi-Bien-phong-keu-bi-Cong-an-bat-oan-sai-cua-Le-Dung-Vova-530689/ được đăng từ ngày 24/01/2019, nay đã 1 năm.

Bài báo này của tác giả Hồng Phú cũng mang nội dung tương tự bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn, gian dối đến tận cùng về sự thật nhân thân của ông Nguyễn Văn Đống trong quá trình tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, như bài báo được đăng trước đây “Vải thưa không che được mắt thánh” trên báo Đồng Nai điện tử tháng 6/2018.

http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201806/vai-thua-khong-che-duoc-mat-thanh-2900271/index.htm

Bài này đã bị ông Nguyễn Văn Đống phản đối kịch liệt và có đơn khiếu nại gửi lên Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ này đã có văn bản số: 469/STTTT-T, ngày 25/3/2019 căn cứ vào Điều 43 của Luật Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Báo Đồng Nai nghiêm túc thực hiện xem xét giải quyết đơn của ông Đống và có báo cáo về Sở TT&TT (hết trích)

Tuy nhiên, ông Tổng Biên tập toà báo này luôn lẩn trốn trách nhiệm. Mỗi lần ông Nguyễn Văn Đống là người bị hại của tờ báo này đến khiếu nại tại toà soạn. Và tôi là một độc giả đã phản hồi bài báo: “Vải thưa không che được mắt thánh” với bài: “Muốn nói gian hãy làm báo Đồng Naihttps://boxitvn.online/bai/61340. Nhưng tờ báo này đã không dám đăng tải bài của tôi nhằm đáp ứng thông tin hai chiều với bạn đọc.

Xin tóm tắt lại án oan của ông Đống, bị ông Tạ Dư – điều tra viên CATX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã nguỵ tạo ra hồ sơ vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” như sau:

1- Lý lịch trích ngang của ông Nguyễn Văn Đống

  • Ông Nguyễn Văn Đống sinh ngày 14/01/1960, quê quán: thôn Trại Quan Nha, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
  • Năm 1978, ông Nguyễn Văn Đống nhập ngũ tham gia chiến đấu chống quân XLTQ ngày 17/2/1979 tại Bảo Thắng, Lào Cai (mới);
  • Năm 1983 đi học Trường Sĩ quan Chỉ huy Sơn Tây;
  • Tháng 1/1988, được điều động ra Trường Sa, phối hợp với Lữ đoàn 675 (Bộ TLPB) và Lữ đoàn 146 (HQVN) tham gia trận đánh bảo vệ đảo Ru Bi, Vành Khăn, Chữ Thập – Gạc Ma;
  • 1994 ra quân về quê Nam Hà;
  • 1997 ông Đống cùng vợ con chuyển vào sống tại địa chỉ số nhà 87 Hàm Nghi, tổ 16A, ấp Ruộng Hời, xã Bảo Vinh, TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

2- Nội dung vụ việc

Ngày 9/11/2011 Thủ tướng ban hành QĐ 62, nội dung xét đề nghị hưởng chế độ chính sách cho các đối tượng đã tham gia quân đội ở chiến trường K + C + Biên giới và hải đảo, nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách lần nào cùng BHYT hàng năm. Quyết định này được ban hành trên toàn quốc.

Do tình hình các cựu quân nhân ở các địa phương xuất ngũ đã lâu ngày, phần lớn các cựa chiến binh (CCB) đều không còn giữ được quyết định phục viên xuất ngũ để làm thủ tục khai hưởng chế độ của Nghị định 142/2008 và Quyết định 62/2011. Nay, người thì đau yếu do tuổi già, người là lao động chính trong gia đình, nên không tự đi đến đơn vị quân đội cũ để xin cấp lại quyết định xuất ngũ.

19 CCB Đồng Nai đã uỷ quyền dân sự và cung cấp thông tin cá nhân cho ông Trần Cẩm là Hội viên Hội Cựu Chiến binh phường Xuân Trung, TX Long Khánh (vừa là đồng hương với ông Đống) đem đến thông tin của 19 cá nhân, cùng mẫu quyết định đã in sẵn (chưa có dấu) nhờ ông Đống chữ đẹp hơn viết giùm trong quyết định, để ông Trần Cẩm mang đi đến từng đơn vị quân đội của họ trên toàn quốc để xin cấp lại quyết định ra quân của họ đã bị thất lạc.

Bản thân CCB Đống và vợ là CCB Đinh Thị Hân cũng đã bị thất lạc hết quyết định xuất ngũ. Tình cờ biết ông Trần Cẩm có khả năng đi xin cấp lại các giấy tờ, ông Đống đã uỷ quyền dân sự cho ông Trần Cẩm thay mình đi đến đơn vị quân đội cũ xin cấp lại 3 quyết định (vì ông Đống không thể tự đi trong lúc vợ của ông đang bị tai biến nằm liệt tại chỗ).

  1. Quyết định phục viên của đại uý Nguyễn Văn Đống do chủ nhiệm Hán Vĩnh Tưởng (thiếu tướng kí và đóng dấu);

  2. Quyết định thăng quân hàm từ đại uý lên thiếu tá do Thiếu tướng Nguyễn Nam Hồng kí và đóng dấu và đăng kí quân dự bị Hạng I của Bộ Quốc phòng;

  3.   Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy tại Sơn Tây 1983-1986.

(Xin được nói rõ bản gốc của những Quyết định này năm 2013 đã được ông Đống xuất trình để sao y tại UBND xã Bảo Quang, Sau đó do sơ xuất nên bị thất lạc).

Ngày 20/1/2015 ông Nguyễn Văn Đống nhận được một cuộc điện thoại từ số 0918350292 của trung tá Tạ Dư, điều tra viên của CA điều tra TX Long Khánh gọi lên cơ quan CSĐT làm việc.

Ông Đống đến thì ông Tạ Dư đưa ra 6 tờ quyết định có chữ viết của ông Đống (đã đóng dấu đỏ cùng chữ ký của các thủ trưởng đơn vị quân đội trên toàn quốc) và nói:

“Ông là người làm giả những giấy tờ này, chúng tôi thu được từ ông Trần Cẩm. Ông Trần Cẩm khai với cơ quan CSĐT chính ông là người làm ra những giấy tờ này nên chúng tôi được lệnh của thủ trưởng do Thượng tá Lê Hồng Hải kí lệnh bắt với ông Nguyễn Đình Đống để điều tra vụ việc”.

Họ đã còng tay đưa ông Nguyễn Văn Đống lên xe về nhà đọc lệnh xét nhà do ông Võ Tuấn Vũ, Phó Viện trưởng VKS TX Long Khánh kí và đóng dấu.

Cuộc khám xét nhà ông Nguyễn Văn Đống do cơ quan CSĐT TX Long Khánh thực hiện, đã không phát hiện có những tang chứng, vật chứng về công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” như: dao gọt, con dấu hay những phôi giấy, máy in, máy ảnh…

Tại cuộc khám xét này, họ đã tịch thu những giấy tờ mà ông Đống đã uỷ quyền dân sự cho ông Trần Cẩm đi thay đến đơn vị quân đội cũ của ông Đống xin cấp lại. Riêng Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang (bản công chứng) treo trong nhà không liên quan đến ông Trần Cẩm họ cũng thu luôn.

3- Nhận xét khách quan:

Tại bài viết có những chi tiết mà khách quan tôi yêu cầu tác giả Hồng Phú phải chứng minh bằng chứng:

  1. “Nguyễn Văn Đống sinh ra và lớn lên tại thôn Quan Nha, xã Yên bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với tên gọi Nguyễn Đình Đống, sinh 1959” (hết trích)

Ông Đống cho biết từ khi cha mẹ đẻ cho đến hiện bây giờ ông chưa bao giờ mang tên Nguyễn Đình Đống, kể cả khai trong lý lịch đảng cũng chỉ có một tên Nguyễn Văn Đống. Vậy xin tác giả Hồng Phú đưa bằng chứng nào tài liệu nào chứng minh ông: Nguyễn Văn Đống và Nguyễn Đình Đống là một người ???

Hình trên là lý lý lịch đảng của ông Nguyễn Văn Đống, cũng chỉ có một tên là Nguyễn Văn Đống có xác nhận của địa phương.

“clip của Lê Dũng Vova là đại uý, sĩ quan và đã từng tham gia chiến đấu ở Trường Sa là bịa đặt, không đúng sự thật, qua cung cấp của Cục Bảo vệ An ninh Quân đội khẳng định” (hết trích)

Xin tác giả Hồng Phú chứng minh cho độc giả biết văn bản nào của Cục Bảo vệ An ninh Quân đội đã trả lời cụ thể, khẳng định ông Nguyễn Văn Đống giả mạo quân hàm đại uý? Và đã từng tham gia chiến đấu ở Trường Sa là bịa đặt, không đúng sự thật?

Hình dưới đây là Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh của ông Nguyễn Văn Đống được sao y từ bản gốc (được cấp khi tốt nghiệp) tại UBND xã Bảo Quang năm 2013 với  Chứng minh sĩ quan (mặt trước) Trường sĩ quan Pháo binh cấp cho sĩ quan Nguyễn Văn Đống: cấp uý, Số hiệu: 86060915, ngày 26/4/1986, Nhóm máu: O, mặt sau có 2 dấu vân tay và ngày sinh: 14/01/1960. Quê quán: Yên Bắc, Huyện Duy Tiên. Tỉnh Hà Nam Ninh và tên cha: Nguyễn Văn Quyến, (địa chỉ như trên), để khi cần báo tin.

Sau đó bản chính bị thất lạc.

Đây là CMND của ông Nguyễn Văn Quyến có ghi tên là cha đẻ của ông Nguyễn Văn Đống trong chứng minh sĩ quan, trùng khớp với mặt sau của CMSQ là bằng chứng chứng minh ông Đống đã có mặt trong quân đội nhân dân Việt Nam.

“Đống nhập ngũ vào d88/e274/f377/Quân chủng Phòng không (nay là Quân chủng Phòng không – Không quân) và đóng quân tại tỉnh Lào Cai, đến tháng 4-1982 xuất ngũ, về quê sinh sống, khi đó là Binh nhất, chiến sĩ.” (Hết trích)

Đề nghị tác giả Hồng Phú chứng minh: Bằng chứng nào của đơn vị quân đội quản lý quân nhân Nguyễn Văn Đống trả lời tháng 4/1982: ông Đống xuất ngũ về quê sinh sống và khi đó là Binh nhất, chiến sĩ?

Vậy kể từ ngày ông Nguyễn Văn Đống nhập ngũ 5/1978 đến 4/1982 thì ông Đống làm gì hay đi chơi nên khi ra quân không lên nổi được một bậc?

Cần nói rõ thêm về: công văn số 13 /TM-QL ngày 26/4/2016 (do Tham mưu trưởng Trần Mạnh Đô kí và đóng dấu) của Sư đoàn 377 quân chủng PKKQ, mang bút lục 1034 đã trả lời:

         “Ông Nguyễn Văn Đống sinh 1959. Cấp bậc: binh nhất. Chức vụ: chiến sĩ.

           Nhập ngũ: 5/1978.

          Đơn vị: tiểu đoàn 88, Trung Đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không.

          Ngày vào đoàn: 06/1976. Dân tộc; Kinh.

          Tôn giáo: không. Văn hoá: 7

          Quê quán Thôn Quan Nha, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ninh.

       ( kèm theo danh sách đăng kí trích ngang của Trung đoàn 274)

Về hồ sơ đăng kí xuất ngũ: Do đơn vị thuyên chuyển nhiều nơi, công tác quản lý hồ sơ thời gian trước đây chưa được bảo quản cẩn thận cho nên bị mối ăn hỏng hiện nay đơn vị không xác định được ông Nguyễn Văn Đống xuất ngũ vào năm nào, số quyết định và ngày tháng năm xuất ngũ”. (hết trích)

Hình photo dưới đây là Công văn số 13/TM-QL ngày 20/4/2016 do Phó Tham mưu, Đại tá Trần Mạnh Đô kí và đóng dấu trả lời cơ quan CSĐT Long Khánh, không có đoạn nào khẳng định ông Nguyễn Văn Đống xuất ngũ về địa phương 4/1982 với hàm binh nhất?

Vậy tác giả Hồng Phú đã trích dẫn từ công văn số bao nhiêu? Ngày tháng năm nào? của Cục bảo vệ An ninh Quân đội trả lời ngày tháng ông Nguyễn Văn Đống ra quân với cấp bậc binh nhất? đề nghị công khai cho độc giả biết công văn ấy?

Công văn số 13 /TM-QL ngày 26/4/2016 (do Tham mưu trưởng Trần Mạnh Đô kí và đóng dấu) của sư đoàn 377 quân chủng PKKQ mang bút lục 1034  này đã không được hội đồng xét xử đưa vào trong quá trình xét xử, thủ tiêu chứng cứ, vật chứng. Nhưng tác giả Hồng Phú lại sử dụng trong bài viết của mình một cách lập lờ đánh lừa người đọc. Đây là một xảo thuật bất nhân, bất nghĩa của tác giả Hồng Phú nhằm bôi nhọ danh dự của CCB Nguyễn Văn Đống.

Trong quá trình điều tra xét hỏi chúng tôi nhận thấy có những hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng của điều tra viên Tạ Dư cùng các cơ quan tham gia tố tụng như:

Được biết vụ việc của Ông Nguyễn Văn Đống không thuộc thẩm quyền điều tra và truy tố và xét xử của công an nhân dân (Điều 163-BL TTHS/2015) nên việc áp dụng biện pháp bắt và tạm giam ông Đống của cơ quan CSĐT TX Long Khánh để điều tra là không đúng thẩm quyền và cố ý làm trái pháp luật theo Điều 113 BL TTHS/2015. Hơn nữa việc bắt và giam ông Đống là tùy tiện vì đã không có lệnh phê chuẩn bắt và tạm giam người của VKS nhân dân cùng cấp.

Trong quá trình điều tra ông Đống chỉ được nghe về lời khai của ông Trần Cẩm và các bên liên quan, do điều tra viên Tạ Dư đưa ra một chiều, nhằm ép cung ông Đống nhận tội theo kịch bản dựng sẵn để nguỵ tạo ra một vụ án!

Bác bỏ đi lời đề nghị liên tục của ông Đống được đối chất với ông Trần Cẩm và các bên liên quan, nhằm xác định rõ trách nhiệm hình sự thuộc về bên nào? Điều tra viên Tạ Dư đã không tuân thủ quy trình “đối chất” bắt buộc trong điều tra xét hỏi (thời gian này ông Trần Cẩm đang còn sống) vi phạm thủ tục tố tụng Điều 189 BL TTHS 2015 – đối chất. Ông Đống bị bắt ngày 20/1/2015 và ông Trần Cẩm chết ngày 26/2/2015.

Bà Nguyễn Thị Huệ (bạn gái của ông Trần Cẩm) chết ngày 5/7/2016. Trước khi chết cơ quan CSĐT TX Long Khánh đã triệu tập lên công an 4 lần. Cuống giấy triệu tập bà Nguyễn Thị Huệ do ông Lê Hồng Hải kí còn trong hồ sơ của vụ án.

Ấy thế nhưng lời khai của ông Trần Cẩm và bà Nguyễn Thị Huệ lại không có trong số bút lục của hồ sơ.???  Nhưng điều tra viên Tạ Dư lại đem những lời khai của 2 người đã chết (khi họ còn sống đã không được đối chất) để buộc tội chắc nịch cho ông Đống là người phạm tội.

Xét thấy:

Nếu lấy lời khai đơn phưong của ông Trần Cẩm và bà Huệ về ông Đống, rồi lấy đó làm căn cứ để quy kết tội cho ông Đống là người phạm tội, thì đây là xảo thuật vi phạm đạo đức nghề nghiệp cực kì nghiêm trọng của ông Tạ Dư để chụp mũ, vu khống tận cùng của tội ác của ông Tạ Dư với ông Đống -  Một chiến sĩ đã có công với đất nước trong những trận đánh bảo vệ biên giới và bảo vệ đảo Gạc Ma!

Về luật tố tụng hình sự:

Lời khai của các đương sự chỉ có giá trị trước toà và được toà thừa nhận mới có giá trị pháp lý để kết tội với ông Đống. Xin nhớ rằng các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén đã từng phải nhận tội từ mồm các ông ấy để chịu án tử hình và cũng chính toà đã phải xin lỗi các “bị cáo” ấy tại địa phương và nhận những chiếc dép bay tới tấp với sự phẫn nộ vào mặt quý vị.

Cơ quan CSĐT đã cho giám định khoa học hình sự chữ viết, con dấu, phôi giấy và vân tay của người kí và đóng dấu là của ai? ngày tháng năm đóng dấu là của ai? thì kết quả chỉ trả lời được phần chữ viết trên giấy là của ông Đống mà thôi.

Không dựa trên kết quả giám định khoa học hình sự về con dấu, phôi giấy, vân tay của người kí để lại trên giấy là của ai? cũng như những vật chứng quả tang để thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, xin hỏi điều tra viên Tạ Dư đã dựa trên chứng cứ khoa học nào để buộc tội ông Đống chính là chủ mưu cầm đầu đường dây “làm giả tài liệu của các cơ quan tổ chức”???

Việc viết giùm cho nhau trên giấy tờ là chuyện hết sức bình thường mà pháp luật không cấm.

Tại bản “kết luận điều tra” cho rằng: tất cả các giấy tờ của ông Đống đều là giả? Tuy nhiên cơ quan điều tra và các cơ quan tham gia tố tụng đã không đưa ra được tài liệu “thật” để đối chiếu và so sánh mà suy luận có tính quy chụp?

Tại bút lục 106 có trong hồ sơ là một bì thư chuyển phát nhanh EMS (bên trong không có giấy tờ nào khác.

-Tên của người gửi: Trần Huy Du,

    100 Long Bình Tân, Biên Hoà, Đồng Nai.

     (Trên bì thư có ghi số điện thoại nhưng đã bị xoá đi).

– Tên của người nhận: Trần Cẩm.

                                    Khu phố 2, P Xuân trung, TX Long Khánh,Đồng Nai.

                                    ĐT 0128679574.

                                    Dấu bưu điện Long Khánh ngày 7/7/2014.

Xin hỏi:

  • Tại sao cơ quan CSĐT và các cơ quan tham gia tố tụng không cho triệu tập ông Trần Huy Du điều tra để làm rõ Trần Huy Du là ai? Chiếc phong thư EMS mang bút lục 106 gửi cho ông Trần Cẩm bên trong là nội dung gì? Số điện thoại của người gửi đã bị xoá – Ai xoá? Đây chính là hành vi cố tình bỏ lọt tội phạm.

  • Những bút lục quan trọng này trong quá trình điều tra ban đầu đã được điều tra viên Tạ Dư cố tình không đưa vào kết luận điều tra bỏ lọt chứng cứ, bỏ lọt tội phạm hay đã bị thủ tiêu?

  • Nếu ông Đống là kẻ chủ mưu “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” thì tại sao khám nhà lại không có những vật chứng để làm giả giấy tờ? Trong khi bì thư EMS có bút lục 106 thì ông Trần Huy Du lại không gửi cho ông Đống mà lại gửi cho ông Trần Cẩm?

  • Nếu những quyết định của những người có tên gửi trong bì thư EMS gửi ông Trần Cẩm, thì ông Trần Cẩm chính là đầu mối của đường dây làm ra những giấy tờ này, phù hợp với việc “ông Trần Cẩm và bà Nguyễn Thị Huệ chết đúng quy trình” để bịt đầu mối, và cố tình làm sai lệch hồ sơ ngay từ khâu điều tra ban đầu, bỏ lọt chứng cứ, bỏ lọt tội phạm thì đây chính là hành vi ép cung của điều tra viên Tạ Dư với ông Đống.

  • Phần lớn các chứng cứ quan trọng này đã không có trong hồ sơ điều tra từ ban đầu, để đưa vào kết luận điều tra. Ấy vậy mà các cơ quan tham gia tố tụng: là VKS 2 cấp và toà án 2 cấp của tỉnh Đồng Nai phải có trách nhiệm phát hiện những sai phạm tày đình này trong hồ sơ điều tra để trả lại hồ sơ điều tra làm rõ.

Nhưng những cơ quan này đã phớt lờ vẫn nhân danh nước CHXHCN VN tuyên án hùng hồn, bao che, bảo kê cho những sai phạm từ khâu điều tra mà ông Tạ Dư đã cố tình bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt chứng cứ trong giai đoạn tố tụng điều tra ban đầu. Cố tình làm sai lệch vụ án dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Văn Đống!

Phải chăng những thủ đoạn khuất tất này của ông Tạ Dư cùng những người tham gia tố tụng muốn làm vừa lòng “thiên triều”, để lên sao lên gạch một cách thiếu đạo đức, trả thù người đã tham gia trong các trận đánh quân TQXL để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam?

Tại bài viết này chúng tôi xin gửi kèm theo những giấy tờ của ông Đống còn giữ được, không bị thất lạc để chứng minh thời gian ông Nguyễn Văn Đống đã cống hiến tuổi trẻ của mình tham gia quân đội nhân dân Việt Nam đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương xét công trạng của ông Đống với đất nứớc tặng Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang năm 2004, điều  mà tác giả Hồng Phú không thể chối cãi và phủ nhận.

Toà soạn báo CAND nói gì với nội dung khen thưởng của Huân chương này khi đăng bài vu khống, bôi nhọ một quân nhân đã từng 2 lần tham gia đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược

Sự bê bối này đã xẩy ra trong thời kì những người lãnh đạo tỉnh Đồng Nai:

  1. Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai.

  2. Ông Hồ Văn Năm, Viện trưởng VKS tỉnh Đồng Nai.

  3. Ông Huỳnh Tiến mạnh Giám đốc CA tỉnh Đồng Nai.

Và một số vị khác nữa đã bị Trung ương Đảng kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, buông lỏng quản lý. Không ai khác chính ông Huỳnh Tiến Mạnh – Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, là người phải chịu trách nhiệm với những hậu quả mà thuộc cấp của ông ta tự tung tự tác gây ra tội ác cho dân lành, trong đó có ông Nguyễn Văn Đống là người có công với đất nước qua những trận đánh trả quân TQXL bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam.

Với những chứng cứ đã nêu, ông Nguyễn Văn Đống đang khiếu nại tới cùng 2 bản án oan sai của 2 cấp toà cùng 2 cấp VKS tỉnh Đồng Nai. Sự việc đến nay chưa có phán quyết cuối cùng của Toà án Nhân dân Tối cao. Chúng tôi đề nghị quý báo CAND huỷ bài báo của tác giả Hồng Phú hoàn toàn sai sự thật về ông Đống, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và sự công bằng về quyền công dân của ông Nguyễn Văn Đống trước pháp luật nếu như quý báo không muốn tiếp tục đánh mất độc giả của mình

Trân trọng!

Vũng Tàu, ngày 12/2/2020

Ngô Thị Hồng Lâm

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Báo chí quốc doanh, công an. Bookmark the permalink.