Từ Thức
tuthuc-paris-blog.com
16.000 công nhân hãng Domex ở Quảng Nam, ngày 4/2, đã đình công vì nghi một người Tàu trong công ty bị nhiểm coronavirus. Cái sợ virus lớn hơn cái sợ Nhà nước.
Dân hết sợ: hơn cả những thiệt hại về nhân mạng, kinh tế, đó là điều mà tập đoàn cầm quyền e ngại nhất. Chế độ độc tài nào cũng xây dựng, và tồn tại, trên sự sợ hãi. Những bản án nặng dành cho những người chống đối, những cuộc đàn áp dã man không có mục đích gì khác hơn là reo rắc kinh hoàng, để củng cố quyền lực.
Giao kèo
Người dân, trước bạo lực, chấp nhận tất cả: một chính quyền thiếu khả năng, vô tư cách, tham nhũng, tàn phá môi trường, chà đạp nhân quyền, và ngay cả bán nước. Vì tất cả những điều đó có thể coi như “chính trị”, không liên hệ trực tiếp tới mỗi cá nhân. Nhưng virus là chuyện khác. Đó là cái chết trước mắt. Cái sợ virus lớn hơn cái sợ công an.
Các chính quyền độc tài, dù độc ác tới đâu, dù quyền uy tới đâu, cũng luôn luôn muốn chứng tỏ họ bảo đảm an ninh cho xã hội, và cái giá của cái an ninh giả tưởng đó là sự hy sinh tất cả quyền làm người.
Chính quyền độc tài chỉ sợ một điều: người dân thấy tập đoàn cầm quyền không nắm vững tình hình nữa, an ninh xã hội bị đe doạ. Khi đó, bạo lực hết hiệu quả.
Sự liên hệ giữa dân và Đảng giống như sự liên hệ giữa mafia và người buôn bán. Giao kèo ngầm là tôi đóng tiền cho anh, tôi tự bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trước những điều trái tai, gai mắt, cướp của, giết người của anh, với điều kiện anh bảo vệ an ninh cho tôi sống, cho tôi làm ăn.
Khi cái giao kèo đó bể, anh đi đường anh, tôi đường tôi.
Mafia nào cũng sợ có đối thủ tàn bạo hơn, khiến dân trong xóm thấy anh ta là một bọn ăn hại.
Chính vì vậy mà bên Tàu, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương công khai đổ lỗi cho nhau đã vi phạm những lỗi lầm tai hại trong việc giải quyết tệ trạng virus. Chính vì vậy Bắc Kinh không ngớt trấn an dân chúng, và cho hay họ sẽ dùng mọi phương tiện để chế ngự virus.
Chính vì vậy mà ở VN, người ta đe doạ “xử lý nghiêm trọng” những ai loan tin về virus, khác với tin tức của Nhà nước. Chính vì vậy mà đầy tớ các cấp làm chuyện lố bịch là thi nhau hô khẩu hiệu quyết đấu tranh, quyết chiến, quyết thắng, đối với một kẻ thù vô hình. Và khua chuông, gõ mõ khoe khoang đã điều trị được virus, trong khi ở những nước có tư cách, lương thiện, người ta giải thích cho dân là với virus (siêu vi khuẩn), trái với bactéries (vi trùng, vi khuẩn), không có thuốc kháng sinh nào hữu hiệu, chỉ có thuốc chủng ngừa, nhưng thuốc chủng ngừa phải chờ nhiều tháng, hay cả năm: từ khi “bắt” được virus, chế được thuốc chủng ngừa, còn phải thí nghiệm trên động vật, trên người…
Việc đầu tiên, với mỗi người là tránh bị lây, tạo cho mình một sức khoẻ tốt để đủ sức đương đầu với virus; với chính quyền là tìm cách chận virus lan tràn.
Về sức khoẻ, quá trễ, dân đã và đang trả giá cho sự tàn phá môi trường, ô nhiễm, thức ăn độc hại. Về cách chặn virus, Việt Nam tiếp tục mở tung biên giới tiếp nhận người Tàu, kể cả người Vũ Hán, trong khi nước Tàu bị cô lập với cả thế giới, kể cả những nước xa vạn dặm.
Hậu hoạn
Nhà nước sợ cái sợ virus của người dân. Và khi một anh khổng lồ tàn bạo bắt đầu sợ, anh ta mất hết sức mạnh của sự tàn bạo, của quyền uy. Anh ta trở thành hèn, bất lực. Nhất là bất lực. Hãy nhìn những ông tướng, những đại gia hôm trước hét ra lửa, thở ra khói, hôm sau khóc lóc trước toà, như đàn bà.
“Như đàn bà” là một cách nói lười biếng. Rất nhiều phụ nữ đứng trước toà án cộng sản không hề sợ hãi, không hề than khóc, không thèm van xin. Đáng lẽ phải viết “khóc lóc như tướng tá, van xin như đại gia”.
Tóm lại, nếu virus tiếp tục, nếu cái sợ virus lan truyền tới cả những người còn trung thành với chế độ, người ta khó đoán được hậu quả, ở bên Tàu cũng như ở Việt Nam.
Paris, 5/2/20
T.T.
Tác giả gửi BVN