Đồng Tâm – Đất và máu

Lê Phú Khải

Đầu thế kỷ 20, một sự kiện có liên quan đến đất và máu đã làm rung chuyển dư luận cả Việt Nam và Pháp quốc, in hằn vào lịch sử nước nhà suốt chiều dài thế kỷ. Thảm trạng này xảy ra vào sáng ngày 16-2-1928 trên cánh đồng Nọc Nạn thuộc làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ba người em trai và cô em dâu của nông dân Biện Toại đã chết, và, một tên cò Tây là Tournier đã thiệt mạng.

Gần một thế kỷ sau, ngày 9-1-2020, câu chuyện đất và máu vẫn diễn ra ở xã Đồng Tâm, cách Hồ Gươm Hà Nội 40 km. Một lão nông 84 tuổi, gần 60 tuổi Đảng, và 3 sĩ quan công an được vũ trang đến tận răng đã vĩnh viễn ra đi vào 4 giờ sáng một đêm đông tháng Chạp rét mướt, tối đen như mực áp Tết cổ truyền dân tộc!

Đất và máu Đồng Tâm sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử thế kỷ 21, và mãi mãi, dù chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam có còn hay mất, thì vết nhơ này vẫn còn mãi với những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ở thời điểm này, nó chia rẽ sâu sắc dân tộc Việt, một bên là Đảng độc tài cai trị và những người nghe theo Đảng, một bên là đa số nông dân, trí thức và những người còn lương tri. Nó là bước ngoặt trong linh hồn người Việt, nó xoá đi những hy vọng cuối cùng, như nông dân Lê Đình Kình (theo lời bà vợ – Dư Thị Thành) vẫn tin tưởng ở Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ “chống các nhóm lợi ích tham nhũng” đến cùng!

Máu ở Đồng Tâm như một thứ thuốc hiện hình làm rõ những điều mà trước đây người ta không thể nghĩ tới! Nó là một bước ngoặt vô hình của lịch sử.

Ngày 17-8-1928, Toà đại hình Cần Thơ đã xử vụ án Đồng Nọc Nạn. Trừ tờ La Dépeche L’indochine ra, thì tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt: L’écho Annamite, Đông Pháp thời báo, Le Courrier Saigonnais, La Tribune

Toà tuyên án: Biện Toại – người chỉ huy và trực tiếp tham gia “chiến đấu” với những kẻ đến cướp lúa thu hoạch trên mảnh đất gia đình Biện Toại khai hoang – được trắng án.

Luật sư Tricon biện hộ cho gia đình Biện Toại cho rằng, chính sách ruộng đất thời nhà Nguyễn công bằng và thích hợp với thực tế, trong khi những luật lệ về ruộng đất do người Pháp đặt ra có thể gây nhiều rắc rối vì sự quanh co và phức tạp… để bọn cường hào lợi dụng tha hồ tung hoành cướp bóc.

Cụ thể trong trường hợp của gia đình Biện Toại, năm 1910 Biện Toại đưa đơn xin khẩn hoang phần đất mà sau này tranh chấp, lúc đó chủ tỉnh có cấp biên lai. Nhưng Biện Toại bị cướp đánh lấy mất. Toại làm đơn xin bản lưu, thì bộ sổ ghi đơn xin khẩn đất vào năm ấy cũng bị mất (!). Đó là sự cố ý thủ tiêu hồ sơ trong văn khố cũ để bọn quan lại và cường hào thời đó tha hồ cướp đất.

Thực tế tranh chấp ruộng đất ở Đồng Nọc Nạn cách đây gần 100 năm giống hệt như ở Đồng Tâm Mỹ Đức Hà Nội hôm nay. Cũng quanh co che giấu bản đồ, hồ sơ gốc để đòi “thu hồi”, rồi ra tay đàn áp, cướp bóc!

Trong vụ Đồng Nọc Nạn, luật sư Tricon biện hộ cho gia đình Biện Toại đã khuyên những người Pháp cai trị ở Việt Nam: “Nên xây dựng ở xứ này một nền độc tài, không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim” (Nguyên văn: Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du cœur)!

Gần trăm năm sau, so sánh vụ Đồng Nọc Nạn với vụ Đồng Tâm, hiển nhiên người ta thấy thể chế và xã hội do thực dân Pháp cai trị vẫn văn minh và hơn hẳn xã hội đảng trị ở Việt Nam hôm nay. Báo chí được tự do đến tận nơi xảy ra sự cố, được đến dự phiên toà công khai để đưa tin. Luật sư được tự do bào chữa cho thân chủ. Toà án xử trên tinh thần pháp luật, và do đó người bị oan ức được tha bổng, vì, cò Tây Tournier đã bắn vào Mười Chức – em Biện Toại – trước. Người bị tấn công bằng vũ lực được quyền tự vệ đánh trả. Dư luận xã hội và báo chí đã ca ngợi Mười Chức như một người anh hùng, dù bị bắn trọng thương vẫn đủ dũng khí cố lao lên đâm đối phương. (Tournier chết sau đó 1 ngày).

Gần 100 năm sau, cái làng Hoành bé nhỏ đang ngủ say đã bị 3000 quân vũ trang đến tận răng xông vào bắn giết, lại còn bị chính quyền và báo chí bưng bô vu khống là quân khủng bố. Hoảng hốt trước sự việc 3 chiến sĩ công an chết trong đêm 9-1-2020, chính quyền đã dựng lên nhiều kịch bản giải thích về 3 cái chết đó một cách ngớ ngẩn và lố bịch, đến trẻ con cũng phải phì cười. Trắng trợn hơn, còn vu cáo cụ Kình trong lúc ngủ còn… cầm lựu đạn trong tay.

Vụ Đồng Tâm, nhà nước độc đảng, độc tài đã hành xử vô luân, vô pháp ở thời đại 4.0 thông tin nối mạng toàn cầu!

Ảnh: Tiếng Dân

Vì sao lại có chuyện lạ đời như thế? Vấn đề này sẽ còn được phân tích, mổ xẻ dài mãi về sau. Nhưng có một điều cần nói ngay là, từ Đông sang Tây, bất cứ một xung đột nào có sự hiện diện của nông dân là có yếu tố đất và máu. Đoạn điệp khúc của bài quốc ca Pháp La Marseillaire có điệp khúc: Tiến lên! Tiến lên! Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn tưới đẫm những luống cày của chúng ta! (Marchons! Marchons! Qu’un sang impur. Abreuve nos sillons!). Trong bài hát về cuộc tiến công đồi Him Lam mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ có câu: Máu đã đổ ở đây, máu đổ ta tưới luống cày!

Máu cụ Kình không uổng, vì dòng máu đó nối tiếp dòng máu cha ông giữ đất, giữ nước.

Ôi đất nước thiêng liêng của chúng ta!

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đồng Tâm. Bookmark the permalink.