(Tamnhin.net) – Liên tiếp các vụ cháy rừng xẩy ra, hàng trăm ha rừng thông có độ tuổi từ 30 – 35 năm đã bị “giặc lửa” biến thành tro bụi. Tuy nhiên, nguyên nhân của hàng chục vụ cháy này vẫn nhưng được “che” bởi một màn sương bí ẩn…
Hệ lụy từ nạn cháy rừng
Những rừng thông bị cháy trong thời gian qua ở Hà Tĩnh có độ tuổi từ 30 – 35 năm, chủ yếu đang trong thời kỳ khai thác nhựa.
Để có được những rừng thông như vây phải mất hàng chục năm chăm sóc, vun trồng, bảo vệ. Tuy nhiên chỉ cần một ngọn lửa vào mùa nắng nóng thì chỉ sau ít giờ đồng hồ là khu rừng ấy đã trở thành tro bụi.
Trước đây, ngồi trên xe dọc theo Quốc lộ 8A cảnh tượng đập vào mắt du khách là những cánh rừng thông xanh ngút ngàn còn bây giờ thì những cánh rừng ấy lại được thay bằng những “hòn than” đỏ hỏn.
Theo quan sát và tìm hiểu từ thực tế, chúng tôi nhận thấy diện tích rừng thông trên địa bàn của các huyện này còn rất ít. Những nơi vẫn giữ được vẻ nguyên sinh là những nơi rừng thông được trồng ở khu vực núi đá có độ mùn ít, thực bì mỏng, còn lại hầu như đã bị “giặc lửa” ghé thăm.
Ông Nguyễn Đa Tiến, một người dân ở sát rừng thông thuộc xã Đức Liên (Vũ Quang) cho biết: “Phía sau hồi nhà tôi lúc đầu là một dãy rừng thông xanh ngát, nhưng năm trước đây đã bị cháy hết rồi”.
“Việc các rừng thông bị cháy không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các chủ rừng, làm thay đổi cảnh quan môi trường mà nguy hại hơn là làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, nước khe, suối – nguồn nước sinh hoạt chính của người dân vùng núi”, ông Tiến than thở.
Còn ông Phạm Trọng Cầu, một người của xã Sơn Trà (Hương sơn) nói: “Trước đây nước khe Chàng Ba dù có hạn hán đến mấy cũng không cạn được, nhưng kể từ khi rừng ở đây bị cháy nước khe này đã giảm hẳn và đến mùa hè năm nay gần như cạn kiệt hoàn toàn”.
Đâu là nguyên nhân cháy (!?)
Liên tiếp các vụ cháy rừng xảy ra trong một thời gian ngắn, hàng trăm ha rừng thông đang trong thời kỳ khai thác đã bị “giặc lửa” thiêu rụi nhưng đến nay các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh vẫn đang loay hoay đi tìm nguyên nhân gây cháy.
Trao đổi với Tamnhin.net, ông Nguyễn Sỹ Lương – Trưởng phòng Bảo vệ rừng Chi Cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay: “Việc rừng thông dễ cháy là do nhiều nguyên nhân. Ví như do sự quản lý của các chủ rừng còn kém, lực lượng chức năng mỏng, thời tiết nắng nóng, thực bì ở các rừng thông thường dày”.
Ông Lương còn cho biết thêm: “Do khi thu hoạch nhựa người dân thường để lại số thừa trên các thân cây nên khi cháy lửa thường bén rất nhanh.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi rừng, có những chủ rừng làm ăn kém hiệu quả cũng dể nảy sinh hiềm khích với các chủ rừng khác nên xẩy ra nhiều vấn đề.
Đặc biệt cũng có những vụ cháy rừng do chính con người đốt trực tiếp gây ra như ở Vũ Quang vừa rồi. Tuy nhiên, số vụ cháy rừng do người đốt bị bắt và bị phát giác là rất ít”.
Hiện nay có một luồng dư luận ở Hà Tĩnh cho rằng, không ngoại trừ trường hợp có chủ rừng muốn chuyển sang trồng các loại rừng khác khi họ thấy rừng thông không mang lại hiệu quả.
TG – LT
Nguồn: http://tamnhin.net/Canhbao/1561/-Bi-an-nhung-vu-chay-rung.html