Trọng Thành
Luật sư Ngô Anh Tuấn (Hà Nội) – một người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai – khẳng định chính quyền chưa đủ cơ sở pháp lý để dùng vũ lực cưỡng chế ”giải tỏa đất”.
Ảnh tư liệu: Xã Đồng Tâm, Hà Nội ngày 20/04/2017. STR / AFP
Sáng sớm hôm qua, 09/01/2020, đụng độ bùng lên tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, liên quan đến việc chính quyền cưỡng chế ”giải tỏa đất”. Luật sư Ngô Anh Tuấn (Hà Nội) – một người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai – khẳng định chính quyền chưa đủ cơ sở pháp lý để dùng vũ lực cưỡng chế ”giải tỏa đất”.
Trả lời RFI tiếng Việt, luật sư Ngô Anh Tuấn khẳng định bạo lực bùng phát tại xã Đồng Tâm, trong lúc khiếu nại pháp lý của người dân đối với quyết định của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội chưa được Thanh tra chính phủ chính thức giải quyết, và người dân đang hy vọng tiếp tục đối thoại với chính quyền nhằm làm sáng tỏ tranh chấp. Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng xác nhận ông đã bị các nhân viên chính quyền ngăn cản không cho vào xã Đồng Tâm.
Mời nghe : Luật sư Ngô Anh Tuấn (Hà Nội)
LS Ngô Anh Tuấn: ”Thanh tra chính phủ là cơ quan cấp trên sẽ phải ra một ”kết luận thanh tra”, ra một ”quyết định”, chứ không phải là một ”thông báo’‘. Việc họ làm là chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đã có văn bản khiếu nại (quyết định của Ủy ban Nhân dân Hà Nội) rồi, bây giờ chuyển cấp xử lý là Thanh tra chính phủ, nhưng Thanh tra chính phủ chưa trả lời một cách chính thức. Thanh tra chính phủ (phải) trả lời, với văn bản chính thức, kết luận là đúng hay sai như thế nào, chứ không thể nào bằng một ”thông báo” được”.
Về những uẩn khúc, lắt léo trong việc, trong chính quyền, có một thế lực bất ngờ ra lệnh dùng vũ lực giải tỏa đất tại Đồng Tâm, cho dù không có đủ cơ sở pháp lý, Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu giả thiết:
”Người ta (cơ quan tổ chức cưỡng chế) có thể xem cái ”thông báo” đó là cái ”quyết định”. Khi người ta mặc định cái đó là quyết định rồi, có thể họ không nhận định được (đúng) giá trị của văn bản này là như thế nào. Có thể, trong nội bộ của họ, thì họ xem cái ”thông báo” này như là Kết quả của sự rà soát lại giá trị của văn bản 2346 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Chúng tôi không được tiếp cận với quyết định, mà họ đã dùng để đi cưỡng chế, cụ thể như thế nào, nên chúng tôi không dám nhận định, nhưng chỉ e rằng họ không sử dụng thông báo này (của Thanh tra chính phủ), mà họ lại sử dụng Kết luận 2346 của Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội, để thực hiện.
Tôi nghĩ là họ không dại để sử dụng thông báo của Thanh tra chính phủ. Thông báo này họ coi chỉ như ”cái rà soát nội bộ” của họ thôi, chứ không xem là một ”quyết định hành chính”, để họ thực hiện, lấy làm căn cứ. Tôi nghĩ là với cấp độ của Thanh tra chính phủ họ đủ khôn ngoan, để họ biết rằng giá trị của nó như thế nào. Nhưng ra bên ngoài, cho người dân biết, thì họ coi cái này như một ”quyết định” có giá trị cuối cùng, là văn bản cao nhất. Và khi thực hiện thì họ lại căn cứ vào văn bản 2346 (kết luận thanh tra) của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định về thủ tục pháp lý tiếp theo mà người dân có thể khiếu nại về hành xử của Thanh tra chính phủ và Ủy ban Nhân dân Hà Nội:
“Nếu như Kết luận đó là sai, thì những người liên quan trực tiếp ở đây là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành sai, thì họ phải thực hiện việc bồi thường.
Ở đây người dân cũng hoàn toàn có thể, hoặc thứ nhất là khiếu nại lên thủ tướng, hoặc thứ hai là khởi kiện ra tòa (về hành xử của Thanh tra chính phủ). Trong trường hợp này, nếu như Thanh tra chính phủ trả lời mà người dân không đồng ý thì khởi kiện ‘‘quyết định hành chính’’. Còn nếu không trả lời, thì khởi kiện ”hành vi hành chính” – là việc đã không trả lời. Kiện ra Tòa cấp cao. Tòa cấp cao có thể ủy quyền cho Tòa thành phố Hà Nội. Đúng thẩm quyền thì Tòa cấp cao sẽ xét xử sơ thẩm, nếu như họ thụ lý vụ án.
Tôi nghĩ là trong phần công việc này, Thanh tra chính phủ không thể vô can được. Chính cách giải quyết không rốt ráo của họ, không rõ ràng, và quan trọng nhất là họ không đối thoại thực chất với người dân, khiến cho sự việc âm ỉ kéo dài hơn (theo LS Ngô Anh Tuấn, sở dĩ người dân Đồng Tâm không khiếu nại về ”thông báo” của Thanh tra chính phủ, vì bản thông báo này không có giá trị pháp lý, và đòi hỏi này chắc chắn sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền về tư pháp từ chối).
Chính họ cũng sẽ bất ngờ. Nếu tất cả các thông tin mà cơ quan có thẩm quyền Nhà nước đưa ra là chính xác thì rất là kinh khủng. Chúng tôi không thể nào hình dung được một cái kết cục nó bi thương như vậy”.
LS Ngô Anh Tuấn cho biết thêm về các diễn biến trước khi xảy ra biến cố bạo lực tại Đồng Tâm:
LS Ngô Anh Tuấn (Hà Nội)
”Khi làm đại diện cho người dân, chúng tôi luôn khuyến cáo người dân phải bình tĩnh, và kiên trì đối thoại. Đề nghị Thanh tra chính phủ và các cơ quan có liên quan khác đối thoại. Tuy nhiên, chúng tôi đã gửi gần chục văn bản liên tục, đề nghị đối thoại, nhưng bên Tiếp dân, và Thanh tra chính phủ không có cuộc đối thoại chính thức, thực tế với người dân.
Mới đây, sau này, có một buổi làm việc, mà Thanh tra chính phủ đề nghị Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm mời một số người liên quan đến làm việc theo kế hoạch của Thanh tra chính phủ, chứ không phải theo đơn của những người đề nghị khiếu nại, cho nên người dân đã không đến. Buổi làm việc đó của Thanh tra chính phủ không mang lại hiệu quả. Việc đối thoại giữa người dân và chính quyền chưa đi vào thực chất. Thực tế, ngay cả ngày hôm qua, chúng tôi vô cùng bất ngờ, chúng tôi không hiểu được tại sao hai bên có hành động thiếu kiểm chế như thế!”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho biết là người dân Đồng Tâm thực sự muốn tháo gỡ mâu thuẫn ”về mặt nội dung”. Cụ thể là vùng đất tranh chấp này, nếu bên Quốc phòng cho là đất quốc phòng, thì cần trưng ra các văn bản pháp lý, để đối chứng với các văn bản pháp lý của phía người dân Đồng Tâm, trước sự chứng kiến của Thanh tra chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân Hà Nội, cùng tất cả các cơ quan liên quan đến đất đai ở địa phương này. Người dân cũng sẵn sàng chấp nhận lẽ phải về phía Bộ Quốc phòng, nếu cơ quan này có đủ cơ sở pháp lý. Đáng tiếc là việc đối thoại về các văn bản pháp lý liên quan đến vùng đất tranh chấp đã không diễn ra.
Người dân thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình
Báo chí chính thức Việt Nam xác nhận người dân bị chết trong vụ xảy ra tại Đồng Tâm hôm qua là ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm người dân khiếu kiện vụ tranh chấp đất đai tại đây.
Theo Vietnamnet, đại diện Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm hôm nay, 10/01/2020, cho biết là xã vừa bàn giao thi thể ông Lê Đình Kình cho người nhà.
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất đồng Sênh, đã được Thủ tướng ký quyết định bàn giao cho đơn vị quốc phòng quản lý. Theo Vietnamnet, ông Lê Đình Kình đã bị tử vong trong vụ ”chống người thi hành công vụ”. Thông tin về cái chết của ông Lê Đình Kình và con trai Lê Đình Chức đã lan truyền trên mạng từ nhiều tiếng đồng hồ qua.
Theo thông báo của bộ Công An hôm qua, trong vụ này đã có 3 cảnh sát “hy sinh”, nhưng cho tới nay, danh tính của các cảnh sát này chưa được công bố.
Theo thông báo của chính quyền, bạo lực bùng lên tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, sáng hôm qua, trong lúc một số đơn vị quân đội ”phối hợp với lực lượng chức năng” xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, Hà Nội, với hậu quả là một người dân và ”ba chiến sĩ công an” thiệt mạng.
Trên các mạng xã hội lan truyền thông tin về việc các lực lượng vũ trang, với hàng ngàn người, bao vây và tấn công dân chúng tại Đồng Tâm bằng lựu đạn cao su, hơi cay, dùi cui, đánh đập, kể cả người già và trẻ nhỏ. Nhiều người phải đưa đi cấp cứu vì bị bắn chấn thương, bị khói cay…
Chính quyền ”sẽ xem xét” yêu cầu tác nghiệp của báo chí nước ngoài
Ngay trong buổi họp báo chiều qua, trả lời phóng viên quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chính quyền Việt Nam sẽ xem xét yêu cầu của báo chí. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định yêu cầu tác nghiệp của các cơ quan truyền thông nước ngoài tại khu vực Đồng Tâm ”sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét”. Cho đến nay, theo các nguồn tin tại chỗ, toàn bộ khu vực xung quanh xã Đồng Tâm bị phong tỏa hoàn toàn. Các phóng viên độc lập trong nước, luật sư không thể tiếp cận với hiện trường.
Bốn tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ra Tuyên bố Đồng Tâm 09/01/2020, gồm 5 điểm, kêu gọi nhà cầm quyền ”chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang (quân đội, công an, các lực lượng khác) dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với nhân dân Đồng Tâm và với tất cả các địa phương ở Việt Nam”, chính quyền phải ”đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, đồng thời không được ngăn cản người dân và các tổ chức xã hội dân sự, báo chí tự do đến đưa tin, cứu hộ, giúp đỡ người dân Đồng Tâm trong lúc họ bị đàn áp”.
T.T.
Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200110-vụ-đồng-tâm-ch%C3%ADnh-quyền-chưa-đủ-cơ-sở-pháp-lý-để-dùng-vũ-lực-cưỡng-chế-giải-tỏa-đất